SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
5
6
5
Tin tức tổng hợp 18 Tháng Sáu 2018 2:05:00 CH

Kết quả sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2018

Tiếp tục thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh là “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao; bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá cảnh, sữa của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp”.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp tập trung triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và dịch hại trên cây trồng; công tác phòng, chống triều cường, công tác quản lý bảo vệ rừng, động vật hoang dã và phòng, chống cháy rừng. Hỗ trợ, hướng dẫn hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn như hoa cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn và các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Triển khai các cơ chế, chính sách nông nghiệp – nông thôn, phát triển các cây con chủ lực, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp tiếp cận được các cơ chế ưu đãi để vay vốn phát triển sản xuất. Triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới 56 xã và đề án xây dựng huyện nông thôn mới của 5 huyện ngoại thành, thực hiện phong trào thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới.

Kết quả, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8.574,4 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: Trồng trọt đạt 1.964 tỉ đồng, tăng 6,6% so cùng kỳ; chăn nuôi đạt 3.302 tỉ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ; thủy sản đạt 2.662 tỉ đồng, tăng 6,3% cùng kỳ. Chuyển dịch cơ cấu tiếp tục theo hướng nông nghiệp đô thị, giảm diện tích trồng lúa một vụ và trồng mía hiệu quả thấp sang hoa cây kiểng, rau an toàn, bò thịt, cá cảnh…; trồng trọt chiếm tỉ lệ 22,9%, chăn nuôi 38,5%, thủy sản 31% và dịch vụ nông nghiệp 6,7%.

Diện tích gieo trồng rau đạt 7.689 ha, tăng 16,5% so cùng kỳ. Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.093 ha, tăng 6,2% so cùng kỳ; trong đó hoa lan đạt 359 ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tổng đàn bò 132.011 con, giảm 0,4% so cùng kỳ, trong đó, đàn bò sữa 73.646 con, giảm 3,5% so cùng kỳ; riêng cái vắt sữa 37.412 con, giảm 2,1% so cùng kỳ. Tổng đàn heo 303.039 con, giảm 9% so cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản 40.260 con, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi chim yến lấy tổ đạt 4.250 kg, tăng 23,2% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản đạt 26.731 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ. Cá cảnh đạt 92 triệu con, tăng 22,6% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu cá cảnh đạt 10,6 triệu con (tăng 14,8% so cùng kỳ), giá trị kim ngạch xuất khẩu 12,8 triệu USD (tăng 10,6% so cùng kỳ).

Chương trình xây dựng nông thôn mới có sự tham gia cả hệ thống chính trị từ thành phố đến huyện, xã và sự hỗ trợ của các đơn vị “chung sức xây dựng nông thôn mới” là nguồn lực động viên, khuyến khích, vận động người dân 56 xã tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đến nay Ủy ban nhân dân phê duyệt 56/56 đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã. Bình quân mỗi xã đạt 9/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố. Kết quả điều tra thu nhập bình quân đầu người là 4,098 triệu đồng/người/tháng, 49,18 triệu đồng/người/năm, tăng 23,8% so với năm 2014 là 39,72 triệu đồng/người/năm.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất đặc biệt quan tâm thực hiện theo Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Huy động sức mạnh liên ngành triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cụ thể như: Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP; Quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn”; Hỗ trợ các cơ sở áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP) trong quá trình sản xuất thực phẩm. Đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm, thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không đảm bảo về về an toàn thực phẩm. Đến nay, đã phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thực hiện “chuỗi thực phẩm an toàn” cấp 183 giấy chứng nhận cho 90 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế tham gia chuỗi thuộc địa bàn thành phố và các tỉnh, với tổng sản lượng 102.000 tấn/năm.

Chứng nhận VietGAP cho 49 cơ sở sản xuất rau củ quả, với diện tích 88,590 ha; lũy tiến đến nay, tổng số cơ sở trên địa bàn thành phố chứng nhận VietGAP là 1.113 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác là 901,9ha, tương đương 4.983,07 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 117.247 tấn/năm. Chứng nhận VietGAP cho 1.469 hộ nuôi heo tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, với tổng đàn 146.621 con. 447 cơ sở nuôi tôm xây dựng mô hình nuôi thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại huyện Nhà Bè và Cần Giờ, với diện tích 551,57 ha.

Có 114 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản thành lập mới, lũy tiến từ tháng 8 năm 2016 đến nay thành phố có 386 doanh nghiệp thành lập mới và tổng số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản đang hoạt động tại thành phố hiện nay là 1.352 doanh nghiệp. Tổ chức 6 địa điểm chợ phiên nông sản an toàn và tổ chức được 62 kỳ chợ phiên, có 1.154 đơn vị, với 1.330 gian hàng; lũy tiến đến nay đã tổ chức 157 kỳ chợ phiên, có 3.034 lượt đơn vị, với 3.596 gian hàng. Qua các kỳ chợ phiên các đơn vị đã kết nối tiêu thụ nông sản đạt 84 hợp đồng, đơn đặt hàng với giá trị khoảng 8,6 tỷ đồng/tháng.

Việc ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách đã giúp cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị 6 tháng đã phê duyệt 54 quyết định, 142 hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư 167,923 tỉ đồng, tổng vốn vay 109,425 tỉ đồng. Một số dự án chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá và ăn quả ứng dụng công nghệ cao đã đi vào sản xuất, nên diện tích trồng các loại rau ăn lá và ăn quả ứng dụng công nghệ cao đến nay đã có 406,7 ha diện tích canh tác, tăng khoảng 101,3% so với cùng kỳ (202 ha).  Trong đó, dự án 470 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi của Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri đã có 329,3 ha, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao có 22 ha sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn quả cung cấp ra thị trường.

 

 

 

Đặng Kiệt


Số lượt người xem: 2984    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm