Thực hiện sự chỉ đạo của Tp về việc chuyển đổi cơ cấu tăng hiệu qủa SXNN giai đoạn 2006-2010 của Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn từ nay đến năm 2010 là: chuyển dịch từ" công – nông nghiệp – thương mại, dịch vụ sang cơ cấu " công nghiệp – thương mại, dịch vụ - nông nghiệp ", cụ thể là khai thác tiềm năng đất đai, lao động của huyện từ nay đến năm 2010, chuyển dịch đất lúa 2522 ha có hiệu quả thấp sang các vât nuôi, cây trồng khác (rau, cây ăn trái, trồng cỏ, hoa, cây kiểng), nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu qủa kinh tế cao hơn. Do điều kiện đặc thù của huyện có quá trình đô thị hóa nhanh. Vì thế, để thực hiện phương án chuyển đổi này nhằm mang lại lợi ích kinh tế cao và lâu dài đòi hỏi phải có sự phối hợp với các cơ quan ban ngành TP đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới cho các hộ sản xuất tạo ra sản phẩm sạch, cây con giống năng suất chất lượng cao. Trước mắt, huyện đã có những kế hoạch cụ thể về phát triển cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, diện tích đất trồng lúa năm 2007-2010 mỗi năm tiếp tục chuyển 500 ha lúa sang các cây trồng khác. Và, để chăn nuôi phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, huyện sẽ không phát triển về số lượng đối với tổng đàn bò, heo mà tập trung nâng cao chất lượng con giống, vừa khai thác sữa, thịt vừa cung ứng con giống. Đến năm 2010, duy trì đàn bò sữa 12.000 con, đàn heo 25.000 con, bò thịt 3.000 con, gia cầm kiểm soát được dịch bệnh 25.000 con, huyện đã chọn Xuân Thới Xuân, Nhị Bình làm 2 xã điểm để xây dựng đề án chuyển đổi và sẽ triển khai nhân rộng với các xã còn lại trong những năm kế tiếp.Như vậy, dự kiến đến năm 2010 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (giá cố định 94) là 226,89 tỷ đồng, trong đó trồng trọt: 114,29 tỷ đồng, chăn nuôi: 111,67 tỷ đồng, thủy sản: 0,930 tỷ đồng. Đạt tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2004 – 2010 bình quân: 1,95%/năm.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã có nhiều tranh luận, góp ý để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi và mong các ban ngành, đoàn thể cùng chung sức để giải quyết tốt và đồng bộ những giải pháp chủ yếu như: giải pháp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; giải pháp nguồn nhân lực; giải pháp về vốn – tín dụng – đầu tư; giải pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...."Thuận lợi của huyện là rất lớn, và khó khăn cũng không nhỏ, nhưng huyện Hóc Môn sẽ cố gắng hết sức mình để đạt được mục tiêu đề ra" như lời pháp biểu kết thúc cuộc hợp của ông Trần Công Cảm, Phó Chủ tịch huyện.
Xuân Hoa
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Thành phố