SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
0
5
6
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 14 Tháng Giêng 2005 9:35:00 SA

Tình hình sâu bệnh hại cây rừng trên địa bàn huyện Cần Giờ- thành phố Hồ chí Minh năm 2004

Theo báo cáo của Chi Cục Phát triển lâm nghiệp TP tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị 21/TTg và Chỉ thị 12/TTg của Thủ tướng chính phủ năm 2004, cho biết tình hình cây rừng ngập mặn Cần Giờ chết là 25,3 ha trong đó chết khô khoảng 6 ha, phân bố trên diện rộng của 24 tiểu khu với tổng số cây là 17.041 cây, trong đó có 16.663 cây Đước, 332 cây Mắm và 47 cây Bần. Phần lớn cây chết là do sét đánh làm cho cây héo lá rồi rụng lá làm cho cây chết khô, việc sét đánh chủ yếu xảy ra ở rừng Đước, còn các loài khác như Mắm, Bần thường chết khô là do sạt lở bờ.


Ngoài ra còn có một số diện tích Đước chết do đắp bờ để nuôi tôm, nước ứ trong thời gian dài làm cho Đước chết. Ở những vùng đất cao, không thích hợp cho loài cây Đước thì cây có hiện tượng héo lá, rụng lá và chết khô (tiểu khu 20) hay những vùng có mật độ cây dày cũng có hiện tượng cây vóng cao với tán cây nhỏ, cây sinh trưởng yếu ớt làm cho chất lượng rừng ngày càng giảm.

Tình hình sâu đục thân cây Đước phát triển ở tiểu khu 4a, 9, 20…, sau khi cây bị  sâu đục thân cắn phá làm cho cây yếu và chết dần, sau đó mối tấn công lên các cây chết này.

Trên một số nơi có hiện tượng  nấm trắng và rệp ăn lá, thường xảy ra trên những vùng đất cao, cây sinh trưởng kém. Sâu ăn lá thường xảy ra đối với lá Mắm trắng, các đợt dịch này thường xảy ra theo chu kỳ 3-4 năm, vào mùa khô sâu ăn trụi lá, đến mùa mưa thì cây mọc lại lá. Việc sâu ăn lá Mắm trắng không nghiêm trọng và không xử lý nhưng cây vẫn phục hồi lại được.

Tình hình trên xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó do: tác động của con người đào đắp để nuôi trồng thủy sản trong rừng, mặc dù với qui mô nhỏ nhưng cũng làm ảnh hưởng đến rừng và đất rừng. Sau một thời gian sử dụng các cống lấy nước ra vào bị sạt lỡ nên phải di chuyển đến chỗ khác để xây cống mới, một số nơi đã đắp bờ ứ nước làm cho cây Đước chết. Rừng đã đến tuổi thành thục, rừng cũng như các sinh vật cũng phải trải qua thời kỳ sinh trưởng, phát triển và chết. Rừng Đước ở Cần Giờ trồng từ năm 1978 cũng không thể tránh khỏi quy luật trên, tuổi rừng lớn nhất hiện nay là 27 tuổi. Trong khi đó, qua nghiên cứu sinh trưởng rừng đước trồng ở Cần Giờ cho biết tuổi thành thục xảy ra vào tuổi 22. Ngoài ra, trước đây cây Đước đã được trồng những vùng đất tương đối cao, đến nay trên những vùng này đất đã được nâng cao và chặt dần do đó không còn phù hợp cho lòai cây Đước và đã dẫn đến cây có hiện tượng thoái hóa và chết.

Tác động do thiên nhiên như: sét đánh, sâu bệnh. Hiện nay rừng ngập mặn Cần Giờ đã xuất hiện tình hình sâu bệnh hại cây rừng. Sâu ăn lá Mấm trắng (Avicennia alba) xuất hiện vào mùa khô theo chu kỳ vài năm một lần, cây Mấm trắng bị trụi lá vào khô và mọc lá mới vào mùa mưa. Đối với rừng Đước có hiện tượng sâu đục thân cây làm cho cây sinh trưởng chậm và chết sau đó, khi cây chết thì mối tấn công những cây đó. Do mật độ cây quá dày làm cây cạnh tranh không gian dinh dưỡng, dưới tán rừng kín đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Để  khắc phục tình hình sâu bệnh hại cây rừng có những biện pháp được đề xuất sau đây :

+ Biện pháp trước mắt:

-Đối với các cây chết khô do sét đánh, ứ nuớc, cần điều tra, thống kê số lượng để có kế hoạch chặt hạ nhằm tạo điều kiện cho cây tái sinh.

-Trên những vùng đước chết trên diện rộng cần tiến hành thiết kế trồng lại rừng với loài cây thích hợp.

-Những cây bị sâu đục thân, nấm bệnh cần thu gom và đốt để tránh lây lan.

-Dọn sạch các tổ mối và vệ sinh rừng để không tạo điều kiện cho sâu phát triển.

-Kiến nghị với UBND thành phố xem xét và cho phép tỉa thưa để tạo điều kiện cho ánh sáng lọt xuống sàn rừng, cây sinh trưởng và phát triển cân đối giữa đường kính và chiều cao cây, cây tái sinh nhằm nâng cao chất lượng rừng và rừng có nhiều tầng tán

+ Biện pháp lâu dài:

-Cần tiến hành tổ chức điều tra, nghiên cứu sâu bệnh trên diện rộng để có biện pháp dự báo, phòng trừ lâu dài cũng như đề xuất các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM

-Chu kỳ rừng Đước trồng ở Cần Giờ đã được nghiên cứu  là 21 năm nên cần có biện pháp lâm sinh phù hợp để chuyển hóa rừng lớn tuổi bằng những khu rừng có tuổi trẻ hơn thông qua khai thác theo băng và trồng lại rừng mới.

-Đối với rừng Cần Giờ là rừng trồng chiếm khỏang 70% nên cần xin Bộ Nông nghiệp PTNT có quy chế riêng để tác động vào rừng để tạo cho rừng thành nhiều tầng tán và đa dạng loài.

          Từ những tác động trên cho thấy tác động do con người cần được xem xét tích cực nhằm hạn chế tác động xấu đến rừng cũng như cần nghiên cứu những biện pháp quản lý rừng để cho rừng phát triển cũng như tác động các biện pháp lâm sinh vào rừng kịp thời nhằm nâng cao chất lượng rừng, nghiên cứu hạn chế việc sạt lở, đất trượt… cũng như nghiên cứu tình hình sâu bệnh hại cây rừng để từ đó có biện pháp phòng trừ thích hợp. Cần triển khai việc thu dọn các cây chết do sét đánh và nhanh chóng trồng lại rừng để không có những khoảng trống trong rừng. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản là cần thiết nhằm nâng cao cuộc sống của người dân nhưng cần có quy họach và xây dựng đồng bộ để tránh ô nhiễm và lây lan dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất và thiệt hại về tài chánh cho người dân. Các công trình xây dựng trong rừng cần được đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc để tránh những tác động xấu trong tương lai ./.

Số lượt người xem: 7580    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm