SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
6
8
4
5
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 Tháng Ba 2019 3:35:00 CH

Kết quả sản xuất nông nghiệp 3 tháng đầu năm 2019

Năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu: Thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung vào phát triển sản xuất giống cây con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định bền vững; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ngoại thành

Trong 3 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp tập trung triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và dịch hại trên cây trồng; trọng tâm là công tác phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang phát triển 06 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực ngành nông nghiệp của thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học gồm: rau, hoa cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ, cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng). Triển khai các cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận được các cơ chế ưu đãi để vay vốn phát triển sản xuất. Triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiến hành thẩm định các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 56 xã của 5 huyện ngoại thành. Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính với chủ đề của năm 2019 là "Năm đột phá công tác cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội"; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng hội nhập CPTPP. Phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp góp phần thực hiện xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Kết quả, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4.843 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: Trồng trọt đạt 1.052 tỉ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ; chăn nuôi đạt 2.080 tỉ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ; thủy sản đạt 1.376 tỉ đồng, tăng 6,7% cùng kỳ.

Diện tích gieo trồng rau đạt 3.876 ha, tăng 6,9% so cùng kỳ; sản lượng 108.722 tấn, tăng 7,4% so cùng kỳ. Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.253 ha, tăng 10,4% so cùng kỳ; trong đó hoa lan đạt 359 ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Tổng đàn bò 131.500 con, tăng 1,5% so cùng kỳ, trong đó, đàn bò thịt 67.138 con, tăng 8,3% so cùng kỳ và đàn bò sữa 64.362 con, giảm 4,7% so cùng kỳ; riêng cái vắt sữa 34.755 con, tăng 1,3% so cùng kỳ, sản lượng sữa bò tươi 52.237 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ. Tổng đàn heo 300.400 con, giảm 2,1% so cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản 40.600 con, giảm 3,8% so với cùng kỳ; sản lượng thịt heo hơi 18.600 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi chim yến lấy tổ đạt 2.800 kg, tăng 30,2% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản đạt 13.682 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ. Cá cảnh đạt 55 triệu con, tăng 19,1% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu cá cảnh đạt 5,3 triệu con (tăng 3,9% so cùng kỳ), giá trị kim ngạch xuất khẩu 6,7 triệu USD (xấp xỉ cùng kỳ).

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị 3 tháng đã phê duyệt 58 quyết định, 133 hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư 163,7 tỉ đồng, tổng vốn vay 74,3 tỉ đồng. Lũy tiến từ năm 2011 đến nay, phê duyệt 8.123 quyết định, 23.964 hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư 12.696,5 tỉ đồng, tổng vốn vay 7.749,6 tỉ đồng.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất đặc biệt quan tâm thực hiện theo Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP; Quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn”; Hỗ trợ các cơ sở áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP) trong quá trình sản xuất. Đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổng số cơ sở đã được chứng nhận VietGAP còn hạn trên địa bàn thành phố là 364 cơ sở, với diện tích canh tác 577,96 ha, sản lượng ước tính 51.297 tấn/năm. Lũy tiến đến nay, tổng số cơ sở sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP là 1.174 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác là 1.381,5 ha, sản lượng dự kiến 129.110 tấn/năm.

Từ tháng 8/2016 (từ khi có Quyết định số 3907/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố) đến nay thành phố có 505 doanh nghiệp thành lập mới và tổng số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản đang hoạt động tại thành phố hiện nay là 1.471 doanh nghiệp nông nghiệp. Tổ chức 10 địa điểm chợ phiên nông sản an toàn và 3 tháng tổ chức được 14 kỳ chợ phiên, có 225 đơn vị, với 243 gian hàng (bình quân mỗi kỳ chợ phiên có 20 đơn vị, 21 gian hàng). Lũy tiến từ năm 2016 đến nay đã tổ chức 314 kỳ chợ phiên, có 6.002 lượt đơn vị, với 6.813 gian hàng. Qua các kỳ chợ phiên các đơn vị đã kết nối tiêu thụ nông sản đạt 146 hợp đồng, đơn đặt hàng với giá trị khoảng 16,83 tỷ đồng/tháng.

Đ.K

 


Số lượt người xem: 2369    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm