Ngày 29 tháng 08 năm 2006, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị giao ban Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố (BCHPCLBTP). Đồng chí Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, đại diện sở, ngành thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan thông tấn, báo chí.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực BCH PCLBTP báo cáo tình hình và kết quả phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai 08 tháng đầu năm và đề xuất phương hướng PCLB, giảm nhẹ thiên tai 04 tháng cuối năm 2006. Theo báo cáo, tình hình PCLB, giảm nhẹ thiên tai 08 tháng đầu năm 2006 trên địa bàn thành phố như sau:
Về tình hình áp thấp nhiệt đới, bão, lốc xoáy và lũ:
Áp thấp nhiệt đới và bão: Từ đầu năm đến nay xuất hiện 3 cơn bão và 7 cơn áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên không có cơn bão và áp thấp nhiệt đới nào ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Lốc xoáy: Trong 8 tháng đầu năm 2006, có 02 cơn lốc xoáy xuất hiện trên địa bàn quận 9 (01 lần) và huyện Cần Giờ (01 lần).
- Ngày 27-5-2006, giông và lốc xoáy xảy ra tại ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, Huyện Cần Giờ làm thiệt hại 32 căn nhà, trong đó có 7 căn nhà bị sập hoàn toàn, 3 căn bị sập nhà sau, tốc mái 22 căn nhà, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Cùng thời điểm đó, 01 người dân địa phương đi làm ở xã Tam Thôn Hiệp bị sét đánh chết. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện và lực lượng xung kích xã giúp nhân dân sửa chữa lại nhà để ở.
- Ngày 02 và 03-4-2006, mưa lớn kèm lốc xoáy tại tổ 6 và tổ 7, ấp Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9; làm sập 01 căn nhà, 03 căn nhà lá, 02 chuồng nuôi gia súc, tốc mái tôn 06 căn nhà (trong đó có 04 căn nhà tình thương) và 01 hàng rào B40 dài 30m.
Lũ miền Đông Nam Bộ và xả tràn của hồ chứa thượng lưu:
Lũ trên sông Đồng Nai đã bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 8 năm 2006, lưu lượng nước lớn nhất về hồ Trị An bình quân ngày là 3.133m3/s (ngày 16-8-2006). Giữa tháng 8 năm 2006, các hồ Trị An (điều tiết năm), Cần Đơn (điều tiết tuần), Srok Phu Miêng (điều tiết ngày) phải xả tràn; còn hồ Thác Mơ (điều tiết năm), Dầu Tiếng (điều tiết năm) đang còn tích nước, chưa xả tràn. Tuy nhiên, do mực nước đỉnh triều khu vực thành phố từ đầu mùa mưa đến ngày 25-8-2006 còn thấp nên lũ và xả tràn chưa ảnh hưởng đối với thành phố.
Về tình hình sạt lở bờ sông:
Diễn biến sạt lở bờ sông 8 tháng đầu năm 2006:
Từ đầu năm đến nay, có 03 lần sạt lở bờ sông xảy ra trên địa bàn các quận Bình Thạnh (02 lần), quận Thủ Đức (01 lần), không có thiệt hại về người.
Nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông do nước mưa ngấm vào làm tăng trọng lượng đất, tăng lực trượt; lúc nước ròng thường tạo áp lực lớn lên vùng đất ven bờ và do vi phạm hành lang an toàn bảo vệ sông, rạch (kể cả việc neo đậu phương tiện giao thông thủy không đúng quy định); nhà dân xây dựng nhiều và gần sát bờ sông tạo nên dòng chảy xoáy vào bờ tạo hàm ếch khiến nguy cơ sạt lở thêm cao.
Ban chỉ huy PCLB, giảm nhẹ thiên tai cũng đã dự báo các khu vực có nguy cơ sạt lở như sau:
- Huyện Bình Chánh: ngã 3 sông Cần Giuộc - Bến Lức.
- Huyện Cần Giờ: khu vực ngã 3 sông Lòng Tàu – Soài Rạp, vịnh Gành Rái, vịnh Đồng Tranh; khu dân cư xã An Thới Đông; khu vực Bắc – Tây Bắc xã Bình Khánh; xã đảo Thạnh An; mũi Cần Thạnh, Long Hòa, Lý Nhơn.
- Huyện Củ Chi: bến khách ngang sông Bình Mỹ, bến phà Phú Cường.
- Huyện Nhà Bè: khu vực cầu Mương Chuối - cầu Phước Long, cầu rạch Tôm - cầu Long Kiểng, cầu rạch Dơi - cầu Hiệp Phước, ngã 3 rạch Giồng - sông Kinh Lộ.
- Quận 8: bến khách ngang sông Bến Đá.
- Quận Bình Thạnh: các khu vực từ nhà hàng Tân Cảng đến cầu Kinh, từ cầu Kinh đến Trạm QL Đường sông số 2, Trạm QL Đường sông số 2 đến cầu Bình Triệu, từ khách sạn Dầu Khí đến cầu Kinh và ngã 3 sông Sài Gòn, ngã 3 sông Sài Gòn đến nhà hàng Hoàng Ty, khu vực khách sạn Đất Phù Sa đến quán Tư Trì, Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa đến câu lạc bộ APT, xưởng đóng tàu Tiền Phong, khu từ rạch Ông Ngữ đến xóm Chùa và khu dự án Công ty Thiên Hà.
Về công tác di dời dân:
Đến cuối tháng 6 năm 2006, huyện Cần Giờ đã thực hiện di dời 1.230 hộ/1.280 hộ dân (4.918 nhân khẩu, 2.701 lao động) theo chương trình di dời nhà ở ven biển, ven sông và vùng trũng thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường về khu định cư mới, đạt 96,1% chỉ tiêu.
Đối với 50 hộ dân còn lại và 45 hộ sống trong vùng sạt lở ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An) đã được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt hỗ trợ di dời từ nguồn vốn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố năm 2006 và chỉ đạo UBND xã Long Hoà, Thạnh An đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp thoát nước), giải quyết tạm ứng kinh phí trợ cấp, di dời để các hộ hoàn thành xây dựng nhà ở trong quý III năm 2006.
Sở Nông nghiệp và PTNT đang đôn đốc các sở - ngành liên quan góp ý để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt dự án di dời 1.400 hộ dân có nhà ở sống ven sông, ven biển ở các xã có nguy cơ bị sạt lở, thường xuyên bị ngập do triều cường, các hộ sống rải rác trong rừng phòng hộ.
Về tình hình triều cường, ngập úng:
Từ ngày 01 đến 04-3-2006 xuất hiện đợt triều cường lớn đột biến, mực nước cao nhất ngày 03-3-2006 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) là 1,41m (tương đương triều cường tháng 11 năm 2005, theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, vào tháng 3 các năm từ 1999 đến 2005 mực nước cao nhất tại trạm Phú An chỉ dao động từ 1,13m đến 1,19m), tại trạm Nhà Bè (cầu Hiệp Phước) ngày 02-3 là 1,40m. Đợt triều cường này đã gây bể bờ bao và ngập úng tại một số nơi như quận 7 (phường Bình Thuận), quận Bình Thạnh (phường 28), quận Thủ Đức (phường Trường Thọ, phường Hiệp Bình Chánh), huyện Bình Chánh (xã Phong Phú, xã Hưng Long, xã Bình Lợi…), huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi... gây ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. Các địa phương đã tổ chức khắc phục ngay sau khi xảy ra sự cố để tái ổn định đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, khi có những cơn mưa lớn đã xảy ra ngập úng nặng tại một số tuyến đường trên địa bàn quận 6, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình… gây ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Về công tác quản lý tàu thuyền:
Hiện nay, thành phố đang quản lý 118 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên, trên 97% tàu cá được trang bị cứu sinh (áo phao, phao tròn) và thiết bị liên lạc (công suất, tần số) đảm bảo đủ điều kiện ra khơi, 90% mua bảo hiểm thân tàu.
Trong công tác quản lý tàu thuyền, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên thực hiện công tác đăng kiểm theo yêu cầu của chủ tàu. Ngày 11 và 12 tháng 5 năm 2006, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện đợt kiểm tra đăng kiểm tại xã Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), đây là hai địa phương có nhiều tàu thuyền hoạt động nghề cá. Đối với các tàu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sẽ không gia hạn hoạt động; đối với các tàu không trang bị đủ các phương tiện an toàn thì buộc chủ tàu phải trang bị đủ mới được gia hạn hoạt động.
Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn phối hợp với các đơn vị mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ cho ngư dân và tập huấn phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng xung kích, ngư dân.
Bộ đội biên phòng kiểm tra giấy tờ đăng ký đăng kiểm của tàu ra vào qua trạm, kiểm tra về trang bị an toàn của tàu, nắm vùng ngư trường đánh bắt. Từ tháng 4 năm 2006, Bộ đội biên phòng đã tổ chức 83 đài canh phòng, chống lụt, bão, trong đó có TP.HCM; tăng cường thêm 03 điểm bắn pháo hiệu báo bão; phát tờ bướm về phòng, chống lụt, bão; hướng dẫn cách liên lạc và tần số liên lạc khi gặp sự cố cho ngư dân v.v…
Về xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão:
Từ đầu năm 2006, Thường trực Ban chỉ huy PCLB giảm nhẹ thiên tai đã phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra và hoàn thành báo cáo kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ năm 2006. Để phòng ngừa xảy ra sự cố, Ủy ban nhân dân thành phố đã duyệt chi kinh phí từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho các huyện và quận ven để gia cố bờ bao, sửa chữa công trình xung yếu. Điển hình là công trình nâng cấp bờ bao rạch Cầu Già (huyện Bình Chánh), nạo vét và đắp bờ bao kênh tiêu rạch Cầu Sa (huyện Hóc Môn), gia cố bờ bao trên địa bàn phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông (quận 12), phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức)....
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tập trung thực hiện công tác PCLB, giảm nhẹ thiện tai trong 04 tháng cuối năm, nhất là vào thời kỳ mưa lũ lớn trong năm như sau:
1. Thường trực BCHPCLBTP cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến tận mỗi phường, xã, tổ, ấp để nâng cao ý thức của người dân, tự giác tham gia PCLB nhằm ngăn ngừa nguy cơ và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; cần tổ chức diễn tập PCLB ở những nơi xung yếu, nguy cơ xảy ra thiên tai lớn để nhân dân đề phòng và có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
2. Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Thường trực BCHPCLBTP tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các công trình thủy lợi, PCLB của thành phố; báo cáo và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nơi nào đã có chủ trương, có kinh phí nhưng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chậm thì phải tìm ra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục; cần xem xét, lựa chọn những địa bàn xung yếu để tập trung đầu tư, thi công dứt điểm, nhanh chóng đưa công trình vào phục vụ kịp thời, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu PCLB của thành phố.
3. Đối với Dự án công trình thủy lợi bờ bao sông Sài Gòn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra, rà soát kỷ và báo cáo UBND thành phố tình hình và kết quả thực hiện dự án, nêu cụ thể tồn tại, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, trường hợp xét thấy cần thiết thì tham mưu UBND thành phố mời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp kiểm tra để thống nhất giải quyết, kiên quyết không để dự án tiếp tục kéo dài.
4. Thường trực BCHPCLBTP chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường, các sở ngành, quận huyện liên quan, tiến hành kiểm tra hệ thống bờ bao khu xử lý rác Phước Hiệp và có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn môi trường nguồn nước.
5. Công an thành phố triển khai đợt kiểm tra tuyến giao thông thủy trên toàn địa bàn thành phố và xử lý nghiêm minh các sai phạm, đặc biệt là các đối tượng vi phạm quy định về lấn chiếm sông rạch, neo đậu tàu thuyền gây sạt lở bờ sông.
6. Chủ tịch UBND các quận huyện có sông rạch cần rà soát lại tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở, đối với các khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân thì phải cương quyết di dời, có phương án tái định cư phù hợp, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. BCHPCLBTP rà soát và nhắc nhở UBND các quận huyện kiện toàn BCHPCLB cấp mình, phân công nhiệm vụ, địa bàn quản lý cụ thể cho mỗi thành viên. UBND thành phố đề nghị báo đài thành phố tăng cường phối hợp với UBND các quận huyện, thông tin tuyên truyền về nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra, nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
7. Sở Tài chính đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống lụt bão; Thường trực BCHPCLBTP có trách nhiệm phối hợp sở, ngành, quận, huyện để xây dựng kế hoạch kinh phí phù hợp, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác PCLB trên địa bàn thành phố; cần thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác; đôn đốc, chỉ đạo, điều hành công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai kịp thời và hiệu quả nhất.
|