SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
5
5
8
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Mười Hai 2006 8:55:00 SA

Công văn số 9093/UBND-CNN, ngày 06 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc báo cáo tình hình triển khai các biện pháp, phương án phòng chống và khắc phục thiệt hại cơn bão số 9.

Với tinh thần không chủ quan, thiếu cảnh giác trước hiểm họa của cơn bão số 9, ngay trong ngày thứ bảy 02/12 Thành phố đã chỉ đạo, khẩn trương triển khai các phương án khẩn cấp, các biện pháp phòng chống để huy động tổng lực các lực lượng ứng cứu và cụ thế hóa phương châm “ 4 tại chỗ” cho các quận huyện và địa bàn trọng yếu để thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương như sau:
 
  .

   I. Công tác triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống cơn bão số 9:

1. Cụ thể hóa nhiệm vụ và sẳn sàng ứng phó trước khi bão đổ bộ:

- Triển khai công tác nắm số lượng, số đăng ký tàu thuyền của từng đơn vị tại các nơi trú đậu; số lượng, số đăng ký của tàu thuyền đang hoạt động trên biển, vị trí (kinh, vĩ độ), số thuyền viên trên từng tàu thuyền, thông báo cho các chủ tàu thuyền đưa tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn.

- Giao nhiệm vụ cụ thể cho các quận huyện, sở ngành trọng yếu, lực lượng vũ trang, Công An, Biên Phòng… lập các phương án, kế hoạch phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do ảnh hưởng của bão, mưa to, thủy triều dâng cao; chuẩn bị chi tiết phương án di dời dân tại các khu vực xung yếu đến nơi an toàn; kiểm tra và chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn; chuẩn bị thuốc men, lương thực,… để đảm bảo đời sống của nhân dân.

- Tổ chức trực ban 24/24, nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; phối hợp lực lượng đối phó khẩn trương phù hợp với điều kiện và đặc điểm trên từng địa bàn; trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu để cùng với địa phương chỉ đạo đối phó kịp thời và có hiệu quả.

- Các quận, huyện, phường, xã chuẩn bị phương tiện, lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có bão đổ bộ; dự kiến những khu vực trú ẩn, tránh nạn cho nhân dân. Chủ động phối hợp với lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn và các lực lượng khác tổ chức việc di dời dân, bảo vệ các khu vực xung yếu, cứu hộ và giúp đỡ các gia đình bị nạn và bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Sau khi bão đi qua, phải nhanh chóng khắc phục thiệt hại để khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống, sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt quan tâm khu vực huyện Cần giờ và các vùng ven sông Sài Gòn.

- Giao nhiệm vụ cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn để liên tục cập nhật, dự báo, phán đoán hướng đi của bão và nguy cơ ảnh hưởng của yếu tố triều cường với xả lũ của các hồ thượng nguồn để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo thành phố ra quyết định xử lý.

2. Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ đối phó với cơn bão:

- Trước thay đối hướng đi của cơn bão, nhận thấy khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Cần Giờ và khu vực thành phố; Ngay trong ngày 3 tháng 12 năm 2006 Ủy ban nhân dân thành phố đã Chỉ thị kiên quyết tổ chức di dời 8.329 dân, riêng tại xã Thạnh An và các khu vực ven biển. Đã tổ chức di dời và đảm bảo hậu cần, ăn uống, chỗ nghỉ, chăm sóc sức khỏe cho  1.148 người dân ( chủ yếu người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em..) hoàn tất vào 20 giờ ngày 4 tháng 12 năm 2006.

 Sau đó, phát lệnh di dời dân ở các xã Long Hòa, Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn và thị trấn Cần Thạnh; tập trung triển khai lực lượng kiểm tra, vận động và tổ chức hỗ trợ cho các hộ dân sống ven biển, ven sông và vùng có nguy cơ sạt lở. Tiến hành kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và chằng, chống lại tất cả các nhà xiêu vẹo để phòng tránh khi có bão tới; hướng dẫn nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn để hạn chế thiệt hại khi có bão.

- Trong thời gian cơn bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện Cần Giờ, lãnh đạo Thành phố đã bố trí 1.780 người bao gồm: Quân đội, Công An, Thanh niên xung phong, Công ty Công viên cây xanh, Điện lực…và lực lượng xung kích tại chỗ đặt dưới sự chỉ huy thống nhất tại chỗ để cứu hộ cứu nạn túc trực thường xuyên để ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản của Nhà nước và nhân dân; tổ chức di dời dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tiếp tế lương thực, nước uống, thuốc men, lều bạt cho nhân dân.

-     Chỉ đạo các cơ quan Lực lượng Biên Phòng, Bộ chỉ huy, Trung đoàn Gia Định, Tiểu đoàn Kiểm soát Quân sự 31 và các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có lệnh.

- Khu Đường sông, Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Quản lý công trình cầu phà, Công ty Công viên cây xanh xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn cho cầu, phà; không để ùn tắc giao thông do ngã, đổ cành cây khi mưa to, gió lớn; kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải và phải được xử lý ngay sau khi xảy ra sự cố.

-     Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị dự phòng nguồn lương thực, 5.000 lít nhiên liệu dự trữ phục vụ công tác tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Huy động các phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn gồm: tàu kiểm ngư, Công an, tàu Hải đội Biên Phòng và ca nô.

- Về công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền: Tổng số tàu cá trên 90 CV của thành phố là 112 chiếc, hầu hết đã về nơi trú ẩn an toàn, chỉ còn 04 tàu của Doanh nghiệp Huỳnh Liêm đánh bắt ở vị trí 6 độ vĩ bắc và 110 độ kinh Đông, xa vùng nguy hiểm nên vẫn đảm bảo an toàn. Các cơ quan chức năng đã duy trì liên lạc thường xuyên với 04 tàu này. Tổng số tàu cá nhỏ hơn 90 CV của thành phố 1.148 chiếc, đã nghiêm túc thực hiện lệnh không ra khơi kể từ 14 giờ ngày 02 tháng 12 năm 2006.

 Khu neo đậu tàu cá được hướng dẫn quy trình neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền tại các bến đậu; kiểm tra chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền để tránh va đập gây thiệt hại khi có lốc xoáy và kiên quyết không cho thuyền viên ở lại tàu; đồng thời chủ động liên lạc với các cơ quan chức năng của Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre kịp thời thông báo tình hình tàu thuyền của Thành phố Hồ Chí Minh đang neo đậu, di chuyển trên vùng biển các tỉnh bạn để phối hợp ứng cứu nhanh nhất trong trường hợp có sự cố.

3. Khẩn trương tổ chức cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả sau bão:

- Cơn bão vừa tạm lắng dịu, đã tổ chức nhanh công tác tìm kiếm cứu nạn. Kết quả: Tổng số người được tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ: 52 người, trong đó:

   - Trước bão: cưỡng chế 03 người.

   - Trong bão: tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ 49 người, gồm:

   + 25 người của huyện Cần Giờ: gồm cưỡng chế 08 người lén đi đóng đáy sông cầu; 07 người lén đi đóng đáy sông cầu ở Hàng Cống, xã Long Hoà, cách bờ khoảng 10 km, được cứu vào sáng ngày 5 tháng 12 năm 2006; 06 người dân ở xã Long Hòa đi lưới lén bị chìm và trôi dạt ra biển, được cứu lúc 7 giờ ngày 5 tháng 12 năm 2006; 04 người (02 ở xã Long Hoà, 01 ở xã Tam Thôn Hiệp, 01 ở Thị trấn Cần Thạnh) đi làm thuê đóng đáy sông cầu ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị chìm, được cứu vào sáng ngày 5 tháng 12 năm 2006.

   + 24 người của các tỉnh bạn gồm: 12 người của tỉnh Tiền Giang, 05 người của tỉnh Trà Vinh, 03 người của tỉnh Đồng Tháp, 02 người của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 01 người của tỉnh Bến Tre, 01 người của tỉnh Long An. Trong số đó có 01 người được trực thăng cứu hộ là ông Phạm Văn Chí, 45 tuổi, trước cơn bão ở tại Cầu Đá, Bà Rịa – Vũng Tàu, sáng ngày 05 tháng 12 năm 2006 đi ghe bị chìm, đến 16 giờ 30 cùng ngày thì được trực thăng cứu.

II. Tình hình thiệt hại và công tác khắc phục sau cơn bão số 9:

1. Tình hình thiệt hại:

Trên địa bàn huyện Cần Giờ đã xảy ra một số thiệt hại và những sự cố do cơn bão số 9 gây ra sau đây:

   1.1. Sập hoàn toàn 337 căn nhà; tốc mái, xiêu vẹo 2.237 căn nhà, 29 cơ quan đơn vị, 10 trường học với 115 phòng, hệ thống hạ tầng và cơ sở sản xuất… ước thiệt hại khoảng 74 tỷ đồng.

   1.2. Ghe bị chìm: có 04 chiếc ghe bị chìm, gồm:

    + 02 chiếc ở Long Hòa, máy D 12, lén đi ghe lưới lúc 2 giờ ngày 05/12/2006, bị chìm ở vùng biển Cần Giờ (ông Đặng Văn Quyền và ông Nguyễn Văn Hải). Hiện đang tìm kiếm phương tiện.

    + 01 chiếc ở Lý Nhơn đi đóng đáy sông, máy D 12, bị chìm ở sông Vàm Sát (ông Nguyễn Văn Nhỏ).

    + 01 chiếc ở Tam Thôn Hiệp, máy D 12, đóng đáy ở Bà Rịa – Vũng Tàu, bị chìm chưa tìm ra phương tiện (ông Phan Văn Mười).

1.3. Mất tích:

- Ông Phùng Văn Đông, ở Tam Thôn Hiệp, làm công đóng đáy ở Vũng Tàu.

- Ông Đoàn Quốc Thành và ông Đặng Công Lập, ở Long Hòa, lén đi làm thuê lưới rập bị chìm ghe.

1.4. Chết:

- Ông Phan Thanh Hải, ở Tam Thôn Hiệp, làm công đóng đáy ở Vũng Tàu, bị chìm ghe, chết và trôi dạt vào Cần Thạnh, được vớt xác lúc 6 giờ ngày 06/12/2006.

- Ông Nguyễn Hồng Sáng (tự là Nguyễn Văn Đê), ở Long Hòa, lén đi khuya ngày 05/12/2006, bị chìm ghe, tìm được xác lúc 11 giờ ngày 06/12/2006 ở Doi Hồ, xã Lý Nhơn.

2. Công tác khắc phục:

-     Thành phố tăng cường thêm 360 nguời gồm: Công An, Công binh, điện lực, Giao thông công chính, Thanh niên xung phong. Ngay trong ngày 05 tháng 12 năm 2006 đã khắc phục xong cơ bản các vấn đề về giao thông, điện, thu dọn và vệ sinh môi trường.

-     Đã tổ chức đưa nhân dân về nơi cũ, kịp thời chăm lo các trường hợp chưa có nơi ở do nhà cửa bị hư hại. Đồng thời tổ chức cho các đơn vị Công binh, thanh niên xung phong…triển khai giúp dân sửa chữa nhà cửa. Các trường học đang khẩn trương thu dọn, khắc phục để nhanh chóng cho việc dạy và học vào ngày 06 tháng 12 năm 2006.

-     Để hỗ trợ và khắc phục hậu quả, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tạm ứng ngân sách 1,5 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện hỗ trợ cho các hộ dân bị sập nhà, tốc mái; đồng thời chỉ đạo các đơn vị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trung tâm Y tế, Công ty Công ích, Quân sự, các xã, thị trấn tổ chức khắc phục sự cố.

-     Thành phố đã triển khai chính sách hỗ trợ như sau: Đối với trường hợp nhà bị sập hoàn toàn 10 triệu đồng/căn; nhà bị tốc mái 3 - 5 triệu đồng/căn. Người bị chết, hỗ trợ gia đình 2 triệu đồng và địa phương hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/người. Đối với người mất tích, trước mắt Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ hỗ trợ cho gia đình 2 triệu đồng/người.

-     Hoạt động cứu trợ của các đơn vị, đoàn thể: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã cử đoàn cứu trợ đến huyện Cần Giờ ủng hộ số tiền 3 tỷ đồng, 3.000 thùng mì gói trị giá 90 triệu đồng và 5.000 tấm lợp trị giá 160 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ thành phố cứu trợ 2,4 tấn gạo, 500 thùng mì, thuốc men, quần áo; ước tính giá trị 45 triệu đồng, Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh cứu trợ 4.000 phần ăn, nước uống, mì; ước tính giá trị 30 triệu đồng.

III. Đánh giá:

-     Do bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong công tác phòng chống bão; đồng thời đánh giá đúng mức tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất chỉ đạo xuyên suốt, chủ động triển khai các biện pháp cấp bách để kịp thời ứng phó với bão số 9. Nhìn chung đã vận hành tốt các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão trên toàn địa bàn thành phố nên đã giảm thiểu được thiệt hại.

-     Công tác tác di dời dân đã được thực hiện kịp thời nên đã đảm bảo được tính mạng cho người dân sống trong nhà cửa thiếu an toàn. Công tác hậu cần, y tế, cứu trợ đã thực hiện tương đối tốt nên đã đảm bảo được đời sống, sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên, trong công tác phòng chống bão số 9 vẫn còn những tồn tại sau đây:

+  Ý thức chấp hành các quy định về công tác phòng tránh bão của nhân dân còn yếu nên đã xảy ra một số sự cố đáng tiếc.

+  Hệ thống phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ còn thiếu nên chưa đảm bảo khi điều động để thực hiện nhiệm vụ.

 

               Trên đây là báo cáo tình hình triển khai các biện pháp, phương án phòng chống và khắc phục thiệt hại cơn bão số 9 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
(Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Số lượt người xem: 3689    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm