SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
1
7
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 Tháng Chín 2005 9:20:00 SA

Tìm hiểu làng nghề trồng hoa ở Trung Quốc

Trồng hoa, bồn cảnh đã có hàng ngàn năm trước ở Trung Quốc, nhưng 20 năm trở lại đây mới thực sự trở thành một nghề trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở đất nước rộng lớn này. Ông Triệu Lương Quân, GS.TS Trường Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội hoa Thượng Hải đón và đưa chúng tôi đi thăm, gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hoa; tuy rất vui vẻ, thân tình nhưng ông không nói gì, chỉ hứa hẹn : “Các bạn cứ tìm hiểu, chừng nào về Bắc Kinh mới đến phần của tôi”.
 
   

 
Vân Nam từ lâu rất nổi tiếng với nghề trồng thuốc lá và chè; ngoài ra còn trồng rau và cây lương thực. Nhưng bây giờ thì hoa nổi lên như là ngành sản xuất chính trong kinh tế nông nghiệp ở cái tỉnh cao hơn mặt biển đến hơn 2.000 mét này. Với mức lãi 1 vạn nhân dân tệ/mẫu Trung Quốc/năm (tương đương 300 triệu đồng Việt Nam/ha/năm), nghề trồng hoa đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo và đời sống của 10 triệu hộ nông dân sản xuất đến 70% hoa của tỉnh.

Đến nay diện tích trồng hoa Vân Nam đã lên đến 14.000 ha, sản phẩm chủ lực là hoa Lily (bách hợp), hồng, cẩm chướng, cúc, …chiếm 40% thị phần cả nước. Doanh thu hàng năm 5,11 tỷ nhân dân tệ, xuất khẩu 41 triệu USD. Trong tổng số 790 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hoa, có 10% là cổ phần, còn lại là doanh nghiệp tư nhân, hầu hết đều có lãi, đầu tư hiệu quả nhất là doanh nghiệp tư nhân. Hai năm gần đây các nước Hà Lan, Singapor, Hàn Quốc, Nhật … đầu tư vào sản xuất - kinh doanh - dịch vụ về hoa tại Vân Nam ngày càng nhiều. Tỉnh đã dành ra 2.500 mẫu Trung Quốc để kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Nhờ đâu mà sản xuất và kinh doanh hoa Vân Nam năm 2004 tăng hơn năm trước 28%, năm 2005 dự báo còn cao hơn ?

Đó chính là do Chính phủ Trung Quốc và chính quyền địa phương rất quan tâm phát triển nghề trồng, kinh doanh, dịch vụ về hoa; giải quyết cho vay vốn ưu đãi, bù lãi suất và các chính sách hỗ trợ khác.

Tổng Hiệp hội Trung Quốc và Hiệp hội hoa các tỉnh tuy khác nhau về tổ chức và hoạt động nhưng đều làm tốt vai trò, chức năng của mình, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, tuyên truyền vận động, triển khai thực hiện và đề xuất chủ trương, quy hoạch và cả chính sách, biện pháp cho nhà nước chỉ đạo, quản lý và điều hành phát triển về hoa.

Ông Chủ tịch Hiệp hội hoa tỉnh Vân Nam nguyên là Giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết : “Hiệp hội hoa cấp tỉnh là một đơn vị hành chính sự nghiệp, có đủ các phòng ban, có cả bộ máy bao gồm 23 cán bộ đại học chuyên ngành. Trong đó, 15 người được hưởng lương công chức. Hiệp hội là cầu nối giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Nông dân; trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ khâu trồng hoa gì, cho đến việc tiêu thụ, vận chuyển, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, thông tin, triển lãm, hội chợ… Có thể nói mọi việc liên quan đến hoa, Hiệp hội là tổ chức chi phối có hiệu quả”.

Khác với Hiệp hội hoa tỉnh Vân Nam, Hiệp hội hoa thành phố Thượng Hải chỉ lo hai việc : sản xuất giống và tiêu thụ hoa.

Với 40 công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất giống, Thượng Hải cung cấp đủ các chủng loại giống cho Vân Nam, cả nước và xuất khẩu. Khi tôi hỏi về cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, ông Tiều Hữu Minh, Trưởng ban Thư ký nông nghiệp tỉnh cười : “ Thành phố chúng tôi chỉ sản xuất giống là đáng kể mà thôi !”.

Trung Quốc có 3 loại hiệp hội hoa : Hiệp hội các nhà sản xuất hoa, hiệp hội các nhà buôn bán hoa, hiệp hội các nhà bán lẻ hoa. Thượng Hải là thị trường hoa lớn nhất của Trung Quốc, có 14 chợ chuyên doanh về hoa, hơn 1.000 công ty chuyên doanh sinh vật cảnh. Do đó các hiệp hội các nhà bán lẻ hoa là tổ chức rộng lớn nhất, quan trọng nhất, hoạt động trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Trụ sở của Hiệp hội là một tòa nhà bề thế, trang bị hiện đại, là trung tâm thứ 308 của tổ chức hoa trên thế giới gồm 180 quốc gia, Trung Quốc là một thành viên. Nơi đây cung cấp thông tin cho Chính phủ và các doanh nghiệp để định hướng phát triển hoa; giao dịch và thanh toán quốc tế; đào tạo và huấn luyện kỹ thuật trồng và cắm hoa.

Khu nông nghiệp công nghệ cao (Cẩm Tú Đại Địa) ở Bắc Kinh cũng coi sản xuất giống là sản phẩm chính. Hàng năm đưa ra thị trường hơn 20 triệu cây giống hoa bằng phương pháp cấy mô. Cùng với Thượng Hải, Bắc Kinh là thị trường lớn về hoa. Tuy nhiên ta khó cạnh tranh về hoa, vì bạn đạt trình độ kỹ thuật tiên tiến, năng suất cao, giá thành hạ, sản phẩm đẹp, phong phú, đa dạng. Thành phố Hồ Chí Minh có thể đưa sang tiêu thụ các loại cây kiểng, bonsai và một số loại hoa nhiệt đới.

Trao đổi với ông Lương Triệu Quân và các nhà quản lý, sản xuất - kinh doanh hoa, bạn cho rằng : “Miền Nam của các bạn ở vào vùng khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho việc sản xuất giống và trồng nhiều chủng loại hoa. Nhà nước cần chú trọng đưa cây hoa trở thành một chương trình mục tiêu căn bản, lâu dài trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Ngoài ra thành phố Hồ Chí Minh cần đề ra các chính sách về đất đai, quy hoạch, vốn liếng, cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyên canh hoa. Đối với dự án “Trung tâm hoa kiểng Sài Gòn” ở Bình Chánh, chúng tôi đã sang khảo sát là phù hợp với một đô thị lớn và rất yêu hoa. Tôi và ông Phạm Chí Thường, chuyên gia quy hoạch và thiết kế ở Bộ Nông nghiệp và PTNT sẵn sàng làm tư vấn về quy hoạch, thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật và kể cả góp vốn. Việc hình thành một chợ hoa đầu mối để giải quyết đầu vào, đầu ra cũng là yêu cầu cấp thiết cho nghề trồng hoa của thành phố và các tỉnh phát triển”.

Chúng tôi thiết nghĩ những ý kiến của các bạn Trung Quốc có thể vận dụng vào chương trình, mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, của thành phố chúng ta.

 

 

                                  TRƯƠNG HOÀNG

                 Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố

 


Số lượt người xem: 9833    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm