SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
6
4
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 Tháng Năm 2019 10:05:00 SA

Bổ sung nội dung các tình huống ứng phó bệnh dịch tả heo Châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp, có nguy cơ mầm bệnh xâm nhập và lây lan vào các tỉnh phía Nam ngày càng cao; để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhằm ổn định tình hình chăn nuôi và thị trường tiêu thụ thịt heo trên địa bàn thành phố, nhất là không để người dân hoang mang, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngành chăn nuôi của thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 20/4/2019 về việc bổ sung nội dung các tình huống thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn thành phố được ban hành kèm theo Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 09/01/2019.

Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, thực hiện chặt chẽ các nội dung để hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn thành phố, cụ thể:

Tình huống 1: Bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh phía Bắc hoặc khu vực các tỉnh miền trung (các tỉnh không cung cấp nguồn heo, sản phẩm thịt heo cho thị trường thành phố).

- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh các cấp, kể cả các khu vực đường sông, ven kênh rạch, trong đó tập trung kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh, việc áp dụng “5 không” tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ nhập cư trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh trái phép trên địa bàn; đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vứt bỏ xác động vật trên sông, rạch hoặc khu vực giáp ranh với các tỉnh, nhằm khoanh vùng xử lý, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào thành phố và lây lan trên diện rộng.

- Thành phố thành lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ hướng các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào thành phố; Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi thành lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động tại khu vực cầu Phú Cường (khu vực giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương) để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ các tỉnh phía Bắc, Tây nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào thành phố hay quá cảnh thành phố đi về các tỉnh miền Tây. Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an thành phố tăng cường kiểm tra giám sát vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển qua tuyến đường sông.

- Rà soát số lượng heo thịt đến tuổi xuất chuồng (trọng lượng bình quân trên 90kg) của từng địa bàn để tổ chức thu mua, chủ động giảm đàn và hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh.

- Vận động các chủ các cơ sở giết mổ, các hộ kinh doanh giết mổ trên địa bàn thành phố chỉ tiếp nhận heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong đó ưu tiên nguồn heo thịt đến tuổi xuất chuồng của người chăn nuôi thành phố; không tổ chức thu mua heo từ các điểm thu gom, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, dễ phát sinh dịch bệnh, nhằm hạn chế thiệt kinh tế khi phải xử lý heo bệnh.

- Rà soát xử lý triệt để các hộ kinh doanh giết mổ heo hoạt động trái phép trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thịt heo, sản phẩm chế biến tại các chợ, điểm kinh doanh, siêu thị...đặc biệt là tại các khu vực ngoại thành.

- Tổ chức rà soát, chuẩn bị các phương án tổ chức tiêu hủy, vị trí chôn lấp heo sống, sản phẩm thịt heo, các hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con heo.

- Tổ chức hỗ trợ hóa chất, thuốc tiêu độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn để chủ động thực hiện tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, lối vào khu vực chăn nuôi. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách sử dụng thuốc tiêu độc khử trùng được cấp phát để sử dụng có hiệu quả.

- Bố trí lực lượng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, hóa chất, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, địa điểm chôn lấp để kịp thời xử lý khi phát hiện bệnh Dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn, nhất là trong các trường hợp phải tiêu hủy heo sống với số lượng lớn.

Tình huống 2: Bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt heo cho thị trường thành phố.

- Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như tình huống 1. Trong trường hợp phát hiện giết mổ gia súc trái phép, vận chuyển heo sống, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật.

- Tăng cường lấy mẫu giám sát vi rút Dịch tả heo Châu Phi trên thịt heo từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối và các chợ truyền thống. Quy cách và số lượng lấy mẫu thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.

- Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố như tuyến Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đi Trung Lương, Tiền Giang…), tuyến đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10)  nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển vào thành phố giết mổ, tiêu thụ. Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường kiểm soát việc vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo qua các phương tiện ghe thuyền. Ủy ban nhân dân Quận 12 thành lập chốt kiểm dịch tạm thời khu vực Cầu Phú Long kiểm soát vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo qua cửa ngõ này.

- Làm việc với các tỉnh trong khu vực có cung cấp nguồn heo sống, sản phẩm thịt heo để xác định những nguồn heo an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố để giết mổ tiêu thụ. Thống nhất biện pháp kiểm soát đối với nguồn heo an toàn dịch bệnh hoặc sản phẩm thịt heo từ các tỉnh được phép kiểm dịch nhập vào thành phố tiêu thụ.

- Vận động các hộ kinh doanh giết mổ tổ chức thu mua đàn heo đến tuổi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, để chủ động giảm đàn, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh.

- Các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện bố trí thời gian kiểm tra phù hợp (khung giờ hoạt động kinh doanh thịt heo thực tế của chợ) kiểm soát nguồn heo nhập tại các chợ truyền thống, chợ tự phát. Xử lý nghiêm và tiêu hủy các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo không qua kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

Tình huống 3: Xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

- Biện pháp xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh:

+ Trường hợp 01 ổ dịch là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại không có dãy chuồng riêng biệt: Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện heo bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi.

+ Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn heo bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả heo Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

+ Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ heo trong dãy chuồng; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

- Biện pháp khoanh vùng ổ dịch:

+ Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả heo Châu Phi.

+ Đối với các hộ chăn nuôi có đàn heo khỏe trong xã có dịch hoặc các xã giáp ranh có bán kính 3km từ tâm vùng dịch, phải thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi 1 ngày/1 lần trong tuần đầu tiên, 2 ngày/lần trong các tuần tiếp heo, rắc vôi sống lối ra vào chuồng trại, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn heo không được bán chạy làm phát tán lây lan dịch bệnh.

+ Đối với đàn heo khỏe mạnh, không có triệu chứng lâm sàng trong các xã liền kề xã có dịch, bên ngoài bán kính 3km, thực hiện tiêu độc khử ngày 2 ngày/1 lần liên tục trong thời gian chống dịch, đối với heo thịt đến tuổi xuất chuồng đăng ký với Hội nông dân xã tổng hợp cung cấp danh sách cho Chi cục Chăn nuôi Thú y hướng dẫn tiêu thụ.

+ Hỗ trợ hóa chất, thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi heo trong xã có dịch, xã liền kề xã có có dịch để người dân chủ động thực hiện tiêu độc khử trùng hạn chế dịch bệnh lây lan.


Số lượt người xem: 2781    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm