SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
5
1
6
3
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 Tháng Tư 2004 8:10:00 CH

Tình hình triển khai IPM và thí điểm chương trình cánh đồng lúa IPM tại TP. Hồ Chí Minh

Từ năm 1993 được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp của chính quyền và ban ngành đoàn thể các cấp và được sự hỗ trợ của chương trình IPM quốc gia, Chi cục BVTV đã tổ chức triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tại TP.HCM. Từ vụ đông xuân 1998- 1999 đã bắt đầu triển khai thí điểm các hoạt động về IPM cộng đồng.

   

 Chương trình IPM

IPM là mẫu tự đầu của các từ Integrated Pest Management, có nghĩa là quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng.

Từ năm 1993 được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp của chính quyền và ban ngành đoàn thể các cấp và được sự hỗ trợ của chương trình IPM quốc gia, Chi cục BVTV đã tổ chức triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tại TP.HCM. Từ vụ đông xuân 1998- 1999 đã bắt đầu triển khai thí điểm các hoạt động về IPM cộng đồng.

 

I-KẾT QUẢ THỰC HIỆN IPM TRONG 10 NĂM (1993 –2003)

1-Các hoạt động

Chi cục hiện có 13 giảng viên IPM được đào tạo, trong đó có 5 giảng viên trên cây rau. 20 giảng viên IPM nông dân. Ngoài ra , Chi cục tổ chức 3 khóa đào tạo nâng cao cho giảng viên IPM trên rau , mỗi khóa có 20 CBKT và 3 nông dân.

Huấn luyện nông dân về IPM trên rau và trên lúa

Các lớp huấn luyện IPM trên lúa được tổ chức từ năm 1993 đến nay, các lớp trên rau tổ chức từ 1996 đến nay. Trên lúa: 339 lớp với 9.000 nông dân, trên rau: 41 lớp với  1.025 nông dân, quản lý ốc bươu vàng:13 lớp  với 310 nông dân.

 

 

Hoạt động IPM cộng đồng

IPM cộng đồng là giai đoạn phát triển sau khi nông dân đã được huấn luyện về IPM. Nâng cao hiệu quả việc áp dụng IPM và nâng cao vai trò của nông dân trong việc thực hiện chương trình IPM trong cộng đồng.

Kết quả từ 1999 đến 2002, đã triển khai thực hiện được tại 14 xã phường của các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Quận 9.

Trình diễn – hội thảo IPM

   Để mở rộng chương trình, chi cục BVTV đã tổ chức những điểm trình diễn hội thảo về IPM, trình diễn 40 ngày đầu không sử dụng thuốc trừ sâu; nông dân IPM thực hiện các ruộng trình diễn về IPM và tổ chức hội thảo vào 2 lần/vụ (40 ngày sau khi sạ và khi thu hoạch).

Kết quả từ năm 1995 – 2003 đã có trên 700 điểm trình diễn hội thảo, với khoảng trên 40 ngàn lượt nông dân tham dự (mỗi điểm có khoảng 60 nông dân).

 

2- Đánh giá ảnh hưởng chương trình IPM

Trong quá trình triển khai chương trình, Chi cục đã tổ chức đánh giá ảnh hưởng của chương trình IPM, kết quả điều tra cho thấy:

Nâng cao trình độ canh tác của nông dân trong việc trồng lúa như sử dụng giống, phân bón và thuốc BVTV một cách hợp lý có hiệu quả:

Nông dân sau khi học IPM đã biết chọn giống tốt phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, hầu hết nông dân IPM áp dụng giống mới vào trong sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ từ 10- 30%, sử dụng phân cân đối hợp lý hơn, giảm số lần dùng thuốc trừ sâu bệnh, chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm từ 100.000 – 350.000/ha.

Nâng cao thu nhập cho người nông dân:

 Áp dụng các biện pháp IPM còn làm tăng năng suất lúa, tiết kiệm chi phí thu lợi nhuận cao hơn trước. Qua kết quả điều tra cho thấy có 96% sau khi học áp dụng IPM có hiệu quả đã thu được lợi nhuận cao hơn so với trước khi học là từ  500.000 – 1.000.000 đồng/ha. Kết quả điều tra nông dân IPM tại 14 xã thực hiện IPM cộng đồng cho thấy sau khi áp dụng các biện pháp IPM,  năng suất lúa đã tăng được 18,9 %.

 Nâng cao vai trò chủ động của nông dân trong việc trồng lúa

Nông dân chủ động tự tin hơn trong việc quản lý đồng ruộng. Sau khi học thì hầu hết nông dân đã tự quyết định xịt thuốc, dùng phân bón trên cơ sở đánh giá đồng ruộng. Không còn nông dân IPM xịt ngừa thuốc trừ sâu.

Ảnh hưởng của chương trình huấn luyện IPM đến phát triển cộng đồng

   Do chương trình có hiệu quả nên nông dân chưa được học cũng rất quan tâm tới chương trình vì vậy chương trình IPM đã có ảnh hưởng tốt về mặt xã hội trong cộng đồng. Trung bình mỗi nông dân IPM hướng dẫn cho 6- 8 nông dân chưa học áp dụng IPM.

 II- THÍ ĐIỂM CÁNH ĐỒNG LÚA IPM
1. Lý do thí điểm cánh đồng lúa IPM

Sau khi triển khai các hoạt động IPM, hoạt động cộng đến nay mới chỉ có khoảng 10 % nông dân trồng lúa được huấn luyện, do đó trong một vùng, việc áp dụng IPM trong sản xuất không được rộng rãi, nó mang tính chất rời rạc không đồng bộ. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả và mở rộng chương trình, năm 2000, Chi cục BVTV đã  xây dựng kế hoạch thí điểm cánh đồng lúa IPM với qui mô vùng 10-20 ha.

Cơ sở pháp lý thực hiện chương trình là:

Căn cứ văn bản số 1815/UB-CNN ngày 04/6/2001 của UBND Thành phố đã có chủ trương tiếp tục chương trình IPM và IPM cộng đồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo về phát triển chương trình IPM qua việc xây dựng thí điểm cánh đồng lúa IPM của tại văn bản số 64/TB-NN/KH ngày 09/7/2001.

Để xây dựng thí điểm cánh đồng lúa IPM, Chi cục BVTV đã xây dựng kế hoạch thực hiện từng giai đoạn là chọn điểm, điều tra hiện trạng tập quán sản xuất lúa, xây dựng tiêu chuẩn và các giải pháp tổ chức thực hiện.

Từ vụ hè thu 2002, Chi cục BVTV thực hiện thí điểm cánh đồng lúa IPM đầu tiên ở 2 cánh đồng: ấp Xóm Mới xã Trung Lập Hạ và ấp 8 xã Bình Mỹ huyện Củ Chi, sang vụ mùa 2002 đã triển khai thêm ở ấp Phú Lợi xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi, tiếp tục triển khai ở 3 xã nêu trên trong vụ đông xuân 2002 –2003.

Sau khi Cục BVTV triển khai chương trình “3 giảm, 3 tăng” trong thâm canh lúa, Chi cục đã tổ chức hội thảo đánh giá cho thấy mục tiêu của chương trình cánh đồng lúa IPM phù hợp với mục tiêu của chương trình “3 giảm, 3 tăng” của Cục BVTV.

Trên cơ sở kết quả thực hiện tại Củ Chi, từ vụ hè thu 2003, Chi cục BVTV đã mở rộng triển khai thí điểm tại xã Đông Thạnh (Hóc Môn), Bình Chánh, Tân Nhựt (Bình Chánh).

2-Mục tiêu

Mục tiêu của cánh đồng lúa IPM là áp dụng các biện pháp sạ thưa hợp lý, bón phân cân đối, áp dụng IPM phòng trừ sinh vật hại lúa tổng hợp nhằm tăng năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản xuất (giảm giống gieo sạ, giảm phân đạm, giảm thuốc trừ sâu) và bảo vệ môi trường trong sạch.

            3-Kết quả thực hiện

 Số hộ và diện tích thực hiện cánh đồng lúa IPM, từ hè thu 2002 đến mùa 2003

 

 

 

Vụ

HT 2002

Mùa 2002

ĐX 02 –03

HT 2003

 

Mùa 2003

-Số hộ

-D. tích (ha)

26

21,5

141

99,32

128

101,27

181

126,27

185

135,17

 

Về tổ chức ở mỗi cánh đồng lúa có một tổ điều hành gồm có 01 cán bộ kỹ thuật, 01 đại diện cho chính quyền, hội nông dân xã và 01 đại diện cho nông dân. Tổ điều hành xã có trách nhiệm phối hợp tổ chức và thực hiện các hoạt động trong chương trình, tuyên truyền vận động nông dân tham gia cánh đồng lúa.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, được sự hỗ trợ của Cục BVTV, Chương trình cánh đồng lúa đã cấp phát và hướng dẫn cho tất cả nông dân tham dự cánh đồng lúa bảng so màu lá lúa.

Trung tâm NCKHKT- Khuyến nông cũng đã và đang xây dựng các điểm nhân giống lúa để cung cấp giống xác nhận cho cánh đồng lúa IPM, đồng thời hỗ trợ giảm giá cho nông dân ở TPT và TLH 9 máy sạ hàng.

Công ty Thuốc trừ sâu Sài Gòn đã mở 3 điểm bán thuốc BVTV tại Bình Mỹ, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung trong vụ đầu giảm giá 20 %,  hiện nay giảm giá 10% cho nông dân thực  hiện cánh đồng lúa.

1-Kết quả thực hiện “3 giảm”

Dùng giống chất lượng, giống mới, sạ thưa để giảm lượng giống

Với sự hỗ trợ của Chương trình từ  vụ hè thu 2002 đến nay, tỷ lệ hộ nông dân áp dụng giống mới tăng lên: vụ hè thu 2002 có 69,2% hộ áp dụng giống mới, vụ mùa 2002: 40,4%, đông xuân 2002 –2003: 76,6 %, vụ hè thu 2003:ở Củ Chi 74,8 %, Bình Chánh 91,3 %, Hóc Môn 88,5 %.

Việc áp dụng biện pháp sạ lan, sạ hàng thưa đã tiết kiệm lượng giống. Nông dân ở Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung đã áp dụng biện pháp sạ hàng, ngoài tiết kiệm lượng giống, áp dụng máy sạ hàng là một biện pháp giảm được công lao động. Trong điều kiện lao động nông nghiệp ngày càng giảm hiện nay thì đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên ở những vùng đất lầy, thụt  không áp dụng được máy sạ hàng. Lượng giống sạ ở cánh đồng lúa Củ Chi giảm từ 20 –25 kg/ ha, ở Bình Chánh từ 10 –25 kg/ha. ở Hóc Môn không có sự khác biệt so với vụ trước.

Bón phân cân đối để giảm lượng đạm

Được sự hỗ trợ của Cục BVTV, Chương trình cánh đồng lúa đã cấp phát và hướng dẫn cho tất cả nông dân tham dự cánh đồng lúa IPM sử dụng bảng so màu lá lúa, hiện nay hầu hết nông dân tham gia cánh đồng lúa đã áp dụng bảng so màu lá lúa để bón phân. Áp dụng bảng so màu sẽ giảm được phân urê, và bón cân đối hơn, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn. Điều này có ý nghĩa trong điều kiện giá phân bón ngày một cao hiện nay. Nông dân bón phân đạm theo bảng so màu đã tiết kiệm được từ 8- 15 kg N (khoảng từ 15 - 30 kg Urê/ha). Tuy nhiên, ở cánh đồng lúa Hóc Môn, lượng đạm sử dụng lại tăng trung bình 18 kg/ha.

Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để giảm sử dụng thuốc BVTV

Nông dân tham gia cánh đồng lúa IPM đã áp dụng IPM để phòng trừ sinh vật hại đã giảm số lần sử dụng thuốc BVTV từ 1 –3 lần/ vụ. Áp dụng IPM đã giảm cả thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, trừ cỏ. Lý do, nông dân ở cánh đồng lúa đã nắm bắt được tình hình sinh vật hại trên ruộng, áp dụng các biện pháp tổng hợp, sử dụng thuốc BVTV đúng kỹ thuật nên hiệu quả phòng trị sâu bệnh cao hơn. Nhìn chung thuốc trừ sâu giảm nhiều nhất; chi phí thuốc giảm khoảng từ 163.000 – 450.000/ha.

2. Kết quả thực hiện “3 tăng”

Bằng các biện pháp kỹ thuật mới như chọn giống tốt, sạ thưa, sử dụng bảng so màu bón phân và phòng trị sâu bệnh theo IPM, nông dân áp dụng theo chương trình cánh đồng lúa IPM đã thu lợi nhuận cao hơn so với năm trước khi chưa áp dụng theo chương trình.

Tăng năng suất lúa

Nông dân tham gia cánh đồng lúa đều thu được năng suất cao hơn, ở Củ Chi năng suất lúa cao hơn vụ trước từ 500 –800 kg/ha. Ở Bình Chánh, Hóc Môn thực hiện ở vụ đầu nên năng suất không tăng nhiều.

 Giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận

Kết quả thực hiện ở các cánh đồng lúa cho thấy, giá thành sản xuất lúa ở huyện Củ Chi từ 700 –900 đ/kg, giảm hơn so với vụ trước từ 300 –450 đ/kg. Điều này sẽ làm tăng thu nhập của nông dân cánh đồng lúa IPM.

Lợi nhuận:

Do áp dụng biện pháp kỹ thuật của chương trình đã làm tăng năng suất, giảm giá thành. Vì vậy, so với các vụ trước lợi nhuận sản xuất lúa chỉ đạt từ 1 –2 triệu đồng/ ha, nông dân thực hiện cánh đồng lúa IPM ở Củ Chi đã thu được lợi nhuận trên 3 triệu đồng/ ha.

3.3. Môi trường và sức khỏe cộng đồng

Hầu hết nông dân tham gia cánh đồng lúa đều hiểu được ảnh hưởng của việc sử dụng hóa chất như thuốc trừ dịch hại không hợp lý trong sản xuất sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của chính bản thân họ, do đó nông dân không sử dụng thuốc cấm, ít dùng thuốc hơn và dùng thuốc đúng theo kỹ thuật. Về mặt này chúng tôi chưa có phương pháp điều tra đánh giá, về sau sẽ phối hợp với TT Y tế dự phòng để có chương trình điều tra cụ thể.

3-Đánh giá thí điểm cánh đồng lúa

1. Kết quả đạt được

-Thực hiện tốt chọn nông dân đủ tiêu chuẩn tham gia cánh đồng lúa IPM. Khoảng 60 % nông dân tham dự cánh đồng lúa đã được huấn luyện IPM,  đây là những nông dân nòng cốt của chương trình.

-Mục tiêu của Chương trình thực hiện đáp ứng đúng nguyện vọn của nông dân trồng lúa đó là giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất.

-Có sự quan tâm, phối hợp tổ chức thực hiện với Chi cục  của chính quyền địa phương như UBND, hội nông dân cùng tham gia tổ chức, hỗ trợ mua máy sạ hàng, tạo điều kiện mở điểm bán vật tư nông nghiệp.

-Tổ điều hành nhiệt tình, có nhiều cố gắng trong vận động tuyên truyền nông dân.

-Có sự phối hợp cùng với Trung tâm NCKHKT và Khuyến nông, Công ty Thuốc trừ sâu Sài Gòn tham gia hỗ trợ cho nông dân.

Hạn chế

-Tổ điều hành khó quản lý và thực hiện hướng dẫn kỹ thuật cho từng nông dân, với số hộ nông dân khoảng 50 người, diện tích trên 40 ha như hiện nay. Do vậy, cánh đồng lúa nên xây dựng với qui mô khoảng 30 nông dân, diện tích khoảng 20 ha, thực hiện trong 3 vụ, sau đó tiếp tục mở rộng cho nông dân trong vùng. Tổ điều hành nên gồm có 1CBKT và 1 đại diện cho nông dân.

-Một số ruộng xâm canh trong cánh đồng lúa chưa thực hiện theo qui trình, do vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

-Một số nông dân đăng ký tham gia nhưng chưa áp dụng đầy đủ theo qui trình. do vậy nên qui định nông dân tham dự đảm bảo các tiêu chuẩn như tự nguyện tham dự, cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo như hướng dẫn của CBKT, tham gia các buổi hội nghị, hội thảo đầy đủ, báo cáo kết quả thực hiện

-Thời gian thường được thực hiện hàng vụ, thường tổ chức trước khi gieo cấy bắt đầu, tuy nhiên có khi nông dân bắt đầu xuống giống mới tổ chức nên việc đưa giống mới vào gặp khó khăn.

-Một số ý kiến của nông dân như về thời gian bơm nước kịp thời cho nông dân chưa được đáp ứng đầy đủ.

 

 III. ĐỊNH HƯỚNG MỞ RỘNG VÙNG LÚA IPM ĐẾN NĂM 2010

1.Dự báo tình hình

Thành phố hiện  nay đang tập trung phát triển chương trình mục tiêu “ba cây, hai con” (rau an toàn, dứa Cayene, cây hoa kiểng,con bò sữa và con tôm). Tuy nhiên sự hiện hữu khách quan của cây lúa trên địa bàn ngoại thành thành phố đến năm 2010 là không thể phủ nhận. Mặc dù xu thế giảm diện tích lúa do đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo và các ngành của thành phố, nhưng đây là một quá trình chuyển tiếp lâu dài có thể là vài năm hoặc nhiều năm. Trong quá trình đó diện tích trồng lúa cần thiềt phải được đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hạ giá thành và tăng năng suất phẩm chất, góp phần tự cân đối lương thực cho những vùng thuần nông chỉ sản xuất được cây lúa nước. Con đường ấy không là con đường nào khác là chỉ đạo tổ chức và vận động tham gia chương trình mục tiêu ba giảm trong sản xuất lúa do Cục BVTV phát động (giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu, bảo vệ năng suất chất lượng, bảo vệ lợi nhuận, bảo vệ môi trường).

2.Định hướng mở rộng chương trình

Từng năm mở rộng quy mô vùng lúa IPM và số vùng lúa IPM được hình thành tại các vùng trọng điểm lúa của thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2010. Xây dựng chương trình mục tiêu cụ thể cho vùng lúa IPM tại thành phố đạt được mục tiêu đến năm 2010 có 50% diện tích lúa hiện hữu (khoảng 20.000 ha) là vùng lúa IPM đạt yêu cầu ba giảm bảo vệ môi trường và hiệu quả trong sản xuất.


Số lượt người xem: 12102    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm