SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
2
2
8
4
Chương trình - báo cáo 16 Tháng Sáu 2018 9:10:00 SA

Kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

1. Về kế hoạch

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thực hiện nghiêm và ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung ương, thành phố về công tác cải cách hành chính trong giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể:

- Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

- Văn kiện Đại bộ Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2016-2020); trong đó, Chương trình cải cách hành chính là 1 trong 7 chương trình đột phá của thành phố.

- Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chương trình cải cách hành chính thành phố giai đoạn 2011 – 2020.

- Quyết định số 6119/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020.

- Quyết định số 6574/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh…

b) Kết quả triển khai:

Công tác cải cách hành chính của ngành đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở, chi ủy và lãnh đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc thường xuyên quan tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch. Đưa nhiệm vụ cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm vào chương trình, kế hoạch chỉ đạo, điều hành hàng tháng, quý, năm, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và hành động của đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành về mục tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm đối với công tác cải cách hành chính.

2. Về tổ chức chỉ đạo, điều hành

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản:

- Quyết định số 82/QĐ-SNN ngày 16/3/2018 về kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ thực hiện công tác cải cách hành chính của Sở. Trong đó Giám đốc Sở là Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở là Phó ban thường trực, các thành viên khác là lãnh đạo các phòng ban Sở và một số đơn vị thuộc Sở có liên quan, bố trí cán bộ chuyên trách cải cách hành chính của Sở. Tất cả các đơn vị trực thuộc đều kiện toàn bộ phận thực hiện công tác cải cách hành chính của đơn vị và duy trì hoạt động thường xuyên.

- Quyết định số 541/QĐ-SNN ngày 20/12/2016 ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020.

- Kế hoạch số 83/KH-SNN ngày 13/01/2016 về thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2016.

- Kế hoạch số 3423/KH-SNN ngày 21/12/2016 về thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2017.

- Kế hoạch số 3413/KH-SNN ngày 27/12/2017 về thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018.

b) Tại cuộc họp giao ban Ban Giám đốc Sở hàng tháng đều đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính. 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, năm Sở đều tổ chức hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính, để đánh giá kết quả đạt được trong quý, năm và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch quý, năm tiếp theo. Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện công tác cải cánh hành chính giai đoạn 2016 – 2020 kết hợp với sơ kết thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (dự kiến tổ chức trong tháng 7 năm 2018).

 

c) Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Sở đưa công tác thực hiện cải cách hành chính vào tiêu chí thi đua khen thưởng để đánh giá hàng năm tại các phòng ban, đơn vị và đánh giá công chức, viên chức và người lao động.    

 

 

d) Sáng kiến:

- Năm 2016: Thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả sẽ tại Hợp tác xã Phú Lộc, huyện Củ Chi và Hợp tác xã Phước An, huyện Bình Chánh. Người tiêu dùng sử dụng ứng dụng Zalo trên điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc đến từng hộ dân (quy trình từ gieo hạt đến bón phân, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, dán tem…) các sản phẩm rau, củ, quả của 2 hợp tác xã.

- Năm 2017: Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Khi có thông tin dự báo thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, động đất, sóng thần…) xảy ra, thành phố (thông qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) sẽ tổ chức nhắn tin cảnh báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh đến các thuê bao di động đang hoạt động trên địa bàn thành phố chủ yếu từ 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel để người dân (kể cả người nước ngoài) biết và chủ động ứng phó.

- Năm 2018: Thực hiện phần mềm bản đồ số hóa vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố. Số hóa và xây dựng bản đồ GIS các vùng sản xuất rau an toàn theo thực tế trên địa bàn thành phố, bao gồm 18 xã (03 xã của huyện Hóc Môn, 05 xã của huyện Bình Chánh và 10 xã của huyện Củ Chi). Bản đồ thể hiện thông tin hiện trạng sản xuất rau, hộ nông dân nằm trong vùng quy hoạch sản xuất rau; vùng trồng rau đạt chứng nhận VietGAP; thông tin các doanh nghiệp, hộ kinh doanh rau quả, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và phân bón; thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất. Bản đồ giúp tổ chức, cá nhân và nhà quản lý biết được các thông tin vùng sản xuất rau, hộ sản xuất, cửa hàng kinh doanh rau quả, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng theo nhu cầu của người sử dụng.

 

3. Về kiểm tra

- Hàng năm, Sở đều ban hành kế hoạch và tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính; việc thực hiện quy chế văn hóa công sở, dân chủ cơ sở, công tác đoàn thể tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc (6 phòng ban, 13/15 đơn vị trực thuộc). Cụ thể:

+ Năm 2016 ban hành Kế hoạch số 2141/KH-SNN ngày 22/8/2016 về việc kiểm tra công tác cải cách hành chính, công tác kiểm soát và giải quyết thủ tục hành chính, công tác tự kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật, công tác cải cách tổ chức bộ máy và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

+ Năm 2017 ban hành Kế hoạch số 2049/KH-SNN ngày 10/8/2017 về kiểm tra công tác cải cách hành chính và tổ chức cán bộ tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc.

+ Năm 2018 ban hành Kế hoạch số 630/KH-SNN ngày 15/3/2018 về kiểm tra, khảo sát thực hiện công tác cải cách hành chính và hoạt động công vụ tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc.

- Kiểm tra theo chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp công dân, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm tra ngoài kế hoạch theo tình hình thực tế công tác tại cơ sở.

- Qua kiểm tra, phát hiện những sai sót, góp ý cho đơn vị thực hiện tốt trong năm và những năm tiếp theo về các nội dung như ban hành kế hoạch và thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức – viên chức, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực hiện nhiệm vụ của ngành. Cụ thể tại các báo cáo:

+ Báo cáo số 266/BC-SNN ngày 05/12/2016 về kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính, công tác kiểm soát và giải quyết thủ tục hành chính, công tác tự kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật, công tác cải cách tổ chức bộ máy và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức năm 2016.

+ Báo cáo số 189/BC-SNN ngày 17/10/2017 về kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2017 tại 12 đơn vị trực thuộc năm 2017.

 

4. Về công tác tuyên truyền

- Sở ban hành các văn bản:

+ Kế hoạch số 3450/KH-SNN ngày 20/9/2016 về triển khai công tác thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2016-2020.

+ Kế hoạch số 3453/KH-SNN ngày 26/12/2016 về triển khai công tác thông tin, tuyên truyền CCHC năm 2017.

+ Kế hoạch số 503/KH-SNN ngày 01/3/2018 về triển khai công tác thông tin, tuyên truyền CCHC năm 2018.

- Kết quả thực hiện:

+ Website của Sở và các đơn vị trực thuộc đều có chuyên mục riêng về “cải cách hành chính”, hàng tháng cung cấp tối thiểu 1 thông tin liên quan đến công tác cải cách hành chính.

+ 3 chi cục (Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và BVTV, Thủy sản) đã xây dựng tờ bướm tuyên tuyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

+ Ngoài ra, tại các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức tuyên tuyền, phát tờ bướm với nội dung về thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến, văn bản quy phạm pháp luật (cơ chế - chính sách) của ngành cho người dân, doanh nghiệp.

 

5. Công tác khảo sát sự hài lòng của người dân và tổ chức

Bộ phận “một cửa” tại Sở và 6 chi cục trực thuộc đã thực hiện phần mềm cảm ứng và phiếu khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức. Kết quả như sau:

- Năm 2106, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa”, mức độ hài lòng đạt 97%.

- Năm 2017, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa”, mức độ hài lòng đạt 97,86%.

- 6 tháng đầu năm 2018, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa, mức độ hài lòng đạt 98%.

 

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

 

1.     Cải cách thể chế hành chính

1.1. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, cụ thể:

- Từ đầu năm 2016 đến tháng 3 năm 2018, Sở đã xây dựng, trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (theo phụ lục 1).

- Tập trung củng cố, nâng cao năng lực xây dựng và ban hành văn bản các loại ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức nắm vững pháp luật, quy trình, phương pháp xây dựng văn bản, nâng cao chất lượng văn bản.

- Thường xuyên rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, kịp thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản có nội dung chồng chéo, trái quy định, không còn phù hợp, nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách.

1.2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL):

a) Xây dựng và ban hành các VBQPPL:

Ban Giám đốc Sở luôn quan tâm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị, nhằm thực hiện đảm bảo công tác quản lý có hiệu quả. Hàng năm, căn cứ kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở đều ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại đơn vị. Quán triệt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng trình tự, thủ tục luật quy định.

b) Rà soát VBQPPL:

- Chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành có nội dung thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới nhằm thi hành các luật, bộ luật mới đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại các kỳ họp.

- Chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành do Trung ương, thành phố ban hành có quy định thủ tục hành chính (thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách), nhằm kiến nghị bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.

- Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề có nội dung liên quan đến lĩnh vực đơn vị quản lý.

 

- Từ đầu năm 2016 đến tháng 3 năm 2018, Sở đã thực hiện tự kiểm tra 11 văn bản quy phạm pháp luật và rà soát 3 văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bãi bỏ 9 văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp (theo phụ lục 2). 

 

 

c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các VBQPPL:

Căn cứ kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, định kỳ hàng năm Sở đều tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất theo yêu cầu tại các đơn vị về việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Nhằm hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện tốt hơn và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

2. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

2.1. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành:

- Trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện, Sở đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các kế hoạch, văn bản trên cơ sở bám sát các nội dung, chương trình, kế hoạch CCHC của Trung ương, thành phố. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với các nội dung trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị từng bước được triển khai đồng bộ và hiệu quả; quy trình giải quyết công việc, mức phí, lệ phí được niêm yết công khai, minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch.

- Trách nhiệm của người đứng đầu và công chức, viên chức tại đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, viên chức thuộc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã được nâng lên. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã được quan tâm thực hiện, đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ đúng quy định; không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

2.2. Kiểm soát thủ tục hành chính:

a) Kiểm soát việc ban hành mới các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền:

- Hàng năm, căn cứ quyết định ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính và triển khai cho các đơn vị thực hiện, đảm bảo công tác kiểm soát thủ tục hành chính chặt chẽ và đúng quy định pháp luật.

- Việc công bố, công khai TTHC được thực hiện thường xuyên. Trong năm 2016, 2017 Sở đã trình Ủy ban nhân dân thành phố công bố 76/120 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cả 3 cấp chính quyền. Thực hiện hướng dẫn về thủ tục hành chính tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ, Sở đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định công bố danh mục 27 thủ tục hành chính, chuẩn hóa 7 thủ tục hành chính và ban hành mới 3 thủ tục hành chính.

b) Về rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính:

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện kế hoạch rà soát đánh giá thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, Sở đã có văn bản triển khai kế hoạch đến các đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện nhằm kịp thời phát hiện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ TTHC có liên quan không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định và thực hiện TTHC.

- Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trước hẹn, đúng hạn trong từ đầu năm 2016 đến hết tháng 3 năm 2018 khoảng 5,6 triệu hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

c) Về công khai thủ tục hành chính:

Sở thường xuyên cập nhật và công khai, niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở và 6 chi cục trực thuộc, trên website. Đảm bảo 100% thủ tục tục hành chính đã công bố được công khai, niêm yết theo quy định.

2.3. Thực hiện cơ chế một cửa:

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Cơ quan Văn phòng Sở và 06 chi cục chuyên ngành có tổng diện tích khoảng 100 m2/11 phòng (bình quân mỗi phòng khoảng 9,09 m2). Trang thiết bị cho 11 bộ phận “một cửa”, gồm có máy vi tính, máy in, điện thoại bàn và máy Fax.

- Có 12 công chức, viên chức (Cơ quan VP.Sở: 01 công chức, Chi cục Kiểm lâm: 05 công chức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y: 02 công chức và 04 viên chức còn lại tại 04 chi cục). Trình độ chuyên môn 04 trung cấp, 01 cao đẳng và 07 đại học.

- 120/120 thủ tục hành chính được niêm yết, công khai và thực hiện tại bộ phận “một cửa” và thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

 

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

a) Rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế:

Từ năm 2016 đến nay, Sở tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ, trong đó các đơn vị trực thuộc tổ chức lại, sắp xếp các phòng ban, các chi cục chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang cơ quan hành chính, đồng thời chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ và nhân sự về Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố (chuyển giao nhân sự về Ban Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, trong đó điều chuyển 222 chỉ tiêu biên chế về Ban Quản lý an toàn thực phẩm), từ đó có thay đổi, biến động về mặt tổ chức, công chức, viên chức nên đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, sắp xếp bố trí cán bộ.

Kết quả đã kiện toàn sắp xếp như sau:

- Các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ từ 8 phòng giảm xuống còn 6 phòng, gồm: Văn phòng Sở (phòng Pháp chế sáp nhập vào Văn phòng), Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Kế hoạch Tài chính, Thanh tra Sở, Phòng Quản lý Đầu tư, Phòng Nông nghiệp đổi tên thành Phòng Khoa học và Công nghệ, Phòng Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản chuyển về Ban Quản lý ATTP thành phố.

- Các chi cục thuộc Sở (7 chi cục giảm còn 6 chi cục) được sắp xếp lại như sau: Chi cục Kiểm lâm (tổ chức lại trên cơ sở Chi cục Kiểm lâm và chuyển chức năng QLNN về sử dụng và phát triển rừng từ Chi cục Lâm nghiệp), Chi cục Thủy sản (đổi tên từ Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (đổi tên từ Chi cục Bảo vệ thực vật và bổ sung nhiệm vụ quản lý chuyên ngành trồng trọt), Chi cục Thủy lợi (đổi tên từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão), Chi cục Phát triển nông thôn (tổ chức lại phù hợp với quy định), Chi cục Chăn nuôi và Thú y (tổ chức lại từ Chi cục Thú y và bổ sung nhiệm vụ quản lý chuyên ngành chăn nuôi, chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ về Ban Quản lý ATTP thành phố).

- Các tổ chức sự nghiệp từ 6 đơn vị sắp xếp thành 7 đơn vị, gồm: Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi đổi tên thành Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, Ban Quản lý Trung tâm thủy sản, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bình Chánh - Củ Chi (thành lập mới trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Lâm nghiệp).

- Quản lý 2 doanh nghiệp nhà nước: Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương (doanh nghiệp đang sắp xếp) và Công ty Liên doanh tổng hợp Lâm Hà (doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục phá sản).

 

- Trong năm 2015, 2016 thành lập mới 2 đơn vị: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT (Quyết định số 6196/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố).

- Số lượng cấp phó tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc đảm bảo đúng quy định. Tổng số cấp phó hiện có đến tháng 4 năm 2018 là 34 người.

b) Về kiểm tra, thanh tra công vụ, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của đơn vị trực thuộc:

- Hàng năm, Sở đều ban hành kế hoạch và tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; việc thực hiện quy chế văn hóa công sở, dân chủ cơ sở, công tác đoàn thể tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc (6 phòng ban, 15 đơn vị trực thuộc).

- Kiểm tra theo chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp công dân, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm tra ngoài kế hoạch theo tình hình thực tế tại cơ sở.

- Qua kiểm tra, phát hiện những sai sót, góp ý cho đơn vị thực hiện tốt trong năm và những năm tiếp theo về các nội dung: ban hành kế hoạch và thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức – viên chức, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực hiện nhiệm vụ của ngành.

c) Về công tác thực hiện phân cấp quản lý:

- Các đơn vị trực thuộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và công tác được phân công, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của ngành và hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Hàng năm, các đơn vị đã tập trung triển khai kế hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ nông dân, địa phương thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09/3/2011); Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đọan 2010 – 2020 (Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011); Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016– 2020 (Quyết định 655/QĐ-UBND ngày 12/02/2018); Đề án quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố, Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố, Chương trình quản lý bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng, Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn, Chương trình phát triển giống cây - giống con chất lượng cao, Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa, Chương trình phát triển giống bò thịt, Chương trình phát triển rau an toàn, Chương trình phát triển hoa cây kiểng…

 

4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức

a) Về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức:

- Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 6158/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2017 về phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở và Quyết định số 6748/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 về phê duyệt Danh mục vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở.

 

- Căn cứ Quyết định số 6748/QĐ-UBND, Sở đã ban hành Quyết định số 95/QĐ-SNN ngày 28/3/2018 về phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Quyết định số 97/QĐ-SNN ngày 30/3/2018 về phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Khuyến nông, Quyết định số 104/QĐ-SNN ngày 11/4/2018 về phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, Quyết định số 105/QĐ-SNN ngày 11/4/2018 về phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bình Chánh - Củ Chi.

b) Thực hiện các quy định về quản lý và đổi mới công tác quản lý cán bộ công chức, viên chức:

- Thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý cán bộ, công chức, Sở áp dụng quy trình được công khai giải quyết theo yêu cầu của các đơn vị trực thuộc thông qua cơ chế “một cửa”, gồm: Xem xét yêu cầu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo; giải quyết cán bộ công chức đi nước ngoài; giải quyết xử lý kỷ luật công chức, viên chức; giải quyết tiếp nhận, chuyển công tác, thôi việc đối với cán bộ công chức, viên chức; giải quyết HĐLĐ theo NĐ 68/CP của Chính phủ; giải quyết chế độ nâng bậc lương trước khi nghỉ hưu; bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức; xét duyệt biên chế và quỹ tiền lương hàng quý đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp được giao biên chế.

- Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện các mặt công tác về quản lý cán bộ, công chức, viên chức thông qua các quy trình thủ tục theo quy định của Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức và các văn bản hương dẫn thi hành.

- Công tác đánh giá công chức, viên chức đã được các cơ quan, đơn vị thuộc Sở thực hiện đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ. Việc đánh giá căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ; kết quả đánh giá, phân loại được xác định là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách khác đối với công chức, viên chức. 

c) Về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức:

- Trong năm 2016, tổng số lượt công chức, viên chức cử tham gia các lớp đào tạo là: 409 lượt, trong đó nữ 144 lượt; đạt 107,6% (409/380) kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực năm 2016.

- Trong năm 2017, tổng số lượt công chức, viên chức cử tham gia các lớp đào tạo là: 373 lượt, trong đó nữ 132 lượt; đạt 103% kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực năm 2017.

- Như vậy, giai đoạn 2016 – 2017, Sở đã cử tổng cộng cử 782 lượt (273 nữ) cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng do các Sở ban ngành thành phố tổ chức.

- Ngoài ra, trong năm 2016 Sở đã tổ chức 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng cho 200 công chức, viên chức (đối tượng 4) tham dự theo phân công tại Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 22/02/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về giao chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng cập nhật, phổ biến, tập huấn kiến thức quốc phòng và an ninh.

 

5. Cải cách tài chính công

5.1. Tình hình triển khai các chính sách cải cách về thuế, thu nhập, tiền lương, tiền công và các chính sách an sinh xã hội:

- Thực hiện quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu chung, mức lương cơ sở tại Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2017, trong đó quy định mức lương cơ sở thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 là 1.300.000 đồng/tháng. Sở đã phối hợp với Sở Tài chính triển khai đến các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc để xác định nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức lương cơ sở và bổ sung dự toán chi ngân sách hàng năm cho các đơn vị.

- Sở đã thực hiện Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, trong đó quy định người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống quy định tại Khoản 1 Điều 2 được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng.

5.2. Thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước địa phương:

- Công ty Lâm Hà: Đang lập thủ tục phá sản.

- Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương: Đang lập thủ tục bán doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 1229/UBND-CNN ngày 21/3/2016.

- Sắp xếp các doanh nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Hiện nay đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thường trực sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm trường tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định về Phương án sắp xếp, đổi mới của thành phố Hồ Chí Minh là sáp nhập Công ty Bò sữa và Công ty Cây trồng vào Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên thành đơn vị hạch toán phụ thuộc, sau đó sẽ thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên.

5.3. Tình hình thực hiện đổi mới cơ chế chính sách đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Về thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP:

 

- Sở có 3 đơn vị trực thuộc Sở thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ, gồm: Cơ quan Văn phòng Sở, Văn phòng Điều phối nông thôn mới và Chi cục Kiểm lâm.

 

- Ngoài ra còn có 5 chi cục, gồm: Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy lợi đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt là cơ quan hành chính (trước đây là đơn vị sự nghiệp) và 5 chi cục này hiện nay chưa được giao chỉ tiêu công chức nên 5 đơn vị nêu trên vẫn đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP.

 

b) Về thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 141/2016/NĐ-CP):

 

- Sở có 7 đơn vị trực thuộc Sở thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP gồm: Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bình Chánh - Củ chi, Ban Quản lý Trung tâm thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp.

- Các đơn vị trực thuộc Sở đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công; hiện nay các đơn vị có mức tăng thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động dao động từ 0,3 đến 0,5 lần mức tiền thưởng theo cấp bậc, chức vụ.

6. Hiện đại hoá hành chính

a) Ứng dụng công nghệ thông tin:

- Sở đã ban hành các văn bản:

+ Kế hoạch số 1347/KH-SNN ngày 07 tháng 6 năm 2016 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước tại Sở năm 2016 và các năm tiếp theo.

+ Quyết định số 337/QĐ-SNN ngày 22 tháng 9 năm 2017 ban hành Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở.

+ Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 05/9/2017 về quy chế quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử của thành phố.

+ Kế hoạch số 435/KH-SNN ngày 13/02/2018 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước tại Sở năm 2018.

+ Kế hoạch số 786/KH-SNN ngày 26/3/2018 về thực hiện đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.

- Toàn Sở hiện đang thực hiện khoảng 400 hộp thư điện tử được Sở Thông tin và Truyền thông cấp. 100% công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị đều sử dụng thư điện tử trong công việc. Hiện nay lịch công tác tuần, thư mời, văn bản của Sở đã phát hành qua hộp thư điện tử, mạng nội bộ (mạng LAN), phần mềm quản lý văn bản hồ sơ công việc đến các sở ngành, quận huyện và các đơn vị liên quan.

- Toàn Sở có 14 trang website cung cấp thông tin hoạt động của ngành (Cơ quan Văn phòng Sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương).

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản triển khai tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

- Cơ quan Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc ứng dụng 35 phần mềm, cụ thể:

+ 02 phần mềm do Israel chuyển giao (Afimilk quản lý bò sữa Israel, Rational theo dõi khẩu phần thức ăn cho bò sữa).

+ 05 phần mềm do Trung ương cấp, trong đó 02 phần mềm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp (PPDMS trong việc quản lý số liệu tình hình sinh vật hại trên cây trồng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp), 02 phần mềm do Bộ Tài chính cấp (quản lý tài sản, kế toán IMAS) và 01 phần mềm do Bộ Tư pháp cấp (kiểm soát thủ tục hành chính).

+ 12 phần mềm do thành phố cấp (bảo hiểm xã hội, kê khai thuế, kế toán công đoàn, chữ ký số, quản lý cán bộ công chức – viên chức, quản lý văn bản hồ sơ công việc, công tác chỉ đạo điều hành, khảo sát sự hài lòng của người dân – doanh nghiệp, dịch vụ công trực tuyến, đăng ký thành phần tham dự họp, cải cách hành chính, lưu trữ hồ sơ thi đua khen thưởng).

+ 16 phần mềm do đơn vị tự xây dựng (quản lý giống bò sữa nông hộ; theo dõi khả năng sinh trưởng và phát triển của bê; kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; thống kê tiêm phòng gia súc; quản lý nhập xuất động vật – sản phẩm động vật; quản lý cơ sở giết mổ; cấp phiếu điều trị và quản lý cửa hàng thuốc; theo dõi hồ sơ đăng ký thẩm định; cá thể bò sữa; quản lý mẫu xét nghiệm; ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong bổ sung mạng lưới trạm khí tượng, trạm đo mưa và trạm đo mực nước phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó lụt, bão, thiên tai; quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng, thủy văn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; bản đồ số hóa vùng sản xuất rau an toàn; theo dõi cơ sở dữ liệu lâm sản; theo dõi cơ sở dữ liệu cá sấu và động vật hoang dã).

- Hiện đang triển khai thực hiện 20 hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, để tích hợp Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020.

b) Về áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính:

- Sở đã ban hành các văn bản:

+ Kế hoạch số 2972/KH-SNN ngày 08/11/2016 về duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

+ Kế hoạch số 262/KH-SNN ngày 10/02/2017 về duy trì, cải tiến và xây dựng mở rộng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO năm 2017.

 

+ Quyết định số 315/QĐ-SNN ngày 29/8/2017 về việc công bố bổ sung mở rộng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. 

 

 

- 6 chi cục trực thuộc (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn) hàng năm tự đánh giá, công bố mở rộng một số nội dung thực hiện hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

- 120 thủ tục hành chính của ngành thực hiện hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

c) Tình hình triển khai xây dựng trụ sở cơ quan hành chính:

- 2/15 đơn vị trực thuộc (Trung tâm Công nghệ sinh học, Chi cục Thủy sản) đã xây dựng mới, đang sử dụng và tiếp tục xây dựng một số hạng mục mới.

- 5/15 đơn vị trực thuộc (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bình Chánh – Củ Chi, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp) cần phải tiếp tục sửa chữa một số hạng mục.

- 8/15 đơn vị (Cơ quan Văn phòng Sở, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy lợi, Ban Quản lý Trung tâm Thủy sản) cần phải xây dựng mới.

 

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Công tác cải cách hành chính được sự quan tâm sâu sát của Ban Giám đốc Sở, cấp ủy tại các cuộc họp giao ban hàng tháng; các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch đều triển khai và hoàn thành đạt hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ.

- Từ đầu năm 2016 đến hết tháng 3 năm 2018, đã tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn, trước hẹn tại bộ phận “một cửa” khoảng 5,6 triệu hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

 

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa” đã hướng dẫn tận tình, cụ thể, dễ hiểu giúp cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, hạn chế tối đa các trường hợp người dân, doanh nhiệp phải đến nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính.

- Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 trong quản lý hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa” đã phát huy tác dụng, nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức trong thực thi công vụ; đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.


Số lượt người xem: 1869    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm