SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
5
9
8
6
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 22 Tháng Mười Một 2013 10:45:00 SA

Kết quả phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố năm 2013, kế hoạch 2014

I.             TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2013

1.            Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

1.1.Về tốc độ tăng trưởng:

- GDP: năm 2012, GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố đạt 6.824 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 6% so với năm 2011 (cả nước tăng 2,7%); ước năm 2013, GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố đạt 7.767 tỉ đồng, tăng 5,6% so với năm 2012 (cả nước dự kiến tăng 2,8%). Dự kiến giai đoạn 2011-2013, GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố tăng bình quân 5,7%/năm (cả nước tăng 3,3%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra (5%).

Năm 2013, dự kiến GDP nông lâm ngư nghiệp chiếm 1% trong tổng GDP toàn thành phố, đạt chỉ tiêu đề ra.

 

- Giá trị sản xuất: năm 2012, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thành phố đạt 13.126 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 6% so với năm 2011 (cả nước tăng 3,4%); ước cả năm 2013, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 14.508 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 6% so năm 2012; dự kiến giai đoạn 2011 – 2013, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 6%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra (6%).

1.2.Về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp:

- Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao như: rau (doanh thu bình quân 700 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 400 triệu đồng/ha/năm), hoa lan (doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 900 triệu đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con: doanh thu khoảng 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận hơn 90 triệu đồng/năm), nuôi tôm sú quy mô công nghiệp (doanh thu bình quân khoảng 450 triệu đồng/ha/năm),  cá cảnh (lợi nhuận từ 20 đến 60 triệu đồng/năm với quy mô 30 – 40m2).

- Sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản xuất một số sản phẩm triển vọng, hiệu quả kinh tế cao như: dưa lưới, nấm ăn, nấm dược liệu… phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Về cơ cấu giá trị sản xuất: năm 2012, trồng trọt chiếm tỉ lệ 23,2% (năm 2011: 24,8%), chăn nuôi: 46,3% (năm 2011: 47,8%), dịch vụ nông nghiệp: 7,1% (năm 2011: 6,6%), thủy sản: 22,5% (năm 2011: 19,7%); ước cả năm 2013, trồng trọt chiếm tỉ lệ 22,7%, chăn nuôi: 45,7%, dịch vụ nông nghiệp: 7%, thủy sản: 23,6%.

1.3.Về hiệu quả sản xuất:

- Mặc dù diện tích đất nông nghiệp hằng năm có giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất vẫn tăng. Năm 2012, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn khoảng 54.900 ha[1], giá trị sản xuất đạt  239,1 triệu đồng/ha/năm, năm 2013, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 51.340 ha, giá trị sản xuất ước đạt 282,6 triệu đồng/ha/năm, bình quân giai đoạn 2009 – 2013 tăng 19,2%/năm.

 

- Năm 2012, lao động nông nghiệp trên địa bàn thành phố có khoảng 85.800 người, năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt 79,6 triệu đồng/lao động/năm. Năm 2013, lao động nông nghiệp có khoảng 78.700 người, năng suất lao động bình quân ước đạt 98,6 triệu đồng/lao động/năm, bình quân giai đoạn 2009 – 2013, năng suất lao động nông nghiệp tăng 32%/năm.

 

- Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn đạt 1,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 66,6% so với khu vực thành thị. Năm 2012, thu nhập bình quân/người/tháng theo giá hiện hành của khu vực nông thôn là  2,727 triệu đồng (khoảng hơn 32,7 triệu đồng/người/năm), tăng 41,2% so năm 2010, bằng 80,6% so với khu vực thành thị; tăng bình quân 18,84%/năm giai đoạn 2010 - 2012. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn có xu hướng giảm dần qua các năm[2].

2.            Kết quả sản xuất một số lĩnh vực

2.1.Trồng trọt: một số loại cây trồng chính

- Rau: diện tích gieo trồng rau trong 10 tháng đầu năm 2013 ước đạt 14.274 ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó rau an toàn là 13.988 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ; diện tích thu hoạch đạt 12.614 ha, tăng 2,1% so cùng kỳ, sản lượng đạt 288.273 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2013: diện tích gieo trồng rau ước đạt 14.714 ha, tăng 1,8% so 2012, sản lượng ước đạt 335.945 tấn, tăng 3,6% so 2012.

- Hoa, cây kiểng: tổng diện tích hoa, cây kiểng 10 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1.753 ha, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó mai 483 ha, xấp xỉ so cùng kỳ; lan 210 ha, xấp xỉ so cùng kỳ; hoa nền 600 ha, tăng 9,1% so cùng kỳ; kiểng, bonsai 460ha, tăng 31,4% so cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2013 ước đạt 2.090 ha, tăng 4% so 2012.

2.2.Chăn nuôi:

- Bò sữa: tổng đàn bò sữa đến nay đạt 99.811 con, tăng 8,3% so với cùng kỳ; riêng cái vắt sữa 46.500 con, tăng 8,5% so cùng kỳ. Sản lượng sữa bò tươi đạt trên 207.000 tấn, tăng 8,9% so cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2013, tổng đàn bò sữa đạt 100.000 con, tăng 11,4% so 2012, sản lượng sữa tươi đạt 259.900 tấn, tăng 12,3%.

- Heo: tổng đàn đến nay đạt 335.621 con, đạt 94,7% so với cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản là 43.083 con. Dự kiến cả năm 2013, tổng đàn đạt 337.000 con, đạt 92,8% so 2012.

- Chim yến: đây là nghề nuôi mới nhưng có bước phát triển khá, chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 2010 đến nay, số nhà nuôi đã đạt trên 400 nhà, trong đó riêng địa bàn huyện Cần Giờ có 197 nhà. Sản lượng tổ yến trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 1.850 kg, tăng 85% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2013 đạt 3.000 kg, tăng 1,5 lần so 2012, với mức giá bình quân dao động từ 35 – 40 triệu đồng/kg, giá trị sản lượng tổ yến có thể đạt khoảng 105 – 120 tỉ đồng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương phối hợp với các Sở ngành và Ủy ban nhân dân các quận huyện lập quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn thành phố.

- Cá sấu: tổng đàn cá sấu trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 187.500 con, tăng 11,9% so cùng kỳ. Dự kiến phát triển ổn định đến cuối năm.

2.3.Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản trong 10 tháng đầu năm ước đạt 47.978 tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ, trong đó:

- Sản lượng nuôi trồng: 26.678 tấn, tăng 13,3% so cùng kỳ.

- Sản lượng đánh bắt: 21.300 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ.

- Cá cảnh: 69 triệu con, tăng 13,1% so cùng kỳ. Trong đó số lượng cá cảnh xuất khẩu trong tháng 10 ước đạt 0,9 triệu con, lũy kế 10 tháng đầu năm 2013 trên 7,41 triệu con, đạt 96,6% so với cùng kỳ.

Dự kiến cả năm 2013, sản lượng thủy sản đạt 59.055 tấn, tăng 11,8% so 2012. Cá cảnh đạt 80 triệu con, xuất khẩu khoảng 10 triệu con.

2.4.Diêm nghiệp

Tổng số hộ tham gia sản xuất muối trên địa bàn huyện Cần Giờ là 672 hộ (giảm 01 hộ so với cùng kỳ); Tổng diện tích sản xuất niên vụ 2012 - 2013 là 1.516,8 ha (giảm 15,4 ha so với cùng kỳ) gồm 1.126,8 ha muối đất (giảm 303,4 ha so với cùng kỳ) và 390 ha muối trải bạt (tăng 288 ha so với cùng kỳ); Sản lượng thu hoạch là 90.421 tấn (tăng 42.310 tấn so với cùng kỳ) gồm muối đất 60.697 tấn (tăng 17.970 tấn so với cùng kỳ) và muối trải bạt 29.724 tấn (tăng 24.340 tấn so với cùng kỳ); sản lượng tiêu thụ 82.000 tấn (tăng 35.316 tấn so với cùng kỳ) gồm muối đất 54.100 tấn (tăng 12.700 tấn so với cùng kỳ) và muối trải bạt 27.900 tấn (tăng 22.616 tấn so với cùng kỳ); sản lượng còn lại 8.421 tấn (tăng 1.144 tấn với cùng kỳ) gồm muối đất 6.597 tấn (giảm 430 tấn so với cùng kỳ) và muối trải bạt 1.824 tấn (tăng 1.574 tấn so với cùng kỳ).

II.               KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1.            Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao

Năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng phối hợp với các Sở ngành và quận huyện triển khai các mặt công tác để sớm đưa chương trình vào vận hành. Một số kết quả cụ thể:

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 100 doanh nghiệp, hộ trại sản xuất kinh doanh giống, sản xuất và cung cấp giống phục vụ nhu cầu thị trường thành phố và các tỉnh. Trong đó: giống cây trồng có 41 đơn vị; giống vật nuôi 23 đơn vị; giống thủy sản 27 đơn vị, giống lâm nghiệp khoảng 09 đơn vị.

 

 

* Về giống cây trồng:

Thành phố có 46 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 41 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hạt giống (doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số).

-  Năm 2012, các doanh nghiệp đã sản xuất được trên 10.000 tấn hạt giống, tăng 24,7% so năm 2011. Lượng giống do các công ty sản xuất có thể phục vụ cho 800.000 ha diện tích gieo trồng tại thành phố, các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung (năm 2011: 600.000 ha). Số lượng giống mới được đưa vào sản xuất kinh doanh trong năm 2012 là 65 giống (năm 2011: 37 giống), chủ yếu là giống rau: 61 giống. Từ đầu năm 2013 đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất được trên 12.500 tấn hạt giống, tăng 35,6% so cùng kỳ. Có 33 giống rau, hoa được đưa vào sản xuất kinh doanh trong đó có 1 giống mới do công ty tự nghiên cứu lai tạo.

- Nhờ áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp đã góp phần tạo sản phẩm rau an toàn cung ứng cho tiêu dùng của thành phố, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng rau, năng suất gieo trồng rau trên địa bàn thành phố được cải thiện rất nhiều. Năm 2010, năng suất bình quân đạt 21,9 tấn/ha/vụ; đến năm 2013 đã tăng lên 22,8 tấn/ha/vụ, bình quân giai đoạn 2010 – 2013, năng suất trồng rau tăng trưởng đáng kể với tốc độ 1,4%/năm.

 

* Về giống vật nuôi:

- Bò sữa:

+ Trong 9 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi đã tổ chức bình tuyển, lập lý lịch cho 4.076 con bò sữa, tính từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay đã bình tuyển, lập lý lịch được 76.247 con (giai đoạn từ năm 2006 – 2012 là 39.039 con bò sữa), chiếm 81% đàn bò sữa thành phố; đang triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình cải thiện và nâng cao chất lượng giống bò sữa, trên cơ sở nhập nội 15.000 liều tinh cao sản chịu nhiệt và 1250 liều tinh phân giới tính có nguồn gốc lý lịch rõ ràng để gieo cho đàn bò sữa của thành phố Hồ Chí Minh.

+ Thực hiện theo dõi trên 5.122 con bê của các dòng tinh Israel, Mỹ, Canada, Moncada… tập trung tại các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi bò sữa như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Kết quả khảo sát cho thấy bê đời sau của các dòng tinh được gieo có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt hơn thế hệ trước, đàn bê đạt được các chỉ tiêu quan trọng của giống như: tầm vóc, màu lông, trọng lượng theo từng giai đoạn tuổi, chân, vú. Điều này có thể khẳng định rằng đàn bò sữa ở thành phố đã từng bước được cải thiện đáng kể sau khi sử dụng các dòng tinh chất lượng cao phối giống cho đàn bò cái nền để tạo ra những con giống có chất lượng cao hơn thế hệ trước.

+ Trong 9 tháng đầu năm 2013, khoảng hơn 18.000 con giống bò sữa được sản xuất để cung cấp cho thành phố, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh phía Bắc, giá bán bình quân dao động từ 30 – 45 triệu đồng/con. Doanh thu đạt trên 500 tỉ đồng.

 

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi tái cấu trúc đàn bò sữa, loại thải những cá thể có năng suất thấp, từng bước tái cấu trúc đàn bò sữa theo cơ cấu 65% sinh sản, trong đó 50% cái vắt sữa. Đến nay, đàn sinh sản chiếm 62,57% tổng đàn, vắt sữa 47,22%. 

 

- Heo: Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi heo đã thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể: so với năm 2005, số lứa đẻ tăng 10%, đạt 2,23 lứa đẻ/nái/năm, số ngày nuôi đạt trọng lượng 90 kg còn 155 ngày, giảm 14 ngày, rút ngắn thời gian xuất chuồng và giảm chi phí nuôi dưỡng, độ dày mỡ lưng giảm còn 10,98 mm … Bình quân hàng năm thành phố sản xuất và cung cấp cho các hộ chăn nuôi thành phố và nhiều tỉnh thành trong cả nước khoảng 1 triệu heo con giống.

* Về giống cây lâm nghiệp: hiện nay trên địa bàn thành phố có 15 hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp với tổng diện tích vườn ươm là 1,83 ha (và 1 công ty sản xuất giống cây lâm nghiệp. Hàng năm các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã đưa nhiều giống cây lâm nghiệp cao sản, có giá trị kinh tế vào sản xuất  như: Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Nam bộ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô giống Keo lai (nguồn của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) các dòng: BV10, BV16, BV32, BV33, BV73, BV75; Bạch đàn Urophilla và Keo lai thơm.

 

* Về giống thủy sản:

- Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 3 cơ sở sản xuất giống tôm sú; 24 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt và 15 cơ sở thuần dưỡng tôm thẻ.

- Ngoài thị trường thành phố Hồ Chí Minh, giống cá cảnh của thành phố còn được cung cấp cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Số lượng cá cảnh sản xuất năm 2012 đạt 70 triệu con, (tăng 7,7% so năm 2011); số lượng cá cảnh xuất khẩu cả năm 2012 đạt 9,5 triệu con với khoảng 50 loài có giá trị kinh tế như Chép Nhật, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Phượng Hoàng... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Châu Âu, Mỹ và một số nước Châu Á như Singapore, Hongkong, Nhật Bản... Riêng 9 tháng đầu năm 2013, số cá cảnh xuất khẩu là 7 triệu con, tăng 3,5% so cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2013 xuất khẩu khoảng 10 triệu con, tăng trên 5% so 2012.

2.            Chương trình phát triển hoa – cây kiểng

- Tổng diện tích hoa, cây kiểng cả năm 2013 ước đạt 2.090 ha, tăng 4% so với năm 2012. Riêng diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 là 1.186,42 ha, tăng 1,0% so với cùng kỳ. Diện tích tăng tập trung vào hoa nền, hoa lan, bon sai và cây kiểng.

- Lượng hoa kiểng sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 khoảng 677 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ (tăng 35,4% so với cùng kỳ); 2,65 triệu chậu lan (tăng 6,0% so với cùng kỳ); 3,9 triệu cành lan (tăng 8,3% so với cùng kỳ); 7,3 triệu chậu hoa nền (tăng 15,9% so với cùng kỳ) và 1,6 triệu chậu mai (xấp xỉ cùng kỳ). Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Quý Tỵ khoảng 1.498,2 tỷ đồng (tăng 14,6% so với cùng kỳ là 1.307 tỷ đồng).

3.            Chương trình phát triển rau an toàn

- Thành phố Hồ Chí Minh có 102 xã, phường có sản xuất rau. Năm 2011, diện tích canh tác rau đạt 2.835 ha (chiếm 5,2% tổng diện tích canh tác), giá trị sản xuất đạt 1.495 tỉ đồng (chiếm 13,5% tổng giá trị sản xuất). Đến năm 2012, diện tích canh tác rau đạt 3.024 ha, tăng 6,7% so năm 2011 (chiếm 5,5% tổng diện tích canh tác), nhưng giá trị sản xuất lại đạt 1.783 tỉ đồng, tăng 19,3% so năm 2011 (chiếm 13,6% tổng giá trị sản xuất). Dự kiến năm 2013 diện tích gieo trồng rau đạt 14.714 ha.

- Tại các vùng trồng rau đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức, huyện Bình Chánh; xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức xây dựng mô hình, hướng dẫn sản xuất rau theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất rau trên địa bàn thành phố, kết quả tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP đến tháng 9 năm 2013 là 347 tổ chức, cá nhân (là xã viên của các Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt, Phước An, Liên tổ Tân Trung; 06 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích là 209,8 ha, tương đương 935,7 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 28.008 tấn/năm.

4.            Chương trình phát triển bò sữa

- Năm 2012, tổng đàn bò sữa của thành phố đạt khoảng 89.800 con (tăng 5% so với năm 2011, chiếm trên 50% tổng đàn bò sữa cả nước, trên 60% tổng sản lượng sữa tươi cả nước), trong đó có 42.000 con cái vắt sữa nuôi tại 8.300 hộ dân. Năng suất sữa bình quân đạt 5.511 kg/con/năm, tương đương 15,1 kg/con/ngày. Sản lượng sữa tươi năm 2012 đạt khoảng 231.500 tấn (tăng 5,6% so với năm 2011). Bình quân hàng năm thành phố cung cấp cho các tỉnh trên 20.000 con giống bò sữa

- Các hộ, trại đã từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp chọn lọc, cải thiện cơ cấu đàn; tăng tỷ lệ đàn sinh sản và vắt sữa góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Một số chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn bò sữa thành phố đã có sự cải thiện so với năm 2011 như: tuổi phối giống lần đầu bình quân giảm 4,23% (năm 2011: 497 ngày, năm 2013 ước đạt khoảng 476 ngày); khoảng cách giữa 2 lứa đẻ giảm 0,46% (năm 2011: 436 ngày, năm 2013 ước đạt khoảng 434 ngày); thời gian chờ phối giảm 2,54% (năm 2011: 118 ngày. Năm 2013 ước đạt khoảng 115 ngày); hệ số phối giảm 0,58% (năm 2011: 3,56 liều, năm 2013 ước đạt khoảng 3,4 liều) đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

 

5.  Các dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia hai dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (LIFSAP) và dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học tại thành phố Hồ Chí Minh” (QSEAP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nhằm nâng cao việc sản xuất thực phẩm an toàn, hướng đến chứng nhận VietGAP cho một số sản phẩm như heo, rau.

 

5.1. Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP):

Đã triển khai thực hiện tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn với 646 hộ chăn nuôi tham gia, dự kiến đến cuối năm 2013 chứng nhận GAHP cho 113 hộ. Từ khi thực hiện đến nay, dự án đã hỗ trợ lắp đặt 284 hầm biogas; nâng cấp, bàn giao và đưa vào hoạt động 11 chợ thực phẩm tươi sống với tổng quy mô 422 quầy sạp.

5.2. Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học tại thành phố Hồ Chí Minh (QSEAP):

Đến nay, dự án đã tổ chức tập huấn cho nông dân về sản xuất rau an toàn theo VietGAP 76 lớp với 2.819 người tham dự; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 47 hộ sản xuất rau. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn các đơn vị chế biến và kinh doanh rau, lớp đào tạo tăng cường năng lực cho các bộ điều phối an toàn lương thực cấp huyện, xã 20 lớp với 2.017 người tham dự.

III.           KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP:

Thành phố đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015.

+ Từ đầu năm đến nay: đã có 1.172 quyết định phê duyệt, 2.559 hộ vay, tổng vốn đầu tư 1.084,6 tỷ đồng, tổng vốn vay 645,8 tỷ đồng (chiếm 60% tổng vốn đầu tư).

+ Lũy kế tình hình phê duyệt các phương án từ năm 2011 đến nay: có 2.508 quyết định phê duyệt, 9.207 hộ vay, tổng vốn đầu tư 3.879,4 tỷ đồng, tổng vốn vay 2.243,6 tỷ đồng (chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư). Bình quân 1 đồng vốn hỗ trợ lãi vay từ ngân sách huy động được khoảng 40 đồng vốn đầu tư của dân và doanh nghiệp phục vụ đầu tư, chuyển đổi sản xuất.

IV.            KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

1. Kết quả thực hiện tại 6 xã điểm:

 

- Đến nay, có 03 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí: xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ, huyện Củ Chi, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; 01 xã đạt 18/19 tiêu chí: xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, dự kiến đạt chuẩn tiêu chí môi trường (TC 17) trong năm 2013; 02 xã đạt 17/19 tiêu chí: xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, dự kiến cơ bản đạt chuẩn tiêu chí trường học (TC 5), tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (TC 6) trong năm 2013; xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, dự kiến cơ bản đạt chuẩn tiêu chí trường học (TC 5), tiêu chí chợ nông thôn (TC 7) trong năm 2013.

 

 

- Đã tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2012 và nhiệm vụ giải pháp thực hiện năm 2013 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

2. Kết quả thực hiện tại 50 xã nhân rộng:

 

- Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt được 48/50 xã , 02 xã còn lại: xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) đang hoàn chỉnh để trình UBND thành phố.

 

 

 

 

 

3. Công tác đào tạo:

 

- Tổ chức hội nghị đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 380 cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố.

 

 

- Triển khai tập huấn về xây dựng nông thôn mới tại 18 xã (trong đó có 6 xã điểm), với 1.170 lượt người tham dự.

 

 

- Triển khai tập huấn về phương pháp quản lý kinh tế hộ, cải thiện điều kiện sống của hộ, Chương trình, chính sách xây dựng nông thôn mới, Định hướng phát triển và bảo vệ cơ sở hạ tầng nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay đã tập huấn được 137 lớp với 8.364 lượt người tham dự.

 

 

V.   KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ CÔNG TÁC KHÁC

 

 

1. Lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn:

 

 

- Chương trình nước sinh hoạt: Quản lý khai thác 123 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho 328.162 nhân khẩu của 58.484 hộ dân ngoại thành. Trong tháng 10, ước lắp đặt thêm 182 đồng hồ nước; lũy kế 10 tháng đầu năm 2013 ước lắp đặt thêm 2.618 đồng hồ nước cho các hộ sử dụng. Nâng tổng số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh là 1.295.984/1.306.000 hộ, đạt tỉ lệ 99,2%, vượt chỉ tiêu kế hoạch (99%).

 

 

- Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn: Tổ chức Lễ mít tinh Tháng hành động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch – Vệ sinh môi trường và Ngày môi trường thế giới năm 2013 tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi và các hoạt động hưởng ứng tại 05 xã: Bình Khánh, huyện Cần Giờ; Phước Lộc, huyện Nhà Bè; Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh; Nhị Bình, huyện Hóc Môn; Trung An, huyện Củ Chi. Tổ chức 05 lớp tập huấn vận hành và sử dụng hầm biogas an toàn, hiệu quả; 24 lớp tập huấn phương pháp ủ phân hữu cơ truyền thống và công nghệ khí sinh học tại 5 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Cấp 70 thùng thu gom rác cho 3 xã xây dựng nông thôn mới: xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi; xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ và xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Triển khai 31 lớp tập huấn vệ sinh cá nhân và lợi ích của việc rửa tay với xà phòng, 20 lớp tập huấn chính sách thực hiện Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn, 10 mô hình phân loại rác tại nguồn năm 2013, tập huấn Quyết định số 2570/QD-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thu thập cập nhật thông tin Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013.

 

 

Năm 2012, thành phố có 10.695 hộ chăn nuôi heo, bò có qui mô lớn (trên 10 con/hộ). Trong đó có 3.455 hộ có hầm biogas. Tỉ lệ hộ chăn nuôi có hầm biogas đạt tỉ lệ 32,3%. Năm 2013, dự kiến có 3.500/10.635 hộ chăn nuôi qui mô lớn có hầm biogas, đạt tỉ lệ 32,9%.

 

 

2. Hoạt động tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp:

 

 

- Về kết quả chứng nhận VietGAP: Từ đầu năm 2013 đến nay đã chứng nhận cho 84 tổ chức cá nhân với tổng diện tích 89,14 ha; tương đương 397,56 ha diện tích gieo trồng; sản lượng dự kiến 2.522 tấn/năm. Tính lũy tiến đến nay, tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP là 329 tổ chức cá nhân (bao gồm xã viên 5 HTX và Tổ hợp tác: HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Trung và Tổ cây ăn trái Trung An; 6 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích 145,6648 ha; tương đương 649,67ha diện tích gieo trồng; sản lượng dự kiến 15.637 tấn/năm.

 

 

- Từ đầu năm 2013 đến nay đã thiết kế website cho 30 đơn vị; lũy kế từ khi thực hiện chương trình mỗi nhà nông một website, thiết kế và bàn giao cho 80 đơn vị; thiết kế logo, nhãn hiệu cho 25 đơn vị, lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến nay đã thiết kế logo – nhãn hiệu cho 85 đơn vị; thiết kế tờ bướm cho 30 đơn vị, lũy tiến đến nay đã thiết kế cho 60 đơn vị.

 

 

- Phối hợp với Hãng phim Cửu Long; Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam HTV9 phát sóng 8 chương trình Nông dân hội nhập Nhằm giới thiệu các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố, các hoạt động nổi bật, thành công của ngành nông nghiệp thành phố. Giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, lai tạo giống tốt, tiềm năng, Rau an toàn, cây hoa, cá kiểng, du lịch sinh thái.

 

 

- Tham gia 01 gian hàng triển lãm tại Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh – Đón chào năm mới 2013” tại công viên 23/9; tổ chức Chợ hoa tết cho nông dân thành phố và Triển lãm thành tựu nông thôn mới tại Công viên 23/9 với 156 gian hàng đại diện cho 730 nông dân của 9 quận-huyện trên địa bàn thành phố; phối hợp tổ chức Hội thi Trái ngon – An toàn Nam bộ lần V, năm 2013 tại Công viên Du lịch văn hóa Suối Tiên với hơn 550 nhà vườn tham gia; tổ chức Hội thi - Triển lãm cá cảnh năm 2013 Công viên Du lịch văn hóa Suối Tiên với 28 nghệ nhân tham gia; Hội chợ - Triển lãm giống nông nghiệp TP.HCM lần thứ I, năm 2013 tại Công viên Du lịch văn hóa Suối Tiên với 101 đơn vị tham gia với 250 gian hàng; triển lãm tại Hội nghị sơ kết 5 năm vai trò Hội nông dân tham gia thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấm hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008 – 2013); Triển lãm sản phẩm nông nghiệp của các Hợp tác xã tại hội nghị thành tựu mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

 

 

3.- Hoạt động Công nghệ Sinh học:

 

 

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học, đã tiến hành nghiệm thu kỹ thuật gói thầu khu nhà lưới, nhà kính, đưa vào sử dụng; Chương trình ứng dụng và phát triển Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn tại thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 và những đề tài nghiên cứu khác có tính chất ứng dụng trước mắt và lâu dài, định hướng theo các lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật, công nghệ vi sinh thực phẩm, công nghệ sinh học thủy sản, công nghệ sinh học y dược. Bước đầu đã có chuyển giao một số công nghệ và sản phẩm cho các tỉnh.

 

 

- Lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật: tiếp tục thực hiện các nghiên cứu trên đối tượng hoa kiểng, hoa lan và cây dược liệu. Nghiên cứu chiếu xạ để tạo loài lan rừng thủy tiên có thể phát triển ở điều kiện khí hậu thành phố và ra hoa nhiều lần trong năm. Nghiên cứu chuyển gen tạo cây sâm Ngọc Linh có nhiều rễ nhằm nhân nhanh sinh khối rễ trong phòng thí nghiệm để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chiết xuất hoạt chất saponin, hiện đang khảo sát một số môi trường khoáng ảnh hưởng lên sự tăng trưởng của rễ tóc sâm Ngọc Linh nuôi trong môi trường lỏng lắc. Sưu tập các giống hoa kiểng, dược liệu quý: tính đến tháng 10/2013, đã sưu tập được 92 giống kiểng lá và 34 giống hoa nền, 47 giống dược liệu quý, tổng số giống lan trong bộ sưu tập là 334 giống lan (trong đó có 111 giống lan rừng). Về công tác lưu trữ nguồn gen lan rừng: có 35 loài lan rừng được lưu giữ nguồn gen bằng phương pháp gieo hạt in vitro, 21 loài lan rừng được lưu giữ nguồn gen bằng phương pháp bảo quản đông lạnh hạt phấn.

 

 

- Lĩnh vực công nghệ sinh học thủy sản: tập trung các nghiên cứu về vaccine thủy sản: vaccine ngừa bệnh đốm trắng trên tôm sú, vaccine ngừa bệnh nhiễm trùng huyết và bệnh đốm đỏ trên cá tra. Phân lập các chủng vi khuẩn probiotic có khả năng đối kháng với vi khuẩn Edwarsiella ictaluri gây bệnh nhiễm trùng huyết nhằm hỗ trợ hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng bệnh gan thận mủ trên cá tra, đã xác định được được 11 dòng vi khuẩn Bacillus có khả năng đối kháng mạnh với vi khuẩn Edwarsiella ictaluri. Nghiên cứu chuyển gen tạo cá phát sáng huỳnh quang.

 

 

- Lĩnh vực công nghệ sinh học y dược: thực hiện các nghiên cứu về sức khỏe con người và phục vụ cho ngành chăn nuôi thú y. Nghiên cứu tạo bộ kit kiểm tra hiệu quả tiêm phòng vacxin dịch tả heo; Nghiên cứu tạo bộ kit phát hiện và định type virus gây bệnh lở mồm long móng nhằm kiểm soát dịch bệnh và hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi (đã áp dụng quy trình định tính và định type virus trên mẫu thực địa); Nghiên cứu tạo chế phẩm interferon gà và khảo sát hiệu quả phòng ngừa, điều trị bệnh do virus gây ra ở gia cầm.

 

 

- Lĩnh vực công nghệ sinh vật động vật: nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh thiết phôi giai đoạn phôi nang và xác định giới tính phôi bò. Nghiên cứu tế bào gốc của người hướng đến ứng dụng trong y học tái tạo điều trị các bệnh liên quan đến tổn thương xương và sụn, đã phân tách và nuôi cấy được tế bào đơn từ mô mỡ để thử nghiệm biệt hóa thành tế bào xương và sụn. Nuôi cấy tế bào động vật phục vụ công tác chẩn đoán bệnh và thử nghiệm hoạt tính sinh học của dược chất.  

 

 

- Lĩnh vực công nghệ vi sinh – thực phẩm: tập trung nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh thối rễ, lỡ cổ rễ trên cây rau, bệnh bướu rễ trên cây tiêu; nghiên cứu xử lý bùn lắng ao nuôi cá tra làm phân bón; nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (chế phẩm cố định đạm và phân giải lân). Nghiên cứu sản xuất cồn sinh học từ lignocellulose. Thành lập ngân hàng giống các chủng vi sinh vật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, môi trường. Nghiên cứu tối ưu hóa các thành phần và quy trình phản ứng Real-Time PCR để hoàn thiện bộ kit phát hiện nhanh 6 loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột chính trên người.

 

 

4. Lĩnh vực lâm nghiệp - kiểm lâm:

 

 

- Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay là 36.727 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 34.411 ha, đạt tỉ lệ che phủ là 16,42%; tỉ lệ diện tích che phủ rừng và cây xanh phân tán quy đổi trên tổng diện tích đất tự nhiên đến nay đạt 39,6%, tăng so với cùng kỳ năm 2012, đạt chỉ tiêu kế hoạch. Đã tổ chức hội nghị triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố năm 2013.

 

 

- Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch gieo ươm cung cấp 517.543 cây giống phân tán năm 2013, đến nay đã cung cấp 511.094 cây xanh các loại cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện một số hạng mục của “Đề án quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng, cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011 và Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03/02/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020.

 

 

- Trồng mới và chuyển hóa rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong khu IV Công viên Lịch sử văn hóa Dân tộc với diện tích 22ha số lượng trồng 3.012 cây và chăm sóc 7.588 cây. Tiếp tục cung cấp cây trồng Công trình 500.000 cây ven sông, kênh, rạch theo chương trình liên tịch giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Thành đoàn, tính đến nay đã cung cấp 250.621 cây.

 

 

- Tổ chức Lễ phát động phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2013 và tổ chức trồng 300 cây xanh các loại tại Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Quận 9; tổ chức Lễ phát động trồng cây xanh chống sạt lở ven sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn trồng trên 5.000 cây xanh các loại. Khảo sát và xây dựng kế hoạch trồng 70 cây bàng vuông tại các trường phổ thông trung học trên địa bàn thành phố.  Đến nay đã cấp 25 cây trồng tại các trường Tiểu học; THCS; THPT nhân dịp lễ khai giảng năm học 2013-2014 số còn lại tiếp tục cung cấp cho các trường Trung học trong thời gian tới.

 

 

- Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng: Tổ chức 989 lượt; phối hợp với các chủ rừng thực hiện 229 lượt; kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng 609 lượt; phối hợp với các xã và lực lượng giáp ranh tuần tra truy quét bảo vệ rừng 135 lượt. Tổ chức công tác trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ tại Văn phòng Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố.

 

 

- Công tác pháp chế, thanh tra, kiểm tra, quản lý lâm sản và động vật hoang dã:  xác nhận lâm sản hợp pháp với  28.368 m3 gỗ các loại; xử lý vi phạm hành chính 11 vụ, lũy kế 86 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước 83,85 triệu đồng đồng, lũy kế 1,46 tỷ đồng.

 

 

- Công tác gây nuôi động vật hoang dã: Tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận gây nuôi động vật hoang dã 349 lượt cơ sở.

 

 

- Công tác cứu hộ động vật hoang dã: Trạm cứu hộ động vật hoang dã huyện Củ Chi đã cứu hộ, chăm sóc 143 cá thể thuộc 38 loài.

 

VI.            ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Mặt làm được:

- Nhìn chung trong năm 2013, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng khá lớn của thiên tai, dịch bệnh. Nhờ lãnh đạo Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo; các Sở ngành, quận huyện tích cực phối hợp, bà con nông dân nỗ lực sản xuất và các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở tích cực phấn đấu, vượt qua khó khăn nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác, giúp sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, chuyển dịch theo hướng tích cực, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố; tình hình sản xuất và tiêu thụ rau, hoa - cây kiểng, cá cảnh tăng cao so với cùng kỳ; tình hình hỗ trợ vốn vay cho nông dân tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần kích cầu và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt đã xuất hiện một số cây trồng, vật nuôi mới có nhiều triển vọng như chim yến, dưa lưới mang lại hiệu quả cao, có thị trường tiêu thụ lớn.

- Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong năm 2013 ước đạt 14.508 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 6% so năm 2012; trong đó trồng trọt chiếm 22,7%, chăn nuôi chiếm 45,7%, dịch vụ chiếm 7% và thủy sản chiếm 23,6%.

- Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhờ việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ, nhanh chóng, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đảm bảo giữ vững không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm, góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi của thành phố. Từ đầu tháng 10/2013, bệnh Lở mồm long móng đang có dấu hiệu bùng phát tại các tỉnh, Chi cục Thú y đang phối hợp huyện Củ Chi tăng cường kiểm tra tình hình dịch tễ kết hợp tiêm phòng bao vây khống chế, đẩy mạnh công tác tiêu độc khử trùng đặc biệt khu vực nguy cơ cao và kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất nhập động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Ngoài ra, tại tất cả các quận huyện có chăn nuôi gia súc chủ động tăng cường công tác kiểm tra dịch tễ, tăng cường tiêm phòng nhất là tại các hộ chăn nuôi heo nhập cư và khu vực giáp ranh các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh; tiếp tục phối hợp lực lượng các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép, nhất là việc kiểm tra, xử lý các điểm nóng kinh doanh gia cầm trên từng quận, huyện. Tình hình dịch tễ đàn gia cầm từ đầu năm đến nay tương đối ổn định.

- Tập trung thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống triều cường; tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, diễn biến triều cường được theo dõi và dự báo thường xuyên chặt chẽ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng và ứng phó; tổ chức trực ban 24/24 giờ để cảnh báo, ứng phó, phòng tránh tại các điểm xung yếu khi xảy ra áp thấp nhiệt đới, bão, triều cường,...

- Tình hình diễn biến rừng trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, các hoạt động bảo vệ rừng, kiểm tra kiểm soát lâm sản, động vật hoang dã đạt hiệu quả cao là do có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng, thường xuyên tổ chức bám sát, nắm chắc địa bàn quản lý trong việc kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, kinh doanh trái phép lâm sản, động vật hoang dã; đồng thời, rất chú trọng công tác tuyên truyền.

- Công tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn ngày càng gắn với thực tiễn. Công tác hướng dẫn thực hiện chính sách không chỉ đơn thuần là tập huấn chính sách chung, mà căn cứ theo thực tế của từng địa phương, hộ nông dân để vận dụng và hướng dẫn cụ thể theo yêu cầu. Phúc kiểm tình hình, giải quyết nhanh, thỏa đáng các khiếu nại về thụ hưởng chính sách của các nông hộ.

- Công tác khuyến nông tại các địa phương đã được chính quyền địa phương và các hội đoàn quan tâm sâu sát hơn nên có nhiều thuận lợi. Tổ chức sản xuất gắn với đầu ra sản phẩm được xem trọng nên nông dân ngày càng an tâm. Nhiều mô hình triển vọng được đánh giá cao và khuyến cáo nhân rộng.

- Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các tỉnh; công tác xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hợp tác đối ngoại được quan tâm, đạt kết quả khá hơn. Lĩnh vực công nghệ sinh học đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tế sản xuất. Công tác quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu về lĩnh vực quản lý nhà nước về giống.

- Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng thực hiện. Tiếp tục duy trì hoạt động của hệ thống quản lý chất lượng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, đã được Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận trong năm 2010.

2. Khó khăn – Tồn tại:

- Thị trường, giá cả thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người nông dân.

- Áp lực dịch bệnh từ các tỉnh đòi hỏi phải tăng cường lực lượng liên ngành để kiểm soát.

- Sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát và tập trung tiêu thụ.

VII.        KẾ HOẠCH 2014:

1.            Mục tiêu:

-  Xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới; đời sống vật chất và văn hóa người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, khoảng cách mức sống giữa nội thành và ngoại thành giảm, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường.

 

- Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt tại 6 xã thí điểm và đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 50 xã nhân rộng.

 

2.            Chỉ tiêu chủ yếu:

-       Hoa - cây kiểng: trên 2.000 ha.

 

-       Cá kiểng: 90 triệu con.

 

 

-       Diện tích gieo trồng rau: 15.000 - 15.500 ha.

 

 

-       Duy trì đàn bò sữa ở mức 100.000 con, đàn heo khoảng 330.000 con.

 

 

-       Tôm các loại: 14.000 - 15.000 tấn.

 

 

-       Đàn cá sấu: trên 180.000 con.

 

 

-       Diện tích gieo trồng lúa: 18.000 ha.

 

 

-       Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn ngoại thành: 99,5%.

 

-       Tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố: 39,8%, trong đó độ che phủ rừng 16,44%

-       Có 30 xã cơ bản đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới.

3.            Các nhiệm vụ chủ yếu:

-       Nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

-       Đẩy nhanh thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, các chương trình mục tiêu về cây con đã được phê duyệt. Xây dựng kế hoạch cụ thể từng vụ với các giải pháp khả thi để triển khai các chương trình mục tiêu về rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, cá sấu, nuôi tôm; giống cây, giống con chất lượng cao...

-       Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch, triển lãm nông sản thành phố, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Thủy sản thành phố; các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông nông thôn… Phát huy hiệu quả Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Trung tâm Quản lý, Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi, Trạm kiểm dịch Thủy sản Cần Giờ và các công trình hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp khác.

-       Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm tại các xã thí điểm mô hình nông thôn mới; các cơ sở bảo quản và chế biến sau thu hoạch; kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đến nội đồng; các công trình, dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Nghiên cứu và thực hiện các biện pháp phòng chống ngập úng, triều cường, cải tạo, bồi dưỡng đất sản xuất; hạn chế ảnh hưởng xâm nhập mặn; sự cố tràn dầu, chống xói lở…

-       Thực hiện các Đề án, chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ để củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; Đề án đổi mới hình thức sản xuất (trang trại, Hợp tác xã và kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông thôn; liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân với các thành phần kinh tế).

-       Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên ngành. Tập trung công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm, phòng chống lụt bão; quản lý bảo vệ rừng và động vật hoang dã… Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

-       Xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định về việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, quy định về chăn nuôi an toàn, quy định về chuồng trại cá sấu…nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới xây dựng và ban hành các quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của thành phố, các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp tự vệ cho ngành nông nghiệp.

-       Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với việc phát triển các dự án nhỏ giải quyết việc làm (dự án phát triển ngành nghề nông thôn, cá cảnh, cá sấu …).

-       Tập trung các giải pháp để cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành, tiếp tục mở rộng các kênh phân phối mới; nhân rộng phương thức sản xuất, tiêu thụ theo các đơn đặt hàng.

-       Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của thành phố như rau an toàn, giống heo hướng nạc, giống bò sữa năng suất cao; tổ chức các hội chợ, hội thi, triển lãm giống, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các làng nghề và hộ nông dân tham gia, giới thiệu sản phẩm ở trong nước và nước ngoài.

-       Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác với các tỉnh để đảm bảo nguồn nông sản thực phẩm bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố, chú trọng công tác phối hợp giám sát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm.

-       Tổ chức hội thảo chuyên đề để giới thiệu, thông tin những thành tựu, tiềm năng, chính sách khuyến khích, ưu đãi về nông nghiệp, nông thôn với các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, giống mới để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các Dự án mở rộng khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch triển lãm nông sản, Trung tâm Công nghệ sinh học./.



[1] Không bao gồm diện tích đất rừng.

[2] Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở thành thị cao gấp 1,5 lần so với nông thôn; đến năm 2012, chỉ còn cao gấp 1,24 lần (theo Cục Thống kê thành phố).

 


Số lượt người xem: 6672    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm