SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
6
6
7
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 31 Tháng Bảy 2007 2:45:00 CH

Hướng dẫn phòng chống dịch Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn

Ngày 24 tháng 7 năm 2007, Cục Thú y ban hành Hướng dẫn số 1080/TY-DT về các biện pháp kỹ thuật phòng chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn, toàn văn Hướng dẫn như sau:
 
 

              Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở lợn, đặc trưng bởi hiện tượng sảy thai ở lợn nái chửa hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở lợn con cai sữa. Hội chứng này lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ trong năm 1987 và sau đó được tìm thấy ở châu Âu và phát hiện được ở châu Á đầu những năm ‘90. Ngày nay, hội chứng này đã lây lan đến rất nhiều nơi trên thế giới, trở thành dịch địa phương ở các nước có ngành chăn nuôi lợn phát triển và hàng năm gây ra những tổn thất kinh tế rất lớn.

Vi rút gây bệnh thuộc họ Arteriviridae, giống Nidovirales. Thông qua phân tích gien vi rút phân lập được từ khắp nơi trên thế giới, người ta đã xác định được hai phân týp chính của vi rút này là: Týp I là các vi rút châu Âu (vi rút Lelystad) và týp II gồm các vi rút Bắc Mỹ. Thông thường, các týp vi rút này không gây ra tỷ lệ chết cao. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2006 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện nhiều trường hợp lợn ốm, chết. Ban đầu, nguyên nhân gây bệnh không được xác định rõ vì trong các ổ dịch thường phát hiện cả vi rút PRRS cùng các loại tác nhân gây bệnh khác. Gần đây, qua một nghiên cứu quy mô lớn tại Trung Quốc người ta đã xác định rằng vi rút gây bệnh PRRS tại Trung Quốc có khả năng là do vi rút PRRS týp II, thể cường độc gây ra. Khác với các thể vi rút khác, vi rút cường độc này gây bệnh và làm chết cả lợn trưởng thành và có tỷ lệ chết lên đến 20%. Gia súc chết thường là do nhiễm trùng kế phát các tác nhân  bệnh khác như Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, E. Coli, Streptococuss suis, Mycoplasma spp., Salmonella, v.v…

          Kể từ đầu năm 2007 đến nay, ở một số địa phương đã xảy ra dịch trên lợn, làm nhiều lợn bị chết. Trong tháng 3/2007 dịch xuất hiện tại Hải Dương, sau đó xuất hiện ở 07 tỉnh khác thuộc Đồng bằng sông Hồng gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng. Tháng 5/2007 dịch phát ra tại Quảng Nam và sau đó tiếp tục phát hiện thấy ở tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm đã xác định nguyên nhân bệnh là vi rút Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp.

          Để chủ động phòng dịch lây lan sang các tỉnh khác ở miền Trung, miền Nam và ngăn dịch tái phát tại các tỉnh miền Bắc, đề nghị các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 962/TTg-NN ngày 18 tháng 7 năm 2007 về phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn và Công điện số 29/CĐ-BNN ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn. Trong khuôn khổ văn bản này, Cục Thú y hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch cụ thể như sau:

1. Đối với các địa phương hiện đang có dịch

1.1 Công bố dịch

Thực hiện theo các quy định tại Pháp lệnh Thú y và Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Pháp lệnh Thú y 2004. Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên các ban ngành liên quan.

1.2 Tăng cường giám sát phát hiện bệnh

Tại thực địa cần tăng cường giám sát lâm sàng, sử dụng định nghĩa ca bệnh lâm sàng sau:

- Lợn sốt cao trên 40oC.

- Khó thở.

- Có những vết bầm, thâm tím trên da, một số trường hợp tai tím xanh lại.

- Lợn ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh.

Khi phát hiện trường hợp nghi bệnh cần tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu sau:

- Đối với mẫu máu (huyết thanh): lấy 2ml máu (chắt lấy 1ml huyết thanh) từ ít nhất 5 con lợn đang bị sốt cao (≥ 40oC); bảo quản trong thùng bảo ôn có đá lạnh và gửi về cho phòng thí nghiệm trong vòng 24 giờ.

- Đối với gia súc chết: Nếu mổ khám thì lấy mẫu bệnh phẩm phổi, hạch lâm ba xuất huyết hoặc amiđan. Nếu không mổ khám thì lấy hạch lâm ba vùng bẹn. Mỗi loại bệnh phẩm, lấy mẫu kích thước to bằng khoảng 2 đầu ngón tay, cho vào túi nilon, để vào thùng lạnh có đá và gửi về phòng thí nghiệm trong vòng 24 giờ. Nếu không thể gửi về trong ngày thì cần đông lạnh ở nhiệt độ - 20oC (cho vào ngăn đá của tủ lạnh thường), khi vận chuyển cần cho vào thùng lạnh có đá.

1. 3 Xử lý ổ dịch

1.3.1 Đối với xã mới xảy ra dịch:

- Khoanh vùng dịch: thôn, ấp có dịch được xác định là vùng dịch; phạm vi trong vòng bán kính 3 km xung quanh thôn, ấp có dịch được xác định là vùng giám sát.

- Cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, phân rác thải chăn nuôi ra và vào vùng dịch và vùng giám sát trong thời gian có dịch. Lập các trạm, chốt kiểm dịch ở các trục giao thông chính xung quanh vùng dịch và vùng giám sát với nòng cốt là cán bộ thú y cơ sở và có sự tham gia của các ban ngành liên quan tại địa phương như công an, quản lý thị trường, thanh niên, v.v…; đặt biển báo nơi có dịch gia súc.

- Tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch nhằm phát hiện các trường hợp gia súc bị bệnh, lập danh sách thống kê các hộ, cơ sở nuôi gia súc và các hộ có gia súc bị bệnh.

- Tiến hành tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh và hỗ trợ cho người chăn nuôi, không chờ kết quả xét nghiệm, không chữa trị. Việc tiêu hủy, chôn lấp gia súc bệnh cần được thực hiện cẩn thận theo các hướng dẫn sau:

+ Đối với gia súc tiêu hủy: Người tham gia hủy gia súc phải sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân như quần áo, kính, găng tay, v.v... Phải làm chết gia súc trước bằng cách đập bằng búa gỗ hoặc tiêm thuốc độc (ví dụ: barbiturates).

+ Sau khi làm chết gia súc, cho gia súc vào bao nilon hoặc bao tải và buộc chặt miệng bao, tập trung lại một chỗ, dùng chlorin để phun sát trùng.

+ Chọn vị trí chôn lấp với các yêu cầu như: nơi chôn lấp nằm ngay trong vùng dịch, có đủ diện tích, hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi từ 30-50 m; nên chọn nơi chôn trong vườn cây ăn quả hoặc cây lấy gỗ.

+ Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với số gia súc, chất thải cần chôn, ví dụ nếu cần chôn 1 tấn gia súc (15-30 con lợn) thì hố chôn cần có kích thước là sâu 1,5 – 2 m  x  rộng 1,5 -2 m  x  dài 1,5 – 2 m.

+ Trình tự chôn: Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố (1kg/m2), đổ bao chứa xác gia súc xuống hố, phun sát trùng bằng chlorin hoặc rắc vôi bột lên trên, lấp đất, phải đảm bảo rằng lớp đất phủ lên xác lợn phải dày ít nhất là 1 m. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.

- Hạn chế người ra, vào vùng dịch, những người tham gia chống dịch (ví dụ như người điều trị gia súc ốm) trước khi ra khỏi vùng dịch phải sát trùng cá nhân, tránh làm lây lan dịch. Phun thuốc sát trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

- Tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, lối ra vào.

1.3.2 Đối với những địa phương dịch đã lây lan trên diện rộng:

- Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt và đồng bộ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh như:

+ Bao vây chặt chẽ ổ dịch, duy trì hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch đã lập ở các trục giao thông chính và lập bổ sung các trạm, chốt kiểm dịch mới nếu cần thiết; lập biển báo nơi có dịch; phun sát trung phương tiện vận chuyển ra vào vùng dịch;

+ Cấm đưa lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch khi chưa công bố hết dịch; cấm bán thịt lợn tại xã có dịch khi chưa công bố hết dịch.

+ Tiêu hủy gia súc bệnh nặng.

+ Tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh.

+ Hướng dẫn người chăn nuôi cách tăng cường dinh dưỡng cho lợn bệnh, tiêm thuốc tăng lực, kháng sinh cho lợn theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Không sử dụng vắc xin trong thời điểm đang có dịch; việc sử dụng vắc xin sau khi hết dịch do cơ quan thú y hướng dẫn.

1.4 Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức

Sử dụng các phương tiện truyền thông và đoàn thể quần chúng để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và người chăn nuôi về triệu chứng bệnh tại xanh ở lợn, biện pháp phòng ngừa để người chăn nuôi biết phát hiện bệnh và khai báo với chính quyền địa phương. Tuyên truyền, phổ biến người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Các thông điệp tuyên truyền cần tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhằm đem lại các chuyển biến trong hành động như sau:

- Không dấu dịch;

- Không mua, bán lợn bệnh; không giết mổ lợn khi đang có dịch; không ăn tiết canh, không ăn thịt lợn ốm, chết.

- Không vứt xác lợn chết bừa bãi.

1.5 Công bố hết dịch

Khi hội đủ điều kiện công bố hết dịch, căn cứ Pháp lệnh Thú y và Nghị định 33/2005/NĐ-CP, ngày 15/3/2005 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Pháp lệnh Thú y 2004, Chi cục Thú y đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công bố hết dịch.

2. Đối với các địa phương chưa có dịch

2.1 Tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch

- Tổ chức các lực lượng thú y cơ sở cùng các ban ngành chức năng và đoàn thể quần chúng tại địa phương thành các tổ, nhóm công tác điều tra dịch tại các thôn, ấp  nhằm phát hiện kịp thời khi có dịch xảy ra.

- Giao trách nhiệm giám sát, phát hiện và báo cáo kết quả giám sát cho chính quyền cấp xã.

2.2 Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển

- Thiết lập các trạm, chốt tại các đầu mối giao thông chính gồm lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y hoạt động 24 giờ, tất cả các ngày trong tuần trong thời gian có dịch để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn đưa vào tỉnh.

- Kiên quyết xử lý việc vận chuyển trái phép không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

3. Kinh phí phòng chống dịch Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp

Về mặt kinh phí hỗ trợ đối với người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy và kinh phí chống dịch, thực hiện theo Công điện số 29/CĐ-BNN ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn.

Đề nghị các Chi cục Thú y tập trung lực lượng triển khai các biện pháp nêu trên phù hợp với hoàn cảnh của địa phương.

                                                                          CỤC TRƯỞNG CỤC THÚ Y (Đã ký)

Số lượt người xem: 4496    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm