SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
4
3
8
1
Tin tức tổng hợp 26 Tháng Sáu 2019 8:50:00 SA

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông cửu long

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích gần 209.600 ha, gồm 19 quận và 5 huyện ngoại thành. Đất nông nghiệp gần 114 ngàn ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích toàn thành phố, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 66.000 ha, đất lâm nghiệp 35.684 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 10.798 ha. Với 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số của cả nước nhưng đóng góp đến 22% GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước; trong đó tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp khá cao, năm 2018 GRDP đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Từ năm 2014, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cùng với các chương trình khác như chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, chương trình phát triển các loại cây trồng vật nuôi chủ lực (rau an toàn, hoa cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, bò thịt,...) và nhiều cơ chế chính sách khác của thành phố. Nhờ đó, ngành nông nghiệp thành phố đã có những chuyển đổi từ trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác cho giá trị tăng cao, như trồng mai, nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ cao, nuôi lươn, nuôi nghêu giống...góp phần mang lại lợi nhuận kinh tế cao (từ 30% - 40%), nâng cao giá trị sản xuất bình quân/ha năm 2018 đạt 502 triệu đồng, tăng 54% so với năm 2014 (325 triệu đồng/ha). Năng suất lao động ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên, ước đạt 136,5 triệu đồng/người, tăng 43,26% so với năm 2014, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp thành phố. Từ đó, đã có rất nhiều người dân Hợp tác xã, doanh nghiệp thật sự quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao với nhiều mô hình khép kín như nuôi tôm, nuôi heo, hoa, cây kiểng, rau… ngày càng phát triển. Nếu như năm 2010, tỷ lệ này khoảng 10% đến năm 2016 là 35,8% , năm 2018 là 38,2% và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.

Đồng thời để giải quyết điểm nghẽn trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong thời gian qua, Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp đến năm 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nhằm tiếp tục triển khai các chương trình, đề án giai đoạn 2016-2020 và bổ sung đề xuất các nội dung về định hướng, giải pháp và các cơ chế chính sách về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực...phù hợp với đặc thù của thành phố; tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang phát triển 06 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học gồm: rau, hoa cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ (cá cảnh xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng), ngoài ra phát triển thêm cây dược liệu, tôm càng xanh, thuỷ đặc sản…tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố trong thời gian tới.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 1159/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung nhiệm vụ chủ yếu như phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các tỉnh thành nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới, khép kín, sử dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên (nước, đất,..), giảm tiêu thụ năng lượng và giảm chất thải, thân thiện với môi trường. Nâng cấp, cải thiện chuồng trại chăn nuôi, trang bị hệ thống làm mát đảm bảo thông thoáng, nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp, điều chỉnh mật độ chăn nuôi cho phù hợp, áp dụng tốt cac quy trình kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, kiểm soát ô nhiễm môi trường; Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh. Nghiên cứu, lựa chọn mô hình thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải nông thôn phù hợp như Xây dựng mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng hầm biogas, vật liệu composite theo kiểu dáng thiết kế mới, khử được mùi khí gas.

Về tình hình liên kết vùng, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đầu tư các công trình giao thông liên vùng, tăng cường khả năng kết nối giao thông đường bộ, thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền như tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu giây, đang xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng được lãnh đạo Trung ương và Thành phố quan tâm đầu tư trong thời gian qua, nhờ đó góp phần phát triển lưu thông, sản xuất lương thực, thực phẩm, tăng cường liên kết cung ứng của các tỉnh thành tương đối kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, không còn tình trạng khan hiếm hàng lương thực, nông sản cần thiết trên địa bàn thành phố.

Thành phố hiện có các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp thành phố, có khả năng thu mua, sơ chế, phân phối các sản phẩm nông nghiệp tủy theo chủng loại, quy mô, chất lượng từng loại sản phẩm của các tỉnh cho thị trường trong nước và xuất khẩu, bước đầu hình thành những liên kết, vùng nguyên liệu tại các tỉnh...

Thành phố hiện nay chỉ tự túc được khoảng 7,77% nhu cầu gạo, 33,3% nhu cầu rau, 13,7% nhu cầu cá tôm và 25% nhu cầu thịt. Dự báo đến năm 2020, dân số Thành phố Hồ Chí Minh (chưa kể khách vãng lai) là 10 triệu người; nhu cầu tiêu dùng thịt tươi cho người tiêu dùng và chế biến thực phẩm cung cấp cho thành phố và các tỉnh tiếp tục tăng , tương ứng với 615 ngàn tấn thịt/năm; trong đó, nhu cầu chế biến sản phẩm từ thịt khoảng 40 ngàn tấn và tiêu thụ thịt tươi là 575 ngàn tấn/năm, tương ứng với 1,6 ngàn tấn/ngày, bao gồm 12.500 con heo, 1.400 con bò, 320 ngàn con gia cầm. Nhu cầu gạo khoảng 632.592 tấn,  nhu cầu rau 1.600 ngàn tấn, cá tôm là 470.000 tấn. Thịt heo được nhập từ các tỉnh thành khác chủ yếu như sau: tỉnh Đồng Nai (40%), Long An (23,5%), Bình Dương (12%), Bà Rịa - Vũng Tàu (7%), Bình Phước (4%), Tiền Giang (3%), Tây Ninh (2%), Bình Thuận (2%); Một số tỉnh có nguồn hàng không thường xuyên gồm Bến Tre, Đắk Nông và Vĩnh Long.

Do đó, vấn đề liên kết vùng trong cung ứng sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết. Đến nay đã cấp 300 Giấy chứng nhận cho 154 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Đắk Nông với tổng sản lượng 133.134 tấn/năm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc tại hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn đối với sản phẩm thịt heo.

Đã ký kết với các tỉnh, đảm bảo cung cấp nguồn heo sạch bệnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình hợp tác với 5 tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước về kiểm soát dịch bệnh và nguồn động vật, sản phẩm động vật đưa về thành phố tiêu thụ để cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân thành phố, sắp tới cần có ký kết tiếp tục với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long để phối hợp khảo sát đưa nguồn heo sạch bệnh về tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời để bảo vệ đàn heo giống tốt nhập từ nhiều nước trên toàn thế giới, cung cấp cho thành phố và các tỉnh,  tại các trang trại cung cấp đàn giống gốc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cũng đã hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại; thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng (rải vôi, phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trại, lối ra vào chuồng trại), cố định công nhân chăm sóc, nghiêm cấm khách tham quan vào khu vực chăn nuôi. Biên soạn bảng check list thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và phổ biến cho các cơ sở để tự kiểm tra, đánh giá nhằm khắc phục lỗi, kiểm soát tốt các mối nguy sinh học, phòng tránh dịch bệnh xảy ra. Đàn giống sẽ được cung cấp cho các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long khi tái đàn.

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung vào các giải pháp sau nhằm tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất giống, công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu:

- Đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với từng quận, huyện để chuyển giao thông qua mạng lưới liên kết 4 nhà; tiếp nhận việc chuyển giao một số công nghệ cao từ nước ngoài phù hợp với điều kiện ứng dụng tại thành phố để nhân rộng; hỗ trợ các mô hình sản xuất thử nghiệm cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân theo hình thức nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, xây dựng quy trình, kỹ thuật, đào tạo, quảng bá,…doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân chủ động thực hiện.

- Tạo thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, nhập khẩu công nghệ mới, đặc biệt công nghệ 4.0, tiếp nhận và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi mới và giống chất lượng cao, sạch bệnh, có khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng và tình hình biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

- Phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp: Khuyến khích các tổ chức khoa học trong và ngoài nước đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao cũng như tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghệ cao;  tạo điều kiện để công nghệ được thương mại hóa, đồng thời hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp nhận được công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân xúc tiến thị trường, tham gia hội nghị hội thảo, hội chợ ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao./.

Bùi Duy Ninh


Số lượt người xem: 2904    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm