SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
7
1
1
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 Tháng Mười Một 2009 10:25:00 SA

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cần tập trung một số giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X

Ngày 20/10/2009, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 81/2009/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/5/2009 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Đảng. Để thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung một số giải pháp để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hoàn thành mục tiêu Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 như sau:
 
   

       Vấn đề quan trọng và ưu tiên là hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025 phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố; tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu, sản xuất hàng hóa sạch, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp nhu cầu thị trường. Tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi, chống ngập úng khu vực thành phố theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao năng lực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển vào năm 2020; phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phòng tránh bão lũ, triều cường, ngăn mặn, nhất là các khu vực xung yếu (Huyện Cần Giờ, Nhà Bè,...); chủ động triển khai các biện pháp giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng; đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình xây dựng và quản lý khai thác có hiệu quả. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở ngành và đơn vị liên quan thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ môi trường với các tiêu chí, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng vùng sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành. Xây dựng kế hoạch để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản, gắn với chế biến và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, các loại hình tổ chức sản xuất hiện đại, tập trung có quy mô lớn (kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, làng nghề, doanh nghiệp nông nghiệp), nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao (chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, hoa cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chim yến,…). Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến của thành phố.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm định các loại giống cây trồng; kiểm tra chất lượng các loại vật tư, phân bón, nông sản; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; nông sản sạch, an toàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học và các dự án sản xuất giống để đưa vào hoạt động khai thác trước năm 2010, tạo đột phá phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao; kiên cố hóa kênh mương, công trình thủy lợi, phát triển nhanh cơ giới hóa.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, cần phát triển chăn nuôi gia súc với các loại giống chất lượng cao, qui mô tổng đàn phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác thú y, chủ động phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; ứng dụng các phương pháp, công nghệ mới để đánh giá tiềm năng di truyền; xây dựng các trại nhân giống hạt nhân, nhập khẩu giống và công nghệ để chọn, lai tạo và nâng cao chất lượng con giống; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện hạ thế, nước sản xuất, hàng rào, xử lý chất thải ...) để phát triển các trang trại, các cơ sở chăn nuôi tập trung theo phương pháp công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học; sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

          Trong nuôi trồng thủy sản, cần nhanh chóng quy hoạch phát triển vùng nuôi từng loại thủy sản phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố và chiến lược phát triển sản xuất của ngành. Tập trung đầu tư đồng bộ hóa cơ sở vật chất kỹ thuật (nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, cơ sở sản xuất và nhân giống); công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến … Phát triển và nâng cao hiệu quả nghề nuôi và khai thác hải sản theo Chiến lược kinh tế biển, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh; cơ cấu lại lực lượng đánh bắt ven bờ, hạn chế các ngư cụ và phương tiện đánh bắt lạm sát nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề và việc làm, tăng thu nhập để cải thiện đời sống cho ngư dân; đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần nghề cá, Trung tâm Thủy sản thành phố, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn; hiện đại hoá cơ sở chế biến. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển đến năm 2020 theo Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 9-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá X.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng; thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển hóa, phát triển rừng, mảng xanh và phòng chống sâu bệnh hại cây rừng; thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển thế giới ở huyện Cần Giờ, các loại rừng trên địa bàn thành phố; bảo vệ và phát triển đa dạng các loại động thực vật rừng.

 Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất muối ổn định; để đầu tư, nâng cấp các ruộng muối theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá cơ sở hạ tầng phục vụ nghề muối, giao thông nội đồng, kho dự trữ và bảo quản muối; từng bước phát triển sản xuất muối sạch theo phương pháp tiên tiến, ổn định và nâng cao cuộc sống của diêm dân.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phối hợp với các Sở ngành, địa phương để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn theo quy hoạch gắn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân; giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm theo hướng đẩy mạnh chế biến tinh, giảm dần chế biến thủ công, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp - nông dân - nông thôn; đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại sản phẩm; triển khai phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn với chính sách hỗ trợ để nông dân đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp. Đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, các tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; phát triển hợp tác sản xuất kinh doanh giữa hộ nông dân, hợp tác xã - các doanh nghiệp - các tổ chức khoa học - các cơ quan quản lý Nhà nước; các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi các ngành hàng, liên kết giữa tổ chức sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa, mỗi nhà nông một website; đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm giao dịch triển lãm nông sản.

          Cần quan tâm các giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp ở nông thôn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, tư vấn hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với các chương trình Xóa đói giảm nghèo, phát triển các dự án nhỏ giải quyết việc làm (dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, cá cảnh, cá sấu,…).

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Nội vụ, Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 20/5/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố để củng cố, tăng cường tổ chức và nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý Nhà nước chuyên ngành từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời phối hợp với các Sở ngành, quận huyện đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu các khu chế xuất, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động; thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho dân cư nông thôn;   

          Đây là nhiệm vụ, mục tiêu của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Các Phòng ban, đơn vị thuộc Sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xây dựng Kế hoạch hành động, lộ trình, tiến độ thực hiện các chương trình, đề án và chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện./.

 

                                                                     Nguyễn Anh Hoàng

                                                                Phòng Kế hoạch tài chính


Số lượt người xem: 6476    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm