SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
8
7
0
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23 Tháng Tám 2007 1:40:00 CH

Thông tin tháng 8 năm 2007

Báo cáo số 126/BC-SNN-VP ngày 23 tháng 8 năm 2007 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh.

   

1/ Công tác chỉ đạo điều hành tập trung:

Trong tháng 8/2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tập trung chỉ đạo điều hành và thực hiện các mặt công tác sau đây:

- Theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2007; công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc; đặc biệt chú ý công tác phòng ngừa bệnh PRRS (hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp) và bệnh viêm não cầu (Streptococcus suis) trên heo, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình, Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và các chương trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2006 - 2010.

- Chỉ đạo công tác kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, công trình phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá nhằm phòng, tránh thiệt hại do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (sau chuyển thành cơn bão số 2). Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả của lốc xoáy, gió giật trên địa bàn thành phố.

- Chỉ đạo sản xuất vụ Mùa 2007, kế hoạch chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố.

- Tiếp tục thực hiện khảo sát thông tin tình hình thị trường và chất lượng giống; tiếp tục tuyên truyền pháp luật bảo vệ phát triển rừng.

- Xây dựng kế hoạch, làm việc và thống nhất với các quận, huyện về chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2008.

2/ Tình hình sản xuất nông nghiệp:

2.1/ Trồng trọt:

2.1.1/ Vụ Hè Thu:

- Lúa vụ Hè Thu: Tổng diện tích lúa được gieo sạ trong vụ là 7.348,5 ha, đạt 113,05% so với kế hoạch và đạt 102% so với cùng kỳ. Đến nay đã thu hoạch 2.556,2 ha.

- Rau vụ Hè Thu: Tổng diện tích gieo trồng đến nay là 3.177 ha, đạt 104,48% so với cùng kỳ.

2.1.2/ Vụ Mùa:

- Lúa vụ Mùa: Diện tích mạ lúa Mùa là 593,05 ha, diện tích sạ cấy từ đầu vụ đến nay là 1.373 ha, đạt 114,32% so với cùng kỳ.

- Rau vụ Mùa: Tổng diện tích rau vụ Mùa gieo trồng đến nay là 1.326 ha, đạt 108,39% so với cùng kỳ.

2.1.3/ Tình hình phòng, chống sinh vật hại cây trồng:

a/ Trên lúa: Trên lúa Hè Thu có sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ xít hôi, bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn gây hại rải rác, tuy nhiên mật độ sâu và tỷ lệ bệnh hại không đáng kể.

- Diễn biến rầy nâu vào đèn: Rầy nâu trưởng thành vào đèn liên tục từ ngày 01/7/2007 và có 2 cao điểm rõ rệt: cao điểm thứ nhất từ đêm 17/7/2007 đến 21/7/2007 và cao điểm thứ hai từ đêm 28/7/2007 đến 31/7/2007). Dự báo trên đồng ruộng sẽ có 2 đợt trứng rầy nâu nở rộ liên tiếp, đợt 1 vào đầu tháng 8 và đợt 2 vào khoảng gần giữa tháng 8 năm 2007.

- Diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng: Tổng diện tích nhiễm rầy nâu ở lúa Hè Thu là 736,5 ha, lúa Mùa 8,92 ha và mạ Mùa 116,7 ha. Mật số rầy phổ biến thấp.

- Thông tin tuyên truyền nông dân thực hiện gieo sạ lúa vụ Mùa 2007 theo hướng “né rầy” đã đạt kết quả tốt. Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật, các quận, huyện đang tiếp tục tập trung theo dõi diễn biến của bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn là nhằm có giải pháp kịp thời, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất nếu có dịch xảy ra trên lúa vụ Mùa 2007.

b/ Trên rau: Do có sự phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện trong việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh trên rau một cách kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng nên không có diện tích rau bị thiệt hại nặng.

2.2/ Chăn nuôi - Thú y:

2.2.1/ Tình hình dịch cúm gia cầm:

Dịch cúm gia cầm không xảy ra trên địa bàn thành phố. Tình hình dịch tễ tại 2 hộ chăn nuôi bà Nguyễn Thị Lạc (Hóc Môn) và bà Trần Thị Quang (Củ Chi) vẫn ổn định.

2.2.2/ Công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc:

Trong tháng qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh PRRS hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo, bệnh liên cầu khuẩn trên heo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đàn gia súc thành phố; phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1, dịch bệnh Lở mồm long móng trên đàn gia súc của thành phố; ngày 31 tháng 7 năm 2007, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh PRRS, qua đó, Ban Chỉ đạo đã đề nghị Chi cục Thú y, Ban chỉ đạo các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện nghiêm túc văn bản số 4696/UBND-CNN của Ủy ban nhân dân thành phố, khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh PRRS trên gia súc, bằng mọi nỗ lực, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố; nếu có xảy ra phải xử lý nhanh, gọn, triệt để, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã giao nhiệm vụ các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp sau đây:

- Đối với Ban chỉ đạo các quận, huyện:

+ Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể các kiến thức về chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, cách ly, các biện pháp phòng bệnh, nhằm tăng cường sức đề kháng cho gia súc, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với các trại chăn nuôi tập trung cần tăng cường các biện pháp phòng vệ, không cho tham quan, tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh.

+ Tiến hành rà soát, xử lý, lập biên bản các hộ chăn nuôi nhập cư không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, nhập heo không rõ nguồn gốc, làm cơ sở để xử lý không cho phép tiếp tục chăn nuôi trên địa bàn, xóa dần, tiến tới xóa hẳn tình trạng chăn nuôi tạm bợ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

+ Tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng giết mổ, kinh doanh gia súc trái phép trên địa bàn.

- Đối với Chi cục Thú y:

+ Tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, nhất là các bệnh dịch tả, thương hàn và phó thương hàn, tụ huyết trùng trên đàn gia súc của thành phố trong đợt II/2007.

+ Phối hợp với các sở, ngành, Ban chỉ đạo các quận, huyện và các đơn vị liên quan tổ chức phân công lực lượng trực 24/24, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, trên các tuyến Quốc lộ, Liên tỉnh lộ, các cửa ngõ đi vào thành phố và vùng giáp ranh các tỉnh để phát hiện, xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc, sản phẩm gia súc bệnh; đặc biệt lưu ý nguồn gia súc từ vùng dịch PRRS và các tỉnh miền Trung; kiên quyết xử lý các trường hợp nhập đàn gia súc trái phép.

+ Tăng cường lực lượng tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, cơ sở giết mổ, chuẩn hóa các quy trình, thủ tục, thao tác kỹ thuật. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, Ban quản lý các chợ xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật trái phép.

+ Tổ chức giám sát dịch tễ đàn gia súc, thống kê đàn gia súc, nhất là gia súc đến tuổi xuất chuồng, để phối hợp với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, các cơ sở giết mổ đưa đàn gia súc vào giết mổ, nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu của các cơ sở giết mổ và các trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

+ Phối hợp với Ban chỉ đạo các quận, huyện thực hiện công tác tuyên truyền, tổng tiêu độc, khử trùng thường xuyên, định kỳ tại các khu vực chăn nuôi, kết hợp các biện pháp nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

+ Chuẩn bị các phương án, tình huống để chủ động hành xử nhanh, gọn, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

+ Nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể về điều kiện chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố, bao gồm chăn nuôi tập trung, chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, điều kiện kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường trong chăn nuôi gia súc, để từng bước củng cố hành lang pháp lý, công bố, hướng dẫn các quận, huyện hạn chế dần, tiến tới giảm đàn và xóa hẳn trình trạng chăn nuôi gia súc không thực hiện tốt công tác tiêm phòng, khai báo kiểm dịch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

+ Xây dựng phương pháp kiểm tra, giám sát huyết thanh học thích hợp đối với các bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc nhằm có kế hoạch tiêm phòng phù hợp, kết hợp với các biện pháp an toàn sinh học.

Kết quả, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng và dịch bệnh PRRS trên gia súc tại địa bàn thành phố trong tháng qua tiếp tục ổn định; không phát hiện trường hợp gia súc nào bị bệnh tại các hộ chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc.

2.2.3/ Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y:

-   Hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trong tháng như sau:

   + Số lượng kiểm soát giết mổ heo:  217465 con.

   + Số lượng kiểm soát giết mổ trâu bò:  961 con.

   + Số lượng kiểm soát giết mổ dê:  574 con.

   + Số lượng kiểm soát giết mổ gia cầm:  1018399 con.

   + Tiêu độc sát trùng:  594689 m2

-   Trong tháng, Chi cục Thú y đã xử phạt vi phạm hành chính 716 trường hợp với tổng số tiền phạt là 194.063.000 đồng.

2.2.4/ Tình hình chăn nuôi gia cầm:

Tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố tính đến nay như sau: tổng số hộ chăn nuôi 16 hộ, tổng đàn 78.168 con, chia ra: 168 con chim, 30 con đà điểu, 77.970 con gà.

2.2.5/ Tình hình chăn nuôi gia súc:

Tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố tính đến nay như sau:

a/ Heo: Tổng đàn 383.124 con, cụ thể như sau:

- Quốc doanh: 25.648 con (gồm: Xí nghiệp Gò Sao 3.372 con, Xí nghiệp Đồng Hiệp 10.437 con, Trại Tân Trung 4.734 con, Xí nghiệp Giống cấp I  3.264 con, Xí nghiệp Phước Long 3.841 con).

- Nuôi tại hộ dân: 357.476 con, với tổng số hộ chăn nuôi là 15.956 hộ.

b/ Trâu bò: Tổng đàn là 110.279 con, trong đó có 4.910 con trâu, 105.369 con bò, cụ thể như sau:

- Quốc doanh: 3.800 con bò (gồm: Trại Tân Thắng 121 con, Trại An Phú 3.596 con, Trại Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi 83 con).

- Nuôi tại hộ dân: 106.016 con, trong đó có 4.910 con trâu, 101.106 con bò.

- Xí nghiệp Delta: 463 con bò.

c/ Dê: Tổng đàn 7.984 con, trong đó:

- Quốc doanh: 2.263 con (Trại An Phú).

- Nuôi tại hộ dân: 5.721 con.

d/ Cừu: Tổng đàn 470 con.

2.3/ Nuôi trồng và khai thác thủy sản:

2.3.1/ Sản lượng: Sản lượng trong tháng ước đạt 4.650 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay 31.158 tấn, đạt 54,57% kế hoạch năm 2007, trong đó:

- Nuôi trồng: Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 2.650 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 18.171 tấn, đạt 48,98% so với kế hoạch năm 2007.

- Diện tích nuôi trồng: Diện tích nuôi trồng trong tháng ước đạt 150 ha (tôm sú), lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 9.421,74 ha (riêng tôm sú ước đạt 5.387,33 ha), đạt 91,03% so với kế hoạch năm 2007.

2.3.2/ Khai thác: Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 2.000 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 12.897 tấn, đạt 64,94% so với kế hoạch năm 2007.

2.3.3/ Cá cảnh: Sản xuất giống cá cảnh trong tháng ước đạt 4 triệu con, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 27 triệu con, đạt 71,05% so với kế hoạch năm 2007.

3/ Hoạt động lâm nghiệp:

3.1/ Hoạt động lâm nghiệp:

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 669 lượt người (lũy kế từ đầu năm đến nay 5.643 người); cung cấp 103 văn bản quy phạm pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản.

- Quản lý bảo vệ rừng: Tổ chức 163 lượt tuần tra bảo vệ rừng; phối hợp với, bộ đội Biên phòng, phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, Ủy ban nhân dân các xã thuộc huyện Cần Giờ, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tổ chức 6 đợt tuần tra, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn Cần Giờ.

Trong tháng xảy ra 2 lượt sạt lở bờ sông tại tiểu khu 1 và 8 làm ngã đỗ 170 cây các loại trên diện tích 610m2. Tại các tiểu khu 5b, 9, 2b xảy ra tình trạng cây đước chết không rõ nguyên nhân (số cây chết là 1.027 cây trên diện tích 2.994m2).

- Quản lý lâm sản và động vật hoang dã: Tổng số động vật hoang dã được cứu hộ tại trại là 106 con, bao gồm 69 rùa, 3 cua đinh, 4 culi, 3 gấu chó, 17 kỳ đà vân, 5 kỳ tôm, 2 trăn gấm và 3 vượn đen má hung.

Trong tháng số lượng cá sấu sinh sản ở các trại nuôi là 10.000 con cá sấu nước ngọt, kiểm tra nhập trại 520 con cá sấu. Lập biên bản kiểm tra cấp mã số thẻ Cites là 1.577 thẻ, trong đó gồm 348 tấm da cá sấu, 366 sản phẩm da cá sấu, 1.204 tấm da cá sấu muối để các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu. Gắn 873 thẻ Cites cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó gồm 400 con cá sấu sống; 100 tấm da cá sấu muối, 348 tấm da thuộc, 366 sản phẩm  da cá sấu.

Kiểm tra lâm sản nhập xưởng 15.108,655 m3 gỗ các loại (lũy kế từ đầu năm đến nay 102.465,769 m3); đóng búa kiểm lâm 11.106,336 m3 gỗ các loại (lũy kế từ đầu năm đến nay 78.023,534 m3).

- Công tác pháp chế, thanh tra: Trong tháng xử lý 26 trường hợp vi phạm hành chính (lũy kế từ đầu năm đến nay 176 trường hợp); thu nộp ngân sách 190.155.000 đồng (lũy kế từ đầu năm đến nay 1.660.534 đồng).

-    Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp, tổng số cây giống được các đơn vị chuẩn bị để phục vụ công tác trồng rừng trên địa bàn thành phố trong 7 tháng đầu năm 2007 là 7.684.370 cây, trong đó:

                + Cây giống hữu tính (cây gieo bằng hạt): 984.370 cây, gồm các loài: tràm bông vàng, mù u, keo tai tượng, keo lá tràm, gáo vàng, dó bầu, cóc, cà na, bằng lăng nước, cây xanh đô thị và một số loài khác.

                + Cây giống vô tính (giâm bằng hom, cành): 6.700.000 cây, gồm các loài: keo lai, bạch đàn công, bạch đàn và một số loài khác.

- Công tác gieo ươm, cung cấp cây trồng phân tán (tính riêng của Chi cục Lâm nghiệp): Tính đến nay đã nghiệm thu 240.000 cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn, đạt 80% so với kế hoạch năm 2007, đạt 75% so với cùng kỳ năm 2006.

4/ Tình hình sản xuất diêm nghiệp:

4.1/ Tình hình sản xuất:

Theo báo cáo của Huyện Cần Giờ, tình hình sản xuất vụ muối năm 2006 - 2007 đến nay như sau:

- Diện tích sản xuất: 1.360 ha (xã Lý Nhơn 650 ha, xã Thạnh An 400 ha, xã Long Hòa 200 ha, Thị trấn Cần Thạnh 110 ha.

- Sản lượng: 81.850 ha tấn, vượt 9,4% so với kế hoạch, tăng 25,72% (16.750 tấn) so với cùng kỳ (vụ 2005 - 2006).

- Năng suất thu hoạch: 60,18 tấn/ha, cao hơn 12,18 tấn/ha so với cùng kỳ (vụ 2005 - 2006).

- Lao động nghề muối: 575 hộ.

- Đến nay đã tiêu thụ 52.950 tấn, trong đó, công ty Muối miền Nam tiêu thụ 11.700 tấn. Giá muối 580 đồng/kg tại kho xã Lý Nhơn, giá muối tại ruộng 500 đồng/kg. Lượng muối tồn kho hiện nay là 28.900 tấn.

4.2/ Các hoạt động liên quan:

Trong tháng, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ về quy trình sản xuất muối sạch trên ruộng trải bạt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

5/ Các hoạt động chuyên ngành:

 5.1/ Hoạt động quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi:

- Bình tuyển bò sữa: Trong tuần thực hiện 120 con, lũy kế từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 4.309 con, đạt 71,82% so với kế hoạch năm 2007.

- Gieo tinh bò sữa: Lũy kế từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 76.658 liều, trong đó, Xí nghiệp Truyền giống gia súc và Phát triển chăn nuôi miền Nam thực hiện 69.983 liều, Trung tâm Quản lý Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi đạt 6.675 liều.

- Khảo sát đời sau các dòng tinh bò sữa: Lũy kế từ đầu năm đến nay đã thực hiện 595 con, đạt 59,50% kế hoạch năm 2007.

- Khảo sát khả năng sinh sản và chất lượng giống bò sữa nông hộ: Trong tuần thực hiện 30 con, lũy kế từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 1.690 con, đạt 169% so với kế hoạch năm 2007.

- Thử nghiệm tính thích nghi một số giống rau ăn lá, ăn quả, cỏ: đã thực hiện được 2.900 m2 (gồm các giống: cải bông HV46 của Công ty Giống cây trồng miền Nam, cải bông Con Voi của Công ty Hoa Sen, 10 giống cải ngọt, 5 giống cải bẹ xanh, 5 giống rau muống, 7 giống xà lách, 23 giống rau ăn lá, 23 giống dưa leo và thu thập 14 dòng cà chua Hóc Môn).

Diễn biến tình hình hình thị trường và chất lượng giống trong tháng qua:

- Giá các loại thức ăn hỗn hợp, hạt giống cây trồng các loại trên thị trường giữ ổn định so với tháng trước.

- Giá bò sữa tăng cao trong tháng, biến động từ 18 - 25 triệu đồng/con, tăng 10% so với tháng trước.

- Giá thu mua sữa của Vinamilk từ 7.700 - 7.800đ/kg, của Dutch Lady từ 7.500đ/kg - 7.600đ/kg tùy theo tỷ lệ chất khô.

- Giá heo thương phẩm trong tháng qua đã giảm 2.000 - 4.000 đ/kg (biến động từ 19.000 - 23.000 đ/kg).

5.2/ Hoạt động quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Đăng ký, đăng kiểm tàu cá: Trong tháng thực hiện 30 chiếc, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 366 chiếc, đạt 52,29 % kế hoạch năm 2007, đạt 84,53 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm dịch thủy sản nội địa: Trong tháng thực hiện 48,15 triệu con, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 342,483 triệu con, đạt 54,06 % kế hoạch năm 2007, đạt 127,89 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm tra thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn: Trong tháng thực hiện được 32.046 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 108.188 tấn, đạt 166,44 % kế hoạch năm 2007, đạt 241,49 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm tra hóa chất, chế phẩm: Trong tháng thực hiện 5.055 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 17.955 tấn, đạt 122,22 % kế hoạch năm 2007, đạt 129,83 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm dịch động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu: Trong tháng thực hiện 344 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 3.574 tấn, đạt 89,35 % kế hoạch năm 2007, đạt 110,24 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm dịch cá cảnh xuất khẩu: Trong tháng thực hiện 814.000 con, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 2.854.000 con, đạt 81,54 % kế hoạch năm 2007, đạt 144,36 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm dịch cá cảnh nhập khẩu: Trong tháng thực hiện 8.500 con, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 58.430 con, đạt 38,95 % kế hoạch năm 2007, đạt 53,49 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm dịch giống thủy sản nhập khẩu: Trong tháng thực hiện 2.342.000 con, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 7.769.000 con, đạt 51,79 % kế hoạch năm 2007, đạt 65,51 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm dịch động vật thủy sản nhập khẩu: Trong tháng thực hiện 2.808 con, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 27.695 con, đạt 138,48 % kế hoạch năm 2007, đạt 178,45 % so với cùng kỳ năm trước.

- Kiểm tra điều kiện kinh doanh thủy sản: Lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 71 cơ sở, đạt 47,33 % kế hoạch năm 2007, đạt 133,96 % so với cùng kỳ năm trước.

* Các hoạt động khác:

- Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát, kiểm tra và công nhận cơ sở, nhóm cơ sở an toàn dịch bệnh SVC và KHV phục vụ xuất khẩu cá chép, cá vàng giai đoạn 2007 - 2010.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, liên lạc với các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, tổ chức đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đã về nơi neo đậu và thông báo các phương tiện nói trên về diễn biến thời tiết, vị trí, hướng đi của áp thấp nhiệt đới để có biện pháp chủ động phòng, tránh.

- Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản:

+ Tổ chức 2 lớp tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ, cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn thành phố.

+ Tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát chất lượng và sản phẩm thủy sản tại chợ chợ đầu mối nông sản Bình Điền, phòng chống dịch bệnh trên tôm sú, chuẩn bị  lượng giá chương trình GAP.

+ Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh Dự thảo Quy định kiểm tra công nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, kiểm tra chứng nhận chất lượng thủy sản và sản phẩm thủy sản chợ đầu mối nông sản Bình Điền; hoàn chỉnh Chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản thành phố giai đoạn 2007 - 2010.

5.3/ Hoạt động phát triển nông thôn:

- Trong tháng có 2 hợp tác xã và 01 Tổ hợp tác được thành lập là Hợp tác xã nông nghiệp Hà Mạnh tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh và Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ Trung Lập (sản xuất rau an toàn) tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi; Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ tại xã Xuân Thới Sơn.

- Hoàn thành điều tra cập nhật cơ sở dữ liệu Hợp tác xã năm 2007.

- Tập huấn, hướng dẫn tổ chức sản xuất rau an toàn cho nông dân cho xã Xuân Thới Thượng, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ công tác cung ứng rau an toàn cho Hợp tác xã Ngã Ba Giòng, củng cố lại tổ sản xuất rau tại ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, hình thành vùng rau an toàn để cung cấp sản phẩm rau an toàn theo hợp đồng cho Liên hiệp Hợp tác xã thương mai thành phố (Sài Gòn Co.op), đã thống nhất hình thức bao bì và giao đợt đầu tiên vào ngày 06/08/2007 với sự liên kết cùng Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Trung (huyện Bình Chánh).

- Tổ chức đưa các xã viên các Hợp tác xã nông nghiệp tham quan, học tập mô hình xóa đói giảm nghèo trong mô hình Hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng (Chương trình Evergrowth).

- Triển khai đến các quận huyện kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và Chương trình hành động của Thành ủy về “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001 - 2010”.

- Hoàn chỉnh báo cáo tổng kết và nhân rộng mô hình phát triển nông thôn toàn diện quy mô cấp xã.

- Trình duyệt đề án thí điểm phát triển mô hình nông thôn mới tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

- Báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động Chương trình liên tịch phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững (với Sở Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân thành phố).

- Tham quan một số mô hình vay vốn thuộc diện xóa đói giảm nghèo thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở huyện Nhà Bè.

- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng dự thảo Hướng dẫn thực hiện Chương trình 105 (điều chỉnh).

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Trung An, huyện Củ Chi tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại xã Trung An.

- Tiếp tục phối hợp với Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ sở phía Nam và Ủy ban nhân dân xã Tân Thông Hội chuẩn bị các nội dung phục vụ cho việc triển khai dự án “Nâng cao năng lực phát triển cộng đồng”.

- Tình hình thực hiện Chương trình 105:

 Từ đầu năm 2007 đến ngày 12/8/2007 tổng số đề án được phê duyệt là 255 đề án (trong đó, huyện Nhà Bè có 98 phương án, huyện Cần Giờ 10 phương án, huyện Củ Chi có 29 phương án, huyện Hóc Môn có 97 phương án, huyện Bình Chánh có 05 phương án, quận 12 có 06 phương án, quận Bình Tân có 01 phương án, quận 9 có 01 phương án và quận Thủ Đức có 08 phương án. Tổng số hộ vay là 3.397 hộ, tổng vốn đầu tư 372.663,455  triệu đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất 226.002,15 triệu đồng).

Từ khi thực hiện Chương trình (ngày có hiệu lực 27/7/2006; đề án đầu tiên của UBND huyện Cần Giờ ngày 30/8/2006) đến ngày 12/8/2007, tổng số phương án được phê duyệt là: 279 phương án (huyện Nhà Bè có 137 phương án, huyện Cần Giờ 11 phương án, huyện Củ Chi có 31 phương án, huyện Hóc Môn có 62 phương án, huyện Bình Chánh có 02 phương án và quận 12 có 09 phương án, quận 2 có 06 phương án, quận Bình Tân có 01 phương án, quận 9 có 11 phương án và quận Thủ Đức có 08 phương án). Tổng số hộ vay là 4.409 hộ, tổng vốn đầu tư 481.645 triệu đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất 286.085 triệu đồng.

5.4/ Hoạt động tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp:

- Tiếp và làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan.

- Tổ chức lớp tập huấn chuyên đề “Kỹ thuật trồng và bảo quản rau an toàn, kiến thức kinh doanh cơ bản” tại huyện Bình Chánh theo chương trình hợp tác với Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam.

- Báo cáo bước 1 tiến độ thực hiện dự án Trung tâm Giao dịch và Triển lãm nông sản thành phố.

- Tổ chức lớp tập huấn chuyên đề “Kỹ thuật trồng và bảo quản rau an toàn, kiến thức kinh doanh cơ bản” tại huyện Bình Chánh theo chương trình hợp tác với Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam.

- Làm việc với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) về chương trình hợp tác tiêu thụ hàng nông sản của một số Hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

- Làm việc với Hợp tác xã Nhuận Đức về xây dựng logo và nhãn hiệu hàng hóa rau an toàn.

- Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan làm việc với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) về chương trình hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã bánh tráng Phú Hòa Đông; làm việc với Hợp tác xã Thành Trung, Hợp tác xã Phước An, Hợp tác xã Thanh niên về cung cấp sản phẩm cho Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op).

- Khảo sát một số trại nuôi cá sấu phục vụ công tác hỗ trợ các trại có đủ khả năng sản xuất và nhu cầu cấp Cites của các trại.

- Hoàn chỉnh đề án “Xúc tiến Thương mại Sản phẩm Nông nghiệp phục vụ Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007 - 2010”; đề án “Phát triển hoạt động dịch vụ nông nghiệp tại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007 - 2010”; Kế hoạch triển khai chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố giai đoạn 2007 – 2010.

- Hoàn chỉnh các đề án Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp các xã: Bình Lợi, Phong Phú (huyện Bình Chánh); Tân Thông Hội, Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi).

- Đến nay, trong số 81 hợp đồng nguyên tắc và biên bản ghi nhớ về tiêu thụ nông sản đã được ký kết, có 34 hợp đồng đã triển khai thực hiện, trong đó hầu hết hợp đồng nguyên tắc và biên bản ghi nhớ được thực hiện trên 50% - 100% như các hợp đồng về sữa tươi, bánh tráng, cá sấu, rau an toàn, bắp lai giống, đậu xanh, cỏ chăn nuôi, nấm, hoa lan cắt cành, tôm, cá thương phẩm, ngó sen, hoa lài,...

- Công tác xúc tiến thương mại, hợp tác được duy trì và tăng cường theo hướng đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về hội nhập và xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản. Tiếp tục phối hợp với hệ thống Metro Cash & Carry, Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op), Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre đẩy mạnh giới thiệu và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của thành phố.

- Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường để thu hút các tổ chức nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tiếp tục một số kết quả khả quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp, nông hộ, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thương trường.

5.5/ Hoạt động Phòng chống lụt bão:

- Hoàn chỉnh Dự thảo quyết định về công tác phòng chống lụt bão, thay thế cho Quyết định số 166/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố; Tờ trình liên sở về trang thiết bị phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, về thu quĩ phòng chống lụt bão năm 2007 đối với đối tượng là doanh nghiệp.

- Báo cáo sơ kết 07 tháng đầu năm công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng Dự thảo sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh và ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố.

- Tổng hợp, thống kê phương tiện, trang thiết bị phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của các sở, ngành, đơn vị và 24 quận, huyện; thống kê các chung cư cũ nát, xuống cấp tại 5 quận, huyện.

- Hoàn thành đợt kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại 24 quận, huyện.

- Thiết kế mặt cắt định hình: Triển khai kế hoạch thiết kế định hình thử nghiệm tại quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn, bước đầu thực hiện 02 công trình bờ bao tại Thủ Đức từ nguồn vốn Quỹ phòng chống lụt bão thành phố năm 2007; đồng thời xây dựng Đề cương “Báo cáo phương án đầu tư dự án xây dựng đê bao loại nhỏ theo thiết kế định hình tại các quận 12, Thủ Đức giai đoạn 2007-2010”.

- Tiếp tục thống kê tổng hợp các vị trí sạt lở, các dự án công trình chống sạt lở; tổng hợp số liệu, xác định vị trí để xây dựng bản đồ khu vực xung yếu tại 5 phường trọng điểm: phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), phường Thạnh Xuân, phường Thạnh Lộc và phường An Phú Đông (quận 12).

- Điều tra, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố trong tháng và công tác khắc phục hậu quả, cụ thể như: mưa lớn, gió mạnh, lốc xoáy gây tốc mái, hư hại nhà ở của dân và ngập úng tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, quận 7, quận 8, quận Gò Vấp, quận Tân Bình; cây xanh bị ngã đổ, gãy nhánh tại một số tuyến đường, công viên tại các quận nội thành. Hiện nay, việc khắc phục hậu quả được các quận - huyện tiếp tục thực hiện nhằm sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân bị thiệt hại.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá nhằm phòng, tránh thiệt hại do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (sau chuyển thành cơn bão số 2).

- Công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão tại 24 quận, huyện đã hoàn thành, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất trong mùa mưa lũ sắp tới.

5.6/ Hoạt động khác:

Tổ chức hội nghị hướng dẫn các điều kiện công bố sản xuất rau an toàn và công bố các sản phẩm rau an toàn (theo Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN ngày 19/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phổ biến Nghị Quyết 07 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học về công tác tại các hợp tác xã.

- Việc duy trì và mở rộng ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào 23 lĩnh vực hoạt động quản lý Nhà nước và hành chính công tại cơ quan Văn phòng Sở tiếp tục có kết quả tốt.

- Công tác tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định:

+ Đã thành lập mốt số hợp tác xã và Tổ Hợp tác sản xuất thực phẩm an toàn như Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức, Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi),...

+ Mô hình thí điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên một số rau ăn quả tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi đang triển khai tốt và phát triển ổn định; mô hình thí điểm quy phạm thực hành nuôi tôm tốt (GAP) tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị lượng giá mô hình.

+ Mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, kết hợp dự án liên kết và tiêu thụ rau an toàn với các tỉnh.

+ Tiếp tục thực hiện công tác hướng dẫn các điều kiện công bố sản xuất rau an toàn và công bố các sản phẩm rau an toàn theo quy định mới tại Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN ngày 19/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Đã hoàn chỉnh chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành, kết hợp kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất trên 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

+ Đã hoàn chỉnh Dự thảo Quy định kiểm tra công nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, kiểm tra chứng nhận chất lượng thủy sản và sản phẩm thủy sản chợ đầu mối nông sản Bình Điền.

- Đã xây dựng kế hoạch, làm việc và thống nhất với các quận, huyện về chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2008 đúng tiến độ và quy định theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Chỉ thị số 18/2007/CT-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2007 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 2008.

6/ Chương trình công tác tháng 9/2007:

Trong tháng 09/2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung chỉ đạo điều hành các mặt công tác sau đây:

1/ Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình, chính sách về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố và các chương trình mục tiêu trọng điểm của ngành giai đoạn 2006 - 2010 theo tiến độ (Quyết định 78/QĐ-SNN-VP ngày 26/02/2007 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); thông qua đề án chuyển đổi tại 23 xã khác thuộc huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.

2/ Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc; đặc biệt chú ý công tác phòng ngừa bệnh PRRS (hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp) và bệnh viêm não cầu (Streptococcus suis) trên heo.

3/ Chỉ đạo sản xuất vụ Mùa năm 2007 theo tiến độ, kế hoạch chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố; tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

4/ Từng bước triển khai thực hiện chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành, đẩy mạnh chương trình hợp tác với các tỉnh nhằm kiểm soát chất lượng của sản phẩm trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản.

5/ Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các đơn vị sản xuất kinh doanh; duy trì công tác cung cấp thông tin thị trường tại các chợ đầu mối, dự án hệ thống thông tin khuyến nông và thị trường nông sản; đẩy mạnh hợp tác với và mở rộng thêm một số đơn vị khác để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thành phố.

6/ Tiếp tục thực hiện việc thanh, kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản; công khai các thủ tục hành chính của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố trên website của Sở.

7/ Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết nhằm có giải pháp ứng phó kịp thời .

8/ Tiếp tục thực hiện dự án Phát triển nông thôn mới tại ấp Chánh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), dự án Phòng nuôi cấy mô tại huyện Củ Chi và dự án Phát triển nông thôn toàn diện trên địa bàn huyện Củ Chi (theo Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn ChinFon - Đài Loan), kết hợp chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi, từng bước xây dựng huyện Củ Chi thành huyện phát triển nông thôn toàn diện.

9/ Sơ kết tình hình sản xuất nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp Quý IV năm 2007.


Số lượt người xem: 3215    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm