SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
3
1
3
2
Hợp tác phát triển 21 Tháng Mười Hai 2007 7:30:00 CH

Kế hoạch hợp tác phát triển lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007 – 2010

Thực hiện Bản Kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007-2010 ký kết ngày 10/8/2007 giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh thống nhất Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2007-2010 như sau:


I- KẾ HOẠCH HỢP TÁC ĐẾN NĂM 2010:

1- Phương hướng hợp tác:

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh xác định việc hợp tác, liên kết giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của hai địa phương là nhiệm vụ chiến lược lâu dài nhằm phát huy lợi thế của hai địa phương trên nguyên tắc hai bên cùng phát triển, tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành tham quan, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển trong việc quản lý, sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, phát triển với tốc độ cao, bền vững trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của hai địa phương.

Kế hoạch hợp tác cần phù hợp với điều kiện địa lý và vai trò của từng địa phương trong vùng, tỉnh Tây Ninh nằm trong khu vực vành đai của thành phố Hồ Chí Minh, nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch và chất lượng; Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường rộng lớn, là trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong vùng và cả nước; nơi cung cấp, chuyển giao các công nghệ hiện đại, tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho tỉnh Tây Ninh.

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp trong những việc còn dở dang, hai địa phương cần tập trung chú trọng các hợp tác mới phù hợp với giai đoạn hội nhập và yêu cầu liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch ngành (cần phối hợp trao đổi, lấy ý kiến nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ, phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), lĩnh vực phòng chống dịch bệnh trên cây trồng (rầy nâu; bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá;…), vật nuôi (cúm gia cầm, lở mồm long móng, hội chứng rối loạn hô hấp sinh sản ở lợn…) và thuỷ sản.

2- Nội dung hợp tác:

2.1- Về công tác khuyến nông, khuyến ngư:

Tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Cụ thể như sau:

a) Về khuyến nông:

- Học tập kinh nghiệm: Tham quan học tập các mô hình nông dân sản xuất giỏi, tổ chức các hội, câu lạc bộ cây kiểng, cá cảnh.

- Tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao thông qua các cuộc hội thảo đánh giá và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ.

- Hàng năm, tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm về công tác tư vấn dịch vụ khuyến nông, các dự án khuyến nông tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh.

- Hợp tác trong công tác đào tạo, tập huấn cán bộ khuyến nông.

- Trao đổi về thông tin khuyến nông, giá cả, thị trường nông sản.

b) Về khuyến ngư:

- Chuyển giao kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng nha.

- Xây dựng mô hình quản lý khai thác thuỷ sản hồ Dầu Tiếng.

- Đào tạo cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản.

- Kêu gọi đầu tư  nuôi trồng và chế biến cá tra (nuôi tập trung theo quy hoạch thuỷ sản).

2.2- Về công tác chăn nuôi thú y:

Tiếp tục hợp tác trong công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

- Công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là đối với trâu, bò, heo, gia cầm. Thông báo các phương tiện chuyên dùng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật về thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện công tác tiêu độc, sát trùng, niêm phong, kẹp chì các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hai địa phương đối với hàng hoá sản phẩm động vật xuất tỉnh.

- Kiểm dịch tận gốc các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi. Giám sát tình hình tiêm phòng các bệnh theo quy định.

- Công tác chẩn đoán, xét nghiệm (huyết thanh) phục vụ cho công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm về thành phố Hồ Chí Minh và giám sát dịch tễ đàn gia súc, gia cầm tại tỉnh Tây Ninh, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

- Công tác phòng chống bệnh dại và bắt chó chạy rông. Đặc biệt phối hợp trong công tác bắt chó, quản lý chó chạy rông của Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tích cực trong việc tiêm phòng dại cho chó, hạn chế việc thả chó chạy rông gây ảnh hưởng an ninh, trật tự và môi trường. Phối hợp trong việc kiểm dịch vận chuyển chó về thành phố Hồ Chí Minh.

- Công tác hỗ trợ đào tạo kỹ năng chẩn đoán phòng thí nghiệm.

- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, chuyển giao công nghệ phát triển chăn nuôi bò sữa.

2.3- Về công tác bảo vệ thực vật:

- Thông báo về diễn biến tình hình dịch hại cây trồng định kỳ, kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả.

- Trao đổi thông tin về khoa học kỹ thuật, phương pháp phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rau an toàn ổn định, lâu dài; phương pháp chứng nhận vùng sản xuất và sản phẩm rau an toàn.

2.4- Về chế biến, tiêu thụ nông sản:

Trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ qua lại trong các mặt:

- Chế biến gia súc, gia cầm: quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

- Nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

- Đầu tư và tiêu thụ rau sạch, trái cây vào các siêu thị của thành phố Hồ Chí Minh (Coopmark, Metro).

- Hợp tác trong công tác tiếp thị, đặt hàng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh thu mua nông sản tại tỉnh Tây Ninh.

2.5- Về công tác thuỷ lợi:

- Hợp tác trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn nước kênh Đông, hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, cống trên kênh Thầy Cai …

- Hợp tác trong công tác kiên cố hoá kênh tiêu T38, kênh tiêu N23; nạo vét kênh tiêu Suối Ràng …

- Hợp tác trao đổi công nghệ trong lĩnh vực xây dựng công trình thuỷ lợi, tiêu thoát nước, hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi kết hợp với hạ tầng nông thôn, chống ô nhiễm đầu nguồn.

 

2.6- Về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp:

- Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh tạo mọi điều kiện, hỗ trợ đất đai và ưu tiên cho các nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh Tây Ninh, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

- Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, tư vấn trong việc:

+ Thực hiện các dự án rau an toàn, phát triển bò sữa, bò thịt, heo hướng nạc…

+ Công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi.

+ Tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là bò sữa, sản phẩm gia súc, gia cầm.

+ Cung cấp cây, con giống tốt (rau, cây kiểng, bò sữa, bò thịt, heo).

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trên cơ sở chương trình hợp tác được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh ký kết, Lãnh đạo hai Sở có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đồng thời giao Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có liên quan trao đổi, xây dựng kế hoạch hợp tác theo những nội dung cụ thể, đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Định kỳ 3 tháng các đơn vị có báo cáo về Sở để lãnh đạo hai Sở có chỉ đạo kịp thời.

2. Mỗi Sở cử một đồng chí Phó Giám đốc trực tiếp chỉ đạo chương trình hợp tác.

           3. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai địa phương định kỳ tổ chức các cuộc họp (6 tháng hoặc 1 năm/lần) để đánh giá tình hình thực hiện; trao đổi, thống nhất các vấn đề hợp tác cần điều chỉnh, bổ sung. Địa điểm họp do lãnh đạo hai sở thống nhất và quyết định cụ thể./.

 

 
(21/12/2007


Số lượt người xem: 14360    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm