SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
2
0
5
6
Thủy lợi và Phòng chống lụt bão 20 Tháng Hai 2008 4:45:00 CH

Tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2007

Trong năm 2007, tình hình thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thành phố chủ yếu là các đợt triều cường và lốc xoáy. Các đợt triều cường trong tháng 3, tháng 9, tháng 11và đặc biệt là những ngày cuối tháng 10 năm 2007 với đỉnh triều 1,49 m, cao nhất tại trạm Phú An trong vòng 48 năm qua kể từ năm 1960 đã ảnh hưởng tương đối lớn trên địa bàn thành phố nhất là đời sống, sinh hoạt, sản xuất, giao thông đi lại của nhân dân.

   

 

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI, THIỆT HẠI NĂM 2007:

Trong năm 2007 có 07 cơn bão, 02 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực biển Đông; 05 đợt triều cường cao (tháng 3, 9, 10, 11 và 12), 10 lần sạt lở bờ sông và 02 đợt lốc xoáy xảy ra trên địa bàn thành phố đã gây thiệt hại về người (chết 01 người), bị thương 06 người và bể 190 đoạn bờ bao.

1. Tình hình khí tượng thủy văn:

Diễn biến thời tiết thủy văn năm 2007 khá bất thường, tình hình mưa, nắng và bão hoàn toàn trái ngược với diễn biến của năm 2006. Mùa mưa bắt đầu vào giữa tháng 5 với giông sét, lốc xoáy xảy ra nhiều nơi.

a. Khí tượng:

- Lượng mưa: tăng 30% so với năm 2006, với 45 trận mưa (trên 40 mm/ngày) gây ngập, trong đó có 30/45 trận mưa lớn xảy ra cùng thời điểm triều cường (chiếm tỷ lệ 67%). So với lượng mưa trung bình nhiều năm thì năm 2007 có lượng mưa lớn hơn từ 21,0 – 26,4%. Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2007, vào các tháng 9, 10 và tháng 11 năm 2007 xuất hiện mưa to đến rất to (vũ lượng lớn hơn 50 mm/ngày) trên diện rộng kết hợp vào thời điểm triều cường gây ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của nhân dân.

Cụ thể: một số tuyến đường ngập do mưa như Thái Phiên, Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11), Vòng xoay An Lạc, Hồng Bàng, Bà Hom (Q.6), Nguyễn Thị Thập (Q.7), Phan Huy Ích, Âu Cơ (Tân Bình), Dương Tử Giang (Q.5)… bị ngập từ 0,25 - 0,35 m.

- Nhiệt độ: nắng nóng xảy ra sớm, từ giữa tháng 2 năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiệt độ trên 36oC, đến giữa tháng 4, nhiệt độ cao nhất là 37,8oC (ngày 02-4-2007). Tuy nhiên, năm 2007 tình hình nắng nóng không quá gay gắt, không có giá trị cực trị nào vượt lịch sử.

b. Lũ thượng nguồn:

Đầu tháng 8 năm 2007 trên khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Bé có một đợt lũ lớn với mực nước đỉnh lũ tại Tà Lài là 113,52 m (cao hơn 0,52 m so với báo động III). Cuối tháng 9 năm 2007 bắt đầu một trận lũ lớn nữa trên khu vực này, mực nước đỉnh lũ ngày 4 tháng 10 thấp hơn đỉnh lũ tháng 8 khoảng 0,30 m, do lũ rút chậm nên lượng nước về các hồ chứa trong các tháng 8, 9 và tháng 10 đều lớn hơn trung bình nhiều năm.

Nhìn chung, mùa mưa lũ năm 2007 thượng nguồn sông Đồng Nai - Sài Gòn có lượng nước lớn hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

2. Triều cường, ngập úng:

a. Thiệt hại:

Thành phố có đến 55% diện tích là vùng trững, thấp, trong khi hệ thống đê bao, bờ bao chưa được kiên cố hóa đúng cao trình và đồng bộ nên các đợt triều cường đã gây ngập úng trên diện rộng và gây thiệt hại tương đối lớn về sản xuất cũng như đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực ngoại thành và vùng ven, cụ thể như sau:

- Cuối tháng 3, xuất hiện đợt triều cường lớn trên địa bàn thành phố, mực nước thực đo cao nhất tại trạm Phú An là 1,37m gây bể tổng cộng 07 đoạn bờ bao và ngập úng tại một số nơi trên địa bàn quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn, ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư và ngập sâu khoảng 10,5 ha.

- Cuối tháng 9, đợt triều cường lớn với đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,45m, gây bể, tràn bờ bao và ngập trên 29 ha. Tổng cộng có 46 đoạn bờ bao bị bể, tràn bờ 16 tuyến rạch (quận Thủ Đức bể 04 đoạn, quận 12 bể 30 đoạn, huyện Củ Chi bể 07 đoạn và huyện Hóc Môn bể 05 đoạn).

- Cuối tháng 10, đợt triều cường cao nhất trong 48 năm gần đây, đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,49 m, gây bể, tràn bờ bao và ngập sâu trên 100 ha (chủ yếu trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước - quận Thủ Đức và phường An Phú Đông, phường Thạnh Lộc - quận 12) ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Tổng cộng có 68 đoạn bờ bao bị bể (quận Thủ Đức bể 06 đoạn, quận Bình Thạnh bể 12 đoạn, quận 12 bể 38 đoạn, huyện Củ Chi bể 02 đoạn và huyện Hóc Môn bể 10 đoạn). Ngoài ra, còn tràn bờ và ngập úng một số khu vực khác tại quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…. nhưng mức độ ngập không sâu, nước thoát ra khi triều xuống.

- Cuối tháng 11, đợt triều cường lớn với đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,48m, gây ngập sâu khoảng 80 ha (chủ yếu trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức và phường An Phú Đông, quận 12), ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tổng cộng có 66 đoạn bờ bao bị bể (quận 12 bể 48 đoạn, quận Thủ Đức bể 08 đoạn, quận Bình Thạnh bể 04 đoạn, quận Gò Vấp bể 02 đoạn, huyện Hóc Môn bể 03 đoạn, huyện Củ Chi bể 01 đoạn) và tràn bờ gây ngập úng tại một số nơi khác tại quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…., nước rút khi triều xuống.

- Cuối tháng 12, đợt triều cường lớn với đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,39m nhưng chỉ gây bể 03 đoạn bờ bao (quận 12 bể 02 đoạn, quận Gò Vấp bể 01 đoạn).

- Bảng đỉnh triều cường tại trạm Phú An năm 2007:

 

 

Tháng 3

Tháng 9

Tháng 10

Tháng 11

Tháng 12

Đỉnh triều (m)

1,37

1,45

1,49

1,48

1,39

 - Một số tuyến đường thường ngập do triều gồm: đường D2, Ngô Tất Tố, Phú Mỹ (quận Bình Thạnh); Kinh Dương Vương (quận Bình Tân); Nguyễn Văn Luông, Vòng xoay Hậu Giang, Lò Gốm (quận 6); Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Lương (quận 7); Phạm Thế Hiển (quận 8); đường Quốc Hương (quận 2)… bị ngập từ 0,2 m - 0,4 m.

b. Công tác khắc phục: trước, trong và sau các đợt triều cường, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố thường xuyên cảnh báo, tổ chức kiểm tra thực địa và chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục các sự cố bể bờ, tràn bờ, ngập úng; các địa phương đã chủ động, tích cực huy động vật tư, lực lượng xung kích, dân quân và các đơn vị công ích tổ chức khắc phục ngay sau khi xảy ra sự cố.

Riêng bờ bao rạch Cầu Đúc Nhỏ, quận Thủ Đức: do đặc thù bờ bao rạch Cầu Đúc Nhỏ có cao trình thấp, bờ bao rất yếu, cao trình đất tự nhiên trong đồng và ngoài sông đều thấp nên khi có triều cao gây ra chênh lệch mực nước giữa rạch và trong đồng rất lớn, chính vì lý do này đã tạo nên áp lực nước rất lớn lên bờ bao, dẫn đến sự cố bể bờ trong ngày 26-11-2007 làm ngập sâu khoảng 40 ha. Trước tình hình đó, Chính quyền thành phố và địa phương đã huy động các lực lượng, phương tiện để ứng trực và khắc phục sự cố, đồng thời cho tiến hành gia cố, nâng cấp. Lực lượng gồm: Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong; Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi; Lực lượng Quân đội và Dân quân địa phương; Công ty Thoát nước đô thị; Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy. Ngoài ra, còn có các lực lượng của Trung tâm Thông tin lưu động của quận Thủ Đức, Chi nhánh Điện lực Thủ Đức, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Công ty Đại Hòa và Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Hiệp Bình Phước.

3. Bão, áp thấp nhiệt đới:

Năm 2007 có 07 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới hoạt động và đi vào khu vực biển Đông, tuy nhiên không ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hồ Chí Minh.

4. Lốc xoáy:  

- Cuối tháng 5 năm 2007, mưa giông và lốc xoáy xảy ra tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh làm sập 01 căn nhà tạm, không có thiệt hại về người;

- Đầu tháng 8 năm 2007, gió mạnh, lốc xoáy xảy ra tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, quận 7, quận 8, quận Gò Vấp và quận Tân Bình làm 01 người bị tử vong, 06 người bị thương, hư hại 87 căn nhà và 06 phòng trọ, ngã đổ 32 cây xanh.

Chính quyền địa phương các cấp đã kịp thời tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các nạn nhân và khắc phục các sự cố xảy ra. Ngoài ra, Sở Giao thông Công chính đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên chăm sóc, bảo quản, mé nhánh và hạ thấp chiều cao cây xanh nhằm hạn chế tai nạn khi có mưa to, gió mạnh và lốc xoáy xảy ra, cụ thể trong năm 2007 đã chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật khoảng 60.000 cây xanh, mé nhánh 4.631 cây, cắt thấp 827 cây và đốn cải tạo 800 cây tạp, sâu bệnh, rỗng ruột.

5. Xả tràn của hồ chứa thượng lưu:

Trong năm 2007, các hồ chứa thượng lưu đều có xả tràn, tuy nhiên ảnh hưởng không lớn đến thành phố Hồ Chí Minh.

6. Sạt lở bờ sông, rạch:

a. Tình hình thiệt hại:

       Trong năm 2007 đã phát hiện 36 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở tập trung ở huyện Nhà Bè, quận Bình Thạnh và quận 9 và đã xảy ra 10 vụ sạt lở, tuy nhiên không có thiệt hại về người, chủ yếu chỉ tổn thất về công trình xây dựng, tài sản, nhà cửa và đất đai:

-       Quận Bình Thạnh: ngày 29 và 30-6-2007 đã xảy ra sạt lở tại bờ kênh Thanh Đa, phường 26; ngày 13-7-2007 tiếp tục xảy ra sạt lở ở bờ kênh Thanh Đa, phường 26 và sạt lở xảy ra tại nhà số 1027, phường 28, tổng cộng chiều dài sạt lở trên 75 m, gây ảnh hưởng đến 20 hộ dân, toàn bộ phần nhà phụ phía sau của 15 hộ dân bị chuồi xuống kênh, diện tích đất bị sạt khoảng 400 m2. Ngày 09-8-2007, sạt lở nhà số 296, phường 28 (nhà hàng gấu Mi Sa) gây ảnh hưởng đến 03 căn nhà lân cận.

-       Huyện Bình Chánh: ngày 05-7-2007, sạt lở bờ rạch Xóm Củi, xã Bình Hưng gây ảnh hưởng 09 hộ dân, trong đó 06 căn bị đổ sập.

-       Huyện Củ Chi: ngày 29-9-2007 tại bờ sông Sài Gòn thuộc tổ 3, ấp 1, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi xuất hiện hiện tượng sạt lở, vết nứt rộng 10 cm, sâu 1,5 m cách bờ sông khoảng 07 m, dài 50 m và bị bể một đoạn dài khoảng 10 m.

-       Huyện Nhà Bè: ngày 18-5-2007, sạt lở bờ kè bảo vệ Rạch Tôm, xã Nhơn Đức; ngày 16-6-2007, sạt lở bờ sông rạch Giồng, xã Hiệp Phước (khu vực thuộc dự án di dời 418 hộ dân của huyện Nhà Bè) và ngày 13-7-2007, sạt lở bờ sông Mương Chuối, xã Nhơn Đức cùng ngày đã xảy ra sụt, lún đất tại bờ rạch Tắc Bến Rô, xã Phước Lộc. Tổng cộng, chiều dài sạt lở trên 105 m, ảnh hưởng đến 12 hộ dân, hư hỏng 01 trụ điện bê tông.

-       Quận 2: ngày 28-9-2007, đã xảy ra sạt lở tại khu vực gần chân cầu Giồng Ông Tố, phường An Phú, dài khoảng 15 m, rộng khoảng 02 m và khoét hàm ếch sâu khoảng 01 m.

b. Công tác khắc phục, phòng ngừa:

       Ngay khi sự cố xảy ra chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra và có phương án gia cố, cảnh báo ngay; đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục cho người dân. Riêng sạt lở tại khu vực kênh Thanh Đa, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 7296/UBND-ĐTMT ngày 25 tháng 10 năm 2007 về tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân cư ngụ trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã tích cực di dời dân, bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ trong khu vực bị sạt lở.

       Năm 2007, Khu Đường sông đã lắp đặt mới 23 báo hiệu cảnh báo sạt lở, thống kê và cảnh báo 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, sửa chữa 39 báo hiệu tại các khu vực sạt lở thuộc quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9 và huyện Nhà Bè; hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 công trình chống sạt lở; đồng thời đang thực hiện 02 dự án chống sạt lở tại quận Bình Thạnh (kênh Thanh Đa - đoạn 1.1) và huyện Nhà Bè (khu vực bến phà ấp 4, xã Phước Lộc).

 

II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC ỨNG PHÓ VÀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI:

1. Công tác tham mưu:

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố:

-      Ban hành Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND ngày 01-6-2007 về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn thành phố.

-      Ban hành Quyết định về giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với công dân và doanh nghiệp năm 2007; Quyết định kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.

-      Cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị, tập huấn, diễn tập, phương tiện phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2007 cho các đơn vị, địa phương với tổng kinh phí 7,94 tỷ đồng, trong đó Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố là 3,08 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 4,85 tỷ đồng.

-      Chấp thuận chủ trương, cấp kinh phí đầu tư các hạng mục, công trình phòng, chống lụt, bão xung yếu năm 2007 cho các địa phương với tổng kinh phí 42,99 tỷ đồng, trong đó Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố là 7,91 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 35,08 tỷ đồng.

-      Chấp thuận hỗ trợ kinh phí đầu tư, gia cố những đoạn bờ bao có nguy cơ bị bể bờ, tràn bờ trước Tết Mậu Tý năm 2008 trên địa bàn quận 12, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, kinh phí 5,25 tỷ đồng từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố.

-      Phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra các công trình phòng, chống lụt, bão xung yếu trình Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư 105 công trình phòng, chống lụt, bão năm 2008 của các quận - huyện, kinh phí 117,96 tỷ đồng từ ngân sách thành phố (Văn bản số 8224/SKHĐT-KT).

2. Công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo:

-       Trong quý III năm 2007 đã hoàn thành kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2007 tại 24 quận - huyện; đồng thời kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra công trình phòng, chống lụt, bão trước mùa mưa lũ 2007; kiểm tra tình hình bể bờ bao, ngập úng, lốc xoáy... để cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống phù hợp.

-       Kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình thủy lợi, phòng, chống lụt, bão, đặc biệt tập trung vào các công trình trọng điểm như dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Dự án bờ hữu sông Sài Gòn.

-       Đôn đốc, yêu cầu các quận, huyện, đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình phòng, chống lụt, bão năm 2006, 2007; báo cáo về thu, nộp và sử dụng Quỹ Phòng, chống lụt, bão; quyết toán kinh phí Quỹ Phòng, chống lụt, bão  thành phố từ năm 2001 đến năm 2006; lập dự toán chi cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008.

-       Yêu cầu các sở - ngành thành phố và quận, huyện cung cấp danh mục các phương tiện, trang thiết bị hiện có phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn để bổ sung phương án điều động, xử lý khi có sự cố thiên tai xảy ra; đồng thời đề xuất mua sắm phương tiện, trang thiết bị.

-       Đề nghị các sở - ngành thành phố, quận - huyện tăng cường công tác trực ban, hướng dẫn xử lý sự cố thiên tai và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định.

3. Di dời dân:

-       Dự án di dời 983 hộ dân tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào đất liền, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã phối hợp các sở - ngành chức năng thành phố xác định địa điểm di dời, dự kiến trong tháng 01 năm 2008 sẽ hoàn chỉnh đề án tổng thể trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

-       Dự án di dời 1.818 hộ của huyện Cần Giờ (1.400 hộ) và Nhà Bè (418 hộ) đã có chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè đang lập quy hoạch chi tiết 1/500 trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

4. Công tác quản lý tàu thuyền:

-       Đến cuối năm 2007, trên địa bàn thành phố có 1.651 tàu cá, trong đó có 104 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên; các tàu cá nhỏ tập trung ở xã Thạnh An, xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ, chủ yếu đánh bắt ven bờ. Hầu hết các tàu lớn được trang bị phương tiện cứu sinh và thiết bị liên lạc vô tuyến đảm bảo đủ điều kiện ra khơi; các cơ quan chức năng thường xuyên triển khai công tác quản lý, nắm số lượng tàu thuyền, thuyền viên, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ; tăng cường công tác kiểm tra giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm tàu cá và thuyền viên, kiểm tra về trang bị an toàn của tàu, nắm vùng ngư trường đánh bắt. Thực hiện nghiêm túc Phương án số 46/PA-PCLB ngày 12 tháng 4 năm 2007 về đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên địa bàn thành phố năm 2007.

-       Sở Bưu chính Viễn thông thành phố đã triển khai thử nghiệm hệ thống quản lý tàu cá trên địa bàn thành phố bằng thiết bị định vị toàn cầu GPS để cung cấp thông tin và ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.

5. Công tác chống ngập úng:

-       Năm 2007, Công ty Thoát nước đô thị (Sở Giao thông Công chính thành phố) đã thực hiện các công tác sau:

+ Triển khai nạo vét 339.105m lòng cống các loại, nạo vét và vớt rác 14.297m kênh, rạch, hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trong khu vực Nam Nhiêu Lộc – Thị Nghè với 90.980m và 99 cửa xả, thường xuyên tuần tra các tuyến đường và kênh, rạch, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố của hệ thống thoát nước.

+ Vận hành các đập ngăn triều thuộc công trình kiểm soát triều Bình Triệu - Bình Lợi -  Rạch Lăng - Cầu Bông, cơ bản kiểm soát tình trạng ngập úng tại các phường 13, 25 và 26 quận Bình Thạnh; lắp đặt các cửa van một chiều, phay chặn và 04 trạm bơm để giải quyết tình trạng ngập tại khu vực Thanh Đa.

+ Hoàn thành công trình xây dựng bờ kè, cửa xả gắn van điều tiết giảm ngập khu vực bến Mễ Cốc - phường 15, quận 8, lắp các cửa van điều tiết nước đường D1, D2 phường 25 quận Bình Thạnh giảm xâm nhập triều cường.

-       Công ty Cây trồng thành phố sử dụng 20 máy bơm cơ động chống ngập úng cho vùng đồng ruộng trũng, thấp bị ảnh hưởng trong cơn bão số 4 và số 5, tổng thời gian bơm nước đạt trên 30.000 giờ.

-       Thực hiện thử nghiệm xây dựng bờ bao theo thiết kế định hình (bê tông tường chắn) tổng cộng dài 3,2 km tại phường Trường Thọ, phường Linh Đông, phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), kết quả ngăn triều rất hiệu quả trong các đợt triều cường vừa qua. Xây dựng 28 mốc cảnh báo lũ trên địa bàn các quận 8 (18 mốc) và quận Bình Thạnh (10 mốc). Chuẩn bị triển khai đại trà thiết kế mặt cắt định hình trong năm 2008 và đến năm 2010.

6. Về Quỹ Phòng, chống lụt, bão:

-       Số tồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 là 10,94 tỷ đồng.

-       Năm 2007, Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố đã thu được 10,96 tỷ đồng, trong đó Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố thu được 6,76 tỷ đồng (đạt 66,55% kế hoạch); các quận, huyện thu và trích nộp về Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố 4,20 tỷ đồng (đạt 37,22% kế hoạch). Quỹ Phòng, chống lụt, bão đã chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, gia cố công trình và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, tuyên truyền, tập huấn, diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão là 16,87 tỷ đồng.

-       Trong năm 2007, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã thúc đẩy các địa phương, đơn vị thực hiện quyết toán kinh phí được chi từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố tồn đọng 11 tỷ đồng từ cuối năm 2006 đến nay còn 7 tỷ đồng và sẽ dứt điểm trong quý I năm 2008.

-       Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Sở Tài chính thành phố đã phối hợp hướng dẫn các đơn vị, địa phương về quy trình, thủ tục cấp phát vốn, sử dụng và thanh quyết toán đối với Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố; hướng dẫn các quận - huyện về thu, nộp, sử dụng và báo cáo Quỹ Phòng, chống lụt, bão của địa phương.

7. Công tác khác:

-      Trong quý I năm 2007 đã tiến hành tổng kết công tác phòng chống lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, thiên tai năm 2006; triển khai phương án, kế hoạch năm 2007.

-      Biên soạn và phát hành 10.000 Sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố đến các sở - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã - thị trấn và nhân dân tham khảo để áp dụng thực hiện chủ động phòng, tránh thiên tai. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền, cảnh báo động đất, sóng thần. Trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16-01-2008 ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Quyết định số 166/2003/QĐ-UB ngày 10-9-2003). Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.

-       Thống kê và lập bản đồ số hóa các điểm có nguy cơ sạt lở; các vị trí xung yếu. Rà soát, thống kê các chung cư xuống cấp trên địa bàn thành phố, các địa điểm di dời an toàn để di dời dân khi tình huống xấu xảy ra…

-       Tổ chức diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn tại huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh và quận 8.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ:

1. Trong năm 2007, tình hình thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thành phố chủ yếu là các đợt triều cường và lốc xoáy. Các đợt triều cường trong tháng 3, tháng 9, tháng 11và đặc biệt là những ngày cuối tháng 10 năm 2007 với đỉnh triều 1,49 m, cao nhất tại trạm Phú An trong vòng 48 năm qua kể từ năm 1960 đã ảnh hưởng tương đối lớn trên địa bàn thành phố nhất là đời sống, sinh hoạt, sản xuất, giao thông đi lại của nhân dân. Nhiều vùng trũng, thấp, ngập úng kéo dài phải mất nhiều công sức, kinh phí để khắc phục; ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực, gia tăng tình trạng sạt lở tại một số vùng xung yếu ven sông.

Đợt triều cường cuối tháng 12 năm 2007 có đỉnh triều (1,39m) cao hơn đợt triều cường cuối tháng 3 năm 2007 (1,37m), tuy nhiên số lượng bờ bao bị bể rất ít, điều này cho thấy sự hiệu quả của việc đầu tư gia cố, nâng cấp bờ bao đặc biệt theo thiết kế mặt cắt định hình (bê tông tường chắn) đã phát huy hiệu quả ngăn triều rõ rệt. Đồng thời, có sự chỉ đạo, kiểm tra quyết liệt ứng phó với triều cường của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và chính quyền các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2008, tiếp tục xây dựng các bờ bao theo thiết kế định hình đã thực hiện thử nghiệm thành công tại quận Thủ Đức, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão đặt trọng tâm vào công tác phát triển, nhân rộng mô hình mặt cắt định hình trên địa bàn thành phố (dự kiến khoảng 200 km) góp phần tăng cường biện pháp chống ngập, giảm thiệt hại cho nhà nước và nhân dân, tiết kiệm kinh phí gia cố, duy tu bờ bao (truyền thống) hàng năm.

2. Khi thiệt hại xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, các quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các đơn vị đã kịp thời huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, hỗ trợ xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng thiên tai sớm ổn định đời sống, sản xuất trong thời gian nhanh nhất.

3. Các cơn bão (đặc biệt là bão số 6 - Peipah, bão số 7 - Hagibis) và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ nhưng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 9 (Bão Durian) vào tháng 12 năm 2006, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã chủ động phối hợp cùng các sở - ngành, quận - huyện xây dựng, kiểm tra và bổ sung hoàn chỉnh phương án phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn ở các đơn vị, địa phương, tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai ứng phó thiên tai. Đặc biệt chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các phương pháp, biện pháp chủ động phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại thiên tai theo phương châm “04 tại chỗ” và “03 sẵn sàng”

4. Một số hạn chế:

Đến nay, hầu hết các dự án trọng điểm (từ nguồn vốn ODA như Dự án Đại lộ Đông Tây - Môi trường nước, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Hàng Bàng, …) có quy mô lớn về nạo vét, tiêu thoát nước (khu vực nội thành và vùng ven), công trình thủy lợi (ngoại thành) thi công rất chậm tiến độ. Một số dự án giao thông, thoát nước đang trong quá trình thi công thiếu các giải pháp thích hợp đã gây cản dòng, hoặc chưa chú ý thường xuyên đến phương án dẫn dòng làm giảm khả năng tiêu thoát nước hiện hữu, gây ngập úng kéo dài cho nhiều khu vực khi có mưa to hoặc triều cường.   

Trong năm 2006 - 2007, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường so với những năm trước đây tại ngoại thành và vùng ven, nhưng một số địa phương đã triển khai rất chậm, chưa chủ động làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo thủ tục đầu tư xây dựng công trình, nhiều quận - huyện, phường - xã - thị trấn  thiếu cán bộ chuyên môn nên nhiều công trình đã có kinh phí đầu tư nhưng không triển khai xây dựng kịp thời nên không phát huy tác dụng ngăn triều vào các đợt triều cường đã được dự báo.

Bảng tiến độ thực hiện các công trình Phòng, chống lụt, bão được đầu tư trong năm 2006 và 2007:

 

 

Nguồn vốn

Số lượng công trình

Thành tiền

(tỷ đồng)

Kết quả, tiến độ

Đã hoàn thành

Đang thực hiện

Chưa thực hiện

1. Quỹ Phòng, chống lụt, bão TP

83

17,56

63

8

12

2. Ngân sách thành phố

72

63,96

28

20

24

Tổng cộng

155

81,52

91

28

36

-       Toàn thành phố có trên 2008 km sông, kênh, rạch (chưa tính huyện Cần Giờ) với khoảng 532 km đê bao, bờ bao ven sông lớn ở một số huyện và quận ven (trong đó có 82 km đê bao dọc sông Sài Gòn) ngăn triều phục vụ cho sản xuất và các khu dân cư khoảng 24.000 ha, đã được đầu tư từ nhiều năm qua với quy mô và cao trình không đồng bộ trên toàn tuyến ở từng khu vực, nhiều công trình đã xuống cấp chưa được đầu tư, gia cố kịp thời nên giảm khả năng ngăn triều vào mỗi đợt triều cường (theo yêu cầu cao trình thiết kế +1,7m, nhưng thực tế hiện trạng cao trình các đoạn đê bao, bờ bao tại các quận - huyện: quận 12, Hóc Môn, Củ Chi (phía Tây Bắc thành phố) bình quân từ 1,4m – 1,42m; Bình Chánh, Nhà Bè (phía Tây Nam thành phố) bình quân từ 1,4m – 1,5m; Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 2, quận 9 (phía Đông thành phố) bình quân từ 1,3m – 1,35m). Mặt khác, nhiều đoạn đê bao, bờ bao xung yếu tuy đã được duy tu, gia cố trước đây nhưng chủ yếu bằng cừ tràm, đất đắp thủ công không đủ khả năng chịu lực khi triều cường dâng cao nên đã gây ra bể bờ bao, tràn bờ.

-       Một số địa phương được xác định là khu vực trọng điểm đã có kế hoạch, phương án đầu tư gia cố cho những điểm xung yếu theo cảnh báo của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố là sẽ ảnh hưởng trực tiếp khi triều cường dâng cao nhưng chưa thực sự chủ động trong công tác huy động nguồn lực theo phương châm “04 tại chỗ” để phòng, chống có hiệu quả,  thông thường khi xảy ra sự cố bể bờ, tràn bờ mới tiến hành xử lý, khắc phục (quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh). Nhiều địa phương chưa thực hiện phân cấp cho Công ty Dịch vụ Công ích quận - huyện quản lý các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt, bão hiện có trên địa bàn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố (chỉ có huyện Cần Giờ và huyện Bình Chánh đã thực hiện) để duy tu, sửa chữa kịp thời, tránh tình trạng các công trình xuống cấp, hư hỏng mới lập kế hoạch nâng cấp, gia cố nhất là trong thời điểm mưa bão, triều cường.

-       Tình trạng sông, kênh, rạch, cửa xả bị lấn chiếm, san lấp, đất bỏ hoang hoá nhiều; một số khu đất do chủ đất bỏ hoang dọc sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật (đặc biệt tại phường An Phú Đông - quận 12; phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông - quận Thủ Đức) chưa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, lại không gia cố, tôn tạo bờ bao, đê bao trong nhiều năm qua nên dù địa phương đã cố gắng đầu tư đê bao, gia cố bờ bao ở khu vực ngoài những dự án nói trên cũng không thể ngăn triều do không đồng bộ, khép kín trên toàn tuyến đê bao, bờ bao.

IV. KIẾN NGHỊ:

Để công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố đề xuất và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố:

1. Để khắc phục các tồn đọng, chậm trễ trong công tác đầu tư xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường xung yếu trên địa bàn các quận - huyện do việc quá tải tại các công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp và thiếu nhân lực chuyên môn trong công tác quản lý điều hành các dự án phòng, chống lụt, bão; đặc biệt để hoàn thành danh mục các công trình được đầu tư xây dựng theo thiết kế mặt cắt định hình với mô hình bê tông tường chắn nhằm phát huy tác dụng ngăn ngừa ngập úng trong các đợt triều cường dự báo có khả năng tăng cao vào những tháng cuối năm 2008; Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương theo hướng sau:

- Giao Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt, bão thành phố làm chủ đầu tư tại các dự án phòng, chống lụt, bão xung yếu, có tính chất phức tạp về kỹ thuật xử lý nền đất, khó khăn về địa hình;

- Giao Ủy ban nhân dân các quận - huyện làm chủ đầu tư các dự án phòng, chống lụt, bão còn lại;

- Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm chỉ  đạo, tổ chức giải tỏa,  bàn giao mặt bằng đúng thời hạn để chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt;

- Cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu đơn vị thi công và thực hiện quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù theo Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 06-6-2005 của Chính phủ (loại công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp để hoàn thành kịp thời phòng, chống thiên tai, ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra trong thời gian ngắn là 6 tháng, thực hiện theo mẫu thiết kế định hình).

2. Chấp thuận đầu tư 105 công trình phòng, chống lụt, bão năm 2008 của các quận - huyện, kinh phí 117,96 tỷ đồng từ ngân sách thành phố (Văn bản số 8224/SKHĐT-KT) để sớm bố trí vốn ngay từ đầu năm 2008 cho các địa phương chủ động và kịp thời triển khai hoàn thành công trình phòng, chống lụt, bão.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ dự án Bờ tả sông Sài Gòn để phê duyệt sớm triển khai thi công công trình trong năm 2008. Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các Sở - ngành chức năng và địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Bờ hữu sông Sài Gòn để nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân khi có triều cường xảy ra.

4. Chỉ đạo Sở Giao thông Công chính thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án chống ngập cho đường, hẻm, khu vực đô thị (thấp hơn mực nước triều cường, không có hệ thống tiêu thoát nước, thiếu van ngăn triều, …) để sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả, ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân; phối hợp với các địa phương rà soát các vị trí sạt lở, nguy cơ sạt lở trên sông, rạch và có kế hoạch đầu tư thực hiện.

5. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a. Ủy ban nhân dân các quận - huyện, đặc biệt là huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp và quận Thủ Đức tập trung công tác gia cố, tôn tạo, duy tu các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt, bão, các đoạn bờ bao xung yếu đảm bảo hoàn thành trước Tết Mậu Tý năm 2008 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 9126/UBND-CNN ngày 25-12-2007;

b. Đẩy nhanh tiến độ thi công, mua sắm phương tiện, trang thiết bị, quyết toán các công trình phòng, chống lụt, bão; đối với các công trình đầu tư năm 2006 và tồn đọng từ năm 2001 đến 2005 đề nghị khẩn trương hoàn thành thủ tục thanh quyết toán chậm nhất trong quý I năm 2008, công trình đầu tư năm 2007 hoàn thành thủ tục thanh quyết toán trong quý II năm 2008;

c. Khẩn trương thực hiện các giải pháp (chuẩn bị đầu tư, biện pháp, phương án thi công, …) để triển khai xây dựng công trình năm 2008, đảm bảo hoàn thành trước tháng 07 năm 2008 ngay khi Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư (theo thiết kế mặt cắt định hình);

d. Giao nhiệm vụ cho đơn vị Công ích thuộc quận - huyện là lực lượng nòng cốt trực tiếp quản lý và đảm nhận công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp thường xuyên, kịp thời các công trình thủy lợi, phòng, chống lụt, bão hiện có trên địa bàn quận - huyện theo kế hoạch hằng năm và trước mùa mưa bão, triều cường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 7430/UBND-CNN ngày 31-10-2007 và Thông báo số 812/TB-VP ngày 15-11-2007 của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố.

đ. Phối hợp với các sở - ngành chức năng tiến hành kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ và lòng sông, kênh rạch gây cản trở lòng chảy (cả nội thành lẫn ngoại thành); vi phạm về vận hành, bảo vệ an toàn công trình; san lấp kênh rạch trái phép; thiếu trách nhiệm duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi trong khu đất dự án, đất hộ dân quản lý.

6. Trong năm 2008, các quận  huyện, sở - ngành tiếp tục triển khai theo với phương châm "04 tại chỗ: chỉ huy, lực lượng, vật tư và hậu cần" và linh hoạt sáng tạo trong từng tình huống. Tổ chức kiểm tra thường xuyên và gia cố, sửa chữa các công trình thủy lợi, công trình chống úng ngập, công trình nuôi trồng thủy sản, bờ bao, bờ vùng, hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm an toàn khi mức nước dâng cao do lũ và triều cường trước, trong mùa mưa lũ. Xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể để tu bổ, sửa chữa và xây dựng mới các công trình phòng lũ, thoát nước, nạo vét kênh mương, sửa chữa trạm bơm tiêu…; khoanh vùng các khu vực trọng điểm có khả năng bị ngập úng, ước lượng diện tích và mức độ ngập. Trang bị, nâng cấp hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện dự báo, cảnh báo; thông tin thường xuyên, kịp thời xuống tận đến cơ sở, nhân dân để chủ động phòng, chống.


Số lượt người xem: 6228    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm