SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
8
8
2
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 16 Tháng Chín 2013 9:50:00 SA

Sơ kết 3 năm tình hình thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Thông báo số 603/TB-VP ngày 20 tháng 8 năm 2013 về nội dung kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân tại buổi họp chuẩn bị nội dung Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần IX; theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 7306/SKHĐT-KT ngày 26 tháng 8 năm 2013 về việc báo cáo sơ kết 3 năm tình hình thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

I.             KẾT QUẢ SẢN XUẤT VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP 3 NĂM 2011 - 2013

1.            Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

1.1.Về tốc độ tăng trưởng:

- GDP: năm 2012, GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố đạt 6.824 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 5,1% so với năm 2011 (cả nước tăng 2,7%); ước năm 2013, GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố tăng 6,1% so với năm 2012. Dự kiến giai đoạn 2011-2013, GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố tăng bình quân 5,7%/năm.

- Giá trị sản xuất: năm 2012, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thành phố đạt 13.126 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 6% so với năm 2011 (cả nước tăng 3,4%); ước cả năm 2013, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 14.532 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 6,1% so năm 2012; dự kiến giai đoạn 2011 – 2013, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 6,1%/năm.

- Mặc dù diện tích đất nông nghiệp hằng năm có giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất vẫn tăng. Năm 2010 đạt 158,5 triệu/ha/năm, năm 2012 đạt 239,1 triệu đồng/ha/năm, tăng 51,3% so năm 2010.

 

1.2. Về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp:

 

 - Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế  

 

cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như hoa kiểng, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa.

- Năm 2012, trồng trọt chiếm tỉ lệ 23,2% (năm 2011: 24,8%), chăn nuôi: 46,3% (năm 2011: 47,8%), dịch vụ nông nghiệp: 7,1% (năm 2011: 6,6%), thủy sản: 22,5% (năm 2011: 19,7%).

- Ước cả năm 2013, trồng trọt chiếm tỉ lệ 22,8%, chăn nuôi: 45,8%, dịch vụ nông nghiệp: 7,3%, thủy sản: 23,1%.

2.            Kết quả sản xuất một số lĩnh vực

2.1.Trồng trọt: một số loại cây trồng chính

- Rau: năm 2011: diện tích gieo trồng rau đạt 13.515 ha, sản lượng đạt 299.000 tấn; năm 2012: diện tích gieo trồng rau đạt 14.456 ha, tăng 7% so với năm 2011, sản lượng đạt 324.270 tấn, tăng 8,4% so năm 2011; cả năm 2013: diện tích gieo trồng rau ước đạt 14.863 ha, sản lượng ước đạt 339.221 tấn. Bình quân giai đoạn 2011 – 2013, diện tích gieo trồng rau tăng 4,6%/năm, sản lượng tăng 6,1%/năm.

- Hoa, cây kiểng: diện tích năm 2011 đạt 1.963 ha, năm 2012 đạt 2.010 ha, tăng 2,4% so năm 2011, cả năm 2013 ước đạt 2.090 ha, bình quân giai đoạn 2011-2013 diện tích hoa, cây kiểng tăng 3%/năm.

- Lúa: năm 2011: diện tích gieo trồng đạt 21.601 ha, sản lượng đạt 94.821 tấn, năm 2012: diện tích gieo trồng đạt 20.461 ha, giảm 5,3% so với năm 2011, sản lượng đạt 94.821 tấn; cả năm 2013: diện tích gieo trồng ước đạt 18.361 ha, sản lượng ước đạt 91.613 tấn. Bình quân giai đoạn 2011 - 2013, diện tích gieo trồng lúa giảm 9%/năm.

2.2.Chăn nuôi:

- Bò sữa: tổng đàn năm 2013 ước đạt 95.000 con, bình quân giai đoạn 2011 – 2013 tăng 6%/năm.

- Heo: tổng đàn heo năm 2011 đạt 332.515 con; năm 2012: 363.000 con, tăng 9,2% so năm 2011; ước cả năm 2013 đàn heo thành phố đạt 360.000 con, bình quân giai đoạn 2011 – 2013, đàn heo tăng 5,9%/năm.

- Cá sấu: tổng đàn cá sấu trên địa bàn thành phố đến cuối năm 2013 ước khoảng 187.500 con, bình quân giai đoạn 2011 – 2013 tăng 3,3%/năm.

2.3.Thủy sản

- Tổng sản lượng thủy sản trong năm 2011 đạt 48.353 tấn; năm 2012 đạt 52.812 tấn, tăng 9,2% so với năm 2011; cả năm 2013 ước đạt 55.025 tấn, tăng 4,2% so năm 2012; bình quân giai đoạn 2011 – 2013 tổng sản lượng thủy sản tăng 5,2%/năm.

- Cá cảnh: năm 2011 đạt 65 triệu con; năm 2012: 70 triệu con, tăng 7,7% so năm 2011; ước cả năm 2013: 80 triệu con, bình quân giai đoạn 2011 – 2013, sản lượng cá cảnh tăng 10,1%/năm.

II.               KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1. Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao

Năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng phối hợp với các Sở ngành và quận huyện triển khai các mặt công tác để sớm đưa chương trình vào vận hành. Một số kết quả cụ thể:

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 100 doanh nghiệp, hộ trại sản xuất kinh doanh giống, sản xuất và cung cấp giống phục vụ nhu cầu thị trường thành phố và các tỉnh. Trong đó: giống cây trồng có 41 đơn vị; giống vật nuôi 23 đơn vị; giống thủy sản 27 đơn vị, giống lâm nghiệp khoảng 09 đơn vị.

* Về giống cây trồng:

-  Năm 2012, các doanh nghiệp đã sản xuất được trên 10.000 tấn hạt giống, tăng 24,7% so năm 2011. Lượng giống do các công ty sản xuất có thể phục vụ cho 800.000 ha diện tích gieo trồng tại thành phố và các tỉnh (năm 2011: 600.000 ha). Số lượng giống mới được đưa vào sản xuất kinh doanh trong năm 2012 là 65 giống (năm 2011: 37 giống), chủ yếu là giống rau: 61 giống. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp đã sản xuất được 12.500 tấn hạt giống, phục vụ 550.000 ha gieo trồng.

- Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thử nghiệm tính thích nghi 65 giống rau mới tại các xã nông thôn mới, gồm 24 giống khổ qua, 15 giống dưa leo, 2 giống cải củ, 5 giống bí xanh; 5 giống mướp; 6 giống lúa; 3 giống dưa hấu. Trên cơ sở đó đã xác định 27 giống rau, 3 giống lúa và 1 giống dưa hấu thích nghi và phù hợp với thị trường.

- Nhờ áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp đã góp phần tạo sản phẩm rau an toàn cung ứng cho tiêu dùng của thành phố, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng rau, năng suất gieo trồng rau trên địa bàn thành phố được cải thiện rất nhiều. Năm 2010, năng suất bình quân đạt 21,9 tấn/ha/vụ; đến năm 2013 đã tăng lên 22,8 tấn/ha/vụ, bình quân giai đoạn 2010 – 2013, năng suất trồng rau tăng trưởng đáng kể với tốc độ 1,4%/năm.

- Về công tác sưu tập, thử nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống:

+ Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng - Vật nuôi đã sưu tập, chọn lọc và trồng lưu giữ trong nhà kính 36 dòng cây trồng thuộc các giống dưa hấu, ớt, cà chua; sưu tập 39 giống hoa kiểng; sưu tập và lưu giữ 13 chủng loại cây ăn trái với 27 giống: xoài, bưởi, mãng cầu, vú sữa, mận, cam, quýt, khế, thanh long, ổi, mít, táo, dừa.

 

+ Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố tiếp tục sưu tập thêm các giống lan mới, cây dược liệu. Lũy kế đến nay bộ sưu tập lan của Trung tâm có 290 giống các loại Dendrobium, Phalaenopsis, Mokara, Cattleya, Vanda, Oncidium,… và lan rừng quý hiếm. 

 

 

* Về giống vật nuôi:

- Bò sữa:

+ Trong 9 tháng đầu năm 2013 Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi đã đã tổ chức bình tuyển, lập lý lịch cho 4.076 con bò sữa, tính từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay đã bình tuyển, lập lý lịch được 76.247 con (giai đoạn từ năm 2006 – 2012 là 39.039 con bò sữa), chiếm 81% đàn bò sữa thành phố; đang triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình cải thiện và nâng cao chất lượng giống bò sữa, trên cơ sở nhập nội 15.000 liều tinh cao sản chịu nhiệt và 1250 liều tinh phân giới tính có nguồn gốc lý lịch rõ ràng để gieo cho đàn bò sữa của thành phố Hồ Chí Minh.

+ Thực hiện theo dõi trên 5.122 con bê của các dòng tinh Israel, Mỹ, Canada, Moncada… tập trung tại các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi bò sữa như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Kết quả khảo sát cho thấy bê đời sau của các dòng tinh được gieo có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt hơn thế hệ trước, đàn bê đạt được các chỉ tiêu quan trọng của giống như: tầm vóc, màu lông, trọng lượng theo từng giai đoạn tuổi, chân, vú. Điều này có thể khẳng định rằng đàn bò sữa ở thành phố đã từng bước được cải thiện đáng kể sau khi sử dụng các dòng tinh chất lượng cao phối giống cho đàn bò cái nền để tạo ra những con giống có chất lượng cao hơn thế hệ trước.

+ Trong 9 tháng đầu năm 2013, thành phố đã cung cấp khoảng hơn 18.000 con giống bò sữa, giá bán bình quân dao động từ 30 – 45 triệu đồng/con. Doanh thu đạt trên 500 tỉ đồng.

 

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi tái cấu trúc đàn bò sữa, loại thải những cá thể có năng suất thấp, từng bước tái cấu trúc đàn bò sữa theo cơ cấu 65% sinh sản, trong đó 50% cái vắt sữa. Đến nay, đàn sinh sản chiếm 62,57% tổng đàn, vắt sữa 47,22%. 

 

- Heo: Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi heo đã thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể: so với năm 2005, số lứa đẻ tăng 10%, đạt 2,23 lứa đẻ/nái/năm, số ngày nuôi đạt trọng lượng 90 kg còn 155 ngày, giảm 14 ngày, rút ngắn thời gian xuất chuồng và giảm chi phí nuôi dưỡng, độ dày mỡ lưng giảm còn 10,98 mm … Bình quân hàng năm thành phố sản xuất và cung cấp cho các tỉnh khoảng 1 triệu heo con giống.

* Về giống cây lâm nghiệp: hiện nay trên địa bàn thành phố có 15 hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp với tổng diện tích vườn ươm là 1,83 ha (và 1 công ty sản xuất giống cây lâm nghiệp. Hàng năm các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã đưa nhiều giống cây lâm nghiệp cao sản, có giá trị kinh tế vào sản xuất  như: Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Nam bộ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô giống Keo lai (nguồn của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) các dòng: BV10, BV16, BV32, BV33, BV73, BV75; Bạch đàn Urophilla và Keo lai thơm.

 

* Về giống thủy sản:

- Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 3 cơ sở sản xuất giống tôm sú; 24 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt và 15 cơ sở thuần dưỡng tôm thẻ.

- Giống cá cảnh: số lượng cá cảnh sản xuất năm 2012 đạt 70 triệu con, (tăng 7,7% so năm 2011); số lượng cá cảnh xuất khẩu cả năm 2012 đạt 9,5 triệu con với khoảng 50 loài có giá trị kinh tế như Chép Nhật, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Phượng Hoàng... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Châu Âu, Mỹ và một số nước Châu Á như Singapore, Hongkong, Nhật Bản... Riêng 9 tháng đầu năm 2013, số cá cảnh xuất khẩu là 7 triệu con, tăng 3,5% so cùng kỳ.

2. Chương trình phát triển hoa – cây kiểng

- Tổng diện tích hoa, cây kiểng cả năm 2013 ước đạt 2.090 ha, tăng 4% so với năm 2012. Riêng diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 là 1.186,42 ha, tăng 1,0% so với cùng kỳ. Diện tích tăng tập trung vào hoa nền, hoa lan, bon sai và cây kiểng.

- Lượng hoa kiểng sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 khoảng 677 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ (tăng 35,4% so với cùng kỳ); 2,65 triệu chậu lan (tăng 6,0% so với cùng kỳ); 3,9 triệu cành lan (tăng 8,3% so với cùng kỳ); 7,3 triệu chậu hoa nền (tăng 15,9% so với cùng kỳ) và 1,6 triệu chậu mai (xấp xỉ cùng kỳ). Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Quý Tỵ khoảng 1.498,2 tỷ đồng (tăng 14,6% so với cùng kỳ là 1.307 tỷ đồng).

3. Chương trình rau an toàn

- Thành phố Hồ Chí Minh có 102 xã, phường có sản xuất rau. Năm 2011, diện tích canh tác rau đạt 2.835 ha (chiếm 5,2% tổng diện tích canh tác), giá trị sản xuất đạt 1.495 tỉ đồng (chiếm 13,5% tổng giá trị sản xuất). Đến năm 2012, diện tích canh tác rau đạt 3.024 ha, tăng 6,7% so năm 2011 (chiếm 5,5% tổng diện tích canh tác), nhưng giá trị sản xuất lại đạt 1.783 tỉ đồng, tăng 19,3% so năm 2011 (chiếm 13,6% tổng giá trị sản xuất). Dự kiến năm 2013 diện tích gieo trồng rau đạt 14.863 ha.

- Tại các vùng trồng rau đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức, huyện Bình Chánh; xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức xây dựng mô hình, hướng dẫn sản xuất rau theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất rau trên địa bàn thành phố, kết quả tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP đến tháng 9 năm 2013 là 347 tổ chức, cá nhân (là xã viên của các Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt, Phước An, Liên tổ Tân Trung; 06 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích là 209,8 ha, tương đương 935,7 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 28.008 tấn/năm.

4. Chương trình phát triển bò sữa

- Năm 2012, tổng đàn bò sữa của thành phố đạt khoảng 89.800 con (tăng 5% so với năm 2011, chiếm trên 50% tổng đàn bò sữa cả nước, trên 60% tổng sản lượng sữa tươi cả nước), trong đó có 42.000 con cái vắt sữa nuôi tại 8.300 hộ dân. Năng suất sữa bình quân đạt 5.511 kg/con/năm, tương đương 15,1 kg/con/ngày. Sản lượng sữa tươi năm 2012 đạt khoảng 231.500 tấn (tăng 5,6% so với năm 2011). Bình quân hàng năm thành phố cung cấp cho các tỉnh trên 20.000 con giống bò sữa

 

- Các hộ, trại đã từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp chọn lọc, cải thiện cơ cấu đàn; tăng tỷ lệ đàn sinh sản và vắt sữa góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Một số chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn bò sữa thành phố đã có sự cải thiện so với năm 2011 như: tuổi phối giống lần đầu bình quân giảm 4,23% (năm 2011: 497 ngày, năm 2013 ước đạt khoảng 476 ngày); khoảng cách giữa 2 lứa đẻ giảm 0,46% (năm 2011: 436 ngày, năm 2013 ước đạt khoảng 434 ngày); thời gian chờ phối giảm 2,54% (năm 2011: 118 ngày. Năm 2013 ước đạt khoảng 115 ngày); hệ số phối giảm 0,58% (năm 2011: 3,56 liều, năm 2013 ước đạt khoảng 3,4 liều) đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. 

 

III.           KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP:

  - Tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015.

- Kết quả thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, đến ngày 30 tháng 3 năm 2013 trên toàn địa bàn thành phố có 1.607 phương án của 7.513 gia đình, trang trại, doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt phương án được hỗ trợ lãi vay; với tổng vốn đầu tư hơn 3.170 tỷ đồng, vốn vay có hỗ trợ lãi vay là 1.814 tỷ đồng.

 

- Kết quả thực hiện triển khai Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015: Tính từ ngày 31 tháng 3 đến ngày 04 tháng 9 năm 2013 đã có 701 quyết định phê duyệt phương án, 1.335 hộ với tổng số vốn đầu tư 544,2 tỷ đồng, tổng vốn vay 326,7 tỷ đồng.

 

- Lũy kế tình hình phê duyệt các phương án từ năm 2011 đến nay: có 3.308 quyết định phê duyệt, 8.848 hộ vay, tổng vốn đầu tư 3.714,4 tỷ đồng, tổng vốn vay 2.140,9 tỷ đồng.

- Theo kết quả thực hiện, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi vay 1 đồng vốn cho các hộ dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của Thành phố đã huy động được 38 đồng vốn đầu tư trong dân và tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp.

IV.      KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

- Năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố) đã tham mưu Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 (theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011). Trên cơ sở kinh nghiệm tại 6 xã thí điểm, đã triển khai nhân rộng tại 50 xã trên địa bàn thành phố.

- Ngày 05 tháng 3 năm 2013, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, đúc kết kinh nghiệm, triển khai áp dụng tại các xã nhân rộng.

1. Kết quả thực hiện tại 6 xã điểm:

 

- Xã Tân Thông Hội/huyện Củ Chi, khi xây dựng đề án đạt 09/19 tiêu chí; đến nay đã đạt được 19/19 tiêu chí.   

 

- Xã Thái Mỹ/huyện Củ Chi, khi xây dựng Đề án đạt 8/19 tiêu chí; đến nay đã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí.

- Xã Lý Nhơn/huyện Cần Giờ, khi xây dựng Đề án đạt 6/19 tiêu chí, đến nay đã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí.

- Xã Xuân Thới Thượng/huyện Hóc Môn, khi xây dựng Đề án đạt 6/19 tiêu chí, đến nay đã cơ bản đạt chuẩn 18/19 tiêu chí.

- Xã Nhơn Đức/huyện Nhà Bè, khi xây dựng Đề án đạt 5/19 tiêu chí, đến nay đã cơ bản đạt chuẩn 17/19 tiêu chí.

- Xã Tân Nhựt/huyện Bình Chánh, khi xây dựng Đề án đạt 5/19 tiêu chí, đến nay đã cơ bản đạt chuẩn 17/19 tiêu chí.

2. Kết quả thực hiện tại 50 xã:

   - Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới 37/50 xã, gồm: toàn bộ các xã nhân rộng của huyện Cần Giờ (5/5 xã: Bình Khánh, Thạnh An, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Long Hòa); huyện Hóc Môn (9/9 xã: Nhị Bình, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Đông, Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Đông Thạnh, Bà Điểm); Củ Chi (13/18 xã: Tân Phú Trung, Trung An, An Nhơn Tây, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Thạnh, Nhuận Đức, Phước Vĩnh An, Trung Lập Hạ, Bình Mỹ, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân An Hội); Bình Chánh (7/13 xã: Bình Chánh, Bình Lợi, Qui Đức, Đa Phước, Hưng Long, Vĩnh Lộc A, Phạm Văn Hai); Nhà Bè (3/5 xã: Phước Lộc, Long Thới, Phước Kiển).

   -  Đã trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt đề án của 9 xã: huyện Củ Chi, 3 xã (Phước Hiệp, Phạm Văn Cội, Phú Mỹ Hưng); huyện Bình Chánh, 5 xã (Lê Minh Xuân, Tân Kiên, Vĩnh Lộc B, Tân Quý Tây, An Phú Tây); huyện Nhà Bè, 1 xã (Phú Xuân).

   - Đã ký tờ trình Liên Sở Nông nghiệp và PTNT – Sở Kế hoạch và Đầu tư – Sở Tài chính đối với đề án của 3 xã (gồm: Củ Chi, 2 xã: Trung Lập Thượng, An Phú), huyện Bình Chánh: xã Phong Phú), đang chờ các địa phương bổ sung hồ sơ để trình Ủy ban nhân dân thành phố.

   - Đối với xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè): đang hoàn chỉnh đề án.

3. Kết quả chung với các xã xây dựng nông thôn mới: bao gồm cả 6 xã thí điểm: tổng cộng 56 xã (trừ 02 xã: xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn đã đô thị hóa gần như hoàn toàn). Tổng quan thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại 56 xã, cụ thể như sau:

 

Nhóm tiêu chí

Nhóm 1 (đủ 19 tiêu chí)

Nhóm 2 (cơ bản đạt chuẩn 14 – 18 tiêu chí)

 

Nhóm 3 (cơ bản đạt chuẩn 9 – 13 tiêu chí)

 

Nhóm 4 (cơ bản đạt chuẩn 5 – 8 tiêu chí)

 

Nhóm 5 (đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí)

 

Năm 2010

0

01

15

35

05

 

Tháng 9/2013

03

03

23

27

 

0

So sánh kết quả năm 2010 (xã)

+ 03

+ 02

+ 08

- 08

- 05

- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn theo từng tiêu chí cụ thể, từ 1 tiêu chí đến 19 tiêu chí trên tổng số 56/56 xã thực hiện: tiêu chí 1: 46/56 (đạt 82,1%); tiêu chí 2: 6/56 (đạt 10,7%); tiêu chí 3: 20/56 (đạt 35,7%); tiêu chí 4: 52/56 (đạt 92,9%); tiêu chí 5: 9/56 (đạt 16,1%); tiêu chí 6: 5/56 (đạt 8,9%); tiêu chí 7: 20/56 (đạt 35,7%); tiêu chí 8: 56/56 (đạt 100 %); tiêu chí 9: 28/56 (đạt 50,0%); tiêu chí 10: 6/56 (đạt 10,7%); tiêu chí 11: 56/56 (đạt 100%); tiêu chí 12: 31/56 (đạt 55,4%); tiêu chí 13: 36/56 (đạt 64,3%); tiêu chí 14: 9/56 (đạt 16,1%); tiêu chí 15: 24/56 (đạt 42,9%); tiêu chí 16: 34/56 (đạt 60,7%); tiêu chí 17: 12/56 (đạt 21,4%); tiêu chí 18: 38/56 (đạt 67,9%); tiêu chí 19: 50/56 (đạt 89,3%).

- Tỷ lệ bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là: 09 tiêu chí, tăng 02 tiêu chí so với năm 2010.

4. Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

- Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 1352/KH-UBND ngày 28/3/2011. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 18/4/2012 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng 2020” và Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16 tháng 07 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020”.

- Đến tháng 9/2013, thành phố đã hỗ trợ dạy nghề cho 53.569 lượt lao động; trong đó, số lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ đạt trên 80%; 31/56 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Riêng trong lĩnh nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, đã đào tạo cho hơn 5.379 lượt lao động nông thôn đạt trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề (trong đó có 2.053 lao động từ chương trình nông thôn mới của thành phố; còn lại theo kế hoạch lồng ghép thực hiện của 5 huyện). Bên cạnh đó, tại 5 huyện, các đoàn thể và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn (dưới 15 ngày) cho hơn 6.971 lao động.

- Các cơ sở dạy nghề đào tạo trình độ từ sơ cấp nghề, trung cấp nghề đối với nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp; còn lại là các lớp tập huấn kỹ năng, chuyển giao công nghệ đối với các nghề dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp.

- Theo kết quả khảo sát tại 6 xã điểm: số người biết chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề là 6.718 người; số người được tư vấn địa chỉ các cơ sở doanh nghiệp gắn với việc làm tốt là 5.796 người; số người được tư vấn trước khi học nghề là 4.902 người; tổng số học viên đăng ký học là 6.718 người, trong đó, số học viên tốt nghiệp được cấp chứng chỉ là 3.989 người, chiếm tỷ lệ 59,4%; số người có việc làm là 5.386 người, chiếm tỷ lệ 80,7%.

- Phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tổ chức 02 lớp học Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới cho 237 cán bộ quản lý nhà nước cấp cơ sở thuộc các xã, huyện ngoại thành; 01 lớp đào tạo về Tổ hợp tác, Hợp tác xã với số lượng 100 người tham dự và 1 lớp đào tạo kế toán hợp tác xã với số lượng 70 người tham dự

      - Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội đến tháng 12/2012: tổng số lớp dạy nghề tại 5 huyện thực hiện từ kinh phí của Chương trình nông thôn mới và theo chính sách tại Quyết định 1956/QĐ-TTg là: 668 lớp, với 10.192 người phân theo lĩnh vực:

      + Nông nghiệp và Ngành nghề nông thôn: 280 lớp, với 4.493       người;

        + Công nghiệp – Dịch vụ: 388 lớp, với 5.699 người.

    - Ngoài ra, từ các nguồn kinh phí khác có 36.781 lượt lao động nông thôn được đào tạo nghề (trên địa bàn 5 huyện và 7 quận còn lao động nông thôn).

      - Mức chi phí đào tạo: Các trường và trung tâm dạy nghề đào tạo theo mức giá học phí tại hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký dạy nghề (dạy nghề ngắn hạn từ 07 ngày đến 15 ngày: kinh phí nhà nước hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người; sơ cấp nghề tối đa 3 triệu đồng/người – tùy đối tượng).

V.          VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP PHỤC VỤ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

1.            Về quy hoạch và đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng

1.1.Về quy hoạch, kế hoạch

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng; quy hoạch sản xuất muối; đồng thời xây dựng các chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi trọng điểm phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Ủy ban nhân dân 5 huyện tiến hành khảo sát, xác định một số vùng sử dụng đất nông nghiệp ổn định tập trung sau năm 2020, làm cơ sở để xây dựng quy hoạch chi tiết, đồng thời kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

1.2.Về đầu tư cơ sở hạ tầng

- Đối với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ủy ban nhân dân thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng đợt 1 năm 2013 tại Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 02/02/2013 là 127 tỉ đồng. Tình hình giải ngân đến ngày 06/9/2013 là 114,451/127 tỉ đồng, đạt 90,12 % so với kế hoạch; ước giải ngân đến ngày 30/9/2013 là 118,5/127 tỉ đồng, đạt 93% so kế hoạch, cụ thể:

+ Ban Quản lý Trung tâm Thủy sản thành phố: 30/30 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch.

+ Trung tâm Công nghệ sinh học: 77,37/83 tỉ đồng, đạt 93,22% kế hoạch; ước giải ngân đến ngày 30/9/2013 là 80/83 tỉ đồng, đạt 96,4% kế hoạch.

+ Trung tâm Giao dịch và Triển lãm nông sản thành phố: 4,6/10 tỉ đồng, đạt 42,6% kế hoạch; ước giải ngân đến ngày 30/9/2013 là 6/10 tỉ đồng, đạt 60% kế hoạch.

+ Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi: 1,9/03 tỉ đồng, đạt 63,5% kế hoạch; ước giải ngân đến ngày 30/9/2013 là 2/03 tỉ đồng, đạt 67% kế hoạch.

+ Ban Quản lý dự án QSEAP: 0,549/01 tỉ đồng, đạt 55% kế hoạch.

- Công tác quản lý đầu tư:

+ Thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh dự án, kế hoạch đấu thầu: Công trình phòng chống lụt bão và duy tu sửa chữa các CTTL 2013; công trình Mở rộng tuyến ống cấp nước Trạm cấp nước Tân Tạo 2; thẩm định điều chỉnh dự án Xây dựng nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng; Chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2015; điều chỉnh dự án Cống ngăn triều Nhiêu Lộc-Thị Nghè; điều chỉnh kế hoạch đấu thầu dự án Kiên cố hoá kênh N23 - huyện Trảng Bàng - Tây Ninh và huyện Củ Chi, công trình Kiên cố hóa kênh N31A-15-2 của Sư Đoàn 9, thẩm định và góp ý các dự án lâm sinh...

+ Góp ý điều chỉnh các văn bản về Luật, Nghị định chuyên ngành về xây dựng, đấu thầu.

+ Thực hiện giám sát công tác đấu thầu theo Thông tư số 01/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 04/01/2011 về quy định chi tiết về kiểm tra công tác đấu thầu.

+ Triển khai thực hiện Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; cụ thể: thẩm tra dự toán công trình, công tác nghiệm thu...

+ Thực hiện công tác đánh giá giám sát đầu tư theo quy định tại Nghị định 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

          2. Về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

- Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục củng cố, tổ chức lại hệ thống khuyến nông, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại nông sản theo hướng tăng hiệu quả và gắn liền người sản xuất - cán bộ nông nghiệp - nhà doanh nghiệp, ký kết hợp đồng tư vấn, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở các bên cùng có lợi.

- Trong 9 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 120 lớp tập huấn, huấn luyện cho trên 2.000 lượt nông dân. Tập trung vào các nội dung: kỹ năng tổ chức sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhân viên khuyến nông; kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP, trồng lan cắt cành, nuôi cá xiêm, nuôi cá nước lợ, nuôi heo theo quy trình VietGAP; tổ chức 35 cuộc hội thảo chuyên đề: Vệ sinh an toàn thực phẩm trên cây rau, phát triển hoa kiểng, chăn nuôi bò sữa theo quy trình VietGAHP, phát triển cá cảnh, hiệu quả của mô hình nuôi cua và hướng nhân rộng, sử dụng hiệu quả chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản…; tổ chức 53 chuyến tham quan cho 1.590 lượt nông dân để học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình tiên tiến, mô hình có hiệu quả trong và ngoài thành phố; triển khai xây dựng 90 mô hình tại 709 hộ về trồng rau theo quy trình VietGAP; trồng lan, cơ giới hóa trên cây rau và cây lan, nuôi cá cảnh; thực hiện 66 chương trình phát thanh khuyến nông trên sóng AM mỗi tuần 2 lần vào ngày thứ 5 và thứ 7 hàng tuần; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức thành công Diễn đàn khuyến nông @ công nghệ về sản xuất rau theo VietGAP tại huyện Củ Chi; tham gia hội thi chăn nuôi heo giỏi vùng ĐNB – 2013, tổ chức lễ bàn giao đợt đầu máy móc thiết bị của đề án cơ giới hóa bò sữa cho 157 hộ tại 31 xã thuộc 02 huyện Củ Chi, Hóc Môn với 102 máy vắt sữa, 15 thiết bị rửa máy vắt sữa, 126 bình nhôm, 12 máy băm thái cỏ, 37 hệ thống làm mát chuồng trại.

- Đã tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, các loại giống cây trồng vật nuôi, thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm theo chủ trương của Trung ương và thành phố. Tăng cường phối hợp với các Sở ngành, địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát để xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước khu vực sản xuất nông nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính của thành phố; quản lý và điều hành bộ máy cơ quan văn phòng Sở theo tiêu chuẩn ISO và quy chế 1 cửa, triển khai tại tất cả các đơn vị thuộc Sở; phối hợp với các quận huyện có sản xuất nông nghiệp củng cố tổ chức và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương, đảm bảo năng lực thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 - 2015 và các năm tiếp sau.

3. Về xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản

- Tổ chức khảo sát tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng nông sản, hoa cây kiểng vào các dịp Tết Nguyên đán nhằm xác định nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng. Tiến hành điều tra kênh tiêu thụ sản phẩm hoa cây kiểng, cá cảnh, rau, nấm trên địa bàn thành phố.

- Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng hạch toán chi phí giá thành nông sản, kỹ năng bán hàng và thương lượng, hướng dẫn sản xuất theo phương pháp hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, đồng thời tổ chức nhiều đợt khảo sát, học tập mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, tổ chức các hội nghị giao lưu giữa nông dân với các đơn vị kinh doanh về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức đưa tiểu thương các chợ hoa Đầm Sen và Hồ Thị Kỷ đến tham quan các nhà vườn sản xuất hoa lan tại huyện Củ Chi nhằm tạo đầu ra, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cẩm nang địa chỉ đỏ các điểm sản xuất - kinh doanh rau, nấm trên địa bàn thành phố …

- Thực hiện chương trình “Mỗi nhà nông 1 website”: từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thiết kế, xây dựng và bàn giao cho các đơn vị 18 website, nâng tổng số website đã xây dựng cho các đơn vị đến nay là 68. Trung tâm cũng đã hoàn tất thiết kế, xây dựng logo và bao bì cho 10 đơn vị; lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 70 đơn vị.

- Về Chương trình “Nông dân hội nhập”: đã thực hiện và phát sóng các chương trình với nhiều chủ đề nhằm thông tin các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố, các hoạt động nổi bật, thành công của ngành nông nghiệp thành phố, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, lai tạo giống tốt, tiềm năng, rau an toàn, hoa, cây kiểng, cá cảnh, du lịch sinh thái.

- Tổ chức khảo sát, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao tại thành phố và các tỉnh lân cận; hội nghị, hội thảo giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh và hợp tác xã, tổ hợp tác, siêu thị, cá nhân và các doanh nghiệp.

 

VII. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

- Sau ba năm thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả vật tư đầu vào, nhờ lãnh đạo thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo; các Sở ngành, quận huyện tích cực phối hợp, bà con nông dân nỗ lực sản xuất và các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở tích cực phấn đấu, vượt qua khó khăn nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác, giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, chuyển dịch theo hướng tích cực, các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố tiếp tục phát triển; tình hình sản xuất và tiêu thụ rau, hoa - cây kiểng, cá cảnh tăng cao so với cùng kỳ; tình hình hỗ trợ vốn vay cho nông dân tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần kích cầu và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

- Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp, tuy diện tích đất nông nghiệp hằng năm có giảm, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng khá cao; giá trị sản xuất nông nghiệp, doanh thu bình quân 1 ha đất sản xuất tăng (năm 2012: đạt 239,1 triệu đồng/ha/năm, tăng 22,9% so năm 2010: 158,5 triệu/ha/năm). Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại hình sản xuất qui mô lớn, hiện đại (kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, làng nghề, doanh nghiệp ...). Việc đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học bước đầu được phát huy trong ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học trong việc chọn, lai tạo và sản xuất các loại giống cây trồng, giống vật nuôi mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái; việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất được chú trọng, gắn với đổi mới phương thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học theo hướng liên kết sản xuất nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ; có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, tăng cường, vai trò của Hội Nông dân và dân chủ cơ sở được phát huy, chính trị ổn định, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững, diện mạo nông thôn đã có bước thay đổi rõ nét, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển thành phố.

- Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn đạt 1,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 66,6% so với khu vực thành thị. Đến năm 2012, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 2,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 41,2% so năm 2010, bằng 80,6% so với khu vực thành thị

- Năm 2012, giá trị sản xuất bình quân đạt 239 triệu đồng/ha/năm (vượt so kế hoạch đề ra đến năm 2015: 220 triệu đồng/ha/năm). Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2011-2013 dự kiến tăng 6,1%/năm.

- Tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: 99,1% (chỉ tiêu đến 2015 là 100%).

- Tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh: 39,4 % (vượt so kế hoạch: trên 38%).

- Mặc dù có bước tăng trưởng, tuy nhiên nông nghiệp thành phố vẫn phát triển chưa thật sự bền vững; sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như: thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường gây ra, thị trường nông sản thiếu ổn định, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận dân cư nông thôn, dù đã giảm dần nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa dân cư nông thôn và thành thị.

- Tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến, sức cạnh tranh thấp; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp  - dù có chuyển biến, nhưng vẫn chậm đổi mới, chưa phát triển sản xuất hàng hóa mạnh ở nông thôn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất – so với đòi hỏi thực tế, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

- Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, dù có tập trung, đạt một số kết quả ban đầu, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

VI.      KẾ HOẠCH ĐẾN NĂM 2015

1. Phương hướng mục tiêu cần đạt được đến năm 2015

 

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2011 – 2015, tăng trên 5%/năm.

 

 

- Giá trị sản xuất bình quân trên ha đạt 450 triệu đồng/ha/năm (2015).

 

 

- Đến cuối năm 2015, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 90% hộ và cơ sở chăn nuôi xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh có công trình xử lý chất thải bằng công nghệ khí sinh học.

 

 

- Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh đến 2015 là 40%.

 

 

  - Tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt tại 6 xã điểm và đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 50 xã nhân rộng. Phân kỳ tiến độ thực hiện theo từng năm:

 

 

      + Năm 2013: phấn đấu tất cả các xã cơ bản đạt tối thiểu từ 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên; có 12 xã cơ bản đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới.

 

 

      + Năm 2014: có 30 xã cơ bản đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới.

 

 

      + Năm 2015: cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới tại 56 xã xây dựng nông thôn mới.

 

2. Các giải pháp thực hiện

 

 2.1. Về cơ chế chính sách:

-       Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như Quyết định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn,

Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Quyết định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích  doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 9 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015,

 

- Nghiên cứu, thực hiện chính sách về huy động các nguồn lực, thúc đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngoại thành; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và hộ nông dân liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước; tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân.

 

 

2.2. Về khoa học công nghệ::     

 

  - Tiếp tục thực hiện Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 27/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

 

 

    - Tổ chức triển khai đồng bộ chính sách phát triển giống cây con theo Quyết định số 5997/QĐ-UBND ngày 9/12/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

    - Tập trung các giải pháp để tiếp tục phát triển mạnh các loại cây con và nông sản chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản (sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, các chất kháng sinh trong sản xuất, chế biến,...). Xây dựng và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch, phòng chống úng ngập, chương trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố, phát triển cơ giới hóa.

 

 

    - Tập trung đầu tư, tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến nông; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên và tập trung các hoạt động cho các xã xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn; đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất theo GAP.

 

 

- Triển khai nghiên cứu ứng dụng và gắn kết với các chương trình triển khai của Thành phố trong giai đoạn 2013-2015 như chương trình nông thôn mới; hoa lan cây kiểng; bò sữa; cá kiểng; rau sạch...

2.3. Hợp tác quốc tế

- Tiếp tục Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển khí sinh học” (QSEAP-BPD), Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (LIFSAP), Dự án phát triển nông thôn mới huyện Củ Chi (Chinfon).

- Tiếp tục phối hợp với các Trường Đại học các nước trong đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Tổ chức và hợp tác với các tổ chức hỗ trợ Doanh nghiệp quốc tế để mở các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng về thương mại điện tử, đàm phán thương mại, tham gia Hội chợ - Triễn lãm quốc tế, nghiên cứu thị trường qua internet, hỗ trợ  đào tạo, thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường cho cho ngành nông nghiệp như: CBI, SIPPO. JICA...

 

- Phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố (ITPC) và Sở Công thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản của nông dân.

- Tổ chức nghiên cứu về các tác động cụ thể đối với từng lĩnh vực  chuyên ngành, sản phẩm trọng điểm  của ngành nông nghiệp khi gia nhập WTO: hoa, cây kiểng, rau an toàn, cá sấu, cá cảnh, tôm sú, heo giống, bò sữa...để  điều chỉnh kịp thời chiến lược phát triển các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của thành phố và xây dựng chiến lược, chương trình phát triển giai đoạn 2011-2015./.


Số lượt người xem: 7031    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm