SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
5
7
2
TIN TRỒNG TRỌT 06 Tháng Năm 2013 9:55:00 SA

sản xuất cây ăn trái trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện nội dung văn bản số 25/CV-VPPN ngày 18/4/2013 của Cục Trồng trọt về việc lập báo cáo tại hội nghị lịch thời vụ sản xuất rải vụ một số cây ăn trái chủ lực; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình sản xuất cây ăn trái trong năm 2012 trên địa bàn thành phố như sau:

 

I. Đặc điểm tình hình:

Vườn cây ăn trái tại thành phố Hồ Chí Minh tập trung tại các xã, phường ven sông Sài Gòn thuộc các huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, Quận 12, Quận Thủ Đức; ven sông Đồng Nai tại các phường thuộc Quận 9; giồng cát ven biển tại các xã thuộc huyện Cần Giờ và các xã vùng phèn Tây Nam thuộc huyện Bình Chánh, với tổng diện tích là 10.000 ha, các vùng cây ăn trái tập trung gồm:

- Vùng ven sông Sài Gòn: 3.326 ha, là vùng có truyền thống lâu đời với những vườn cây ăn trái lâu năm như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi, măng cụt. Hiện người dân đang trồng mới thêm một số chủng loại khác: nhãn, xoài, chanh, mận… tại các xã như: Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, An Phú, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông (Củ Chi): Nhị Bình, Đông Thạnh (Hóc Môn ); Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An, An Phú Đông (Quận 12); Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông (Quận Thủ Đức).

- Vùng ven sông Đồng Nai: 1.170 ha với các vườn chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài, bưởi, cam quýt, mãng cầu xiêm tại các phường Long Phước, Long Trường, Long Bình, Long Thạnh Mỹ (Quận 9).

- Vùng giồng cát ven biển: 302 ha, nhà vườn đã có từ lâu đời và nổi tiếng với chất lượng của trái xoài, mãng cầu, nhãn tại 2 xã Long Hòa, Cần Thạnh (Cần Giờ).

- Vùng phèn Tây Nam: 3.240 ha, trồng dứa tại xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân; trồng xoài tại các xã Tân Quý Tây, Bình Chánh, Đa Phước, Phong Phú, Hưng Long (Bình Chánh).

 

II. Kết quả sản xuất năm 2012:

 

Diện tích cây ăn trái trên địa bàn thành phố đạt 10.000 ha, tăng 2,0% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 90.000 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ.

 

         1. Các mô hình sản xuất cây ăn trái có hiệu quả:

         - Trong năm 2012, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 12 mô hình sản xuất cây ăn trái có hiệu quả, tiêu biểu là các mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái tại xã Trung An, huyện Củ Chi và phường Trường Thọ, quận 9, cụ thể như sau:

         + Vườn bưởi da xanh trồng xen của ông Võ Văn Dình tại xã Trung An, Củ Chi.

         + Mô hình xử lý vườn chôm chôm trái vụ tại hộ Cao Thị Kim Nguyên xã Trung An, Củ Chi cho hiệu quả kinh tế cao.

         + Mô hình canh tác vườn ổi không hạt theo VietGAP tại hộ ông Võ Văn Phích và Đỗ Xuân Thành xã Trung An, Củ Chi.

         + Phát triển du lịch vườn của ông Trần Công Danh tại phường Trường Thọ, Quận 9.

         - Ngoài ra còn có các mô hình cây ăn trái khác như mô hình trồng sầu riêng RI 6, dâu Hà Châu tại huyện Củ Chi, mô hình trồng dừa dứa tại quận 9, mô hình trồng dừa xiêm lùn tại Bình Chánh… mang lại hiệu quả cao.

2. Tình hình sản xuất cây ăn trái theo quy trình VietGAP:

Trong năm 2012, Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ tổ chức hội thảo, tập huấn quy trình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP cho 100 lượt hộ trồng xoài.

Trung tâm Khuyến nông đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam tổ chức tập huấn về sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn bà con nông dân ghi nhật ký sản xuất và hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký chứng nhận VietGAP.

Đến cuối năm 2012, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 29 hộ sản xuất cây ăn trái gồm: 23 hộ trồng xoài tại Cần Giờ, với diện tích 13,55 ha và 6 hộ là tổ viên Tổ cây ăn trái Trung An, huyện Củ Chi, với diện tích 3,22 ha.

 

3. Xúc tiến thương mại:

Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp có một số hoạt động phối hợp tổ chức thành công Hội thi Trái ngon – An toàn Nam bộ lần thứ 4, năm 2012, tại Công viên Văn hóa Suối Tiên.

 

4. Thuận lợi, khó khăn:

 

4.1. Thuận lợi:

- Diện tích vườn cây ăn trái nằm dọc ven sông Sài Gòn có nước ngọt quanh năm.    

         - Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái.

         - Giống cây ăn trái đa dạng, chất lượng cao.

         - Có thị trường tiêu thụ lớn.

 

4.2. Khó khăn:

         - Số vườn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vườn tạp còn nhiều nên khó áp dụng khoa học kỹ thuật.

         - Năng suất của các vườn cây ăn trái tại thành phố còn thấp dẫn đến sản lượng không đủ lớn nên khó tiêu thụ.

 

III. Kế hoạch sản xuất năm 2013:

 

1. Diện tích, năng suất, sản lượng năm 2013:

- Diện tích cây ăn trái  trên địa bàn thành phố năm 2013 đạt 10.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn… với các chủng loại chủ lực như xoài, chôm chôm, dứa, măng cụt...thời vụ trồng bắt đầu vào đầu mùa mưa.

- Năng suất dự kiến: 9 tấn/ha.

- Sản lượng dự kiến: 90.000 tấn.

 

2. Những giải pháp cụ thể:

2.1. Giải pháp qui hoạch phát triển vùng cây ăn trái tập trung:

Theo Quyết định 5930/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”, diện tích cây ăn trái của thành phố đến năm 2015 khoảng 9.710 ha, năm 2020 khoảng 8.270 ha và năm 2025 là 8.000 ha, tập trung vùng ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.

Định hướng quy hoạch khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn ven sông Sài Gòn trên địa bàn huyện Củ Chi với diện tích 4.850 ha, cây trồng chính là măng cụt, chôm chôm, dâu, bưởi, dừa,...

 

2.2. Giải pháp về thị trường tiêu thụ:

- Thường xuyên điều tra, khảo sát thị trường, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhằm xác định loại và giống cây ăn trái phù hợp với từng thời vụ.

- Xây dựng thương hiệu cho một số loại cây ăn trái chủ lực, duy trì và phát triển những thương hiệu qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đóng gói.

- Thông tin, tuyên truyền kết hợp du lịch sinh thái để tiêu thụ sản phẩm.

 

2.3. Giải pháp về kỹ thuật:

- Thay dần các giống cũ, trồng giống mới cho năng suất và chất lượng cao.

- Xây dựng chế độ chăm sóc và quy trình bón phân đúng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống, chủng loại cây trồng; của từng vùng tự nhiên.

- Tăng dần cơ giới hóa trong trồng mới, chăm sóc vườn cây ăn trái.

- Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc sau thu hoạch vườn cây. Cải tạo vườn tạp, vườn già cỗi; thiết kế vườn trồng mới có mật độ trồng phù hợp cho  cây sinh trưởng và phục vụ du lịch sinh thái.

2.4. Chính sách hỗ trợ đầu tư:

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 -2015;

 

2.4. Giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường:

 

- Tuyên truyền, vận động nhà vườn trồng cây ăn trái theo quy trình sản xuất an toàn và truy nguyên được nguồn gốc như VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đồng thời đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng cây ăn trái trên địa bàn thành phố: nhất là tại chợ đầu mối và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố.


Số lượt người xem: 11655    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm