SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
8
4
5
0
7
5
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 Tháng Tám 2007 2:40:00 CH

Các giải pháp phòng, chống dịch bệnh PRRS trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Ban chỉ đạo Thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố) đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh PRRS (hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo). Chủ trì cuộc họp: Ông Nguyễn Phước Thảo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
  -

       Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành liên quan (Sở Thương mại, Sở Y tế, Sở Giao thông Công chính, Chi cục Quản lý thị trường, Công an thành phố, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - VISSAN, Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện (5, 7, 8, 9, Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè), các phòng ban, đơn vị thuộc Sở (Phòng Nông nghiệp, Văn phòng Sở, Chi cục Thú y, Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng - Vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn, 24 Trạm Thú y các quận, huyện và 7 Trạm Khuyến nông các quận, huyện).

Sau khi Chi cục Thú y báo cáo về diễn biến hình hình dịch bệnh PRRS và bệnh liên cầu khuẩn (do vi khuẩn Streptococcus suis) trên heo, các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới và ý kiến của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y, các thành viên tham dự cuộc họp, Ông Nguyễn Phước Thảo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết luận và chỉ đạo như sau:

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đông dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước, vì vậy, bằng mọi nỗ lực, nguồn lực, thành phố phải quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh PRRS và bệnh liên cầu khuẩn trên heo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đàn gia súc thành phố; phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1, dịch bệnh Lở mồm long móng trên đàn gia súc của thành phố; thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm túc văn bản số 4696/UBND-CNN của Ủy ban nhân dân thành phố về chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh PRRS trên địa bàn thành phố. Giao thêm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh PRRS cho Ban chỉ đạo các quận, huyện, bằng mọi nỗ lực, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố; nếu có xảy ra phải xử lý nhanh, gọn, triệt để, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đề nghị các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp sau đây:

1. Theo Cục Thú y, gia súc chết thường là do nhiễm trùng kế phát các tác nhân bệnh khác như dịch tả, thương hàn, phó thương hàn, tụ huyết trùng… Vì vậy, Chi cục Thú y cần tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, nhất là các bệnh dịch tả, thương hàn và phó thương hàn, tụ huyết trùng trên đàn gia súc của thành phố trong đợt II/2007.

2. Tăng cường công tác truyền thông, giám sát đến các hộ chăn nuôi công nghiệp, hộ chăn nuôi nhập cư, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và người tiêu dùng kiến thức về bệnh PRRS, từng bước củng cố hành lang pháp lý, hạn chế dần, tiến tới xóa hẳn tình trạng chăn nuôi gia súc không thực hiện tốt công tác tiêm phòng, khai báo nhập xuất, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, điều kiện vệ sinh môi trường, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

2.1. Giao Ban chỉ đạo các quận, huyện:

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể các kiến thức về chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, cách ly, các biện pháp phòng bệnh, nhằm tăng cường sức đề kháng cho gia súc, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với các trại chăn nuôi tập trung cần tăng cường các biện pháp phòng vệ, không cho tham quan, tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh.

- Tiến hành rà soát, xử lý, lập biên bản các hộ chăn nuôi nhập cư không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, nhập heo không rõ nguồn gốc, làm cơ sở để xử lý không cho phép tiếp tục chăn nuôi trên địa bàn, xóa dần, tiến tới xóa hẳn tình trạng chăn nuôi tạm bợ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

- Tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng giết mổ, kinh doanh gia súc trái phép trên địa bàn.

2.2. Giao Chi cục Thú y:

- Phối hợp với các sở, ngành, Ban chỉ đạo các quận, huyện và các đơn vị liên quan tổ chức phân công lực lượng trực 24/24, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, trên các tuyến Quốc lộ, Liên tỉnh lộ, các cửa ngõ đi vào thành phố và vùng giáp ranh các tỉnh để phát hiện, xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc, sản phẩm gia súc bệnh; đặc biệt lưu ý nguồn gia súc từ vùng dịch PRRS và các tỉnh miền Trung. Kiên quyết xử lý các trường hợp nhập đàn gia súc trái phép.

- Tăng cường lực lượng tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, cơ sở giết mổ, chuẩn hóa các quy trình, thủ tục, thao tác kỹ thuật. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, Ban quản lý các chợ xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật trái phép.

- Tổ chức giám sát dịch tễ đàn gia súc, thống kê đàn gia súc, nhất là gia súc đến tuổi xuất chuồng, để phối hợp với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, các cơ sở giết mổ đưa đàn gia súc vào giết mổ, nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu của các cơ sở giết mổ và các trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp với Ban chỉ đạo các quận, huyện thực hiện công tác tuyên truyền, tổng tiêu độc, khử trùng thường xuyên, định kỳ tại các khu vực chăn nuôi, kết hợp các biện pháp nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

- Chuẩn bị các phương án, tình huống để chủ động hành xử nhanh, gọn, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

- Nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể về điều kiện chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố, bao gồm chăn nuôi tập trung, chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, điều kiện kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường trong chăn nuôi gia súc, để từng bước củng cố hành lang pháp lý, công bố, hướng dẫn các quận, huyện hạn chế dần, tiến tới giảm đàn và xóa hẳn trình trạng chăn nuôi gia súc không thực hiện tốt công tác tiêm phòng, khai báo kiểm dịch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng phương pháp kiểm tra, giám sát huyết thanh học thích hợp đối với các bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc nhằm có kế hoạch tiêm phòng phù hợp, kết hợp với các biện pháp an toàn sinh học.

3. Đề nghị Chi cục Thú y, Ban chỉ đạo các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung và khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh PRRS trên gia súc, bằng mọi nỗ lực, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố; nếu có xảy ra phải xử lý nhanh, gọn, triệt để, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất tình hình phòng, chống dịch của các địa phương trong thời gian tới.

Văn Phòng Sở.

(04/08/2007)

Số lượt người xem: 4090    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm