SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
4
7
2
8
Tin tức tổng hợp 20 Tháng Mười Một 2018 2:10:00 CH

Ngành nông nghiệp Tp.Hồ Chí Minh luôn bám sát kế hoạch hoạt động theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ (2016-2020)

Nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chương trình hành động số 16-CTrHĐ/TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 – 2020; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 3420/KH-SNN ngày 21/12/2016 về xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng nhu cầu hội nhập giai đoạn 2016 – 2020, với nhiệm vụ tập trung: Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển dịch vụ bảo hiểm trong nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp

1.     Về tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách

a)    Về các chương trình, đề án:

 

Nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội, giải quyết điểm nghẽn trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong nhiệm kỳ trước, đặc biệt khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; sau 02 năm thực hiện từ 2016-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình nông nghiệp công nghệ cao, chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, chương trình giống cây, con chất lượng cao, chương trình xúc tiến thương mại và các Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn, hoa, cây kiểng, nâng cao chất lượng đàn bò sữa, giống bò thịt, sinh vật cảnh... giúp sản xuất nông nghiệp và nông thôn vùng ngoại thành của thành phố phát triển khá vững chắc trong thời gian qua.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp đến năm 2020 hướng đến 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nhằm tiếp tục triển khai các chương trình, đề án giai đoạn 2016-2020 và bổ sung đề xuất các nội dung về định hướng, giải pháp và các cơ chế chính sách về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực...phù hợp với đặc thù của thành phố nhằm chuyển đổi mạnh diện tích lúa, mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả kinh tế cao hơn, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố trong thời gian tới.

Thành phố đang nghiên cứu triển khai, lồng ghép các quy hoạch nông nghiệp vào quy hoạch tổng thể thành phố sau năm 2020 bao gồm các quy hoạch Quy hoạch bố trí cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn thành phố đến 2025, tầm nhìn đến 2030, Quy hoạch phát triển thuỷ  sản đến 2030, quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2030 và Điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và phát triển nông thôn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển hoa cây kiểng đến năm 2030. Ngoài ra, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện 03 phương án quy hoạch, trong đó 02 phương án đã trình Uỷ ban nhân dân thành phố là phương án quy hoạch vùng nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn thành phố đến năm 2025, phương án chuyển đổi diện tích sản xuất muối trên địa bàn TPHCM huyện Cần Giờ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và đang tổ chức thực hiện 01 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, dự kiến trình Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành trong năm 2018.

 

b) Về tham mưu các cơ chế, chính sách:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ cho giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố), Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao trên điạ bàn thành phố giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định 6160/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt ngày 22 tháng 11 năm 2017, chính sách khuyến khích áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2015 và Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố). Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham mưu Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành phố, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong 03 năm (2016 – 2018) đã ban hành trên 500 văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình, trong đó có 46 văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn khung pháp lý thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố (Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố ban hành 19 văn bản; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 27 văn bản).

2. Về phát triển sản xuất nông nghiệp

-  Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp ước thực hiện năm 2018 đạt 21.223 tỷ đồng, tăng 6,2% so năm 2017. Ước bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 6%/năm (đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội)

-  Về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp:

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giảm diện tích trồng lúa một vụ và diện tích trồng mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như hoa lan, mai, cây kiểng, rau an toàn, bắp, cỏ chăn nuôi, chim yến, bò thịt, cá cảnh… Về chuyển dịch cơ cấu ước năm 2018: trồng trọt chiếm tỷ lệ 26,2% (năm 2016: 23,6%), chăn nuôi: 35,3% (năm 2016: 41,1%), dịch vụ nông nghiệp: 8% (năm 2016: 6%), thủy sản: 29,7% (năm 2016: 27,7%).

GRDP ngành nông lâm ngư nghiệp ước năm 2018 đạt 6%. Bình quân giai đoạn 2016-2018 ước tăng 6%/năm. Gia trị sản xuất trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2018 ước đạt 480 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 3 lần so với năm 2010.

Các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực thành phố giữ mức tăng trưởng khá, trong đó diện tích gieo trồng ước năm 2018 đạt 19.000 ha, tăng 10% so năm 2017; sản lượng đạt 530.000 tấn, tăng 9,8 % so năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, diện tích ước tăng bình quân 10,6%/năm, sản lượng tăng 11,4%/năm. Diện tích hoa, cây kiểng ước năm 2018 đạt 2.350 ha, tăng 2,2% so năm 2017; trong đó, lan: 370 ha, tăng 3,1% so cùng kỳ; hoa nền: 840 ha, tăng 5% so năm 2017, kiểng - bonsai: 560 ha giữ nguyên so cùng kỳ Bình quân giai đoạn 2016-2018 ước tăng 4,2%/năm. Tổng đàn bò ước năm 2018 đạt 124.500 con, giảm 0,4% so năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018 ước giảm1,6%/năm; trong đó, đàn bò sữa giảm 6,9%/năm, đàn bò thịt tăng 15%/năm. Tuy nhiên, sản lượng sữa bò tươi đạt 292.616 tấn năm 2017, tăng  bình quân 2,9%/năm, thịt trâu bò hơi đạt 10.500 tấn năm 2017, tăng bình quân 6,5%/năm. Tổng đàn heo bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 2,4%/năm, thịt heo hơi 90.000 tấn, tăng 2,7%/năm. Tổng sản lượng tôm nước lợ ước năm 2018 tăng 8,2%/năm, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 8,2%/năm. Cá cảnh năm 2018 ước đạt 190 triệu con, tăng 22,6% so năm 2017, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 23,9%/năm.

3.     Về xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia đoàn thẩm định chuỗi thực phẩm an toàn tại các cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Lũy kế đến nay đã có 99 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với tổng sản lượng thit động vật khoảng 77.524 tấn/năm và 518.940.284 quả trứng gà/năm; có 27 cơ sở lĩnh vực thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi an toàn thực phẩm của thành phố.

- Tiếp tục theo dõi đề án truy xuất nguồn gốc tại 07 đơn vị, bao gồm: Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Phú Lộc, Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An, Liên tổ rau an toàn Tân Trung, Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mai Hoa, Hợp tác xã Nông nghiệp Nấm Việt, Hợp tác xã Nga Ba Giòng, Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Phước Bình; với diện tích 232,5 ha với 398 hộ, sản lượng rau, quả dán tem truy xuất nguồn gốc đạt 14,3 tấn/ngày thời điểm tháng 7 năm 2018 (chiếm 45% sản phẩm rau, quả của Hợp tác xã).

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp còn gặp những khó khăn, thách thức như việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, khó khăn khi hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ mới; thiếu nguồn nhân lực; xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa theo kịp cho phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Nhằm tiếp tục đảm bảo vành đai xanh, tạo môi trường cho khu vực nội thành, đẩy mạnh nâng cao thu nhập cho người nông dân thành phố và phát triển nông nghiệp bền vững, tương lai của ngành nông nghiệp thành phố tập trung chủ yếu tiếp tục cơ cấu lại mạnh mẽ và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; tập trung vào phát triển sản xuất giống và những cây con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn; phát huy vai trò trung tâm của Hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, ngoại thành. Mục tiêu thu nhập của của ngành nông nghiệp không chỉ dừng lại ở 450 triệu đồng/người/ha, mà phải đạt từ 800 – 1 tỷ đồng/ha trong giai đoạn tiếp theo của Đại hội./.

 

Bùi Duy Ninh

 

 


 


Số lượt người xem: 2322    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm