SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
8
0
0
3
Tin tức tổng hợp 04 Tháng Mười Hai 2017 4:55:00 CH

Hội thảo mô hình đơn vị sản xuất cơ bản của nông nghiệp thành phố từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo

Lãnh đạo Thành phố tham quan triển lãm mô hình sản xuất nông nghiệp tại hội thảo

Tiếp nối thành công của 2 hội thảo theo chuyên đề “Ứng dụng thành tựu KHCN để phát triển nông nghiệp thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ”, “Ứng dụng thành tựu KHCN để phát triển nông nghiệp thành phố trở thành trung tâm giống gia súc và thủy sản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ”;

Ngày 03 tháng 12 năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức hội thảo “Mô hình đơn vị sản xuất cơ bản của nông nghiệp thành phố từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Hội thảo lần này là nhằm xác định mô hình cơ bản của nông nghiệp thành phố trong thời gian tới, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tham dự có Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố và đại diện các viện trường, sở ngành thành phố và các tỉnh bạn, quận huyện có sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố.  

 

 

Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương của thành phố về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ lực, hiệu quả tại vùng nông thôn ngoại thành như hoa cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa… góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Vùng nông thôn ngoại thành từng bước hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp cơ bản trong phát triển nông nghiệp đô thị, cụ thể:

Kinh tế hộ nông dân: Năm 2000 lao động nông nghiệp của thành phố có 140.000 người, đến năm 2011 còn 125.000 người và đến năm 2016 còn 43.300 người (khoảng 21.000 hộ, 2 lao động/hộ). Quy mô sản xuất của hộ có diện tích dưới 0,5 ha chiếm khoảng 69%. Vốn sản xuất bình quân 307 triệu đồng/hộ (trong đó có 60% vốn vay). Gía trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 596 triệu đồng/hộ, chiếm 77% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. 65% hộ dân sản xuất độc lập, không liên kết và năng suất lao động sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 88 triệu đồng/người. Sản phẩm nông hộ không có thương hiệu dễ bị ép giá, khó có thể ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, số lượng lớn với doanh nghiệp.

Kinh tế trang trại: Hiện thành phố có 239 trang trại, trong đó trang trại hoạt động lĩnh vực chăn nuôi chiếm 91%. Bình quân mỗi trang trại có diện tích đất sản xuất 1 ha, 4 lao động thường xuyên, 4,5 tỷ đồng (trong đó vốn vay chiếm 84%). Gía trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 2,7 tỷ đồng/trang trại, chiếm 3,3% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố. 80% trang trại tham gia liên kết với doanh nghiệp, 99,5% trang trại có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Kinh tế trang trại có chiều hướng liên kết tốt với doanh nghiệp, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm trang trại. Với quy mô đầu tư lên đến 4,5 tỷ đồng/trang trại/1ha thì khó có thể nhân rộng phát triển kinh tế hộ trở thành kinh tế trang trại. 

 

Hợp tác xã: Hiện toàn thành phố có 41 hợp tác xã nông nghiệp, bình quân một hợp tác xã có 54 thành viên, vốn điều lệ 6,2 tỷ đồng, 10 lao động và 0,6 ha diện tích nhà xưởng. Gía trị sản xuất do thành viên hợp tác xã tạo ra là 971 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hộ dân tham gia hợp tác xã có lợi trong việc sản xuất với chi phí giá thành giảm, giá bán sản phẩm cao hơn 10% và lợi nhuận cao hơn 30% so với hộ dân sản xuất độc lập. Hộ dân tham gia hợp tác xã được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, tham gia chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản ổn định trong chuỗi an toàn thực phẩm tại chợ phiên nông sản an toàn hàng tuần, các hệ thống siêu thị, chợ….

Doanh nghiệp: Hiện thành phố có 1.200 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp. Bình quân một doanh nghiệp có vốn hoạt động 27,6 tỷ đồng (thấp hơn mặt bằng chung của doanh nghiệp thành phố khoảng 9 tỷ đồng), 12 lao động và doanh thu đạt 6 tỷ đồng (thấp hơn mặt bằng chung của doanh nghiệp thành phố khoảng 17 tỷ đồng), doanh nghiệp đóng góp 14,7 % giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. 87% doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp sản xuất độc lập, không tổ chức liên kết với các hộ nông dân hay hợp tác xã để làm vệ tinh cho doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp nông nghiệp của thành phố lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lưc hoạt động còn thấp so với mặt bằng chung của doanh nghiệp thành phố. Các doanh nghiệp chưa đủ mạnh để có thể hỗ trợ trao đổi, mua bán sản phẩm nông sản trực tiếp với hộ nông mà phải thông qua hợp tác xã.

Kết thúc hội thảo ngành nông nghiệp xin tiếp thu ý kiến của lãnh đạo thành phố, nhà khoa học, quản lý và hợp tác xã để xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình phát triển hợp tác xã nông nghiệp là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Hợp tác xã đóng vai trò liên kết giữa hộ dân, trang trại với hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất và cung ứng nông sản an toàn đạt chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường. Hộ dân tham gia hợp tác xã được hưởng nhiều ưu đãi, dịch vụ cung ứng, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giá bán cao hơn so với hộ dân không tham gia hợp tác xã. Điều này khẳng định tại các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả như Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, Hợp tác xã rau an toàn Phú Lộc, Hợp tác xã rau an toàn Phước An… Đây chính là mô hình đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản của thành phố cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích phát triển từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.      

 

 

 

 

Đặng Kiệt


Số lượt người xem: 2569    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm