SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
1
2
2
2
Các lĩnh vực khác 13 Tháng Tám 2009 2:15:00 CH

Vấp/ Vắp cây cảnh quan văn hóa cần được khôi phục

Tên khoa học: Mesua ferrea L.
Tên địa phương: Vấp/ Vắp
Họ: Clusiaceae- Măng cụt

Đặc điểm sinh thái và phân bố:

Mô tả: Cây gỗ lớn, thường xanh, ít rụng lá theo mùa, cao từ 20 – 30 m, tán lá lúc nhỏ hình tháp; lớn tròn rộng, nhiều cành nhánh. Lá đơn mọc đối, hình thuôn ngọn giáo, đầu nhọn, gốc tròn, dày, dai, bìa nguyên, mặt trên bóng, mặt dưới mốc trắng, gân phụ khó nhận biết, cuống dài 9-10mm, lá non màu đỏ hoặc vàng đỏ, già chuyển thành màu xanh. Hoa lưỡng tính, có mùi thơm, 4 cánh màu trắng đầu lổm, nhị vàng xếp thành hình vuông, 1 nhụy màu trắng; nằm giữa hình vuông nhị vàng; đầu nhụy vươn cao hơn nhị, 4 đài hoa màu xanh hình oval, tồn tại khá lâu, mọc ở ngọn hoặc nách lá, ra hoa từ tháng 2 - tháng 3. Quả xoan giống quả dâu, nhọn ở đỉnh, gốc tròn nằm trên 4 cánh đài, vỏ hoá gỗ, mở ở đỉnh từ 2 – 3 van, non màu xanh, chín biến thành màu nâu đỏ, vỏ quả rụng trước, hạt rụng sau, quả có 1 - 4 hạt; vỏ hạt chín màu nâu đỏ cứng, chứa tinh dầu, đầu hạt nhọn, gốc tròn trên có điểm trắng hình giọt nước. Khi bóc vỏ cứng ra, mầm rễ nằm cùng chiều vòng tròn của điểm trắng.

Nơi sống: Thường gặp nhiều ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ…Ở nước ta thường gặp tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam Bộ, biên độ phân bố khá rộng, rải từ 1 – 1000 m so với mặt biển. Hiện nay, người ta thường trồng ở đình chùa, đường phố, công viên…Nhiều người dân sống lâu năm tại Tp Hồ Chí Minh trước đây là Sài Gòn – Gia Định cho biết, cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, về phía Đông Bắc có nhiều cây Vấp mọc tư nhiên trên các đồi, gò và thường gọi là “Gò Vấp“, nay là quận Gò Vấp thuộc Tp Hồ Chí Minh. Một số đình chùa tại Gò Vấp còn lưu giữ bàn thờ, ghế trường kỷ, liễn .. được làm bằng gỗ cây vấp.

Thành phần hóa học của hoa, hạt: Hạt chứa 65% tinh bột so với trọng lượng của quả, 45 % chứa dầu đặc, màu vàng, có mùi riêng biệt và vị đắng. Dầu này cầu tạo bởi các acid stearic, oleic, linoleic, arachidic. Hạt có vị đắng là mesuol hàm lượng 1% và mesuone có hoạt tính kháng sinh, có tác dụng hơi độc đối với tim ( bài thuốc y học cổ truyền )

Công dụng:

Hoa thơm có vị chát làm săn da, lợi tiêu hoá, trợ tim bổ huyết, ở Ấn Độ hoa trị ho, hoa phơi khô tán thành bột trộn với dầu hoặc bơ đắp trị trĩ chảy máu, bỏng. Búp hoa trị kiết lỵ. Tinh dầu hạt mùi thơm dùng trong mỹ phẩm, hạt phơi khô nghiền thành bột đắp trị phong thấp, vết thương. Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta dùng hạt trị sang dương thũng độc. Lá khô làm săn da, lợi tiêu hóa, lá và hoa cũng được dùng trị rắn cắn, bò cạp đốt.

Gỗ màu nâu đỏ gần giống Gõ đỏ nhưng thớ mịn, thường dùng trong điêu khắc, tạc tượng, tranh liễn trong đình chùa…Trên thế giới, nó được xếp vào nhóm gỗ cứng gọi là thiết mộc ( ironwood )

Trồng làm cảnh quan:

Do cây có tán đặc biệt, lúc nhỏ hình tháp, lớn hình tròn, tàn rậm, lá non màu đỏ tía, lá trưởng thành có ánh bạc phía dưới, hoa đẹp, thơm nên thường được trồng làm cảnh quan trong đình, chùa. Ở California, người ta trồng cây cảnh quan đường phố và công viên. Ở Sài Gòn trước đây có trồng thử vài cây trên đường Nguyễn Đình Chiểu, công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên nhưng do việc cắt tỉa cành không đúng kỹ thuật nên đã làm cho hình dáng cây không đẹp và mất tác dụng cảnh quan.

Thu hái hạt giống - bảo quản:

Trái chín vào tháng 5 đến tháng 6, thu hoạch trên cây hoặc chung quanh gốc cây. Hạt gieo liền sau khi thu hoạch, nếu để quá một tháng thì hạt mất khả năng nẩy mầm vì các loại acid stearic, arachidic…tác dụng với nước khống chế khả năng nẩy mầm của hạt.

Kỹ thuật vườn ươm:

Gieo hạt: xử lý hạt giống bằng cách ngâm nước lạnh từ 2 – 3 giờ, vớt ra để ráo nước, gieo lên liếp, gieo bằng đất cát thoát nước hoặc tro trấu, phủ lớp cát mỏng phía trên hạt hoặc lớp bổi mỏng, giữ ẩm. Hai đến ba ngày sau, hạt bắt đầu nẩy mầm rễ, khi mầm rễ dài khoảng 5 mm có thể gieo trực tiếp vào bầu đất chuẩn bị sẵn, 4 ngày sau hạt nẩy chồi từ mầm rễ; sau đó 4 ngày chồi ra hai lá non màu đỏ tía xếp dọc theo trụ mầm. Khi chuyển sang màu xanh lá mạ, hai lá sẽ nằm ngang; mặt trên bóng; mặt dưới mốc trắng.

Thành phần dinh dưỡng trong túi bầu: túi bầu polyme màu đen, 10 cm đường kính, 15 cm cao. 70% lớp đất mặt thịt pha cát tại vườn ươm, 30% tro trấu và phân hữu cơ.

          Tỷ lệ nẩy mầm: nếu gieo hạt theo cách tự nhiên ( không qua xử lý ) tỷ lệ nẩy mầm từ 5 – 7%, ngâm nước từ 2-3 giờ hạt nẩy mầm từ 20 – 30%, bóc vỏ ở phần gốc hạt (phần tròn của hạt), mầm rễ không bị thương, hạt nẩy mầm từ 70 – 85%. Quả có hai hạt thì tỷ lệ nẩy cao hơn quả có một hạt, ba và bốn hạt.

          Chăm sóc cây con:

Che 70% ánh sáng từ khi gieo ươm đến 2 tháng tuổi, 50% ánh sáng từ 3 – 5 tháng tuổi, 70% ánh sáng từ 6 – 9 tháng tuổi, 100% ánh sáng từ tháng 10 đến khi trồng.

          Bón phân: Tháng thứ 3 có thể bón phân tổng hợp NPK hoặc phân bón lá. Tháng thứ sáu có thể sang ra bầu lớn hơn nếu trồng cảnh quan, đường phố.

          Tưới nước: tưới thấm hoặc phun nhưng không để úng nước.

 

 

Tài liệu tham khảo:

-          Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ.

-          Cây thuốc và vị thuốc của Đổ Tất Lợi.

-          Viện nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Ấn Độ.

 

 

                                                                                     Nguyễn Sơn Thụy

                                                                   Chi cục Lâm nghiệp


Số lượt người xem: 6003    
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm