SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
4
3
3
8
TIN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 04 Tháng Năm 2015 2:15:00 CH

Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới

 

 

 

Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Tất Thành Cang tại Hội nghị điển hình tiên tiến Hội Nông dân Thành phố giai đoạn 2010 – 2015. 05 năm qua, Hội Nông dân Thành phố đã triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến với hội viên ở cơ sở. Các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp đô thị, thi đua xây dựng nông thôn mới thu hút cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Thành phố.

Với dân số tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) khoảng 1,5 triệu người, 376 ngàn hộ; có trên 9.887 hộ dân hiến đất, với tổng diện tích trên 1.200.000 m2 đất, giá trị trên 990 tỷ đồng, để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, văn hóa tại 56 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, giáo dục, văn hóa... ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh; thúc đẩy phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp được đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiệu quả, bền vững. Thu nhập hộ gia đình tại 56 xã bình quân đạt 40,02 triệu đồng/người/năm. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2008 thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 2,359 triệu đồng/người/tháng; cao gấp 1,8 lần so với nông thôn; đến năm 2010, cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2014 chỉ còn 1,2 lần.

Giao lưu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại Hội nghị điển hình tiên tiến Hội Nông dân Thành phố giai đoạn 2010 – 2015, đại diện 78.000 hội viên các cấp, chị Cao Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn tâm sự, năm 2010, thực trạng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Xuân Thới Thượng trên 1.000 ha, chủ yếu trồng lúa và hoa màu, thu nhập người dân rất thấp. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2010 – 2015 về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, chị mạnh dạn vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên. Bước đầu nhờ các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố tổ chức tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn Thành phố và ngoài tỉnh, từ đó các hội viên ứng dụng mô hình sản xuất công nghệ cao như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, sản xuất rau theo quy trình VietGAP. Chị vận động hội viên tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giòng, nhằm giúp hội viên sản xuất rau an toàn có thương hiệu và tiêu thụ ổn định. Với diện tích trồng rau an toàn của xã hàng năm khoảng 495 ha, năng suất đạt 25 tấn/ha. Hợp tác xã tổ chức cho nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau an toàn bình quân mỗi ngày từ 4 – 5 tấn vào các hệ thống siêu thi, 5 – 7 tấn vào 19 điểm tiêu thụ ở các trường học, công ty, xí nghiệp. Ngoài ra, Hội còn bảo lãnh tín chấp cho nông dân vay vốn mua giống, phân bón, máy móc, thiết bị nông nghiệp thông qua nguồn vốn CCM của Liên minh Hợp tác xã Thành phố trên 2,2 tỷ đồng và hướng dẫn cho 1.392 lượt hộ nông dân vay vốn theo chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, với kinh phí 45,3 tỷ đồng; 457 lượt hộ vay 11,9 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân Thành phố.

Tương tự anh Bùi Văn Ngọc, hội viên Hội Nông dân phường Linh Xuân, quận Thủ Đức cho biết, với diện tích 100 m2, năm 2006 anh mạnh dạn vay vốn đầu tư và sưu tập trồng 3.000 cây hoa lan, vừa chơi vừa bán, mỗi năm anh thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Năm 2007 cho đến nay, với kiến thức và kinh nghiệm, cộng tâm huyết với nghề, anh được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Thanh phố mời tham gia giảng dạy cho khoảng 100 lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, mỗi lớp từ 20 – 30 học viên. Qua khảo sát của anh, các học viên sau khi học đã áp dụng vào sản xuất khoảng trên 7 nhà vườn trồng lan có diện tích trên 01 ha, 210 nhà vườn trồng lan có diện tích trên 100 m2. Qua 07 năm làm giảng viên giảng dạy kỹ thuật trồng hoa lan cho hội viên, những khoảng tiền thù lao, anh tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp các quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ nông dân,... để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hường, hội viên Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò sữa từ năm 2006, đến nay đàn bò sữa của chị có 40 con, trong đó 25 con cái vắt sữa. Năm 2009, chị được Hội Nông dân xã vận động đứng ra thành lập tổ hợp tác nuôi bò sữa, bước đầu có 07 thành viên, sau phát triển có 75 thành viên tham gia. Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho tổ viên. Năm 2014, chị đứng ra thành lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Phụng Hiệp và xây dựng trạm trung chuyển thu mua sữa tươi. Hiện trạm đã thu mua sữa tươi cho 80 nông dân nuôi bò sữa trên địa bàn xã, bình quân khoảng 2.555 tấn/năm, với mức từ 12.500 – 13.000 đồng/kg. Ngoài ra, chị còn bảo lãnh 10 hộ chăn nuôi mua máy vắt sữa trả góp trong vòng 6 tháng và tham gia hỗ trợ chương trình “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo” do Hội Nông dân Thành phố phối hợp Đài Truyền hình Thành phố tổ chức hàng năm.

 

Cả 3 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trước đây, họ đều là những nông dân cơ cực, nghèo khó, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" lam lũ với ruộng đồng, vậy mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Song thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như được sự giúp đỡ về mọi mặt của Hội Nông dân các cấp cộng với sự cần cù chịu khó, ham học hỏi nên họ đã kịp thời nắm bắt mọi thời cơ để sản xuất, vực dậy kinh tế gia đình và giờ đây họ đã trở thành những nông dân triệu phú và đại diện cho 78.000 hội viên các cấp tham dự đại hội thi đua yêu nước và biểu dương những nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ 4 năm 2015.

 

 

 

 

 

 

Mô hình trồng hoa lan của ông Bùi Văn Ngọc, phường Linh Xuân, Q.Thủ Đức

 

 

 

Đặng Kiệt

 

 



Số lượt người xem: 6424    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm