SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
0
8
7
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Ba 2006 10:15:00 CH

Tình hình sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Tuất ở thành phố Hồ Chí Minh

Theo quy hoạch chung và chiến lược phát triển kinh tế xã hội lâu dài của Thành phố thì đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp theo tốc độ đô thị hoá; từ năm 2004 UBND Thành phố đã phê duyệt chương trình mục tiêu hoa cây kiểng đến năm 2010 (quyết định 718/QĐ-UB ngày 25/02/2004) đã xác định hoa, cây kiểng là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển của nông nghiệp đô thị. Khi đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu tiêu thụ hoa, cây kiểng trong các ngày lễ, tết ngày càng tăng; riêng trong dịp Tết Nguyên Đán năm Bính Tuất vừa qua, cùng với các mặt hàng nông sản khác, sản lượng hoa kiểng ở các quận huyện trên địa bàn Thành phố đã có đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố.

1.  Tình hình gieo trồng hoa kiểng

Theo báo cáo của các quận huyện và kết quả điều tra khảo sát sơ bộ, tình hình sản xuất, kinh doanh hoa kiểng trong dịp Tết Nguyên đán như sau:

 

1.1.  Diện tích

Diện tích canh tác hoa, cây kiểng của toàn Thành phố là: 786,41 ha (tương đương 965 ha gieo trồng), trong đó diện tích hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Tuất là 471,89 ha, tập trung ở quận Thủ Đức (125 ha), quận 12 (120 ha), diện tích trồng hoa, cây kiểng ở quận 12, quận Gò Vấp có chiều hướng giảm ở một số khu vực đô thị hoá nhanh, nhưng ở các quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi lại tăng.

 

1.2.  Cơ cấu, chủng loại hoa kiểng Tết:

                      

     -  Mai vàng là chủng loại hoa chiếm tỉ lệ lớn trong diện tích hoa, cây kiểng Tết của Thành phố. Diện tích mai vàng là 223,44 ha (chiếm 47,35 % diện tích hoa, cây kiểng Tết) tập trung chủ yếu ở 02 quận Thủ Đức: 106,25 ha (chiếm 48,09 % diện tích mai vàng), quận 12: 80 ha (chiếm 36,21% diện tích mai vàng).

     -  Hoa lan: Diện tích hoa lan hiện nay là 63,63 ha (tăng 13 ha so với tháng 08/2005). Đây là chủng loại hoa tuy mới phát triển gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã có tốc độ phát triển khá nhanh đặc biệt là ở Củ Chi, quận 9, Bình Tân và Hóc Môn.

      - Hoa nền các loại như vạn thọ, sống đời, cúc, huệ, mào gà, …có diện tích là 86,3 ha (chiếm 18,29% diện tích hoa, cây kiểng Tết), tùy theo từng địa phương, sự phát triển của các loại hoa nền cũng rất đa dạng:

·          Quận Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn chủ yếu là hoa vạn thọ.

·          Huyện Bình Chánh phát triển mạnh hoa huệ trắng (12,7 ha), sống đời (36,6 ha).

     -  Các loại sứ Thái, sứ Thái ghép, bonsai, cau kiểng, kiểng lá,…được trồng rãi rác ở các quận huyện

2. Tình hình tiêu thụ và kinh doanh hoa, cây kiểng Tết trên địa bàn Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là nơi sản xuất mà còn là nơi trung chuyển và tiêu thụ hoa, cây kiểng rất lớn. Năm nay, bên cạnh những hội chợ hoa lớn được tổ chức hàng năm ở trung tâm Thành phố như Công viên 23/9, Công viên Gia Định, Công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ, ở các quận huyện cũng đã tổ chức Hội hoa xuân địa phương vừa là nơi thi tài của những nghệ nhân địa phương, vừa là nơi mua bán hoa, cây kiểng của địa phương và các tỉnh như Hội hoa xuân huyện Bình Chánh, Hội hoa xuân huyện Củ Chi, Hội hoa xuân quận Gò Vấp, chợ mai quận 12.

 

2.1. Giá cả

Năm nay, tình hình thời tiết diễn diễn biến phức tạp, những đợt lạnh và mưa vào cuối năm khiến cho hoa các loại nói chung và mai có hiện tượng ngậm nụ hoặc nở sớm, theo thông tin từ các quận huyện giá mai vàng năm nay tăng 10-15% so với Tết Nguyên đán Ất Dậu - năm 2005, đặc biệt mai trồng ở TP. Hồ Chí Minh có giá bán cao hơn giá mai ở các tỉnh có cùng kích cỡ, do mai trồng ở Thành phố được tạo dáng rất đẹp, xu hướng tiêu thụ của người dân Thành phố thích mua những cây mai nhỏ để chưng Tết vì giá thấp (50.000 – 300.000 đồng/cây), còn mai gốc lớn phần lớn được thuê lại của nhà vườn để chưng vì giá thuê chỉ khoảng 20-30% giá mua (giá thuê cũng rất biến động, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/cây tùy độ lớn của cây). Năm nay, thị hiếu chơi mai của mỗi miền cũng có những thay đổi, người dân phía Bắc lại thích những cây mai gốc lớn hơn những cây mai “mini” như năm trước.

Mãi lực hoa lan năm nay tuy cao nhưng giá cả lại không tăng do lượng hàng nhập về từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, các tỉnh  rất nhiều, nhưng giá hoa lan cắt cành lại tăng từ 1,5 – 2 lần so với ngày thường.

Các loại hoa nền: giá hoa trồng chậu không biến động lớn nhưng giá các loại hoa cắt cành, đặc biệt là vạn thọ tăng gấp 2 lần so với Tết Ất Dậu và ngày thường: 5.000 – 6.000 đồng/cây.

 

2.2. Giá trị sản lượng:

Lượng hoa, cây kiểng đã sản xuất và tiêu thụ trong dịp Tết Bính Tuất 2006 ước khoảng 1.600.000 chậu hoa và hơn 1.600.000 cành hoa các loại, trong đó mai trên 250.000 chậu, hoa lan: trên 400.000 chậu và gần 300.000 cành; tổng giá trị sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên Đán Bính Tuất 2006 đạt 141,378 tỉ đồng (theo giá thực tế) đạt hơn 1/7 giá trị sản xuất trồng trọt trong năm 2005 (theo giá thực tế), trong đó: 

- Mai vàng : 108,710 tỉ đồng, chiếm 77,13 % tổng giá trị sản xuất hoa, cây kiểng Tết (Tổng GTSXHK).

- Hoa lan (chậu và cắt cành): trên 14 tỉ đồng, chiếm 9,94 % Tổng GTSXHK

-  Hoa nền (chậu và cành): 13,627 tỉ đồng, chiếm 9,67 % GTSXHK

Như vậy trong các chủng loại hoa, cây kiểng, mai vàng là chủng loại chính đóng góp đáng kể trong giá trị sản xuất hoa, cây kiểng trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, trong năm nay do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mai vàng có hiện tượng ngậm nụ hoặc nở sớm khiến cho lượng mai vàng ở một số địa phương trong Thành phố bị giảm sút khoảng 10 - 20%, điều này đã làm giảm đi tổng GTSXHK chung của Thành phố trong dịp Tết Nguyên đán năm 2006.

Hoa nền tuy giá trị sản xuất thấp hơn nhưng là loại hoa dễ tính, không đòi hỏi đầu tư và kỹ thuật cao, dễ mua bán, phù hợp với điều kiện sản xuất của nhiều đối tượng nông dân.

GTSX hoa, cây kiểng đạt được ở các quận huyện biến động rất lớn, phụ thuộc vào diện tích, chủng loại hoa, cây kiểng, trình độ sản xuất.

Quận Thủ Đức đạt GTSXHK cao nhất: 92,83 tỷ đồng (chiếm 65,87 % GTSXHK Tết), trong đó mai vàng chiếm 63,86 % GTSXHK Tết, điều này cho thấy trong các loại hoa, cây kiểng, mai vàng là chủng loại đóng góp GTSX rất lớn. Tuy nhiên, để tăng giá trị sản xuất mai vàng cần chú ý đến việc tạo dáng cho cây mai, kỹ thuật làm mai nở đúng Tết, nụ to, nở tập trung,…đây là những khâu thiết yếu, đòi hỏi tay nghề cao của nghệ nhân, các nhà vườn.

Quận 12 là quận có diện tích mai vàng đứng thứ nhì Thành phố nhưng GTSX hoa, cây kiểng chỉ đạt 12,203 tỷ đồng (chiếm 8,66 % GTSX hoa, cây kiểng Tết), mai vàng đạt 7,45 % GTSX hoa, cây kiểng Tết. Theo thông tin của địa phương, mai vàng của quận 12 năm nay có nụ nhỏ hơn nên lượng mai bán ra ít hơn hàng năm.

Huyện Bình Chánh đạt GTSX hoa, cây kiểng trên 12 tỷ đồng (chiếm 8,52 % tổng GTSXHK), trong đó hoa nền đóng góp 78,72 % GTSX hoa, cây kiểng của huyện.

Huyện Củ Chi có diện tích hoa, cây kiểng thực tế là 155 ha, trong đó phần lớn diện tích là cây Kim ngân (Pachira aquatica) của công ty Fosaco: 110 ha, diện tích hoa, cây kiểng hộ dân chỉ có 45 ha. GTSX hoa, cây kiểng Tết của huyện (không tính của Fosaco) đạt 4,84 tỷ đồng, trong đó hoa lan đóng góp 94,34 % GTSXHK Tết của huyện.

Quận Gò Vấp là vùng trồng hoa truyền thống, tuy tốc độ đô thị hoá mạnh, diện tích hoa, cây kiểng của quận đã giảm đi rất nhiều nhưng quận vẫn khai thác được thế mạnh của địa phương trong sản xuất hoa, cây kiểng, GTSXHK Tết của quận là 9,3 tỷ đồng phân bổ khá đều với các chủng loại hoa, cây kiểng, đặc biệt với kiểng cao cấp và mai vàng có giá trị cao (giá bình quân 500.000đồng/cây), tận dụng được đất đai.

Bên cạnh, thu nhập từ việc trồng hoa, cây kiểng trong dịp Tết Nguyên đán, thu nhập cho nhà vườn trong dịch vụ cho thuê mai, kiểng chưng Tết và dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng mai sau Tết cũng khá lớn nhưng chưa thể thống kê được (công chăm sóc, bảo dưỡng mai sau Tết chiếm khoảng 25-30% giá bán của cây mai).

Ước tính tổng giá trị kinh doanh tiêu thụ hoa, cây kiểng của toàn Thành phố trong dịp Tết Nguyên đán là 400 tỉ đồng, trong đó GTSX hoa, cây kiểng Tết của Thành phố là 141,378 tỉ đồng chiếm 35,35 % giá trị kinh doanh tiêu thụ hoa, cây kiểng của Thành phố.

3.  Một số nhận xét, đánh giá

- Hoa, cây kiểng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chỉ riêng giá trị sản xuất hoa, cây kiểng trong dịp Tết Nguyên đán đã chiếm 14,5% GTSX trồng trọt của năm 2005 (tính theo giá thực tế), đặc biệt cây mai vàng được xem là cây kiểng truyền thống và đặc sản của TP. Hồ Chí Minh Mai vàng của Thành phố không chỉ cung cấp tại chỗ mà hiện nay còn được cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc, đây là một lợi thế của của TP. Hồ Chí Minh.

- Việc phát triển nghề trồng hoa, cây kiểng ở Thành phố còn mang nặng tính tự phát, việc sản xuất vẫn còn dựa vào kinh nghiệm là chính, địa phương chưa có kế hoạch để định hướng chiến lược lâu dài chương trình hoa, cây kiểng thành phố.

 


Số lượt người xem: 8847    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm