SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
5
0
7
3
Tin tức tổng hợp 16 Tháng Mười 2017 2:20:00 CH

Kết quả sản xuất nông lâm ngư nghiệp 10 tháng đầu năm 2017

1. Kết quả phát triển sản xuất nông nghiệp.

a) Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp 10 tháng đầu năm 2017:

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố 10 tháng đầu năm 2017 đạt 10.092 tỉ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó:

- Trồng trọt đạt 2.712 tỉ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ.

- Chăn nuôi đạt 4.083 tỉ đồng, tăng 4,4% so cùng kỳ.

- Thủy sản đạt 2.404 tỉ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ.

- Dịch vụ nông nghiệp đạt 830 tỉ đồng, tăng 17,7% so cùng kỳ.

b) Trồng trọt:       

- Diện tích gieo trồng rau đạt 14.561 ha, tăng 9,4% so cùng kỳ; sản lượng đạt 411.628 tấn, tăng 9,7% so cùng kỳ.

- Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.090 ha, tăng 16,1% so cùng kỳ; trong đó mai: 581 ha, tăng 11,7% so cùng kỳ, lan: 359 ha, tăng 19,7% so cùng kỳ; hoa nền: 610 ha, tăng 27,1% so cùng kỳ, kiểng - bonsai: 540 ha, tăng 8% so với cùng kỳ.

c) Chăn nuôi:

- Tổng đàn bò 139.719 con, giảm 3,1% so cùng kỳ; trong đó, đàn bò sữa 79.969 con, giảm 12,4% so cùng kỳ; riêng cái vắt sữa 40.024 con, giảm 12,4% so cùng kỳ. Sản lượng sữa bò tươi đạt 198.121 tấn, giảm 9,1% so cùng kỳ.

- Tổng đàn heo 335.832 con, giảm 7,5% so cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản 47.089 con, giảm 12% so với cùng kỳ.

- Tổng đàn cá sấu 91.916 con, tăng 1% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi chim yến lấy tổ 6.910 kg, tăng 34,8% so cùng kỳ.

d) Thủy sản:

Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 10 năm 2017 ước đạt 3.999 tấn, lũy kế 10 tháng đạt 43.194 tấn, tăng 3% so cùng kỳ năm 2016, trong đó:

- Sản lượng nuôi trồng đạt 27.114 tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ.

- Sản lượng khai thác đạt 16.080 tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ.

- Cá cảnh đạt 128 triệu con, tăng 47,1% so cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong tháng 1,495 triệu con, lũy kế 10 tháng 14,853 triệu con (tăng 17,2% so cùng kỳ).

e) Lâm nghiệp:

Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay là 38.864 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 36.323 ha. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 17,33%, tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh là 40,11%.

f) Diêm nghiệp:

- Diện tích sản xuất muối tại thành phố (huyện Cần Giờ) là 1.473,85 ha (giảm 11,8% so cùng kỳ); trong đó có 991 ha muối trải bạt. Tổng số hộ sản xuất muối toàn thành phố 633 hộ.

- Tổng sản lượng muối đạt 61.117 tấn (giảm 56,5% so cùng kỳ) , trong đó muối trải bạt 42.696 tấn. Sản lượng muối đã được tiêu thụ 26.950 tấn, trong đó muối trải bạt 16.250 tấn. Sản lượng muối còn lại 34.167 tấn, trong đó muối trải bạt 26.446 tấn.

- Giá thu mua: Muối đất 1.200 đồng/kg và muối trải bạt 1.350 đồng/kg.

2. Kết quả thực hiện một số chương trình trọng điểm.

a) Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 6182/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 6183/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn vùng nông thôn thành phố.

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố tham mưu Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện Kế hoạch số 03/KH-BCĐCTUVCTXDNTM ngày 31 tháng 3 năm 2017 về chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình MTQG XDNTM năm 2017 và Kế hoạch số 991/KH-SNN ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn vùng nông thôn thành phố trong ngành nông nghiệp.

- Tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; Lễ ký kết hỗ trợ, phối hợp “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn liền với giảm nghèo bền vững và phát động phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020.

- Về xây dựng Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 05 huyện và 56 xã giai đoạn 2016 – 2020:

+ Về đề án cấp huyện: Huyện Nhà Bè và Cần Giờ hiện đang hoàn chỉnh theo các nội dung theo Quyết định 676/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 – 2020. 3 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) đang lấy ý kiến các phòng ban chuyên môn của huyện.

+ Về đề án cấp xã:

Đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới 3 xã Bình Lợi và An Phú Tây (huyện Bình Chánh), xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi).

Xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) đã có Tờ trình Liên sở (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư), trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt. 3 xã Sở Tài Chính đang thụ lý Tờ Trình Liên sở (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư) để có ý kiến thống nhất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt. 20 xã họp thẩm định Liên sở (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư), hiện xã, huyện đang điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến góp ý của Liên Sở. 23 xã đã gửi các Sở ngành có ý kiến góp ý chuyên ngành. 6 xã đang hoàn thiện Đề án chuyển các Sở ngành có ý kiến góp ý chuyên môn.

- Tính theo Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thành phố giai đoạn 2016 – 2020 (tại Quyết định 6182/QĐ-UBND): Bình quân mỗi xã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Phối hợp Cục Thống kế thành phố tổ chức điều tra tiêu chí thu nhập bình quân hộ gia đình tại 56 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (đang xử lý số liệu điều tra), dự kiến cuối tháng 10 năm 2017 hoàn thành.

b) Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao

Thực hiện kế hoạch năm 2017 tại Quyết định số 4652/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020.

Giống cây trồng:

- Theo dõi thử nghiệm tính thích nghi của của 8 dòng dưa lưới, 8 giống hoa đồng tiền, các giống phát triển tốt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Duy trì chăm sóc, bảo dưỡng 22 giống lan Mokara, 6 giống lan Dendrobium, 2 giống lan Vũ nữ. Theo dõi, đánh giá tính thích nghi của các giống hoa mai vàng ghép 12 cánh và 6 giống hoa kiểng.

- Sưu tập, bảo tồn thêm 2 giống dưa leo nhập nội. Lũy kế sưu tập 54 giống với 5 chủng loại: Ớt, cà chua, dưa leo, bầu và dưa hấu.

- Đã nhân giống được khoảng 116.000 cây cấy mô các loại và cung cấp cho sản xuất 40.300 cây. Hiện đang tập trung nhân nhanh các giống chủ lực như lan Dendrobium, Hồ Điệp và các giống hoa nền (hoa Chuông, Đồng tiền, Cẩm chướng).

Giống vật nuôi:

- Giống bò sữa:

+ Trong tháng, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản thực hiện bình tuyển, lập lý lịch cho 412 con bò sữa, lũy kế 10 tháng thực hiện 3.112 con, đạt 62,4% kế hoạch; trong đó có 85% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Tiến hành khảo sát và theo dõi khả năng sinh sản, phối giống, năng suất sữa bò nông hộ, trong tháng thực hiện 2.986 lượt con, lũy kế 10 tháng thực hiện 22.725 lượt con, đạt 63,1% kế hoạch.

+ Thực hiện đánh giá chất lượng đời sau các dòng tinh bò sữa gieo trên địa bàn thành phố, thực hiện theo dõi các chỉ tiêu về tăng trọng, chiều cao, vòng ngực của 777 lượt bê con, lũy kế 10 tháng thực hiện 5.883 lượt bê con thuộc các dòng tinh Mỹ, Hà Lan, Canada, Israel, Moncada,… đạt 63,9% kế hoạch.

+ Cân đo, giám định ngoại hình đàn bò sữa nuôi tại nông hộ thực hiện theo tiêu chuẩn 533-2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện 209 con, lũy kế 10 tháng 1.535 con, đạt 61,4% kế hoạch.

- Giống heo:

+ Tiếp tục thực hiện chuyển giao kết quả đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP, tiến hành thu thập số liệu 8.334 lượt con, lũy kế đạt 65.949 lượt con theo các chỉ số về sinh sản, số con sơ sinh/ổ, trọng lượng 90 ngày tuổi, đạt 65,9% kế hoạch; làm cơ sở cho các xí nghiệp chăn nuôi heo thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên lựa chọn những tính trạng nổi trội tiến hành ghép đôi nhằm cải thiện chất lượng đàn heo.

+ Tiến hành giám định bình tuyển 59 con heo đực giống, lũy kế đạt 429 con heo đực giống, đạt 61,2% so với kế hoạch; kết quả cho thấy tỷ lệ heo đực giống cấp I đạt 100%, và đặc cấp chiếm trên 96%; con giống được nhập từ các nước phát triển có nguồn gốc lý lịch rõ ràng, con đực giống được sử dụng nhiều nhất là Duroc: 28,33%, Landrace: 26,11%, PiDu: 16,72%, Pietrain: 10,5%, Yorkshire: 11,24%, còn lại các giống khác.

Giống thủy sản:

Trong tháng, có 31 cơ sở sản xuất giống cá thịt, với lượng giống xuất bán là  14,129  triệu con (tăng 18,73 %  so cùng kỳ); lũy kế 10 tháng 359,448 triệu con và các cơ sở sản xuất - nuôi cá cảnh, với sản lượng 12,5 triệu con (tăng 45,34% so cùng kỳ); lũy kế 10 tháng 127,5 triệu con.

c) Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Khu Nông nghiệp Công nghệ cao:

+ Đây là mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động (tháng 4 năm 2010), với diện tích 88,17 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; trong đó có 56,53 ha dành kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư (hiện có 28 doanh nghiệp tham gia). Với chức năng tập trung cho lĩnh vực trồng trọt, triển khai nghiên cứu ứng dụng nhằm hoàn thiện công nghệ, nhân giống cây trồng (rau, hoa, cây cảnh), đào tạo, trình diễn và chuyển giao công nghệ, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt.

+ Các nhà đầu tư tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao bước đầu đã ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, sản xuất giống hoa, rau, các sản phẩm rau, quả có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, cũng như sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Trung tâm Công nghệ sinh học:

+ Được đầu tư với quy mô 23 ha (năm 2006); có chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học; đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên công nghệ sinh học; sản xuất thử, phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học. Đến nay, khánh thành và đưa vào hoạt động các hạng mục, bao gồm nhà nuôi cấy in vitro (555m2), nhà kính (400m2), nhà màng (3.500m2), nhà lưới (4.300m2). Ngoài ra, còn có xưởng phối trộn cơ chất dinh dưỡng (650m2); nhà chuẩn bị cây và xử lý sau thu hoạch (410m2), khu thí nghiệm thực vật (10.100m2).

+ Trung tâm Công nghệ sinh học sưu tập 03 bộ giống hoa, kiểng lá và rau, bao gồm: 360 giống lan các loại, trong đó có 142 loài lan rừng quý; 124 giống kiểng lá, 77 giống hoa nền, 100 mẫu giống dược liệu. Bình quân hàng năm nhân giống và cung cấp thị trường khoảng 400.000 cây cấy mô các loại (chủ yếu là hoa lan). Nghiên cứu các bộ kit phát hiện bệnh trên cây trồng, vacxin ngừa bệnh trên cá tra, kit phát hiện bệnh virus trên tôm, các chế phẩm sinh học phục vụ canh tác theo hướng hữu cơ sinh học; chuyển giao kỹ thuật trồng một số loại rau an toàn trong nhà màng, công nghệ tưới tiết kiệm nước cho rau an toàn và hoa, cây kiểng… góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ.

- Trại trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF), được Israel hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật, phần mềm quản lý và cử các chuyên gia trực tiếp tham gia công tác huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam dưới hình thức “chìa khóa trao tay”. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa của Israel đã được ứng dụng, trong đó ứng dụng hệ thống sản xuất và cung ứng thức ăn TMR, công nghệ chuồng trại với kỹ thuật làm mát, hệ thống vắt sữa tự động có điều khiển bằng hệ thống vi tính. Đến nay, Tổng đàn bò sữa 220 con; trong đó, có 88 con cái vắt sữa. Năng suất sữa bình quân đạt 24,5 kg/con/ngày (năng suất sữa binh quân của đàn bò thành phố khoảng 16 kg/con/ngày).

d) Chương trình an toàn thực phẩm.

- Thành phố đặc biệt quan tâm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố đã có quy hoạch vùng sản xuất, vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch giết mổ và quy hoạch 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, qua đó nâng cao công tác giám sát an toàn thực phẩm chặt chẽ từ sản xuất đến lưu thông. Công tác quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 5617/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2015 về thành lập Ban Điều phối và Tổ Công tác giúp việc Ban Điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Thành phố giai đoạn 2015 – 2020; Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của UBNDTP về phê duyệt Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 và Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 của UBNDTP về phê duyệt Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020.

- Công tác thông tin tuyên truyền:

Trong 10 tháng, các đơn vị thuộc Sở tổ chức 81 lớp tập huấn, số người tham dự là 5.947 người; thực hiện 2.314 băng rôn tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; phát hành 2.997 tờ rơi, áp phích về quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, sử dụng hóa chất, kháng sinh thuốc thú y thủy sản có trách nhiệm trong nuôi trồng thủy sản…

- Công tác kiểm tra, lấy mẫu 10 tháng đầu năm 2017:

+ Chi cục Trồng trọt và BVTV tổ chức lấy 490 mẫu tại vùng sản xuất rau, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Đã có kết quả phân tích 372/490 mẫu. Kết quả không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn tối đa cho phép.  

+ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy 2.786 mẫu kiểm tra xét nghiệm (1.992 mẫu thịt và sản phẩm động vật, 714 mẫu bề mặt dụng cụ và phương tiện vận chuyển, 80 mẫu trứng). Kết quả có 1.209/2.786 mẫu đạt điều kiện vi sinh.

+ Chi cục Thủy sản tổ chức lấy 418 mẫu tại vùng nuôi, khu vực thu mua, sơ chế, chế biến thực phẩm và chợ Bình Điền để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả có 405/418 mẫu đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

- Thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính: Trong 10 tháng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra, xử lý 37 trường hợp, với số tiền 217,2 triệu đồng.

- Chứng nhận VietGAP:

+ Lĩnh vực trồng trọt:

Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã đánh giá và cấp chứng nhận cho 76 cơ sở sản xuất rau, quả với tổng diện tích canh tác là 45 ha, tương đương 239,32 ha diện tích gieo trồng, sản lượng ước tính 5.308,6 tấn/năm. Hiện nay, tổng số cơ sở đã được chứng nhận VietGAP còn hạn trên địa bàn thành phố là 247 cơ sở tương đương 224,64 ha diện tích canh tác, tương đương 1.146,23 ha diện tích gieo trồng, sản lượng ước tính 25.337,14 tấn/năm. Tính lũy tiến đến nay, tổng số cơ sở sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP là 1.006 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác là 711,28 ha, tương đương 4.046,38 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 81.647,68 tấn/năm.

Triển khai thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc rau VietGAP tại Hợp tác xã Phước An (huyện Bình Chánh), Hợp tác xã Phú Lộc (huyện Củ Chi), với 16 chủng loại rau củ quả tại 82 hộ dân là xã viên 2 hợp tác xã; sản phẩm rau quản lý truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 12 tấn/ngày (chiếm 80% sản lượng của 2 HTX) và được bày bán trên 50 điểm bán tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, siêu thị Big C, siêu thị Lotte và siêu thị AEON. Đang tổ chức khảo sát tình hình sản xuất tại Hợp tác xã Nấm Việt và Mai Hoa để hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc rau.

Triển khai xây dựng cách đồng sản xuất rau muống nước theo quy trình VietGAP tại 2 xã (Nhị Bình, huyện Hóc Môn và Bình Mỹ, huyện Củ Chi):

Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã xây dựng được 13 mô hình với 65 ha, với 67 hộ tham gia (Bình Mỹ 60 ha/301 ha, Nhị Bình 05 ha/76,8 ha). Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã chứng nhận VietGAP cho 74 hộ (Nhị Bình 20 hộ, 14,10 ha và Bình Mỹ 54 hộ, 47,55 ha), với tổng diện tích canh tác là 61,65 ha, tương đương 493,20 ha diện tích gieo trồng, ước tính sản lượng khoảng 9.864 tấn/năm.

Tổ hợp tác rau muống nước Nhị Bình bán cho các công ty, cửa hàng, Hợp tác xã với sản lượng khoảng 2.500 kg/ngày, với giá chưa sơ chế là 5.000 -6.000đ/kg, sản lượng còn lại thì bán cho chợ đầu mối khoảng 5.000đ/kg. Tại xã Bình Mỹ, đa số các cơ sở được chứng nhận VietGAP bán chủ yếu cho điểm tập kết trên địa bàn xã Bình Mỹ, giá hiện nay khoảng 5.000đ/kg.

+ Chăn nuôi đã chứng nhận VietGAP cho 1.110 hộ, trại chăn nuôi, với tổng đàn 177.000 con heo, 80.000 con gà thịt và 800 con bò sữa, với tổng sản lượng thịt ước đạt 48.000 tấn thịt heo và 360 tấn thịt gà/năm. Trong đó, Dự án Lifsap đã chứng nhận VietGAP là 823 hộ, với tổng đàn heo 107.181 con (trong đó tái chứng nhận 339 hộ). Xây dựng nâng cấp hoàn thành nghiệm thu khu kinh doanh thực phẩm tại 36 chợ, với 2.218 quầy sạp. Thực hiện kết nối đầu vào, đầu ra cho các nhóm GAHP, gắn kết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cung cấp trực tiếp cho hộ dân để giảm giá thức ăn đầu vào; tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm heo chứng nhận VietGAP với Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ. Thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ mở các điểm bán thịt heo tại Chợ phiên nông sản an toàn (Khuôn viên Nhà hàng Đông Hồ, số 195-197 Cao Thắng nối dài, Quận 10; công viên Lê Thị Riêng, Quận 10 và công viên Lê Văn Tám, Quận 1) do Sở tổ chức và tại cửa hàng số 308B và 308C Bis Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh để trực tiếp bán lẻ với giá sỉ, nhằm hỗ trợ người chăn nuôi heo tại huyện Củ Chi, Hóc Môn.

+ Lĩnh vực thủy sản:

Tính đến nay tại vùng nuôi tôm tập trung 02 huyện Nhà Bè, Cần Giờ có tổng cộng 447 cơ sở nuôi tôm xây dựng mô hình nuôi thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, tổng diện tích là 551.57 ha.

Thực hiện cấp 73 giấy chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể, với khối lượng 1,2 tấn.

- Phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thực hiện đề án chuỗi thực phẩm an toàn:

Đến nay, đã cấp 128 giấy chứng nhận cho 56 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi thuộc địa bàn thành phố và 11 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu), với tổng sản lượng 78.198,1 tấn/năm (chưa tính trứng gà và nước mắm). Trong đó, trứng gà là 511.000.000 quả/năm, thịt gà 16.310,6 tấn/năm, thịt vịt 59,4 tấn/năm, thịt heo 43.166,6 tấn/năm, rau quả 20.640 tấn/năm, trà 140 tấn/năm, thủy sản 1.558 tấn/năm và nước mắm 4,4 triệu lít/năm.

- Phối hợp Sở Công thương thực hiện Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Đến nay có 21 cơ sở chăn nuôi (với số lượng cung ứng khoảng 10.000 con/ngày), 15 cơ sở giết mổ, 02 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền4 chợ truyền thống (Hòa Bình, Bến Thành, An Đông, Thái Bình) tham gia.

e) Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa.

- Tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2017 tại Quyết định số 4697/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020.

- Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình nhập nội, cải thiện chất lượng giống bò sữa, tiến hành cấp phát tinh và vật tư cho các đơn vị tham gia chương trình.

- Phân phối 11.645 liều tinh cọng rạ bò sữa đông lạnh (trong đó: 9.315 liều tinh cao sản nguồn gốc nhiệt đới Israel, 2.330 liều tinh phân ly giới tính) và các vật tư liên quan cho các đơn vị phối hợp thực hiện. Tiến hành gieo 4.112 liều tinh trên 2.035 con bò sữa.

f) Chương trình phát triển giống bò thịt.

- Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch năm 2017 tại Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Chương trình phát triển giống bò thịt giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Chuyển giao 4.012 liều tinh cọng rạ động lạnh và các vật tư liên quan cho các đơn vị phối hợp gieo tinh giống bò thịt trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

- Bước đầu thử nghiệm phối tinh bò BBB và Angus trên 150 con bò cái lai sind và bò cái sữa Hà Lan tại 112 hộ, trong 18 tháng. Hiện đàn bò sinh ra được 64 con bê. Khả năng tăng trọng của bê con lai tăng trọng tốt hơn các công thức lai khác. Dự báo có những cá thể đạt trọng lượng 450 – 500 kg vào lúc 18 tháng tuổi khi xuất chuồng.

g) Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố):

+ Trong 10 tháng phê duyệt 522 quyết định, 1.345 hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư: 1.098,081 tỷ đồng, tổng vốn vay: 648,684 tỷ đồng. Tổng lũy tiến phê duyệt giai đoạn 2011-2017: 7.350 quyết định, 22.338 hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư: 10.881,503 tỷ đồng, tổng vốn vay: 6.648,723 tỷ đồng.

+ Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ lãi vay đối với các phương án được duyệt:

Tổng kinh phí ngân sách Thành phố phân khai chi tiết cấp bù lãi vay cho các quận – huyện và dự án được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt giai đoạn 2011 - 2017 (bao gồm cả Quyết định 105/2006/QĐ-UBND, Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND (đối với các phương án còn hiệu lực hỗ trợ), Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND là 415.505 triệu đồng.

Từ năm 2011 đến năm 2017, ngân sách Thành phố đã giải ngân hỗ trợ cho chủ đầu tư tổng kinh phí: 361.741 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 91,04% trên tổng kinh phí phân khai cấp bù từ ngân sách (trong đó hỗ trợ theo Quyết định 13/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND356.791 triệu đồng; hỗ trợ theo Quyết định 105/2006/QĐ-UBND là 2.950 triệu đồng).

Tổng số lao động (việc làm) tạo ra thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay khoảng 53.248 lao động, trong đó có 6.113 lao động là đối tượng hộ nghèo. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư đạt khoảng 29,4%.

Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay sẽ huy động được 28 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ ngân hàng là 17 đồng, huy động trong dân là 11 đồng.

- Tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các quận, huyện thực hiện Chính sách sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP (Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố).

- Hướng dẫn, hỗ trợ các quận huyện thực hiện Quyết định số 31/2017/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố  ban hành quy định về hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp và các chính sách: hỗ trợ ban đầu cho hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn...

h) Chương trình xúc tiến thương mại.

- Trong 10 tháng, tổ chức 36 kỳ chợ phiên nông sản an toàn định kỳ thứ 7 hàng tuần trong khuôn viên nhà hàng Đông Hồ số 195 – 197, đường Cao Thắng nối dài, phường 12, Quận 10 và định kỳ Chủ Nhật hàng tuần tại công viên Lê Văn Tám, Quận 1 và công viên Lê Thị Riêng, Quận 10. Lũy kế từ năm 2016 đến nay tổ chức 65 kỳ chợ phiên, với tổng số đơn vị tham gia là 1.495 đơn vị, 1.755 gian hàng. Tổng giá trị bán hàng trong 65 kỳ trên 13 tỷ đồng (200 triệu/kỳ).

- Từ đầu năm 2017 đến nay, tổ chức thiết kế logo cho 16 đơn vị (lũy kế thiết kế cho 197 đơn vị), xây dựng website cho 05 đơn vị (lũy kế xây dựng cho 151 đơn vị).

- Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA); Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI), Quỹ khởi nghiệp Việt Nam (SVF) tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại buổi diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 400 thanh niên, đoàn viên, sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành tham gia. Qua diễn dàn, các bạn trẻ được trao đổi, chia sẻ, giải đáp về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp nông nghiệp, chia sẻ các kinh nghiệm, niềm đam mê khởi nghiệp trong nông nghiệp.

- Từ tháng 8/2016 (từ khi có Quyết định số 3907/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố) đến nay thành phố có 191 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản tại thành phố hiện nay là 1.157 doanh nghiệp.

- Tham gia Hội chợ Triển lãm nông dân xuất sắc thời hội nhập – Nông nghiệp đô thị và Giao thương kinh tế vùng Đông Nam bộ năm 2017 tại Công viên Lê Văn Tám, Quận I (từ ngày 10/4 – 16/4/2017) và Hội chợ triển lãm Làng nghề Việt Nam năm 2017 tại Công viên Gia Định, quận Gò Vấp (từ ngày 17/4 - 23/4/2017). Trong 07 ngày diễn ra Hội chợ, tại Ngôi nhà chung của nông nghiệp Thành phố đã đón tiếp 15.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu thông tin, giao lưu kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổng giá trị các sản phẩm trưng bày trong Khu Ngôi nhà chung đạt khoảng 800 triệu đồng, tổng doanh thu ước đạt khoảng 550 triệu đồng.

- Tổ chức Hội thi Trái ngon – An toàn Nam bộ năm 2017 (vào ngày 01 tháng 6) tại Du lịch Văn hóa Suối Tiên. Hội thi đã thu hút 446 nhà vườn với 593 mẫu dự thi, trong đó có 557 mẫu dự thi Trái ngon – An toàn, 11 mẫu dự thi Củ quả lạ, hiếm đến từ 13 tỉnh thành Nam bộ. Ban Tổ chức đã trao 65 giải Trái ngon – An toàn và 05 giải củ quả lạ, hiếm cho các nhà vườn. Bên cạnh hội thi, lần đầu tiên Ban Tổ chức tổ chức Khu Triển lãm và giới thiệu sản phẩm trái cây ngon, đặc sắc, đặc sản vùng miền đã thu hút 03 nhà vườn, doanh nghiệp tham gia với các sản phẩm: dưa lưới, xoài cát Cần Giờ, sầu riêng với tổng giá trị sản phẩm gần 20 triệu đồng.

- Tổ chức Hội chợ - Triển lãm Giống nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh lần V, năm 2017 tại Trung tâm Công nghệ sinh học – 2374 Quốc lộ 1, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, (từ ngày 22 – 26/6/2017). Trong 05 ngày diễn ra, Hội chợ - Triển lãm đã có 143 đơn vị tham gia, với 360 gian hàng, thu hút hơn 6.000 lượt khách tham quan, các đơn vị phát hành hơn 30 ngàn tờ rơi, danh thiếp, tài liệu đến với các đơn vị, bà con nông dân và khách tham quan. Tổng giá trị sản phẩm trưng bày tại Hội chợ năm nay trên 50 tỷ đồng, trong đó các đơn vị đã bán và giới thiệu các sản phẩm với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng. Đã có 98 đơn đặt hàng, biên bản ghi nhớ, hợp đồng dự kiến hợp tác với tổng trị giá trên 40 tỷ đồng.

 

- Tham gia Chợ phiên nông sản do Hội Nông dân Thành phố tổ chức kỳ 01, từ ngày 29/6 – 03/7/2017. Trong 05 ngày diễn ra Hội chợ, với sự tham gia của 15 đơn vị, tại Ngôi nhà chung của nông nghiệp Thành phố đã đón tiếp 7.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu thông tin, giao lưu kết nối tiêu thụ sản phẩm.

- Tham gia Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 17 – AgroViet 2017 (từ ngày 21/9 – 24//9/2017) tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, Quận 11.

Đ.K


Số lượt người xem: 3393    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm