SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
1
3
3
5
Hợp tác phát triển 04 Tháng Tám 2008 7:25:00 CH

Kết quả thực hiện Chương trình hợp tác với các tỉnh

Thực hiện các bản thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006 – 2010 giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh . Trong thời gian qua kết quả thực hiện các chương trình hợp tác với các tỉnh đã ký kết như sau:

 1- Kết quả hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi thú y:

1.1. Về công tác phòng chống dịch bệnh động vật:

- Cùng thực hiện phương châm phòng dịch tầm xa, Chi cục Thú y thành phố và Chi cục Thú y các tỉnh đã thông báo cho nhau tình hình dịch tễ trên đàn gia cầm, gia súc xuất nhập có nguồn gốc từ các tỉnh. Trong năm 2007 qua kết quả kiểm tra lâm sàng và xét ngiệm, Chi cục Thú y thành phố đã xử lý 6 trường hợp gia súc bệnh lở mồm long móng, tiêu huỷ 32 con heo có nguồn gốc từ tỉnh Long An nhập về các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố và đã thông báo kịp thời cho Chi cục Thú y Long An có biện pháp xử lý.

- Chi cục Thú y có sự gắn kết hỗ trợ các tỉnh trong việc kiểm tra giám sát dịch bệnh nhằm đảm bảo cung cấp nguồn sản phẩm gia cầm an toàn cho người tiêu dùng thành phố. Trong năm 2007, Chi cục Thú y thành phố đã xét nghiệm giám sát huyết thanh đàn gia cầm, thuỷ cầm từ các tỉnh nhập vào các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố và do các tỉnh gửi mẫu, kết quả như sau:

+ Giám sát virus cúm gia cầm: 5037 mẫu/320 đàn/tổng đàn 344.826 con đã tiêm vaccin Trovac và vaccin vô hoạt có nguồn gốc từ các tỉnh nhập vào các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố, kết quả không phát hiện mẫu nhiểm virus cúm gia cầm.

+ Đánh giá hàm lượng kháng thể sau khi tiêm phòng vaccine vô hoạt nhập vào các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố có nguồn gốc từ các tỉnh:

Gà: 2.056 mẫu/145 đàn/tổng đàn 122.484 con, kết quả có 923 mẫu có kháng thể đủ bảo hộ (44,89%) đồng thời chỉ có 54 đàn đủ bảo hộ (37,24%).

Vịt: 5.689 mẫu/368 đàn/tổng đàn 335.933 con, kết quả có 720 mẫu có kháng thể đủ bảo hộ (12,65%) đồng thời chỉ có 25 đàn đủ bảo hộ (6,79%).

- Tiếp tục triển khai chương trình hợp tác trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, giám sát các cơ sở giết mổ gia cầm, kinh doanh trứng ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm chăn nuôi từ các hộ, trang trại chăn nuôi của các tỉnh; phối hợp quản lý chặt nguồn gốc đàn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập về thành phố, từ đó giám sát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi liên kết hình thành chuỗi sản xuất an toàn từ chăn nuôi công nghiệp gắn với giết mổ tập trung và hệ thống kinh doanh có bao bì, thương hiệu. Kết quả một số mô hình đã hình thành và ngày càng phát triển như các công ty: Huỳnh gia Huynh Đệ, Phú An Sinh, Công ty Ba Huân…

- Thực hiện 11 mẫu xét nghiệm dại cho chó và mèo do các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng gửi. Kết quả đã phát hiện 05 mẫu dương tính với bệnh dại (Long An: 1, Đồng Nai: 1, Lâm Đồng: 1, Tây Ninh: 1, Sóc Trăng: 1). Chi cục Thú y thành phố đã thông báo nhanh cho Chi cục Thú y các tỉnh và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Tăng cường phối hợp kiểm tra các địa bàn giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh Tây Ninh, Long An và Bình Dương, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi chấp hành việc xử lý gia súc bệnh, tránh bán chạy hoặc vứt xác gia súc bệnh trên sông rạch, ra nơi công cộng làm lây lan dịch bệnh.

1.2. Về công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ,kiểm tra vệ sinh thú y:

- Số lượng gia súc, gia cầm từ các tỉnh vận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ trong năm 2007 như sau:

Gia cầm: 14.442.033 con

Trâu bò : 4.349 con

         : 5.680 con

Heo       : 2.234.980 con

- Phối hợp trong công tác kiểm soát đảm bảo gia súc, gia cầm được vận chuyển giữa địa bàn các tỉnh được kiểm dịch chặt chẽ đúng quy định theo Điều lệ kiểm dịch động vật. Kịp thời thông báo và bàn biện pháp chấn chỉnh nhanh, xử lý nghiêm khi có đối tượng vi phạm. Trong năm 2007, Chi cục Thú y thành phố đã thông tin phản hồi cho Chi cục Thú y các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang và Phú Yên 106 trường hợp liên quan đến cán bộ thú y thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y chưa chặt chẽ, trong đó phương tiện vận chuyển không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y 81 trường hợp, sai số lượng giữa giấy kiểm dịch và thực tế 25 trường hợp. Chi cục Thú y thành phố cũng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 3.397 trường hợp về kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật do thủ tục kiểm dịch chưa chặt chẽ, giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh không hợp lệ (sai số lượng, sai số xe…); điều kiện vệ sinh thú y không đảm bảo (thịt heo bơm nước, không được cạo rửa sạch…).

- Thành phố đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực xây dựng nguồn cung cấp gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn phục vụ cho thị trường thành phố, các tỉnh cùng khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, sản phẩm gia cầm phải có bao bì, nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm với ngành y tế. Đến nay trên địa bàn thành phố có 3 cơ sở giết mổ gia cầm với 19 thương hiệu, tại các tỉnh có 31 thương hiệu sản phẩm gia cầm đưa về thành phố tiêu thụ. Thành phố cũng đã thông báo rộng rãi các thương hiệu được phép lưu hành để người tiêu dùng biết.

- Trong năm 2007, Chi cục Thú y đã tiếp tục thực hiện Quyết định số 31/2005/QĐ-UB ngày 17/2/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố, phốI hợp vớI các tỉnh chấn chỉnh điều kiện vệ sinh phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ tỉnh về thành phố. Kết quả hầu hết phương tiện vận chuyển động vật từ các tỉnh về thành phố và trên địa bàn thành phố đều là xe chuyên dùng; trong 204 phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ cơ sở giết mổ của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Long và An Giang về các chợ trên địa bàn thành phố có 109 xe chuyên dùng có trang bị thiết bị bảo ôn (53,43%) và 95 xe có dàn móc treo quày thịt (46,57%).

- Chi cục Thú y thành phố cũng đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh Long An và Đồng Nai hướng dẫn quy trình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo yêu cầu vệ sinh cho 2 cơ sở giết mổ gia súc và 2 cơ sở giết mổ gia cầm có sản phẩm xuất về thành phố nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng thành phố.

2- Kết quả thực hiện chương trình hợp tác với chi cục thuỷ sản:

2.1. Công tác thông tin, tuyên truyền:

Trong năm 2007 Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản tỉnh Kiên Giang tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản và các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản cho đối tượng là chủ tàu cá, thuyền trưởng, chủ cơ sở thu mua thuỷ hải sản, có 98 người tham dự.

2.2. Công tác trao đổi kinh nghiệm:

- Trao đổi kinh nghiệm với Chi cục thuỷ sản Bình Thuận về phương pháp kiểm tra nhanh kháng sinh Chloramphenicol trên sản phẩm thuỷ sản.

- Trao đổi công tác chuyên môn về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hoá chuyên ngành thuỷ sản, xác nhận công bố chất lượng hàng hoá chuyên ngành thuỷ sản với Chi cục thuỷ sản Long An, An Giang, Kiên Giang.

2.3. Công tác kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu:

Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang, Ninh Thuận,Vũng Tàu, Phú Yên, Khánh Hoà, Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Ngãi thực hiện giám sát cách ly kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất các mặt hàng: cá cảnh, tôm sú bố mẹ, tôm hùm giống, tôm thẻ bố mẹ chân trắng, tôm post sú, cá chẽm bột, cá chim giống, cá mú giống, cá lăng giống, cá rô giống.

2.4. Công tác thanh tra, kiểm tra:

- Năm 2007 Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục thuỷ sản các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai thực hiện kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo chỉ thị số 01/1998/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản, tăng cường kiểm tra quản lý tàu cá, cụ thể:

+ Tổng số phương tiện kiểm tra: 132 ;

+ Các phương tiện có hành vi vi phạm: 50 (sử dụng kích điện), phạt tiền 39.800.000 đồng; áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả 29 vụ gồm tịch thu buộc tiêu huỷ 20 dinamo, 8 kích điện, 6 bộ lưới cào, te.

- Ngoài ra Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp Chi cục thuỷ sản các tỉnhthực hiện kiểm soát chất lượng hàng hoá chuyên ngành thuỷ sản như thuốc thú y thuỷ sản, thức ăn nuôi thuỷ sản lưu hành trên thị trường.

3- Kết quả thực hiện chương trình hợp tác về thuỷ lợi với tỉnh Tây Ninh:

3.1. Phối hợp quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước kênh Đông - Hồ Dầu Tiếng:

- Công ty Quản lý khai thác-Dịch vụ thuỷ lợi đã đăng ký kế hoạch dùng nước hàng năm, nhu cầu dùng nước đến năm 2010 với Hồ Dầu Tiếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho thành phố Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực:

+ Chủ động phục vụ sản xuất theo chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố giai đoạn 2006-2010.

+ Cấp nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp cho thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn sau 2008 đến năm 2020).

+ Tạo nguồn nước cho công trình Hóc Môn - Bắc Bình Chánh phục vụ tưới tiêu, cải tạo môi trường, phòng chống cháy mùa khô, giảm thiểu ô nhiễm trên các kênh rạch vùng hạ du.

- Phối hợp Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng và Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Tây Ninh xây dựng kế hoạch vận hành công trìnhphù hợp, đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất và hài hoà lợi ích cùa 2 địa phương.

- Phối hợp Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng xây dựng kế hoạch vận hành, xả lũ công trình hợp lý, đảm bảo nhiệm vụ tích nước cho hồ, phòng tránh lũ, triều cường, đẩy mặn vùng hạ du sông Sài Gòn và Hóc Môn - Bắc Bình Chánh.

3.2. Tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình cống ngăn lũ kênh Thầy Cai (cống Cầu Hàn), báo cáo các tồn tại, chuẩn bị phương pháp phối hợp cùng địa phương (huyện Trảng Bàng) tiếp nhận bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo chỉ đạo của thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.3. Phối hợp trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước các công trình thuỷ lợi:

- Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý rong trên kênh chính Đông, đảm bảo thông thương dòng chảy; thu gom, không vứt vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh gây ô nhiễm nguồn nước.

- Không nuôi thuỷ cầm trên kênh rạch, không vứt bỏ xác chết động vật, gia cầm, thuỷ cầm trên kênh nhằm hạn chế và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất đầu nguồn, nhát là khu công nghiệp Linh Trung (Trảng Bàng) trong việc thu gom và xử lý nước thải theo quy định, phòng chống ô nhiễm nguồn nước các công trình thuỷ lợi. Đề xuất xây dựng trạm kiểm soát chất lượng nước tại kênh T38 thuộc dự án nạo vét, nâng cấp kênh T38.

- Chủ động lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước kênh Thầy Cai, kịp thời phản ánh tình trạng ô nhiễm để có biện pháp phối hợp hai địa phương trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước kênh Thầy Cai.

4- Kết quả hợp tác với các tỉnh về công nghệ sinh học:

Trong năm 2006-2007 Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Sở đã thực hiện hợp tác với các tỉnh: Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre. Kết quả:

4.1. Hợp tác với tỉnh Bình Thuận:

- Trung tâm Công nghệ sinh học đã hợp tác với Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bình Thuận:

Đào tạo 2 kỹ thuật viên về nuôi cấy mô; Chuyển giao kỹ thuật nhân giống nuôi cấy mô đối với 1 số giống hoa lan và cung cấp cây con giống phục vụ cho công tác chuyên môn (do Trung tâm Công nghệ sinh học nhập nội, sưu tập); Chuyển giao 3 giống khoai mì cao sản (nhập nội) và quy trình kỹ thuật canh tác các giống khoai mì mới này.

- Trung tâm Công nghệ sinh học đã hợp tác với Trung tâm khuyến ngư Bình Thuận nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm thức ăn (ASV) tăng khả năng kháng bệnh virus trên tôm sú giống; Hỗ trợ và cung cấp, chuyển giao kỹ thuật sử dụng Kit PCR phát hiện 3 loại bệnh virus tôm sú. Bộ Kit này do Trung tâm Công nghệ sinh học nghiên cứu, chế tạo. Kết quả tốt và được đơn vị bạn chấp nhận sử dụng do giá thành rẻ và chất lượng tốt.

4.2. Hợp tác với Chi cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản tỉnh Cà Mau:

- Nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm thức ăn (ASV) tăng khả năng kháng bệnh virus trên tôm sú giống.

- Hỗ trợ và cung cấp, chuyển giao kỹ thuật sử dụng Kit PCR phát hiện 3 loại bệnh virus trên tôm sú.

- Hỗ trợ lắp đặt và kỹ thuật vận hành hệ thống thiết bị thuộc phòng phân tích bệnh thuỷ sản của Chi cục.

4.3. Hợp tác với Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp:

 - Đã đào tạo 2 kỹ thuật viên về nuôi cấy mô. Chuyển giao kỹ thuật nhân giống nuôi cấy mô đối với 1 số giống hoa lan và cung cấp cây con giống hoa lan phục vụ cho công tác chuyên môn (giống do Trung tâm Công nghệ sinh học nhập nội, sưu tầm).

- Hỗ trợ kỹ thuật cho phòng thí nghiệm nuôi cấy mô của Trung tâm giống. Hai bên đang hợp tác để xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống một số loại kiển lá để cung cấp cây con giống cho vùng hoa Sa Đéc.

4.4. Hợp tác với Trung tâm khuyến ngư các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre:

Cung cấp và chuyển giao kỹ thuật sử dụng Kit PCR phát hiện 3 loại bệnh virus trên tôm sú.

5- Kết quả hợp tác với các tỉnh trong công tác khuyến nông:

Trong năm 2006-2007 Trung tâm Khuyến nông trực thuộc Sở đã thực hiện hợp tác với các tỉnh sau: Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Long An, Đắk Lắk, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Cao Bằng, Bình Phước. Kết quả:

- Liên kết, trao đổi thông tin giá cả thị trường, quảng bá khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, tham quan học tập các mô hình sản xuất tốt, các cá nhân và đơn vị sản xuất kinh doanh giỏi.

- Hợp tác trao đổi thông tin xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức quang bá như trên tập san, thông tin giá cả, trang web khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh.

- Hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm trong việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch, lập các dự án đầu tư sản xuất rau an toàn, cây cảnh, hoa cá cảnh, phát triển hạ tầng nông nghiệp, ngành nghề nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị. Giới thiệu cẩm nang rau mầm và phương thức sản xuất, tiêu thụ.

- Xây dựng các mô hình điểm, hướng dẫn người chăn nuôi thiết kế chuồng trại, kỹ thuật nuôi, biên soạn các tài liệu tuyên truyền liên quan, thử nghiệm các mô hình nuôi lươn, cá da trơn, hoa kiểng, rau an toàn.

- Trao đổi kinh nghiệm hoạt động dịch vụ khuyến nông.

- Hỗ trợ trong công tác khuyến nông như chuyển giao quy trình công nghệ, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn giống, lợn thịt.

- Liên kết đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, cán bộ khuyến nông…

- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý bộ máy khuyến nông và xây dựng mạng lưới khuyến nông cơ sở.

- Hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, xây dựng làng nghề…

Ngoài các nội dung hợp tác đã nêu trên, trong hai năm 2006-2007 Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh đã đón tiếp và hướng dẫn tham quan, trao đổi kinh nghiệm với trên 30 đoàn (trên 30 người/đoàn) nông nghiệp và nông thôn các tỉnh đến thăm và làm việc tại huyện Củ Chi; 7 đoàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Long An đến thăm nông nghiệp tại huyện Bình Chánh, Bình Tân…và cung cấp, trao đổi thông tin qua bản thông tin giá cả, kinh nghiệm gần xa, tập san khuyến nông cho tất cả các Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh.

 

(Nguồn: Phòng Kế hoạch Tài chính)


Số lượt người xem: 2602    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm