SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
5
7
0
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 Tháng Tám 2004 9:05:00 CH

Công tác phòng chống tái cúm gia cầm và thực hiện và Chỉ thị số 17/2004/CT-UB

-


Tình hình sau khi công bố hết dịch cúm gia cầm

1.     Về giết mổ, lưu thông tiêu thụ gia cầm

- Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn 1957/UB-CNN ngày 12/4/2004, Chi cục thú y đã phối hợp các ban ngành địa phương, UBND các phường, xã và Ban Quản lý các chợ kiểm tra việc chấp hành của các đối tượng kinh doanh, đồng thời xử lý 44 trường hợp kinh doanh gia cầm sống, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc, trốn tránh kiểm dịch từ các tỉnh đưa về thành phố, qua đó đã tịch thu tiêu hủy 3.463 con và 1.232 kg gia cầm sống; 17.265 quả trứng gia cầm.

- Thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UB ngày 02/01/2004, của Ủy ban nhân dân thành phố  về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

- Trong khi chờ “Đề án quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2010” khởi động, Thành phố đã chỉ đạo xây dựng (03) khu vực giết mổ gia cầm tập trung tại quận 8, Gò Vấp và Thủ Đức.

- Sở Thương mại, Chi cục thú y, phòng Kinh tế, Trạm thú y quận, huyện đã khảo sát, hướng dẫn, thẩm định điều kiện vệ sinh thú y các điểm đăng ký. Tính đến ngày 15/7/2004, toàn thành phố đã có 33 cơ sở giết mổ gia cầm, 2 điểm giết mổ, kinh doanh tại chợ Phạm Văn Hai và 1 tại chợ Nam Long - Quận 12 được cấp giấy xác nhận. Ban đầu gặp nhiều khó khăn do các đối tượng giết mổ gia cầm đã có thói quen giết mổ thủ công khá lâu đời, nhưng các Sở, ngành đã quyết tâm thực hiện chủ trương của thành phố, kiên trì vận động thuyết phục nên đã đạt được kết quả trên, đây là mô hình đầu tiên của cả nước được Cục thú y ghi nhận để phổ biến cho các tỉnh nghiên cứu thực hiện cho thống nhất toàn ngành

- Sở Thương Mại và Chi cục thú y thành phố đã thống nhất với Chi cục thú y Bình Dương, Đồng Nai, các Công ty cung ứng sản phẩm gia cầm CP, Công ty Long Bình, Công ty Thanh Bình và các siêu thị của thành phố về phương án kiểm dịch, quy cách mẫu mã các sản phẩm gia cầm đưa về thành phố tiêu thụ. Kết quả các Công ty, cơ sở giết mổ gia cầm và kinh doanh trứng gia cầm đã thực hiện mẫu bao gói, nhãn ghi tên và địa chỉ cơ sở khi đưa sản phẩm gia cầm ra tiêu thụ trên thị trường.

2. Về phục hồi chăn nuôi gia cầm tại thành phố:

- Thực hiện tinh thần Hội nghị ngày 25/2/2004, phục hồi chăn nuôi gia cầm cơ bản là kết hợp khôi phục với tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi gia cầm, quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm phải xa khu dân cư và gắn với xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch; đàn gia cầm, thủy cầm giống được nuôi ở những vùng cách biệt, dễ giám sát dịch tễ; đàn gia cầm thương phẩm được nuôi ở khu vực ngoại thành (Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn). Chăn nuôi phải đăng ký với địa phương và ngành thú y, khuyến khích tham gia bảo hiểm chăn nuôi nhằm giảm được thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Vận động người dân trong khu dân cư và khu quy hoạch dân cư, những hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, ít kinh nghiệm nên chuyển đổi sang các loại hình sản xuất nông nghiệp khác phù hợp với môi trường, sinh thái như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh...

- Chi cục thú y có Hướng dẫn số 273/HD-CCTY ngày 07/4/2004 về điều kiện VSTY phục vụ chăn nuôi gia cầm sau khi hết dịch và Công văn số 383/CV-CCTY ngày 13/5/2004, về giám sát bệnh cúm gia cầm và việc chăn nuôi tự phát đã giúp các đơn vị thực hiện dễ dàng hơn trong việc xử lý tình trạng chăn nuôi tự phát và giải quyết nhanh các hộ xin tái chăn nuôi với số lượng nhỏ.

- Chi cục thú y thành phố đã phối hợp với Công ty Merial, Cargill, CP tiến hành nuôi thử nghiệm 35.600 gà thịt và gà đẻ hậu bị ở vùng có nguy cơ cao (Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh), có sử dụng thử nghiệm vaccine TROVAC AI H5, kết hợp với một số biện pháp an toàn sinh học khác nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp khôi phục chăn nuôi gia cầm trên diện rộng. Chương trình thử nghiệm từ 15/3/2004 - 15/7/2004, đàn gà thử nghiệm đạt hiệu quả cao, sau khi nuôi 6 tuần để trống chuồng 2-3 tuần, sau đó nuôi tiếp đợt khác, hiện nay có 2 hộ với mô hình nuôi chuồng kín hoàn toàn đảm bảo tốt về an toàn sinh học và vệ sinh thú y như hộ Bà Nguyễn Thị Lạc, Tân Thới Nhì, Hóc Môn với qui mô 72.000 con, vừa xuất bán 36.000 con; hộ Ông Huỳnh Văn Tâm, Tân Hiệp, Hóc Môn với qui mô 11.000 con, đã xuất chuồng.

- Tiến hành thẩm định điều kiện chăn nuôi của các hộ chăn nuôi gia cầm. Tính đến ngày 16/7/2004 đã có 55 cơ sở đăng ký tái chăn nuôi gia cầm qui mô trên 1.000 con  được Chi cục thú y thẩm định với 166.300 con gia cầm, trong đó:

Ø       28 cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu cho nuôi.

Ø       25 cơ sở chăn nuôi phải sửa chữa hoặc đầu tư trang bị thêm.

Ø       02 cơ sở chăn nuôi tự nuôi trước khi thẩm định.

- Tổng đàn gia cầm đang chăn nuôi là 963.091 con (không đăng ký khoảng  800.00 con), trong đó:

Ø       Tổng số hộ                                :         397 hộ.

Ø                                                  :  421.722 con.

Ø       Vịt                                           :    86.455 con.

Ø       Cút                                          :  452.800 con.

Ø       Bồ câu                                      :       2.104 con.

- Các hộ chăn nuôi gia cầm tự phát không đăng ký với ngành thú y, qua kiểm tra, giám sát tổng đàn mỗi ngày một tăng dù có một số hộ có đàn gia cầm đã đến tuổi xuất chuồng. Số lượng chăn nuôi cút tiếp tục gia tăng tập trung cao nhất trên địa bàn huyện Hóc Môn.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm thành phố đã đề nghị UBND huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè  chỉ đạo UBND các xã phối hợp với ngành thú y tăng cường công tác tuyên truyền vận động người chăn nuôi gia cầm thủy cầm không nên tăng đàn trong lúc tình hình dịch bệnh chưa ổn định, đặc biệt chăn nuôi vịt, thường chăn nuôi chạy đồng ở ngoại thành, phương thức chăn nuôi dựa trên nguồn nước tự nhiên trên kênh rạch, do đó khả năng phát dịch cao và lây lan rất nhanh.

- Chi cục thú y đang tiếp tục xét nghiệm giám sát huyết thanh học tại các hộ chăn nuôi lúc 21 ngày tuổi và trước khi xuất chuồng, đàn gia cầm từ các tỉnh nhập vào các cơ sở giết mổ. Ngoài ra Chi cục thú y đã được Trung tâm thú y Vùng phân công hỗ trợ các tỉnh vùng giáp ranh chẩn đoán bệnh Cúm gia cầm.

Nhận xét& đánh giá :

- Dịch cúm gia cầm sau khi công bố hết dịch ngày 30/3/2004, hiện nay đã tái phát tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, kết quả kiểm tra huyết thanh đàn gia cầm giống tại 28 cơ sở giống gia cầm của cả nước đã có 55 mẫu dương tính với virut cúm H5, kết quả kiểm tra huyết thanh ở 38 tỉnh đã phát hiện 1.255 mẫu dương tính với virut cúm H5 tại 16 tỉnh, thành phố, đặc biệt tình hình mang trùng khá cao, không phát hiện triệu chứng lâm sàng, nhất là trên đàn vịt, ngan, ngổng nên người chăn nuôi khó phát hiện dẫn đến chủ quan, đây là nguy cơ lớn có khả năng tái phát dịch cúm gia cầm là rất cao.

- Hiện nay nguồn gia cầm giết mổ tại thành phố chủ yếu nhập từ các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua công tác kiểm tra giám sát huyết thanh học đối với bệnh Cúm đã phát hiện một trường hợp dương tính H5 trên đàn vịt của Long An. Do đó nếu công tác kiểm dịch gốc không được thực hiện chặt chẽ thì nguy cơ tái phát dịch rất cao.

- Tình trạng một số hộ đã khôi phục chăn nuôi gia cầm, nguy hiểm nhất là chăn nuôi không đăng ký khoảng 800.000 con, do khan hiếm con giống nên một số lượng lớn con giống không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm tra của ngành Thú y nhập vào thành phố, một số hộ không đảm bảo điều kiện chăn nuôi nhưng vẫn tái chăn nuôi, nếu không quản lý chặt chẽ, khi có dịch các hộ này sẽ giết thịt hoặc bán chạy, điều này dẫn tới nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm rất cao. Cụ thể như: tại Nhà Bè có 88 hộ chăn nuôi không đăng ký, Bình Chánh chỉ có 2 hộ đăng ký / 139 hộ chăn nuôi, đây là những khu vực có nguy cơ tái phát dịch.

- Tại các chợ, khu vực xung quanh chợ tình trạng lén lút giết mổ gia cầm, kinh doanh gia cầm sống, thịt và trứng gia cầm chưa qua kiểm tra của cơ quan thú y đang trở nên phổ biến và có chiều hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các quận ven nội và ngoại thành, các khu vực lòng lề đường nhưng chưa được chính quyền và ban ngành địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý triệt để như: tại khu vực chợ Trần Chánh Chiếu Quận 5, khu vực phường 5 quận 8, nếu chỉ đơn phương ngành thú y xử lý sẽ không thể giải quyết triệt để được.

Về thực hiện chỉ thị 17/2004/CT-UB:

Căn cứ nội dung Chỉ thị 22/2004/CT-TTg, Công điện số 917/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 09/BNN/CĐ của Bộ NN & PTNT. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 17/2004/CT-UB về việc tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm.

Một số yêu cầu quan trọng phải tập trung thực hiện như sau:

1- Tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm quận huyện, phường, xã thực hiện sinh hoạt và kiểm tra định kỳ các địa bàn, kịp thời thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm thành phố.

2- Tăng cường hoạt động của Đoàn liên ngành tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, do QLTT chủ trì phối hợp với Công an, Thú y và chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ gia cầm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép, các địa bàn có xảy ra dịch bệnh, lưu ý các nguồn gia cầm từ các tỉnh đã tái phát dịch cúm gia cầm.

3- Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ngành chức năng  và UBND các quận, huyện ngoại thành hướng dẫn cho người chăn nuôi phải xa khu dân cư và gắn với chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch. Chăn nuôi, phải đăng ký và được các Sở, ngành, chính quyền địa phương thẩm định.

4- Sở Nông nghiệp & PTNT, chủ trì phối hợp với các Sở, ngành chức năng làm việc với Trung tâm thú y Vùng TP. Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh giáp ranh thành phố thực hiện phương châm “Phòng dịch từ xa”, bàn các biện pháp về kiểm dịch động vật, hỗ trợ chẩn đoán bệnh cúm gia cầm.

5- Sở Thương Mại thành phố tiếp tục phổ biến cho các Trung tâm, Cửa hàng, siêu thị về mục tiêu phải đảm bảo VS-ATTP cho người tiêu dùng.

6- Sở y tế thành phố chuẩn bị đầy đủ các phương tiện vật tư, thuốc men, phương tiện phòng hộ phục vụ cho tình hình nếu có tái phát dịch cúm gia cầm.

7- Chi cục thú y tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác chẩn đoán xét nghiệm, chuẩn bị đầy đủ nhân sự, phương tiện chẩn đoán nhanh bệnh cúm gia cầm phục vụ cho yêu cầu của phong trào chăn nuôi tại thành phố và hỗ trợ cho các tỉnh có sản phẩm cung cấp cho thị trường của thành phố. Tiếp tục giám sát dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt tại các khu vực Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Quận 9. Thực hiện báo cáo nhanh mỗi ngày cho Sở Nông nghiệp & PTNT và Văn phòng UBND thành phố.

8- Sở Văn hóa-Thông tin và các báo, đài kịp thời cung cấp các thông tin liên quan đến mặt tích cực của các ngành, địa phương, người dân trong việc khôi phục chăn nuôi và giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm theo quy định và các biện pháp thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, tránh đưa tin tức gây bất ổn cho phong trào chăn nuôi.

9- Các Hội đoàn thể phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm thành phố tổ chức vận động các hộ chăn nuôi chấp hành đúng các quy định về điều kiện tái chăn nuôi, nếu có xảy ra dịch bệnh thì những hộ có đăng ký hợp pháp mới được hỗ trợ và nếu tự ý tái chăn nuôi, điều kiện chuồng trại không đảm bảo, nếu có xảy ra dịch bệnh thì sẽ không được hỗ trợ

10- UBND các quận, huyện vận động những hộ không đủ điều kiện chăn nuôi gia cầm nên chuyển đổi sang các loại hình sản xuất nông nghiệp khác phù hợp với môi trường, sinh thái của địa bàn và thực hiện quy hoạch giết mổ tập trung theo đề án của Sở Thương Mại thành phố và các Sở, ngành xây dựng, phấn đấu đến 30/6/2005 không còn giết mổ trái phép.

 

KIẾN NGHỊ

Nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm tái phát, bảo vệ tốt sức khỏe cộng đồng Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm thành phố đề nghị:

- Với Chính phủ

Chỉ đạo các địa phương thực hiện quy hoạch hệ thống chăn nuôi, hệ thống giết mổ gia cầm theo hướng từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước mắt tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

- Bộ Nông nghiệp & PTNT và Cục Thú y

1. Hướng dẫn cho các địa phương chiến lược sử dụng vaccine và các biện pháp phòng chống dịch để sớm khôi phục, phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn.

2. Chấn chỉnh và tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển tại các cửa khẩu, vùng biên giới và công tác kiểm dịch vận chuyển xuất tỉnh đối với gia cầm, chỉ đạo xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành, gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Tăng cường cơ sở vật chất cho ngành thú y nhất là năng lực chẩn đoán các bệnh mới, trong đó có bệnh Cúm gia cầm cho các Trung tâm thú y Vùng và Chi cục thú y các tỉnh, thành.

4. Ổn định hệ thống ngành thú y từ Trung ương cho đến địa phương, có định biên Thú y ở phường, xã (vùng chăn nuôi trọng điểm) để tăng cường hệ thống và nâng cao chất lượng giám sát dịch tễ.

5. Quy hoạch lại chăn nuôi gia cầm tập trung, di dời các cơ sở chăn nuôi lớn ra xa khu dân cư, đường giao thông, nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh.

- Kiến nghị với UBND thành phố:

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 17/2004/CT-UB và Công văn số 1957/UB-CNN của Ủy ban nhân dân thành phố.

 

Nguồn : Chi cục Thú y Thành phố


Số lượt người xem: 4178    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm