SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
3
7
2
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 09 Tháng Tư 2013 9:45:00 SA

thực hiện chương trình rau an toàn quý 1 và kế hoạch 9 tháng cuối năm 2013

Thực hiện Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở ban ngành triển khai thực hiện, kết quả cụ thể như sau:

 

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUÝ I NĂM 2013:

 

1. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn:

- Thành phố Hồ Chí Minh có 102 xã, phường có sản xuất rau với diện tích canh tác là 3.024 ha, diện tích gieo trồng 3 tháng đầu năm 2013 là 5.700 ha (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2012), năng suất trung bình 23,2 tấn/ha, sản lượng 118.320 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2012.

- Tại các vùng trồng rau đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức, huyện Bình Chánh; xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.

 

2. Kết quả thực hiện công tác trọng tâm:

 

2.1. Công tác tập huấn, tuyên truyền:

            - Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp tổ chức 04 lớp tập huấn về hướng dẫn thủ tục đăng ký chứng nhận VietGAP cho hơn 180 người tham dự tại 02 xã Đa Phước, Quy Đức, huyện Bình Chánh. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức 04 chuyến khảo sát học tập tiếp cận thị trường tiêu dùng ngày Tết cho 160 nông dân tại 04 xã nông thôn mới Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Tân Nhựt và xã Bình Chánh.

 

            - Trung tâm Khuyến nông tổ chức 01 chuyến tham quan mô hình tưới phun tiết kiệm nước cho cây măng tây tại tỉnh Bình Thuận cho nông dân Củ Chi.

 

            2.2. Công tác chứng nhận VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt):

- Trong quý 1 năm 2013, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 17 tổ chức, cá nhân với diện tích canh tác là 7,24 ha (tương đương 32,3 ha diện tích tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 305 tấn/năm.

Tính lũy tiến đến nay, tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP là 329 tổ chức, cá nhân (bao gồm xã viên 3 HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích canh tác 145,7 ha, (tương đương với 650 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 15.637 tấn/năm.

 

2.3. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật:

 

a) Thực hiện Dự án phục tráng một số giống rau địa phương; thử nghiệm và chuyển giao các giống rau có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất:

Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi đã thử nghiệm 05 giống bí đỏ tại Trại thực nghiệm Nhị Xuân, kết quả đã chọn được 02 giống bí đỏ F1 Thần Nông (của công ty Thần Nông) và giống Rov1 (của công ty Rồng Việt) có dạng quả hồ lô, thịt dày, ruột đặc, năng suất cao từ 12-17 tấn/ha. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang thử nghiệm các giống dưa leo, mước, khổ qua tại các xã nông thôn mới và các giống cần tây, cải bó xôi tại Trạm Nhị Xuân.

            b) Thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất rau an toàn phù hợp sản xuất nông nghiệp đô thị:

            Trung tâm Khuyến nông đang triển khai xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa trên rau tại các xã nông thôn mới. 

            c) Thực hiện Đề án phát triển sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố:

            Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Công nghệ sinh học đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP và mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học tại các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

            d) Thực hiện Chương trình sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau an toàn:

Trung tâm Công nghệ sinh học tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học phòng trị bệnh thối rễ, lở cổ rễ do nấm gây ra trên cây rau”.

   e) Thực hiện Dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến rau nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch:

Chi cục Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát thực nghiệm các mô hình sản xuất rau, quả tại các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố để xây dựng mở rộng mô hình hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ rau quả phục vụ thị trường nội địa.

2.4. Công tác xúc tiến thương mại:

 

Thực hiện Đề án xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu rau an toàn thành phố Hồ Chí Minh, kết quả thực hiện trong quý 1 năm 2013 như sau:

Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thực hiện:

+ Tổ chức khảo sát, điều tra tình hình tiêu thụ rau, quả và giá cả các mặt hàng nông sản ngày Tết trên địa bàn thành phố.

+ Phối hợp tổ chức hội nghị “Tổng kết xây dựng mô hình thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2010-2012 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2013 trên địa bàn thành phố” vào ngày 05/3/2013. Trung tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, giới thiệu các sản phẩm an toàn tại hội nghị.

+ Tiếp tục hỗ trợ thiết kế website, logo, bao bì, nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau, quả trên địa bàn thành phố: Trong quý 1, hỗ trợ thiết kế, xây dựng website cho 09 đơn vị, thiết kế logo cho 09 đơn vị, thiết kế bao bì cho 03 đơn vị và thiết kế tờ bướm cho 05 đơn vị.

 

2.5. Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả:

 

Thực hiện Chương trình tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng rau quả trên địa bàn thành phố. Trong năm 2012 Chi cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện một số công tác, cụ thể:

Công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu rau, quả kiểm tra các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn thực phẩm, kết quả như sau:

 

- Tại vùng sản xuất: Trong quý 1 năm 2013, tổng số mẫu kiểm tra 484 mẫu của 414 hộ nông dân, kết quả có 03 mẫu phản ứng dương tính với phân tích nhanh. Khi phân tích định lượng các mẫu rau này, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

 

- Tại 3 chợ đầu mối: Trong quý 1 năm 2013, tổng số mẫu kiểm tra 2.292 mẫu rau, quả, trong đó số mẫu phân tích định lượng 124 mẫu, kết quả phát hiện 01 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Chi cục đã ra thông báo nhắc nhở chủ cửa hàng kinh doanh có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

 

- Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả: Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra 11 doanh nghiệp kết hợp lấy 22 mẫu. Khi phân tích định lượng các mẫu rau trên, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

 

2.6. Phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ lãi vay:

- Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 09 Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau và 33 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

- Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi về tình hình thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, ngày 20/3/2011 của Ủy ban nhân thành phố.

 

3. Tiến độ thực hiện các dự án, chương trình:

- Dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm”: Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn việc áp dụng thực hành VietGAP tại Liên tổ Tân Trung và HTX Phước An sau chứng nhận. Đã tổ chức tư vẫn mở rộng diện tích áp dụng VietGAP tại 02 mô hình thí điểm.

 

- Dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học: Tiếp tục triển khai theo kế hoạch được phê duyệt.

 

 

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

 

1. Mặt làm được:

- Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố trong quý 1 năm 2013 là 5.700 ha tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2012, sản lượng 118.320 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2012.

- Đã chọn được 2 giống rau có năng suất cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng đưa vào sản xuất.

- Đến nay, đã có 329 tổ chức, cá nhân được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 145,7 ha, (tương đương với 650 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 15.637 tấn/năm.

- Công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đã nâng cao nhận thức người sản xuất, người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định về sản xuất, kinh doanh rau được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên rau.

 

2. Mặt hạn chế:

 - Sản xuất rau còn gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào biến động, giá cả đầu ra chưa ổn định.

- Một số hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả chưa cao do năng lực, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế.

 

III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN 9 THÁNG CUỐI NĂM 2013:

 

1. Mục tiêu:

 

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1528/KH-SNN-NN ngày 14/10/2011 về triển khai thực hiện Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố. Diện tích gieo trồng rau năm 2013 là 15.200 ha, năng suất trung bình 22,6 tấn/ha, sản lượng đạt 343.990 tấn. 100% hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.

 

 

2. Nội dung và giải pháp thực hiện:

Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.

 

2.1 Giải pháp quy hoạch vùng sản xuất:

Triển khai quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn thành phố.

 

2.2. Giải pháp kỹ thuật, chuyển giao công nghệ:

- Tăng cường công tác nghiên cứu chọn tạo, phục tráng, thử nghiệm các giống rau năng suất cao, phù hợp với điều kiện thành phố.

- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình về sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới, nhất là các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học.

 

2.3. Giải pháp về chính sách và phát triển kinh tế tập thể:

- Tiếp tục giải quyết chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 -2015.

- Tăng cường, củng cố, nâng cao năng lực của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

 

2.4. Giải pháp tiêu thụ sản phẩm:

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; cung cấp kịp thời về thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất rau an toàn; xây dựng thương hiệu rau an toàn.

 

2.5 Đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên rau, quả:

Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, kiểm tra thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tỉnh về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

 

3. Tổ chức thực hiện:

 

3.1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận huyện có sản xuất rau:

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn quận, huyện

- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

 

3.2. Đề nghị các Hội, Đoàn thể:

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tuyên truyền, vận động người sản xuất tham gia vào Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau; hỗ trợ người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

 

3.3. Giao các đơn vị trực thuộc Sở:

Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011.

a) Chi cục Bảo vệ thực vật:

- Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình, đề án thành phần trong Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011:

+ Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất rau an toàn phù hợp sản xuất nông nghiệp đô thị: Mô hình nhân nuôi thiên địch và mô hình giảm thiểu ô nhiễm của thuốc bảo vệ thực vật bằng hình thức nhân nuôi và thả thiên địch trong sản xuất rau an toàn, xây dựng mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliae trên cây rau…

+ Đề án phát triển sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố: Tập trung xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, nhất là tại các xã nông thôn mới…

+ Chương trình tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng rau, quả trên địa bàn thành phố: Điều tra bộ thuốc bảo vệ thực vật nông dân sử dụng trên rau phục vụ công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên rau; Mở rộng các chỉ tiêu thử nghiệm, xây dựng và đưa vào sử dụng phương pháp thử dư lượng Nitrat trong rau, quả; Tăng cường kiểm tra các quy định về sản xuất, kinh doanh rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố.

- Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rau đến từng người dân. Tổ chức tập huấn cho những hộ nông dân chưa được tập huấn về nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất rau an toàn.

- Xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn được kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

b) Trung tâm Khuyến nông:

- Tăng cường công tác khuyến nông về chuyển giao, ứng dụng các giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa,… để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

- Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP, tập trung tại các xã nông thôn mới, phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp chứng nhận VietGAP tại các mô hình.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng rau VietGAP tại huyện Củ Chi.

   - Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất rau an toàn phù hợp sản xuất nông nghiệp đô thị: Trung tâm Khuyến nông tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới: Mô hình ứng dụng máy xới đất, mô hình máy phun thuốc và mô hình hệ thống tưới phun,...

 

c) Chi cục Phát triển nông thôn:

- Tiếp tục hướng dẫn nông dân, các doanh nghiệp sản xuất rau thủ tục vay vốn phát triển sản xuất rau trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế các quận, huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm củng cố hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác rau an toàn tại các xã nông thôn mới.

   - Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến rau nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch:

   + Xây dựng, triển khai dự án nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ rau, quả phục vụ thị trường nội địa.

+ Tiếp tục phối hợp với công ty công ty TNHH MTV Một Bước Tiến xây dựng mô hình hỗ trợ bao bì HDPE cho các HTX rau an toàn khác trên địa bàn thành phố.

 

d) Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp:

- Xây dựng kế hoạch chứng nhận sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, chủ động gắn công tác chứng nhận VietGAP với hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm đã chứng nhận VietGAP.

      - Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu rau an toàn thành phố Hồ Chí Minh:

+ Tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hợp đồng như hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng rau, cách thu hoạch, bảo quản.

 

+ Nghiên cứu, đề xuất mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả trang Website, thiết kế website, logo, nhãn hiệu cho các đơn vị về sản xuất, tiêu thụ nông sản của thành phố.

      + Tập trung mở rộng đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thành phố.

   + Tổ chức điều tra nghiên cứu hiện trạng kênh phân phối rau, quả và nấm trên địa bàn thành phố.

   + Tổ chức hội thảo giao lưu kết nối doanh nghiệp, nhà nông giúp tiêu thụ sản phẩm cho 28 xã NTM.

+ Triển lãm, giới thiệu quảng bá sản phẩm cho nông dân các xã nông thôn mới tham gia các sự kiện được tổ chức trong và ngoài thành phố.

 

e) Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án phục tráng một số giống rau địa phương; thử nghiệm và chuyển giao các giống rau có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất:

+ Phổ biến rộng rãi các giống rau năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thành phố để người nông dân chủ động lựa chọn.

+ Tiếp tục thực hiện công tác phục tráng giống dưa leo địa phương và giống cà chua Hóc Môn.

+ Tiếp tục thử nghiệm các giống rau mới phù hợp có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường kết hợp chuyển giao các giống rau mới vào sản xuất.

f) Trung tâm Công nghệ sinh học:

            - Hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn sử dụng các chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất.

            - Nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học.

   - Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau an toàn:

  + Tiếp tục sản xuất các chế phẩm sinh học cung cấp cho chương trình sản xuất rau an toàn.

  + Triển khai sản xuất thử chế phẩm vi sinh vật cố định đạm và phân giải lân phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

 

   g) Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp:

Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tổ chức lớp đào tạo chuyên sâu và lớp đào tạo ngắn hạn về sản xuất, sơ chế rau an toàn theo VietGAP./.


Số lượt người xem: 4963    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm