SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
5
4
5
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 09 Tháng Tám 2007 8:25:00 SA

Một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó với lốc xoáy, gió giật

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhất là những ngày đầu tháng 8 năm 2007 đã xảy ra nhiều đợt lốc xoáy, dông gió gây sập nhà, tốc mái, hư hại tài sản, gãy đổ cây xanh và làm thiệt mạng 01 người, gây thương tích cho người dân (tại địa bàn quận 7, quận 8, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè…). Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố giới thiệu một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó với lốc xoáy, gió giật và triển khai công tác khắc phục hậu quả như sau:
 
   

   1. Một số kiến thức về lốc xoáy, gió giật:
   a. Lốc xoáy: là những xoáy nhỏ cuốn lên, có trục thẳng đứng, thường xảy ra khi khí quyển có sự nhiễu loạn và về cơ bản là không thể dự báo được. Nguyên nhân sinh gió lốc là những dòng khí nóng bốc lên cao một cách mạnh mẽ. Trong những ngày hè nóng nực, mặt đất bị đốt nóng không đều nhau, một khoảng nào đó hấp thụ nhiệt thuận lợi sẽ nóng hơn, tạo ra vùng khí áp giảm và tạo ra dòng thăng. Không khí lạnh hơn ở chung quanh tràn đến tạo hiện tượng gió xoáy, tương tự như trong cơn bão. Tốc độ gió của lốc xoáy tăng mạnh đột ngột trong một thời gian rõ rệt.

   b. Gió giật (hay còn gọi là tố): là hiện tượng gió tăng tốc đột ngột, hướng cũng thay đổi bất chợt, nhiệt độ không khí giảm mạnh, ẩm độ tăng nhanh thường kèm theo dông, mưa rào hoặc mưa đá. Khi có những đám mây xuất hiện, chân mây tối thẫm, mây thấp, đó là những đám mây báo trước gió mạnh đột ngột, thường là gió giật (tố). Gió giật xảy ra khi không khí lạnh tràn vào vùng nóng và nâng không khí nóng lên đột ngột. Gió giật thường xảy ra trong một thời gian ngắn (hàng phút và hàng chục phút). Vùng gió giật là một dải dài và hẹp chuyển dịch với tốc độ khá lớn, tới cấp 10. Gió giật rất nguy hiểm, thường xảy ra trong cơn dông, bão và xảy ra đột ngột chưa dự đoán trước được.

   2. Thực hiện một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó với lốc xoáy, gió giật:
   Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lốc xoáy, gió giật gây ra và xử lý tình huống lốc xoáy, gió giật xảy ra trên địa bàn, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đề nghị Thường trực Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện, đồng thời chỉ đạo các ban - ngành, phường - xã - thị trấn trực thuộc tuyên truyền đến nhân dân một số biện pháp phòng, tránh lốc xoáy, gió giật sau đây:

   a. Đối với trên biển:
   - Buộc chủ tàu thuyền khi ra biển phải có phao cứu sinh và toàn bộ thủy thủ, thuyền viên phải mặc áo phao vào khi đang ở trên biển;
   -  Khi thấy biển động thì phải nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn;
   - Tổ chức hợp lý đội hình khai thác trên biển theo tổ, trong đó đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu thuyền để hỗ trợ nhau khi gặp nạn.

   b. Đối với trên đất liền: 
   - Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng lốc xoáy, gió giật. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có lốc xoáy, gió giật (tham khảo hướng dẫn đính kèm);
   - Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện…;
   - Khi trời mưa lớn kèm theo dông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn. Khi xảy ra lốc xoáy, gió giật mọi người phải tìm những nơi trú ẩn an toàn như các nhà kiên cố, tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn. Tuyên truyền, vận động đến các hộ dân có nhà kiên cố tiếp nhận những người dân trú ẩn khi xảy ra lốc xoáy, gió giật với tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau.

   3. Công tác khắc phục hậu quả:
   Sau khi xảy ra lốc xoáy, gió giật, Thường trực Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật chất trang bị để nhanh chóng giải quyết hậu quả, tập trung một số công việc:
   - Cứu nạn cho người và tài sản;
   - Sửa chữa, khắc phục nhà sập, nhà tốc mái...;
   - Khắc phục các sự cố tàu thuyền bị đánh chìm, trôi dạt, hư hỏng và tổ chức tìm kiếm người, tàu thuyền bị mất liên lạc;
   - Cứu trợ các cá nhân, gia đình khó khăn;
   - Thống kê và đánh giá thiệt hại (thực hiện theo sổ tay hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương,  Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã có văn bản số 102/PCLB ngày 25-10-2006 để giới thiệu đến các quận, huyện và một số đơn vị).

   4. Tổ chức trực ban ngay khi trên địa bàn mình quản lý xảy ra lốc xoáy, gió giật hoặc khi có yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố cho đến khi khắc phục xong sự cố; báo cáo, thông tin kịp thời mọi tình huống về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố (e-mail: cctlpclb.snn@tphcm.gov.vnbanchihuypclb@hcm.fpt.vn, fax: 8.232.742, điện thoại: 8.297.598).

   5. Đối với tài liệu hướng dẫn xây dựng, chằng chống nhà cửa, công trình chi tiết, đề nghị các quận, huyện trực tiếp đến Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố để nhận đĩa CD./.

 

(Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thành phố

Số lượt người xem: 3759    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm