SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
8
0
4
4
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 Tháng Mười Hai 2006 9:00:00 SA

Thông báo khẩn của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố về việc chủ động phòng tránh bão đổ bộ vào đất liền đêm 04/12/2006

Văn bản 145/TB-PCLB ngày 4/12/2006 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố về việc chủ động phòng tránh bão đổ bộ vào đất liền đêm 04/12/2006 (tiếp theo văn bản 144/TB-PCLB ngày 4/12/2006).
 
 

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hồi 16 giờ ngày 4/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ vĩ bắc, 110,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận khoảng 120km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102km/giờ), giật trên cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 - 250 km. Như vậy, bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Sóc Trăng. Khoảng đêm 4/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre và có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển Cần Giờ và khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau:

1. Thủ trưởng các Sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải khẩn trương triển khai phương án “ 4 tại chỗ”, các biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với mọi tình huống bất lợi khi bão đổ bộ vào đất liền. Thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ và chế độ chỉ huy, điều hành các lực lượng xung kích, chuyên trách để xử lý, khắc phục kịp thời các hậu quả xảy ra.

 Dùng mọi phương tiện truyền thông để thông báo tình hình, tổ chức hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, sử dụng các bao tải cát để gia cố các mái nhà bằng tấm lợp, di dời dân tại các vùng xung yếu và sống trong nhà cửa không đảm bảo an toàn. Cảnh báo nhân dân không ra khỏi nhà, tìm nơi trú bão an toàn khi có mưa giông gió xoáy.

Kiểm tra tình hình bảo vệ các công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng và các khách sạn, khu du lịch để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến an toàn xã hội.

2. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ hoàn thành việc sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước 20 giờ ngày 04-12-2006. Chủ động chăm lo tốt cuộc sống của các hộ dân tránh bão. Huy động tất cả lực lương Thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, Công an…giúp dân chằng chống, gia cố nhà cửa, bảo vệ tốt tài sản của nhân dân; giám sát và cưỡng chế việc chấp hành các quy định an toàn trong việc neo đậu tàu thuyền, đầm đập, chòi canh thủy sản…đồng thời ứng trực đối phó, xử lý tình huống kịp thời khi cơn bão gây ảnh hưởng trực tiếp.

 3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã ven sông Sài Gòn (Củ Chi, Hóc Môn, quận 12…) thông báo cho nhân dân và các lực lượng tại địa phương không được chủ quan và triển khai nhanh các phương án: chằng chống, gia cố nhà cửa, kiểm tra các khu vực trọng yếu có nguy cơ sạt lở và nhà cửa không đảm bảo an toàn… để chuẩn bị phương tiện, địa điểm sơ tán dân đối với các khu vực nguy hiểm nhằm đối phó kịp thời cho các tình huống bất lợi, đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản nhân dân khi bão đổ bộ có khả năng gây lốc xoáy, ngập lụt do xả lũ các hồ thượng nguồn trong giai đoạn đỉnh triều cường đang dâng cao.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố, Công an thành phố… phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai ngay các phương án, kế hoạch cứu hộ, cứu nạn. Huy động chiến sĩ, lực lượng cơ động và dân quân tự vệ; sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ.

5. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố (Hepza) thông báo cho các khu công nghiệp, khu chế xuất về tình hình cơn bão số 9 để có kế hoạch, phương án chủ động di dời các kho tàng, nhà xưởng trọng yếu. Đặc biệt đối với khu công nghiệp Hiệp Phước phải đề phòng tình huống mưa bão kết hợp triều cường gây sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho công nhân và người lao động.

6. Các Sở ngành trọng yếu khẩn cấp triển khai nhanh các nhiệm vụ được giao tại Công văn số 9012/UBND – CNN ngày 03 tháng 12 năm 2006 của ủy ban nhân dân thành phố. Các chủ đầu tư đang thi công các dự án xây dựng trên địa bàn phải kiểm tra, tăng cường công tác chuẩn bị đối phó với tình huống bão gây thiệt hại công trình và ảnh hưởng đến an toàn xã hội.

7. Đề nghị Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố phát thông báo khẩn này và diễn biến cơn bão liên tục; Đài Phát thanh các quận, huyện ( kể cả sử dụng các phương tiện lưu động) để phát tin liên tục về nội dung của Thông báo khẩn này cho nhân dân trên địa bàn biết.

        8. Đến 06 giờ, 13 giờ, 18 giờ ngày 05-12-2006 các Sở, ngành thành phố và các quận, huyện phải báo cáo nhanh tình hình triển khai và kết quả công tác phòng, chống bão về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố./.


Số lượt người xem: 3869    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm