SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
3
6
1
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23 Tháng Chín 2004 9:50:00 CH

Thông tin tháng 9-2004

-

   

Thông tin tháng 9 / 2004

----ooOoo----

1.- Tình hình sản xuất nông nghiệp :

1.1.- Tình hình thu hoạch lúa vụ hè thu 2004 :

Theo báo cáo của các quận, huyện và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, tính đến nay, tiến độ thu hoạch lúa trồng trong vụ hè thu 2004 trên địa bàn thành phố là 9.026 ha/ 9.101 ha, đạt 99,17% so với kế hoạch. Diện tích còn lại đang chuẩn bị thu hoạch.

1.2.-  Tình hình sản xuất vụ Mùa 2004 :

Theo báo cáo của các quận, huyện và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, tiến độ sản xuất một số loại cây trồng trong vụ Mùa 2004 trên địa bàn thành phố, tính đến nay, như sau :

+ Lúa : Diện tích lúa mùa đã sạ là 21.967 ha / 28.350 ha, đạt 77,48% so với kế hoạch và đạt 90,97% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa mùa sớm đang đẻ nhánh.

+ Rau : Diện tích rau vụ Mùa 2004 đã gieo trồng là 1.564 ha / 3.015 ha, đạt 51,87% so với kế hoạch và đạt 82,09% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay rau đang phát triển và thu hoạch.

+ Đậu phộng : Diện tích đậu phộng đã xuống giống là 137 ha (chủ yếu tại huyện Củ Chi), đang phát triển bình thường.

+ Bắp : Diện tích bắp vụ Mùa đã gieo trồng là 27 ha.

+ Cây hoa lài : Diện tích gieo trồng cây hoa lài trên địa bàn thành phố tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến nay là 607 ha, phần lớn tại quận 12 và một số ít tại huyện Hóc Môn.

1.3.- Tình hình sinh vật hại cây trồng :

Tình hình sinh vật hại cây trồng trên địa bàn thành phố diễn ra trong tháng 9/2004 như sau :

- Trên lúa : Nhìn chung, tình hình sinh vật hại phát sinh trên cây lúa thấp hơn so với tháng trước. Trên mạ mùa và lúa mùa sớm có xuất hiện bọ trĩ, sâu phao, sâu cuốn lá, chuột và ốc bươu vàng, tuy nhiên chỉ ở mật độ thấp. Vào giữa tháng có lứa rầy mới nở, hiện nay đa số đang ở giai đoạn tuổi 2, 3; mật độ trung bình 200 – 300 con/m2.

          - Trên rau : Trong tháng 9/2004, trên rau vụ mùa, ngoài sâu ăn tạp và sâu xanh phát sinh với diện tích nhiều hơn, các sinh vật hại khác đều phát sinh với diện tích thấp hơn so với tháng trước. Số ốc bươu vàng bắt được tại các quận 9, 12, Thủ Đức và huyện Hóc Môn trong tháng là 2.347 kg, giảm so với tháng trước.

2.- Tình hình chăn nuôi thú y :

- Trong tháng 9/2004, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố phát triển bình thường, dịch tễ đàn gia súc của thành phố tương đối ổn định. Về dịch tễ đàn gia cầm, đến nay chưa phát hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh Cúm trên đàn gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố, kể cả trên những đàn vịt huyết thanh dương tính với virus Cúm chủng H5.

- Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác tăng cao, dẫn đến các hộ chăn nuôi bò sữa bị giảm lợi nhuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình tại các hộ chăn nuôi bò sữa; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với các quận - huyện triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giúp các hộ chăn nuôi giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất và chất lượng sữa, tiết kiệm các chi phí trung gian và khai thác triệt để các nguồn thu từ chăn nuôi bò sữa. Ngày 10/9/2004, Sở đã họp với Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi bàn những giải pháp tổ chức lại hệ thống sản xuất, dịch vụ, kỹ thuật để nâng chất lượng phát triển đàn bò sữa của huyện Củ Chi. Ngày 15/9/2004, Sở tiếp và làm việc với Đoàn Hiệp hội Bò sữa Đài Loan về nội dung tìm hiểu, trao đổi tình hình chăn nuôi bò sữa giữa Đài Loan và thành phố Hồ Chí Minh.

- Theo báo cáo của Chi cục Thú y, lượng heo hơi nhập vào các cơ sở giết mổ gia súc của thành phố trong tháng 9/2004 dao động trong khoảng 46.200 – 48.200 con/tuần, giảm bình quân 1.500 con/tuần so với tháng trước, chủ yếu các nguồn Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Long An và Bình Thuận. Lượng trâu bò nhập vào thành phố dao động trong khoảng 485 – 630 con/tuần, giảm bình quân 50 con/tuần so với tháng trước. Từ đầu tháng đến nay, số lượng giết mổ gia cầm tại các cơ sở giết mổ gia cầm hợp pháp trên địa bàn thành phố bình quân khoảng 33.000 con/ngày.

- Chi cục Thú y thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Thương mại thành phố và các phòng Kinh tế các quận - huyện khảo sát, hướng dẫn, thẩm định điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở và các điểm đăng ký kinh doanh giết mổ gia cầm. Tính đến nay, toàn thành phố đã có 46 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 03 điểm kinh doanh giết mổ gia cầm tại chợ được cấp giấy xác nhận điều kiện vệ sinh thú y và đi vào hoạt động.

Về công tác thẩm định điều kiện chăn nuôi gia cầm, tính đến nay, toàn thành phố đã có 82 cơ sở đăng ký tái chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 1.000 con đã được thẩm định, trong đó :

+ 42 cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu cho nuôi,

+ 38 cơ sở cần sửa chữa hoặc đầu tư trang bị thêm,

+ 02 cơ sở tự nuôi trước khi thẩm định, đã xuất bán gia cầm, đang để trống chuồng.

- Về công tác chống giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, từ ngày 01/9 đến ngày 16/9/2004, các đơn vị thuộc Chi cục Thú y thành phố đã phát hiện và xử lý các trường hợp như sau :

     + 12 trường hợp giết mổ gia súc trái phép (09 trường hợp tại quận Thủ Đức, 01 trường hợp tại quận Bình Tân và 02 trường hợp tại huyện Hóc Môn) với tang vật gồm 30 con heo sống, 06 mãnh heo bên và 1.268 kg thịt heo.

     + 155 trường hợp xử lý hủy gia cầm, trong đó có 6.602 quả trứng gia cầm, 525 con gia cầm sống, 387,5 con và 556,2 kg gia cầm tươi, 31 con chim cút và 400 con chim én.

     + Xử lý tại các lò mổ, điểm giết mổ gia súc, gồm : hủy 4.313,2 kg phụ phẩm, thịt mất phẩm chất; luộc 24 con heo và 02 con bò; hạ phẩm 87 con heo và 05 con trâu, bò.

- Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng – vật nuôi thành phố đã thực hiện bình tuyển được 920 con bò sữa, nâng tổng số bò sữa được bình tuyển từ đầu dự án đến nay là 25.244 con; công tác gieo tinh bò sữa bằng các dòng tinh cao sản thực hiện được 2.180 liều tinh, như vậy tổng số liều tinh đã được gieo kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay là 25.335 liều.

3.- Tình hình nuôi trồng thủy sản :

- Trên địa bàn huyện Nhà Bè : Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã thả nuôi 260,3 triệu con giống tôm sú trên diện tích 803,6 ha, tôm phát triển bình thường. Ngoài ra, nông dân còn thả nuôi khoảng 17 triệu con cá giống các loại trong 187 ha ao hồ và 108,36 ha ruộng lúa.

Về tiến độ thực hiện kênh mương phục vụ nuôi tôm tại tiểu vùng 3 xã Hiệp Phước, đến nay đã thực hiện được 600 m kênh mương cấp thoát nước.

- Trên địa bàn huyện Cần Giờ : Hiện nay, bà con nông dân tại 3 xã Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn và An Thới Đông vẫn đang chuẩn bị ao nuôi để tiếp tục thả nuôi tôm sú.

- Trên địa bàn quận 2 : Tổng diện tích nuôi trồng tôm, cá nước ngọt trên địa bàn quận 2 hiện nay là 56,779 ha với 182 hộ dân. Trong đó, diện tích nuôi cá chiếm 47,84 ha với lượng giống đã thả là 2.822.450 con, gồm 2.818.000 con cá các loại, 3.000 con ba ba và 1.450 con cá sấu.

- Tình hình nuôi cá trong bè tại địa bàn quận 9 : Trong tuần qua, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường, Khu Đường sông TP., Thanh tra Giao thông – Công chánh và Ủy ban nhân dân quận 9 tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy đối với 70 bè và 288 lồng nuôi cá trên sông Tắc, thuộc địa bàn phường Long Trường, quận 9. Vụ việc hiện nay đang chờ Ủy ban nhân dân quận 9 mời các sở, ban, ngành liên quan họp giải quyết việc hoạt động của các bè và lồng nuôi cá nói trên.

4.- Công tác quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản :

Trong tuần qua, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố đã thực hiện :

     + Kiểm dịch xuất khẩu 172.688,1 kg động vật thủy sản, 60.233,6 kg sản phẩm động vật thủy sản và 190.736 con cá cảnh.

     + Kiểm dịch nhập khẩu 92 con tôm sú bố mẹ, 652 con tôm hùm giống, 12.000 con tôm sú post, 270.000 con cá chẽm giống, 296.100 con cá mú giống, 2.060 con cá cảnh và 170.000 con cá giống các loại khác.

     + Công tác đăng kiểm tàu cá tiếp tục thực hiện như sau : Trong tuần đã kiểm tra gia hạn 27 tàu, kiểm tra đăng ký mới 10 tàu, kiểm tra giám sát sửa chữa 01 tàu, kiểm tra hủy bộ 01 tàu và kiểm tra sang tên 03 tàu.

5.- Công tác phát triển lâm nghiệp và hoạt động kiểm lâm :

- Thực hiện kế hoạch sản xuất và cung cấp cây trồng phân tán năm 2004, đến nay, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp thành phố đã cung cấp 321.946 cây giống các loại đủ tiêu chuẩn xuất vườn cho các đơn vị, địa phương, cơ quan, trường học và doanh trại Quân đội, trên tổng nhu cầu cung cấp là 322.858 cây, đạt  99,71% kế hoạch. Chi cục cũng đã cử cán bộ kiểm tra việc trồng cây phân tán theo kế hoạch 2004 về vị trí trồng và số lượng cây trồng.

- Trong tuần lễ vừa qua, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã tổ chức 08 buổi họp tuyên truyền pháp luật bảo vệ phát triển rừng cho 240 lượt người tham dự; lập 03 bản cam kết bảo vệ động vật hoang dã trong các nhà hàng, quán ăn; lập 10 biên bản vi phạm hành chính, trong đó có 07 vụ vận chuyển mua bán động vật hoang dã trái phép, 01 vụ vận chuyển mua bán tàng trữ gỗ trái phép, 01 vụ gây thiệt hại đất rừng và 01 vụ khai thác rừng trái phép; đồng thời, xử phạt 03 vụ vi phạm hành chính, tịch thu 2,81 m3 gỗ xẻ và 41 con động vật hoang dã, phạt tiền 7.014.000 đồng.

6.- Hoạt động khuyến nông :

          Trong tháng 9/2004, hoạt động khuyến nông thành phố có một số nét chính sau đây :

- Tổ chức 91 lớp tập huấn khuyến nông tại địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh với khoảng 3.600 hộ nông dân tham dự. Nội dung tập huấn như sau :

     + Về thủy sản : Kỹ thuật nuôi cá Đĩa, cá Xiêm, cá Rô đồng, cá nước ngọt, tôm Sú, tôm càng xanh và xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp thuỷ sản.

     + Về chăn nuôi : Các biện pháp phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật chăn nuôi heo, bò sữa, dê, bồ câu công nghiệp; các biện pháp giảm chi phí, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.

     + Về trồng trọt : Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, cây kiểng, lúa, rau an toàn.

- Tổ chức 12 cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của gần 600 hộ nông dân về các nội dung : Hiệu quả trong việc canh tác rau an toàn, Toạ đàm về các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, Nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa, Các biện pháp phòng bệnh cho gia súc trong chăn nuôi, Định hướng phát triển hoa kiểng,...

- Tổ chức lượng giá các mô hình khuyến nông sau đây :

          + Về mô hình chăn nuôi : 04 mô hình chăn nuôi bê đực lai hướng sữa lấy thịt, mô hình xây dựng trên cơ sở tận dụng nguồn con giống tại chỗ, nguồn thức ăn tận thu để giảm giá thành sản xuất và tăng hiệu quả cho hộ nông dân nuôi bò sữa, phương thức nuôi tận dụng, nuôi nhốt trong chuồng, sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ (cỏ, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn dư của bò sữa,…); 02 mô hình ứng dụng cơ khí vào chăn nuôi bò sữa, cụ thể đưa máy vắt sữa và máy băm thái cỏ voi vào mô hình chăn nuôi bò sữa theo quy mô nông hộ nhằm giảm công lao động, tăng chất lượng sữa do giảm nguy cơ nhiễm vi sinh trong sữa và tăng khả năng tiêu hoá thức ăn trên cùng một đơn vị thức ăn.

          + Về mô hình trồng trọt : Lượng giá 09 điểm trình diễn canh tác lúa hè thu và 04 mô hình nhân giống lúa hè thu.

- Tổ chức cho gần 300 hộ nông dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và quận 12 đi tham quan các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao, mô hình trồng cây lâm nghiệp, dứa Cayene, mô hình chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao, mô hình nuôi cá chép Nhật,…

7.- Các công tác chính khác đã thực hiện trong tháng 9/2004 :

- Tổ chức góp ý chương trình phát triển rau an toàn xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi và triển khai xây dựng chương trình phát triển rau an toàn các xã khác thuộc huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Trong tháng, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã ra Quyết định công nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các xã sau đây : Xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (diện tích : 36,5 ha, số hộ : 97), xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (diện tích : 60 ha, số hộ : 193), xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (diện tích : 40 ha, số hộ : 56).

- Làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố về việc kiểm tra đê bao bờ hữu sông Sài Gòn.

- Triển khai chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về thúc đẩy tiến độ Dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên và Dự án Trung tâm Thủy sản thành phố. Ban Quản lý Trung tâm Thủy sản thành phố đã lập bộ phận thường trực tại Nhà Bè để phối hợp với Huyện Nhà Bè thực hiện công tác đền bù, thu hồi đất. Sở cũng đã tổ chức họp với các sở, ngành, quận Bình Tân và một số phường, các đơn vị liên quan của Sở bàn biện pháp tổ chức quản lý, giải quyết ô nhiễm kênh 19/5.

- Cùng với Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo Nông nghiệp – Nông thôn thành phố đi khảo sát tình hình xã điểm Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

- Phối hợp với Huyện Cần Giờ tổ chức diễn tập công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu sập tại xã Tam Thôn Hiệp.

- Họp các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp thuộc Sở lần thứ hai – năm 2005.

- Họp kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Hoa – Cây kiểng và góp ý Chương trình phát triển nghề nuôi cá sấu ở thành phố đến năm 2010.

- Tiếp và làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định bàn về chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp – phát triển nông thôn theo văn bản ký kết giữa Lãnh đạo UBND tỉnh và thành phố.

- Tiếp và làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT và một số ban ngành có liên quan của thành phố Hải Phòng về các nội dung : trao đổi học tập kinh nghiệm về quy chế quản lý và hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Khu dự trữ sinh quyển phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đồng thời, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng.

- Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố phối hợp với Cục Nông nghiệp (Văn phòng phía Nam) tổ chức cuộc họp góp ý xây dựng danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Đến dự có đại diện của 20 doanh nghiệp và 10 đại biểu khác.

- Làm việc với Sở Tài chính thành phố về việc cấp kinh phí hỗ trợ các hộ dân nuôi vịt ở huyện Nhà Bè bị nhiễm virus H5N1.

- Làm việc với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam về tình hình hợp tác, phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Họp về thay đổi tên, quy chế tổ chức và hoạt động của một số đơn vị trực thuộc Sở (Chi cục Quản lý nước và Phòng chống lụt bão, Chi cục Phát triển lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm).

- Đã trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về một số vấn đề như xin chủ trương hỗ trợ bù giống cây trồng, giống gia cầm, thủy sản; dự án đầu tư khu thương mại - dịch vụ và chung cư cao tầng tại 139 Hùng Vương (Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương).

 
 

Số lượt người xem: 3998    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm