SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
8
0
1
5
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Năm 2013 10:05:00 SA

sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2012 - 2013 và Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2013.

 

I. Tình hình chung:

 

            1. Thuận lợi:

            - Thành phố đã ban hành chủ trương chính sách về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình trọng điểm phát triển ngành nông nghiệp, do vậy cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, các chương trình, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn được đẩy mạnh.

- Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và các chương trình nông nghiệp trọng điểm của thành phố tiếp tục được triển khai.

- Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các tỉnh; công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu; công tác khuyến nông tại địa phương được quan tâm, đạt nhiều kết quả tốt.

- Giá cả các loại phân bón giảm trung bình từ 1,0-5,0% so với cùng kỳ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

 

2. Khó khăn:

- Tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố vụ Đông Xuân 2012 -2013 có những diễn biến bất lợi: cuối năm 2012 mùa khô đến sớm hơn trung bình nhiều năm ảnh hưởng đến sản xuất hoa, cây kiểng; trong quí 1 năm 2013, đã xuất hiện 01 cơn áp thấp nhiệt đới và 01 cơn bão, cùng với lốc xoáy, mưa giông, triều cường lớn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

- Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa đã được ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương kiểm soát phòng trừ hiệu quả, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn có nguy cơ lây lan và gây thiệt hại trong sản xuất lúa.

- Do lao động nông nghiệp ở nông thôn ngày càng khan hiếm, giá công lao động tăng trong khi giá cả nông sản tăng không tương xứng khiến cho hàng nông sản thành phố gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng nông sản các tỉnh, thành khác.

 

            II. Tình hình sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2012 – 2013:

 

1. Lúa:

            1.1. Tình hình sản xuất:

- Theo thông báo số 76/TB-CCBVTV ngày 18/4/2013 của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2012-2013 là 5.360 ha, đạt 99,3% so với kế hoạch và giảm 8,9% so với cùng kỳ; năng suất trung bình ước đạt 5,3 tấn/ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ; sản lượng cả vụ ước đạt 28.408 tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ. Diện tích lúa Đông Xuân tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi: 4.327 ha (chiếm 80,7% diện tích), Hóc Môn: 859 ha (chiếm 16,0% diện tích).

- Cơ cấu giống lúa: Có khoảng 18 giống lúa được gieo trồng, trong đó trên 70% các giống lúa được trồng phổ biến như: OM 4900 (27%), IR 50404 (14,7%), OM 576 (13,3%), OM 6972 (13,1%), OM 3536 (12,2%).

1.2. Tình hình sinh vật hại:

Tính đến tháng 4/2013, tổng diện tích nhiễm sinh vật hại vụ Đông Xuân 2012 – 2013 là 5.955 ha, cao hơn so với cùng kỳ (5.479 ha). Sinh vật hại chủ yếu là rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ, bọ xít hôi, sâu phao, bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn, ốc bươu vàng và chuột.

a) Tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa:

- Tổng diện tích lúa nhiễm rầy nâu vụ Đông Xuân là 750 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (736 ha), trong đó có 717 ha nhiễm rầy ở mức độ nhẹ. Không phát hiện diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa vụ Đông Xuân 2012 – 2013.

- Công tác phòng chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa đạt kết quả tốt, do ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương đã vận động nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

b) Tình hình chuột phát sinh gây hại lúa: Diện tích bị chuột gây hại vụ Đông Xuân khoảng 800 ha, cao hơn so với cùng kỳ là 124 ha, tất cả đều ở mức độ nhẹ.

2. Rau:

Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố trong vụ Đông Xuân 2012 - 2013 là 5.963 ha, tăng 6,5% so với cùng kỳ; năng suất trung bình 23,2 tấn/ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ; sản lượng 122.960 tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

2.1. Tình hình sinh vật hại trên cây rau:

- Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, vụ Đông Xuân 2012 – 2013 không có diện tích nhiễm sinh vật hại nặng trên cây rau.

- Sinh vật hại chủ yếu trên rau là sâu ăn tạp, sâu xanh, sâu đục trái, bọ nhảy, bọ trĩ..., bệnh rỉ trắng, vàng lá...

2.2. Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả:

Thực hiện Chương trình tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng rau quả trên địa bàn thành phố, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu rau, quả kiểm tra các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn thực phẩm, kết quả như sau:

 

- Tại vùng sản xuất: Trong quý 1 năm 2013, tổng số mẫu kiểm tra 484 mẫu của 414 hộ nông dân, kết quả có 03 mẫu phản ứng dương tính với phân tích nhanh. Khi phân tích định lượng các mẫu rau này, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

 

- Tại 3 chợ đầu mối: Trong quý 1 năm 2013, tổng số mẫu kiểm tra 2.292 mẫu rau, quả, trong đó số mẫu phân tích định lượng 124 mẫu, kết quả phát hiện 01 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Chi cục đã ra thông báo nhắc nhở chủ cửa hàng kinh doanh có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

 

- Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả: Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra 11 doanh nghiệp kết hợp lấy 22 mẫu. Khi phân tích định lượng các mẫu rau trên, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

2.3. Công tác chứng nhận VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt):

- Trong 4 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 17 tổ chức, cá nhân với diện tích canh tác là 7,24 ha (tương đương 32,3 ha diện tích tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 305 tấn/năm.

Tính lũy tiến đến nay, tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP là 329 tổ chức, cá nhân (bao gồm xã viên 3 HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích canh tác 145,7 ha, (tương đương với 650 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 15.637 tấn/năm.

 

3. Hoa kiểng:

Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 đạt 1.207 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Diện tích tăng tập trung vào hoa nền, hoa lan, bon sai và cây kiểng. Riêng diện tích trồng mai không tăng.

            - Hoa nền: Diện tích sản xuất phục vụ Tết đạt 164 ha (Bình Chánh 65 ha, Củ Chi 40 ha), tăng 8,9% so với cùng kỳ, Chủng loại rất đa dạng bao gồm Cúc, Vạn thọ, Sống đời, Huệ, Mồng gà, Mãn đình hồng...

            - Hoa lan: Diện tích đạt 200 ha, là chủng loại tăng khá trong dịp Tết, tăng 5,6% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở Củ Chi với diện tích 115 ha (chiếm 57,5% diện tích hoa lan thành phố). Chủng loại hoa lan sản xuất trong dịp Tết của thành phố chủ yếu là Dendrobium và Mokara.

            - Bonsai, kiểng: Diện tích đạt 360 ha (Củ Chi 220 ha, quận 12 với diện tích 42,6 ha), tăng 4,9% so với cùng kỳ.

            - Mai: Diện tích sản xuất phục vụ Tết đạt 483 ha (Thủ Đức 137 ha, quận 12: 136 ha), không tăng so với cùng kỳ.

4. Cây trồng khác:

 Diện tích gieo trồng bắp vụ Đông Xuân 2012 – 2013 là 767 ha, tăng 32 ha so với cùng kỳ (vụ Đông Xuân 2011 – 2012 là 735 ha).

5. Cây ăn trái:

Tính đến tháng 4 năm 2013, diện tích cây ăn trái trên địa bàn thành phố đạt 10.000 ha, không tăng so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 32.000 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

 

III. Công tác khác:

 

1. Tình hình phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ lãi vay:

Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi về tình hình thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011. Đồng thời tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 thay thế Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011.

- Tính đến tháng 4 năm 2013, trên địa bàn thành phố có 09 Hợp tác xã và 33 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

- Tính đến tháng 4 năm 2013, trên địa bàn thành phố có 06 Hợp tác xã và 34 Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng. Các Tổ hợp tác đang hoạt động chủ yếu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh gắn liền với hoạt động của các câu lạc bộ khuyến nông.

 

- Trong 4 tháng đầu năm 2013: có 29 hộ vay sản xuất hoa, cây kiểng với tổng vốn đầu tư là 42,7 tỷ đồng và tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 26,9 tỷ đồng.  

 

 

2. Công tác khuyến nông:

- Trong 4 tháng đầu năm 2013, Trung tâm khuyến nông tổ chức 08 lớp tập huấn cho bà con  nông dân: 07 lớp kỹ thuật trồng rau theo qui trình VietGAP cho nông dân các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và quận Thủ Đức; 01 lớp hoa kiểng về chăm sóc mai sau Tết cho nông dân Quận 12

- Tổ chức 03 chuyến tham quan: 02 chuyến tham quan mô hình tưới tự động trên cây măng tây cho nông dân huyện Củ Chi và mô hình rau VietGAP cho nông dân huyện Hóc Môn; 01 chuyến tham quan mô hình tưới tự động cho hoa kiểng cho nông dân huyện Hóc Môn.

- Ngoài ra Trung tâm đã thực hiện 01 cuộc điều tra, khảo sát tình hình sản xuất và kinh doanh hoa kiểng phục vụ tết Nguyên đán tại các quận, huyện.

 

            3. Công tác sưu tập, thử nghiệm tính thích nghi của các giống cây trồng mới:

3.1. Trung tâm Công nghệ sinh học:

- Tiếp tục triển khai Dự án “Sưu tập, nhập nội, khảo nghiệm và nhân giống các giống hoa lan” để phục vụ Chương trình phát triển hoa, cây kiểng của thành phố đạt được kết quả như sau:

+ Sưu tập thêm 05 giống kiểng lá mới; trong đó, 03 giống kiểng lá: Thiên long, Vạn lộc, Thiên phú được nhân giống bằng kỹ thuật invitro. Đến nay, Trung tâm đã sưu tập và tuyển chọn được 82 giống kiểng lá.

+ Trung tâm Công nghệ sinh học đã lai tạo thành công 15 giống hoa lan, hiện đang được đánh giá để công nhận là giống mới.

3.2. Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

- Tiếp tục theo dõi thử nghiệm tính thích nghi 10 giống hoa Đồng Tiền chậu được trồng từ hạt, có nguồn gốc ở Mỹ. Duy trì thử nghiệm giống hoa phong lan, gồm 06 giống Dendro và 11 giống Mokara với diện tích 400 m2. Hiện nay cây đang trong giai đoạn ra hoa, màu sắc hoa đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

- Thử nghiệm 05 giống bí đỏ tại Trại thực nghiệm Nhị Xuân, kết quả đã chọn được 02 giống bí đỏ F1 Thần Nông (của công ty Thần Nông) và giống Rov1 (của công ty Rồng Việt) có dạng quả hồ lô, thịt dày, ruột đặc, năng suất cao từ 12-17 tấn/ha. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang thử nghiệm các giống dưa leo, mướp, khổ qua tại các xã nông thôn mới và các giống cần tây, cải bó xôi tại Trạm Nhị Xuân.

 

4. Công tác xúc tiến thương mại:

Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp đã triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết quả đạt được cụ thể như sau:

- Phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức thành công chợ hoa Tết Nguyên đán 2013 tại công viên 23/9 với 156 gian hàng đại diện cho 730 nông dân của 09 quận, huyện trên địa bàn thành phố, tăng 6 gian hàng, 30 nông dân so với cùng kỳ. Các loại hoa, cây kiểng gồm những chủng loại sau: mai (132 gian hàng), tắc (05 gian hàng), lan (12 gian hàng), bonsai (03 gian hàng), kiểng lá, hoa nền (04 gian hàng), với tổng giá trị hàng hóa tại khu hoa, cây kiểng của nông dân thành phố ước khoảng 91,5 tỉ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

- Trong 4 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã hỗ trợ thiết kế, xây dựng website cho 11 đơn vị, thiết kế logo cho 10 đơn vị, thiết kế bao bì cho 03 đơn vị và thiết kế tờ bướm cho 06 đơn vị.

- Tổ chức khảo sát, điều tra tình hình tiêu thụ rau, quả, hoa, cây kiểng và giá cả các mặt hàng nông sản ngày Tết trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp tổ chức hội nghị “Tổng kết xây dựng mô hình thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2010-2012 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2013 trên địa bàn thành phố” vào ngày 05/3/2013. Trung tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, giới thiệu các sản phẩm an toàn tại hội nghị.

 

IV. Nhận xét, đánh giá:

 

1. Mặt làm được:

- Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguy cơ bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên lúa nhưng ngành nông nghiệp phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo kịp thời ngay từ đầu vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời.

- Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị được ban hành kịp thời và tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của thành phố.

- Đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, trồng hoa kiểng như thay đổi cơ cấu giống, nuôi cấy mô, kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật tiên tiến.

- Đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn hiệu quả, đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có 329 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP (bao gồm xã viên các HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ) với tổng diện tích canh tác 145,7 ha, (tương đương với 650 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 15.637 tấn/năm.

 

2. Mặt hạn chế:

 

- Quy mô của Hợp tác xã còn nhỏ về diện tích và số hộ tham gia, hoạt động của một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác còn hạn chế do chưa có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, trình độ quản lý của ban điều hành Hợp tác xã, Tổ hợp tác còn hạn chế. 

 

- Sản xuất chưa ổn định do giá cả đầu vào biến động, chưa tạo được vùng chuyên canh tập trung.

 

          V. Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2013:

 

1. Kế hoạch sản xuất một số cây trồng chính trong vụ Hè Thu 2013:

- Lúa: Diện tích sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2013 dự kiến là 5.000 ha, chủ yếu tập trung ở Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; năng suất ước đạt 4,8 tấn/ha; sản lượng ước đạt 24.000 tấn.

- Rau an toàn: Diện tích gieo trồng dự kiến là 4.200 ha, tập trung ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; năng suất ước đạt 21,7 tấn/ha; sản lượng ước đạt 91.140 tấn.

 

2. Các giải pháp thực hiện:

2.1. Quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn từng quận, huyện gắn với quy hoạch nông thôn mới:

- Triển khai quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 1494/QĐ-UBND ngày 28/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Triển khai công tác quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây kiểng tập trung trên địa bàn thành phố.

2.2. Giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 -2015.

2.3. Tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nhân nhanh các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, tăng cường phòng trừ dịch hại trên cây trồng.

2.4. Một số giải pháp cụ thể trong sản xuất lúa:

a) Giống:

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng giống xác nhận, giống bổ sung, giống triển vọng, các giống lúa kháng rầy nâu, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương được Cục Trồng trọt khuyến cáo sử dụng tại thành phố Hồ Chí Minh, gồm:

+ Giống chủ lực: OM 4900, OM 6162, VND 95-20, OMCS 2000,…

+ Giống bổ sung: Nàng hoa 9, OM 4218, OM 6976, OM 3536, IR 64,…

+ Giống triển vọng: OM 6916, OM 7262, OM 8018, MTL 547,…

Không khuyến khích mở rộng diện tích giống IR 50404.

b) Thời vụ gieo sạ:

Thời vụ gieo sạ lúa Hè Thu 2013 bắt đầu từ 10/4/2013, chậm nhất đến ngày 30/5/2013. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể sẽ căn cứ vào lượng mưa, dữ liệu thu hoạch lúa ở các tỉnh phía Nam và dữ liệu bẫy đèn sẽ có thông báo cụ thể đến từng địa phương.

c) Một số biện pháp phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa:

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình rầy nâu và bệnh hại lúa trên địa bàn thành phố, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ để dự tính, dự báo chính xác khả năng phát sinh gây hại của rầy nâu và bệnh hại lúa nhằm đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị rầy nâu và bệnh hại lúa, lưu ý gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm; áp dụng “ba giảm, ba tăng”: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, “một phải, năm giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch.

2.5. Một số giải pháp cụ thể phát triển rau an toàn:

- Tập trung công tác tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới.

- Tập trung các giải pháp thẩm định và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn và chứng nhận VietGAP, hỗ trợ vay vốn, củng cố và phát triển các Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP.

- Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, kiểm tra thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh rau an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tỉnh về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

2.6. Một số giải pháp cụ thể trong phát triển hoa kiểng:

- Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân nhanh các giống hoa, cây kiểng mới, nhất là giống hoa lan.

- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình về hoa, cây kiểng tại các xã nông thôn mới, nhất là các mô hình hoa lan, mô hình cơ giới hóa trong canh tác hoa, cây kiểng.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm hoa, cây kiểng; cung cấp kịp thời về thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất hoa, cây kiểng.

         2.7. Đẩy mạnh kinh tế tập thể:

- Tập trung xây dựng và củng cố hoạt động các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, quan tâm đào tạo cán bộ quản lý, các bộ chuyên môn cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các Hợp tác xã tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các Hợp tác xã sản xuất theo VietGAP để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

 

          VI. Tổ chức thực hiện:

 

 

            1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp:

 

- Chủ động có kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2013 cụ thể, đảm bảo sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và bền vững, phù hợp chủ trương của thành phố về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi có hiệu quả.

- Tăng cường công tác củng cố, hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hoạt động trên địa bàn.

 

2. Đề nghị các Hội, Đoàn thể:

Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn thành phố chỉ đạo các cấp Hội, Đoàn thể quận, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 -2015.

 

3. Các đơn vị trực thuộc Sở:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, có báo cáo kịp thời kết quả thực hiện. Cụ thể triển khai một số nội dung chính như sau:

3.1. Chi cục Bảo vệ thực vật:

- Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra dự tính dự báo, phát hiện và đề xuất kịp thời các biện pháp phòng chống dịch hại cây trồng, đặc biệt đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa, muỗi đục bông hại hoa lan; rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ người nông dân về phòng, chống dịch hại cây trồng.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình gây hại và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột trên địa bàn thành phố; phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tuyên truyền phổ biến những tác hại và thường xuyên nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng trừ chuột; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các biện pháp diệt trừ chuột đến từng hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác. Chú trọng các biện pháp thủ công như đào, bắt, bẫy chuột,…

- Tiếp tục kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của các hộ nông dân tại khu vực sản xuất.

- Tiếp tục tổ chức lấy mẫu rau, quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, kinh doanh rau.

- Tiếp tục điều tra, theo dõi tiến độ sản xuất rau an toàn, lúa,… về diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng đến từng xã (nhất là xã nông thôn mới). Báo cáo định kỳ về Sở theo quy định.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Hội, Đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân các biện pháp phòng chống dịch hại cây trồng, kỹ thuật canh tác rau an toàn, phun thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, bón phân hợp lý; hỗ trợ, củng cố mạng lưới Trạm Bảo vệ thực vật tại địa phương.

3.2. Trung tâm Khuyến nông:

- Khảo sát, điều tra, đánh giá phân tích số liệu diện tích hoa, cây kiểng; phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp phát triển diện tích hoa, cây kiểng theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Làm việc với các quận, huyện xác định vùng sản xuất hoa, cây kiểng, báo cáo Ban Giám đốc Sở trước tháng 7/2013.

- Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện sản xuất ở thành phố.

- Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất hoa, cây kiểng, mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP, mô hình cơ giới hóa, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Hội, Đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân các biện pháp phòng chống dịch hại cây trồng, kỹ thuật canh tác rau an toàn, phun thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, bón phân hợp lý; hỗ trợ, củng cố mạng lưới Trạm Khuyến nông tại địa phương.

3.3 Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

Tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi của các giống cây trồng mới, đưa vào sản xuất các giống cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường, hướng dẫn người nông dân các biện pháp canh tác giống cây trồng mới hiệu quả.

3.4. Chi cục Phát triển nông thôn:

 

- Phối hợp với các Hội, Đoàn thể hướng dẫn nông dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thủ tục vay vốn phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế các quận, huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác nhất là Hợp tác xã, Tổ hợp tác tại các xã nông thôn mới và các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm.

3.5. Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp:

 

- Phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ hoa lan. 

 

- Nghiên cứu, đề xuất mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả trang Website, thiết kế website, logo, nhãn hiệu cho các đơn vị về sản xuất, tiêu thụ nông sản của thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với hãng phim Cửu Long thực hiện và phát sóng định kỳ trên kênh truyền hình HTV9 chương trình “Nông dân hội nhập”.

3.6. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão:

           Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, dự báo tình hình nguồn nước để thông báo kịp thời cho các quận - huyện hướng dẫn cho nông dân có kế hoạch sử dụng nước có hiệu quả, phù hợp với thời vụ và biện pháp gieo sạ né rầy.

3.7. Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi:

- Xây dựng kế hoạch cung cấp, điều tiết nước trong khu vực do đơn vị quản lý.

- Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời lịch cung cấp nước để nông dân biết và sử dụng nước hợp lý theo đúng nhu cầu đảm bảo hiệu quả sản xuất./.


Số lượt người xem: 5801    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm