SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
3
6
4
9
0
TIN HOẠT ĐỘNG KHÁC 03 Tháng Ba 2011 9:25:00 CH

Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với các nội dung chủ yếu sau:


I. NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU:

1. Nhiệm vụ:

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố năm 2011.

2. Mục tiêu:

- Triển khai, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách cho con người và 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm). Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm thiểu chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu…

- Rà soát các công trình, dự án ưu tiên đầu tư; tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011.

- Triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn nhằm đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu về lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành:

- Chỉ đạo Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức về nội dung Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện sắp xếp nhiệm vụ chi năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao theo Quyết định số 82/2010/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2010 để thực hiện tiết kiệm góp phần giảm lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường các biện pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi – cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương.

2. Về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Thành ủy khóa IX ngày 02 tháng 12 năm 2010:

- Tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình hành động số 43-Ctr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong năm 2011, triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới ở 28 xã, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội huyện Củ Chi (xã điểm của Trung ương); đến cuối năm 2012, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 5 xã điểm của thành phố.

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái kết hợp xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi chất lượng cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây trồng, giống vật nuôi của khu vực. Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có giá trị cao. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hạn chế khai thác ven bờ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch hại trên cây trồng; phòng chống cháy rừng, phòng tránh thiên tai, lụt bão, cứu hộ, cứu nạn…

- Liên kết với các tỉnh trong Vùng xây dựng các vùng nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến của thành phố.

3. Về phát triển sản xuất nông nghiệp, cân đối cung cầu nông sản, tạo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu góp phần bình ổn giá:

Phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2011, cụ thể:

- Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2011 tăng trên 6% so năm 2010, giá trị gia tăng trên 5%.

- Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả thấp (khoảng 1.000ha) ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để chuyển sang cây trồng khác, nhất là rau an toàn, hoa cây kiểng, nuôi thủy sản.

- Diện tích đất trồng rau 3.200 ha (tăng 200 ha so với năm 2010), diện tích gieo trồng trên 13.000 ha, rau an toàn đạt trên 98%.

- Hoa - cây kiểng: phấn đấu 2.000 ha.

- Diện tích trồng cỏ đạt trên 3.000 ha.

- Duy trì đàn bò sữa ở mức: 80.000 con, đàn heo khoảng 300.000 con.

- Tôm các loại:trên 12.000 tấn.

- Cá kiểng:   88 triệu con.

- Đàn cá sấu: 174.000 con.

- Ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng muối Cần Giờ.

- Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn ngoại thành: 100%; hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh: 100%; hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải: 90%.

- Độ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố: 40%, trong đó độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp 19,1%.

4. Về thực hiện đề án Chiến lược phát triển chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai đoạn 2008 – 2010, tầm nhìn đến năm 2015:

Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2008 về việc phê duyệt đề án Chiến lược chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai đoạn 2008 – 2010, tầm nhìn đến năm 2015; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp các Sở ngành, lực lượng Thanh niên xung phong, các Tổng công ty, doanh nghiệp và các cơ sở chăn nuôi liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, cụ thể:

4.1. Lực lượng Thanh niên xung phong:

- Hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 90.000 tấn/năm, bảo đảm cung ứng đầy đủ lượng thức ăn chăn nuôi cho các đơn vị thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong tham gia dự án trong Chiến lược phát triển chăn nuôi của thành phố.

- Hoàn thành đầu tư và đưa vào sản xuất ổn định trại chăn nuôi Thanh Tân quy mô đàn heo lên 2.500 heo thịt và 240 heo nái sinh sản; Hoàn thành đầu tư mở rộng trại heo Phước Long 1, nâng quy mô chăn nuôi lên 3.200 heo thịt, 480 con heo nái sinh sản; tổng sản lượng heo thịt năm 2011 ước đạt 1.000 tấn/năm.

- Đầu tư phát triển mở rộng chăn nuôi gà với quy mô 300.000 con, sản lượng trứng ước đạt 80.000 triệu trứng/năm; đưa vào hoạt động dây chuyền xử lý trứng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng nguồn trứng sạch với thương hiệu Thanh niên xung phong cho thị trường thành phố.

- Xúc tiến nghiên cứu trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Lào để góp phần chủ động giảm giá thành.

4.2. Công ty TNHH Ba Huân:

- Tiếp tục đầu tư tại Phú Văn, tỉnh Bình Phước (giai đoạn 2), thuộc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội thêm 06 trại chăn nuôi gà theo công nghệ chuồng kín bảo đảm an toàn sinh học, quy mô 66.000 con, sản lượng trứng ước đạt 19,6 triệu quả/năm (54.000 quả trứng/ ngày).

- Triển khai dự án chăn nuôi gà tại Bình Dương với tổng đàn 180.000- 200.000 con; tại tỉnh Kiên Giang, Công ty đang đầu tư trang trại chăn nuôi gà đẻ với quy mô 72.000 con, dự kiến hoàn thành vào quý I/2011.

- Triển khai chương trình liên kết tại các tỉnh miền Tây, tập trung đầu tư con giống cho bà con nông dân chăn nuôi vịt theo quy trình chăn nuôi vịt sạch, an toàn sinh học của Viện Chăn nuôi, trước mắt sẽ hoàn thành đầu tư 100.000 vịt đẻ cho bà con nông dân tại tỉnh Long An, Dự kiến tiếp tục đầu tư 200.000 con giống cho bà con nông dân tại các tỉnh Long An, An Giang và Kiên Giang thông qua hình thức gia công, thu mua lại sản phẩm trứng của nông dân.

4.3. Công ty TNHH Phú An Sinh:

Tiếp tục đầu tư hệ thống chuồng trại để tăng quy mô chăn nuôi, cung ứng nguồn thực phẩm tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố, cụ thể:

- Chăn nuôi gà: Đầu tư mở rộng thêm hệ thống trại lạnh nuôi 100.000 con gà thịt công nghiệp, nâng quy mô tổng đàn lên 400.000 con/lứa; đầu tư thêm trại giống 30.000 con để mỗi năm đưa vào hệ thống trại 5 triệu con.

- Chăn nuôi heo: Đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi heo giống với quy mô 600 heo nái sinh sản, dự kiến sẽ đưa ra thị trường 12.000 con giống mỗi năm.

4.4. Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ:

- Mở rộng vùng nuôi vịt an toàn và xây dựng Nhà máy ấp nở vịt tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp; xây dựng Trại giống nuôi luân chuyển 6.000 con vịt giống tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

- Mở rộng vùng nuôi gà các loại tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đầu tư xây trại nuôi gà tam hoàng, gà ta, với sản lượng nuôi 1 triệu con/năm.

4.5. Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn:

- Duy trì và phát triển chăn nuôi heo, gà theo hướng sản xuất giống và cung ứng thịt thương phẩm:

+ Tổng đàn gà: 116.000 con/lứa, tổng đàn 500.000 con/năm, sản lượng: 1.200 tấn/năm.

+ Tổng đàn heo: 25.400 con, trong đó có 4.500 con heo nái sinh sản.

- Phát triển mạng lưới và hợp tác tiêu thụ sản phẩm với Co.op mart, Công ty chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, hệ thống các siêu thị Co.op, Big C, Maximart, Vinatexmart; mở rộng quan hệ hợp tác thương mại với các doanh nghiệp như Forimex, Fishco, tập đoàn Phú Cường...

4.6. Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN):

- Tập trung triển khai dự án đầu tư “Di dời và đổi mới công nghệ xí nghiệp chăn nuôi heo Gò Sao” tại Huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

- Triển khai liên kết với các trại chăn nuôi tại các tỉnh để mở rộng hệ thống chăn nuôi gia công heo thịt và heo nái sinh sản, thu mua lại sản phẩm; lập dự án triển khai hợp tác phát triển vùng chăn nuôi heo giữa Vissan và các địa phương.

 

5. Về công tác tài chính:

Chỉ đạo Thủ trưởng các phòng ban và đơn vị thuộc Sở thực hiện tiết kiệm góp phần giảm lạm phát, cụ thể:

- Các đơn vị thuộc Sở chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm chi tiền lương, các khoản có tính chất lương, chi chế độ, chính sách cho con người và tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm). Các đơn vị thuộc Sở tự xác định cụ thể số tiết kiệm, gửi kế hoạch tiết kiệm về Sở trước ngày 20 tháng 03 năm 2011 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác lập, điều chỉnh dự toán, quyết toán và điều hành các nguồn kinh phí, vốn được giao, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và theo đúng các quy định về chi ngân sách, chủ trương tiết kiệm của thành phố. Hạn chế tối đa việc đề xuất, xin bổ sung ngân sách ngoài dự toán (trừ trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai).

- Tạm dừng mua sắm ô tô, tài sản có giá trị lớn, tạm dừng sửa chữa lớn trụ sở làm việc, máy điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng...

- Hạn chế tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết; các đơn vị trực thuộc không tổ chức Lễ đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập; đi công tác trong và ngoài nước sử dụng kinh phí nhà nước.

- Hoàn thành việc kiểm tra, quyết toán của các đơn vị trực thuộc sử dụng vốn ngân sách năm 2010 theo đúng qui định; không thanh toán, quyết toán đối với các khoản chi không đúng chế độ, không đúng với thực tế nhiệm vụ hoạt động và không có trong dự toán kinh phí đã được duyệt.

- Định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Trung ương và Thành phố về nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để cho, tặng ngoài chế độ quy định.

- Tiếp tục rà soát, kiểm tra, phân tích thực trạng tình hình quản lý, sử dụng trụ sở, mặt bằng, nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước trong phạm vi quản lý của Sở; thực hiện biện pháp xử lý đối với các trường hợp sử dụng nhà đất không đúng mục đích, lãng phí.

 - Các đơn vị phải thực hiện nghiêm chỉnh quy chế nội bộ về sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc đúng mục đích, nghiêm cấm sử dụng vào việc riêng; xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản không cần sử dụng hoặc không còn sử dụng được bằng hình thức điều chuyển, thu hồi, thanh lý hoặc bán theo quy định.

- Các đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, thông tin liên lạc phải thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm; đề xuất thanh lý kịp thời các phương tiện đi lại không còn đảm bảo an toàn với cơ quan có thẩm quyền.

- Từng đơn vị dự toán phải rà soát, điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ theo chủ trương tiết kiệm của Thành phố, qui chế quản lý, sử dụng công sản, nhất là trang thiết bị làm việc, sử dụng tiết kiệm phương tiện thông tin liên lạc, rà soát để thực hiện việc trang bị, điều chuyển phương tiện thông tin, liên lạc phù hợp với yêu cầu công việc, tiết kiệm, hiệu quả.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng tinh thần Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

- Thực hiện quy chế công khai tài chính trong việc sử dụng ngân sách đối với tất cả đơn vị trực thuộc.

6. Về tạm đình, hoãn, dãn tiến độ các công trình, dự án đầu tư xây dựng:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở rà soát, xác định ưu tiên các công trình, dự án; tạm đình, hoãn các công trình, dự án chưa cần thiết đầu tư; dãn tiến độ các công trình, dự án chưa thật sự cấp bách; tập trung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp bách, quan trọng, hoàn thành trong năm 2011.

- Chỉ đạo công tác kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản chuyên ngành, công trình phòng, chống lụt, bão trên địa bàn thành phố, sớm đưa vào khai thác phát huy hiệu quả.

- Đảm bảo chất lượng công trình xây dựng; chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, nhất là trong thời gian biến động tăng giá các loại vật tư.

- Hướng dẫn các quận, huyện, các xã thực hiện xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tiến hành rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể về các công trình phục vụ Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và các công trình theo đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Số lượt người xem: 6521    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm