Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 4320/QĐ-UBND ngày 12/9/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Kế hoạch số 1635/KH-SNN-NN ngày 01/11/2011 về thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.
Trong năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở ngành, quận huyện tập trung triển khai thực hiện chương trình, kết quả cụ thể như sau:
I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
1. Tổng đàn bò sữa:
- Tính đến tháng 12 năm 2013, tổng đàn bò sữa là 99.451 con (tăng 10,75% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 54,6% tổng đàn bò sữa cả nước), trong đó đàn cái vắt sữa đạt 46.580 con (chiếm 46,67%), được nuôi tại 8.352 hộ dân, 01 trại thực nghiệm và 01 doanh nghiệp Quốc doanh (Bảng 1).
- Quy mô chăn nuôi bình quân là 11,81 con/hộ (tăng 9,64% so với năm 2012), trong đó quy mô nuôi dưới 10 con/hộ giảm 5,98% ; quy mô nuôi từ 10 - 20 con/hộ tăng 7,33% và quy mô nuôi trên 20 - 50 con/hộ tăng 17,45% về số hộ nuôi so với năm 2012 (Bảng 2).
- Năng suất sữa bình quân đạt 4.646 kg/con/chu kỳ, tương đương 15,23 kg/con/ngày (tăng 0,82 % so với năm 2012). Ước tính sản lượng sữa tươi nguyên liệu năm 2013 đạt 259.900 tấn (tăng 12,28% so với năm 2012).
- Năm 2013, Thành phố sản xuất và cung cấp khoảng 24.000 con bò sữa giống cho các hộ dân và các tỉnh thành trong cả nước.
2. Tình hình nguyên liệu chăn nuôi, con giống bò sữa và thu mua sữa:
- So với năm 2012, bình quân giá thức ăn chăn nuôi biến động tăng từ 6,35 % - 55,97%, trong đó giá thức ăn tinh tăng 6,37%; cỏ tăng 6,35%, hèm bia tăng 47,89%; xác mỳ tăng 55,97%; Giá con giống bò cái mang thai lứa 1 tăng 14,94 %.
- Trong năm 2013, các Công ty thu mua sữa trên địa bàn đã có 3 đợt tăng giá thu mua sữa tươi nguyên liệu. Hiện ở mức thu mua từ người chăn nuôi bình quân 12.900 đ/kg (tăng 16,74% so với năm 2012), nên đã đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa vì lợi nhuận chăn nuôi từ 2% - 26% (tùy theo quy mô và phương thức sản xuất), (Bảng 8).
II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
1. Công tác quản lý giống bò sữa:
- Công tác bình tuyển: trong năm 2013 đã bình tuyển bổ sung 5.034 con. Qua kết quả đánh giá bình tuyển, trọng lượng bình quân đàn bê sữa lúc 12 tháng tuổi là 236 kg (tăng 1,64% so với năm 2012). Đồng thời, các Trạm Thú y quận, huyện thực hiện gắn 11.223 thẻ tai (lũy kế đã thực hiện 117.825 thẻ).
- Chất lượng giống bò sữa: các chỉ tiêu kỹ thuật khảo sát trên 3.208 con cho thấy: tuổi phối giống lần đầu là 476 ngày (giảm 3 ngày so với 2012); khoảng cách giữa hai lứa đẻ là 434 ngày (giảm 2 ngày); thời gian chờ phối là 118 ngày (tương đương với 2012); hệ số phối 3,4 liều/con (giảm 4,7%).
- Công tác giám định ngoại hình: tổ chức giám định 2.600 con bò sữa bằng 2 phương pháp TCVN và Canada. Bò đạt chuẩn đặc cấp chiếm 85% tổng đàn bò được phê xét, giám định theo 10 TCN 533-2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Theo dõi sự phát triển của đàn bê qua các dòng tinh sử dụng trên địa bàn thành phố: thực hiện trên 2.530 con bê của các dòng tinh Mỹ, Canada, Moncada, Hà Lan… Đàn bê đời sau của các dòng tinh được gieo sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng bê sơ sinh tăng 0,26% và bê 3 tháng tuổi tăng 1,56% so với năm 2012 (Bảng 6a).
- Tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi tái cấu trúc đàn bò sữa, loại thải những cá thể có năng suất thấp, từng bước tái cấu trúc đàn bò sữa theo cơ cấu 70% sinh sản, trong đó 50% cái vắt sữa. Đến nay, đàn sinh sản chiếm 62,53% tổng đàn, vắt sữa 46,67%.
- Trên địa bàn thành phố có khoảng 50 dẫn tinh viên hành nghề và 04 đơn vị cung ứng tinh bò sữa trên địa bàn thành phố với tổng số liều tinh sử dụng 121.471 liều, trong đó nguồn tinh bò sữa sản xuất trong nước chiếm 59,26% (71.989 liều) và nguồn tinh ngoại nhập chiếm 40,74% ( 49.482 liều) (Bảng 6).
- Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi đã xây dựng Kế hoạch triển khai Dự án “Nhập nội và cải thiện giống bò sữa trên địa bàn thành phố”. Đến nay, đã hoàn thành việc nhập 15.000 liều tinh bò sữa cao sản Israel và 1.250 liều tinh giới tính của Anh; tổ chức tuyên truyền, phát tờ bướm giới thiệu về chương trình cho các hộ trại chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố; triển khai cho các đơn vị phối hợp và một số trại chăn nuôi với số lượng 1.775 liều tinh, trong đó 1.125 liều cao sản và 650 liều tinh giới tính.
- Triển khai Dự án “Công tác quản lý, đánh giá di truyền giống bò sữa theo phương pháp tiên tiến phù hợp chuẩn mực quốc tế và xây dựng đàn hạt nhân mở”. Đến nay, đã chuẩn bị phòng phân tích sữa, trang bị một số máy móc và dụng cụ chuyên môn; Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở và Công ty TNHH MTV Bò sữa, các hộ chăn nuôi bò sữa để triển khai dự án.
- Triển khai đề tài “Xây dựng hệ thống kỹ thuật cải thiện đàn bò sữa (Dairy Herd Improvement - DHI) huyện Củ Chi nhằm nâng cao năng suất sữa và phẩm giống bò sữa tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chi Minh”. Đang tiến hành điều tra, thu thập số liệu ban đầu để làm cơ sở triển khai đề tài.
- Trung tâm Công nghệ Sinh học tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sinh thiết phôi nang và xác định giới tính phôi bò từ các phôi bào sinh thiết” thuộc Đề án “Nghiên cứu triển khai công tác cấy truyền phôi bò sữa đã xác định giới tính trên địa bàn thành phố”. Đã thực hiện quy trình tạo phôi bò tới giai đoạn phôi nang, tối ưu hóa được quy trình xác định giới tính phôi bò bằng phản ứng PCR với độ nhạy 2 tế bào; sinh thiết phôi bò giai đoạn 8 và 16 tế bào với tỉ lệ thành công đạt 100%; tỉ lệ phôi sống sau tác động tương đương với nhóm không sinh thiết.
2. Chương trình thú y bò sữa, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và an toàn thực phẩm:
2.1. Quản lý tình hình hình dịch tễ:
- Cục Thú y đã công nhận vùng thành phố Hồ Chí Minh an toàn bệnh lao và bệnh sẩy thai truyền nhiễm trên bò sữa tại 04 quận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Quận 12. Chi cục Thú y tiếp tục hoàn tất thủ tục đề xuất tái công nhận vùng an toàn năm bệnh cho đàn bò sữa thành phố năm 2014.
- Cập nhật phần mềm cá thể bò sữa mới cho 12.000 con bò/1.000 hộ phục vụ cho việc quản lý dịch tễ.
- Tiếp tục triển khai tiêm phòng miễm phí trên đàn bò sữa. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh LMLM đạt 91,98% và THT đạt 71,67% trên đàn bò sữa (tính cả số bò sữa được tiêm phòng THT vào đợt 1/2013 còn miễm dịch thì tỷ lệ tiêm phòng THT đạt 90% tổng đàn), đã đảm bảo đạt tỷ lệ theo đúng yêu cầu kỹ thuật và ổn định tình hình dịch tễ tại địa bàn. (Bảng 7).
2.2. Công tác giám sát và điều trị bệnh :
- Trong tháng năm 2013, đã xảy ra một số ổ dịch LMLM nhỏ, phân tán tại một số hộ tại các xã giáp ranh với các tỉnh thuộc địa bàn huyện Củ Chi (chủ yếu trên đàn bò ta và trâu), gây ảnh hưởng đến tình hình dịch tễ của đàn bò sữa. Chi cục Thú y đã kịp thời xử lý và giám sát chặt chẽ tình hình, không để lây lan trên diện rộng.
- Công tác giám sát bệnh: lấy 724 mẫu để khảo sát các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng đường máu trên bò sữa. Kết quả cho thấy, không phát hiện bệnh Lao và sẩy thai truyền nhiễm; tỷ lệ mẫu dương tính Leptosipa là 11,23% (tăng 4,33% so với năm 2012); tỷ lệ nhiễm chung ký sinh trùng đường máu là 9,8% (giảm 0,54%); tỷ lệ viêm vú tiềm ẩn vẫn còn rất cao (75%); tỷ lệ bảo hộ với LMLM type O là 94,73% (tăng 17,72%), nhưng tỷ lệ dương tính với FMD-3ABC là 4,34% (tăng 0,89%).
- Kiểm tra tình hình nhiễm aflatoxin cho thấy, tỷ lệ nhiễm trong sữa là 10,61% (19/179 mẫu), tăng 0,29% so với 2012; tỷ lệ trong thức ăn là 94,74% (36/38 mẫu), trong đó có 5 mẫu (13,16%) quá ngưỡng cho phép, gồm 04 mẫu vượt ngưỡng hàm lượng aflatoxin tổng số và 01 mẫu vượt ngưỡng hàm lượng Aflatoxin B2 (5.612 ppb) trong mẫu cám tự trộn của người chăn nuôi. Chi cục Thú y đã cảnh báo người chăn nuôi phải chọn lựa nguyên liệu thức ăn để không làm ảnh hưởng đến năng suất chất, lượng đàn bò.
- Kiểm tra chất lượng sữa: tại nông hộ không phát hiện tồn dư kháng sinh trong sữa (0/590 mẫu). Đồng thời, kiểm tra chất lượng sữa của 46 mẫu tại các điểm trung chuyển và các hộ chăn nuôi với ở các địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh cho thấy, tỷ lệ bình quân của các chất đạt theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.
3. Công tác khuyến nông trong chăn nuôi bò sữa:
3.1. Công tác thông tin quảng bá:
- Đã tổ chức 14 lớp tập huấn 12 cuộc hội thảo chuyên cho 360 lượt nông dân tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9, 12 và Thủ Đức với các nội dung nâng cao kiến thức và kỹ năng về VietGAHP, giống và xây dựng đồng cỏ; dịch bệnh trên bò sữa; trong đó Chi cục Thú y đã tổ chức 2 đợt tập huấn về vệ sinh chăn nuôi và chất lượng sữa, 01 lớp tập huấn về cân bằng khẩu phần thức ăn và các bệnh liên quan đến dinh dưỡng tại các hộ mô hình điểm.
- Tổ chức 18 chuyến tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả; đưa 200 nông dân tham quan trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa theo công nghệ Israel; 01 cuộc điều tra về nhu cầu sử dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa ở dạng quy mô trên 20 con/hộ để chuẩn bị cho thực hiện giai đoạn 2 của đề án cơ giới hóa.
- Phối hợp với đài phát thanh, thực hiện 07 chương trình phát thanh khuyến nông trên sóng AM – Đài Tiếng nói nhân dân thành phố về kỹ thuật trồng cỏ mulato II, quy trình chăn nuôi VietGAHP và giới thiệu chương trình cơ giới hóa trên đàn bò sữa.
- Phát hành 8.000 tờ bướm tuyên truyền về biện pháp vệ sinh vắt sữa, phòng bệnh viên vú, hướng dẫn phương pháp CMT, 10.250 tờ bướm về tuyên truyền phòng chống dịch lở mồm long móng; phát hành hơn 2.000 cẩm nang về sổ tay trong chăn nuôi bò sữa, cẩm nang “Hướng dẫn thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi bò sữa an toàn tại Việt Nam (VIETGAHP)” và cẩm nang “Kỹ thuật vắt sữa bằng tay, kỹ thuật vận hành máy vắt sữa”.
3.2. Xây dựng mô hình trình diễn:
- Trung tâm Khuyến nông đã thực nghiệm đề tài “Ảnh hưởng của phụ phẩm nông nghiệp trong khẩu phần lên năng suất, chất lượng sữa và sức khỏe đàn bò sữa”. Kết quả cho thấy, năng suất sữa tăng 0,52 – 1,35 kg/con/ngày và tăng 3,2% so với lô đối chứng, vật chất khô tăng 0,07- 0,18% và chất béo tăng 0,34%, được đơn vị thu mua thưởng từ 70 – 130 đ/kg sữa. Điều này cho thấy, sử dụng chế phẩm tăng năng suất và chất lượng sữa của đàn bò thực nghiệm và tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
- Chi cục Thú y tiếp tục theo dõi 47/50 mô hình điểm đã được xây dựng từ năm 2006. Do điều kiện chuồng trại được cải thiện về các yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh sữa, cho thấy các chỉ tiêu giám sát bệnh trên bò sữa thấp hơn bình quân toàn đàn bò sữa của Thành phố (Leptospira thấp hơn 17,28%, ký sinh trùng đường máu thấp hơn 0,17%). Đồng thời, có 02 hộ đạt giải cao tại Hội thi triển lãm bò sữa TP.Hồ Chí Minh lần 4 – 2013 (giải nhì mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững ở quy mô 10-20 con và giải nhì bò sữa tốt).
- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi đã bước đầu thử nghiệm phương án cho ăn theo khẩu phần TMR cho 14 con bò sữa (bò tơ) tại 03 hộ (10 con thử nghiệm và 4 con đối chứng), trong thời gian từ lúc mang thai đến lúc bò đẻ (lứa đầu). Từ đó, làm cơ sở để phổ biến, giới thiệu về chương trình và vận động hộ chăn nuôi bò sữa cùng tham gia theo như Phương án đã phê duyệt.
3.3. Triển khai Đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa”:
- Đã triển khai và bàn giao 2 đợt trang thiết bị máy móc phục vụ chăn nuôi bò sữa, bao gồm 180 máy vắt sữa đơn, 32 thiết bị rửa máy vắt sữa, 539 bình nhôm chứa sữa (loại 20 lít), 13 máy băm thái cỏ có trục cuốn (công suất 2 tấn/giờ), 44 hệ thống làm mát chuồng trại và 01 máy trộn thức ăn TMR loại 1 pha với sự tham gia của 392 hộ chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Quận 12.
- Từ kết quả của đề án và những năm qua, trên địa bàn Thành phố có trên 1.200 máy vắt sữa, đáp ứng 33,07% nhu cầu máy vắt sữa cho những hộ chăn nuôi có quy mô nuôi đủ điều kiện áp dụng (từ trên 10 con đến 50 con).
3.4. Triển khai Đề án “Đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”:
- Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp đã triển khai kế hoạch phân kỳ thực hiện các hạng mục đào tạo nguồn nhân lực trong chăn nuôi bò sữa đã được phê duyệt đến năm 2015. Trong năm 2013, đã đào tạo nghề cho 298 học viên về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi và quận 12; Đào tạo chăn nuôi bò sữa chuyên sâu cho 17 cán bộ kỹ thuật của các đơn vị thuộc Sở do chuyên gia trong nước, Israel và Úc giảng dạy.
- Tổ chức 2 chuyến tham quan thực tế tại tỉnh Lâm Đồng. Chuẩn bị nguồn lực đáp ứng các yêu cầu đào tạo đã được phê duyệt và đưa 03 cán bộ chăn nuôi bò sữa tham gia khóa tập huấn chuyên sâu tại Israel.
4. Chương trình hợp tác:
4.1. Đầu tư trại bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF):
- Đã hoàn thành xây dựng và tổ chức lễ khánh thành Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF). Hiện nay, trại có 129 con bò sữa, trong đó có 58 con vắt sữa, được áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ trong chăn nuôi. Bước đầu đã tăng đáng kể năng suất sữa trung bình toàn đàn đạt 20kg/con/ngày, con cao nhất đạt 38,4 kg/con/ngày; thời gian duy trì khai thác sữa cao (trên 19kg/con/ngày) được kéo dài từ 5 - 6 tháng/chu kỳ; tỷ lệ đậu thai từ 10% tăng 26%; khoảng 60% bò lên giống lại trong thời gian từ 60 - 90 ngày sau khi sinh; số ngày phối giống lại lần đầu giảm từ 101 ngày xuống con 94 ngày; tỷ lệ viêm vú giảm từ 11,6% xuống còn 5 - 7%; chất lượng sữa: vật chất khô từ 11,72 – 12,22%, béo từ 3,31 – 3,65%, tế bào soma trong sữa ở mức dưới 500.000 tế bào/ml. Kể từ tháng 8/2013 trại chuyển từ chế độ vắt sữa 2 ca/ngày sang chế độ vắt sữa 3 ca/ngày.
- Các chuyên gia Israel đã phối hợp với Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi tổ chức 1 đợt tập huấn và 06 buổi huấn luyện về trao đổi kinh nghiệm về sinh và quản lý chất lượng sữa trong chăn nuôi bò sữa” cho 40 cán bộ kỹ thuật quản lý chăn nuôi, khuyến nông, thú y, các hộ trại chăn nuôi bò sữa tại thành phố. Đồng thời, tổ chức 01 buổi tập huấn về bệnh viêm vú trên bò sữa cho sinh viên Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp.
4.2. Phối hợp với Tổ chức CEVEO (Pháp)
- Chi cục Thú y đã phối hợp với Tổ chức CEVEO (Pháp), Trường Đại học Nông lâm cùng các chuyên gia Bỉ tổ chức 05 lớp tập huấn cho 38 cán bộ thú y, mạng lưới thú y và các hộ mô hình điểm chăn nuôi bò sữa về vệ sinh sữa, cân bằng thức ăn và chuẩn đoán và điều trị bệnh bò sữa; thực hiện thăm khám và điều trị cho 44 con bò sữa (37 con bệnh sinh sản, 3 con chậm sinh, 4 con viêm vú); đào tạo được 15 cán bộ và mạng lưới thú y kỹ thuật thăm khám thai trong giai đoạn 45 - 60 ngày tuổi. Đồng thời, cử 01 chuyên viên kỹ thuật tham gia chương trình đào tạo tập huấn các phương pháp xét nghiệm sữa tại Pháp.
- Tổ chức CEVEO đã chuyển giao tài liệu và hướng dẫn một số nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cán bộ thú y, công nhận, chủ cơ sở tại các cơ sở giết mổ gia súc. Phối hợp tổ chức tổng kết 3 năm (2011 - 2013) chương trình hợp tác với tổ chức Thú y Đông Tây (CEVEO).
4.3. Phối hợp với các Doanh nghiệp thu mua sữa:
Năm 2013, Chi cục Thú y đã tiếp tục phối hợp Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) xác nhận 3.825 hợp đồng thu mua sữa. Đây là hoạt động phối hợp cụ thể giữa cơ quan thú y và doanh nghiệp trong việc quản lý đàn bò sữa và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm sữa, đồng thời khuyến cáo người dân quan tâm hơn vấn đề an toàn dịch bệnh và vệ sinh thú y trong hoạt động sản xuất tại nông hộ.
5. Chương trình “Xúc tiến thương mại bò sữa”:
- Phối hợp với Hãng phim Cửu Long, Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, HTV 9 phát sóng 03 chương trình “Nông dân hội nhập” để giới thiệu và quảng bá Hội thi triển lãm bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh lần IV -2013 và giới thiệu về Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa theo công nghệ Israel – DDEF.
- Tổ chức thành công Hội thi triển lãm bò sữa lần IV năm 2013, có sự tham gia của tỉnh Sóc Trăng, thu hút 20 hộ tham gia dự thi mô hình chăn nuôi bền vững, 31 con bò dự thi bò sữa tốt. Hội thi đã trao 32 giải thưởng trao cho 3 nội dung thi (phần thi kiến thức, mô hình chăn nuôi bền vững, bò sữa tốt).
6. Tình hình vay vốn phát triển bò sữa và phát triển kinh tế tập thể:
6.1. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp:
Trong năm 2013, Thành phố đã hỗ trợ vốn cho 1.117 hộ chăn nuôi bò theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND và Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư 281.024 triệu đồng, trong đó tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 165.363 triệu đồng (chiếm 17,72 % tổng vốn vay).
6.2. Kinh tế tập thể: Đề án “Củng cố và nâng cấp hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố”:
- Tính đến ngày 10/12/2013, có 25 tổ hợp tác và 6 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa. Trong năm 2013, đã thành lập mới 01 HTX và 03 tổ hợp tác; Hướng dẫn trình tự thành lập Tổ hợp tác bò sữa cho 04 tổ chăn nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi và Hóc Môn.
- Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 05 lớp tập huấn tuyên truyền về mô hình HTX, tổ hợp tác và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với sự tham gia của 300 người; 05 lớp tư vấn củng cố hoạt động của các HTX đang hoạt động vận động thành lập mới HTX, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa; 03 chuyến khảo sát học tập mô hình HTX chăn nuôi bò sữa điển hình tại tỉnh Lâm Đồng, Sóc trăng, Cần Thơ và Tiền Giang với sự tham gia của 45 người.
III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN:
1. Đạt được:
- Các chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa của Thành phố đã giúp các HTX, người chăn nuôi tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, nhằm từng bước cải thiện chất lượng và quy mô chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Thành phố.
- So với các đối tượng khác thì chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tương đối ổn định, đàn bò sữa tăng 8,57%, sản lượng sữa tăng 12,28%. Đồng thời, người chăn nuôi giữ đàn bê đực nuôi vỗ béo để bán thịt (tổng đàn bò sữa đực 12.896 con chiếm 10,91% tổng đàn), góp phần làm tăng thu nhập và tăng tổng đàn bò sữa.
- Chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi từng bước được cải thiện, trong đó cơ cấu đàn sinh sản đạt 62,53% và vắt sữa 46,67% tổng đàn, năng suất sữa đạt 15,23 kg/ngày. Các chỉ tiêu có chiều hướng giảm dần và đạt được với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của Chương trình đề ra (tuổi phối giống lần đầu 450 - 480 ngày; khoảng cách hai lứa đẻ 400 - 420 ngày, hệ số phối 2,8 – 3 lần/con).
- Công tác thú y được chú trọng, kiểm soát được dịch bệnh, nên đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Đồng thời, kiểm soát được các bệnh trên bò sữa như lao, sẩy thai truyền nhiễm, nên đã được Cục Thú y công nhận thành phố Hồ Chí Minh an toàn bệnh lao và sẩy thai truyền nhiễm trên đàn bò sữa tại 04 quận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12. Đây là cơ sở hoàn thiện các thủ tục trình Cục Thú y tái công nhận vùng an toàn dịch bệnh trong năm 2014 và đề nghị công nhận vùng an toàn dịch bệnh trên đàn trâu bò.
- Việc đưa vào hoạt động Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao – DDEF, góp phần xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại; trở thành trung tâm huấn luyện và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, để từng bước nâng cao hiệu quả nghề chăn nuôi bò sữa tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Việc triển khai các dự án đã được phê duyệt trong Chương trình đã từng bước hiện đại ngành chăn nuôi bò sữa, nâng cao chất lượng đàn bò sữa và tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật trong điều trị bò sữa, giúp ngành bò sữa thành phố phát triển bền vững.
- Duy trì công tác phối hợp với các doanh nghiệp thu mua trong công tác quản lý đàn và tình hình dịch tễ tại các hộ chăn nuôi bò sữa, nhằm nâng cao chất lượng sữa, kiểm soát viêm vú tiềm ẩn trên đàn bò sữa.
- Tổ chức thành công Hội thi triển lãm bò sữa lần IV – 2013, trong đó có sự tham gia của tỉnh Sóc Trăng đã cho thấy tính lan tỏa từ hiệu quả của Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành lân cận. Đồng thời, thông qua hội thi, đã chọn được những con bò sữa tốt, làm cơ sở để chọn lọc đàn bò sữa cao sản và từng bước xây dựng đàn hạt nhân mở cho đàn bò sữa Thành phố.
2. Tồn tại:
- Tiến độ triển khai các chương trình, dự án thành phần trong Chương trình còn chậm so với tiến độ đề ra, do những nguyên nhân khách quan (nguồn kinh phí triển khai, định mức vật tư kỹ thuật và sự hợp tác của người chăn nuôi).
- Công tác quản lý đàn bò sữa, nhất là kiểm soát tình hình nhập, xuất bò sữa ra vào thành phố chưa được chặt chẽ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm soát dịch tễ.
- Người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn đổi mới phương thức chăn nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản suất và khai thác sữa,. . vì vậy, chưa khai thác hết khả năng sản xuất của giống, rủi ro dịch bệnh còn cao, còn quá nhiều chi phí trung gian, không hợp lý trong quá trình sản xuất, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
- Chưa thực sự quan tâm đầu tư cải tạo điều kiện chăn nuôi như chuồng trại, xử lý chất thải . . . nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi.
IV. KẾ HOẠCH NĂM 2014
- Tiếp tục triển khai công tác quản lý tình hình dịch tễ, lấy mẫu giám sát chủ động các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng trên đàn bò sữa; giám sát và điều trị bệnh theo chương trình.
- Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% diện tiêm và 80% tổng đàn, tỷ lệ bảo hộ đạt trên 80%, bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn bò sữa. Hạn chế tối đa những thiệt hại liên quan đến các sự cố do tiêm phòng vaccine.. Kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng nhằm kiểm soát, đánh giá mức độ bảo hộ của đàn bò sữa.
- Tiếp tục thực hiện công tác quản lý giống, đánh giá di truyền giống theo phương pháp tiên tiến phù hợp chuẩn mực quốc tế và xây dựng đàn hạt nhân mở (xây dựng ban hành tiêu chí chọn lọc đàn bò sữa hạt nhân và chứng nhận con giống). Dự án nhập nội và cải thiện giống bò sữa trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục thực hiện dự án tăng cường trang thiết bị, xúc tiến thương mại; củng cố, nâng cấp hệ thống HTX, tổ hợp tác; đào tạo huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị phục vụ ngành chăn nuôi.
- Triển khai tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình trang trại ứng dụng VietGAHP và chứng nhận VietGAHP trong chăn nuôi bò sữa. Tăng cường các hoạt động khuyến trong trong việc hướng dẫn hỗ trợ cải tạo chuồng trại phù họp với nhu sản xuất của bò sữa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ mới và tiếp tục thực hiện các nội dung đã ký kết với Trung tâm hợp tác quốc tế MASHAV và tổ chức CEVEO.
- Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu và thu mua sản phẩm cùng thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2011 - 2015 đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt. Phối hợp với các đơn vị thu mua sữa nguyên liệu trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối các mô hình chăn nuôi điểm đạt yêu cầu về năng suất, chất lượng sữa và đảm bảo các điều kiện vệ sinh trong chăn nuôi.
- Triển khai phương án thử nghiệm sử dụng thức ăn TMR theo công nghệ Israel tại nông hộ làm cơ sở kêu gọi tổ chức cá nhân tham gia xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn theo hướng công nghiệp cung ứng cho người chăn nuôi bò sữa.
- Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp chuồng trại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò sữa.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố năm 2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.