SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
3
6
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 24 Tháng Bảy 2012 2:10:00 CH

Kết quả hợp tác về kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ hàng hóa nông sản giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh


I. Kết quả ký kết thoản thuận hợp tác:

 

          1. Kết quả thực hiện hợp tác về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

 

          Ngày 13/01/2012, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các nội dung: Phối hợp giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn; phối hợp giới thiệu và tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp tham gia chương trình gắn kết thu mua sản phẩm; xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); thường xuyên trao đổi thông tin và có biện pháp phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

          Sau khi triển khai thực hiện các bản thỏa thuận hợp tác với 05 tỉnh thành về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát được nguồn thực phẩm động vật khoảng 13.603 tấn thịt heo/tháng (chiếm 78,6% so với tổng nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thành phố), 4.976 tấn thịt gà/tháng (chiếm 86,5% so với tổng nhu cầu tiêu thụ thịt gà của thành phố) và 76.955.500 quả trứng gia cầm/tháng (chiếm 71,1% so với tổng nhu cầu tiêu thụ trứng gà của thành phố). Trong đó, các tỉnh miền Đông Nam bộ chiếm 46,9% (miền Tây Nam bộ chiếm 32,5%) tổng nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thành phố, 64,3% (miền Tây Nam bộ chiếm 22,4) so với tổng nhu cầu tiêu thụ thịt gà của thành phố, 48,1% (miền Tây Nam bộ chiếm 23,0%) so với tổng nhu cầu tiêu thụ trứng gà của thành phố.

         Thực hiện Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND ngày 24/10/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án chiến lược phát triển chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2015 và Quyết định số 3500/QĐ-UBND ngày 10/7/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển chăn nuôi của thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn thực phẩm phục vụ bình ổn thị trường giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp TNXP đã liên kết với các trường  thuộc Lực lượng TNXP, Sở Lao động- Thương binh- Xã hội và các hộ trại chăn nuôi tại các tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trại chăn nuôi heo, gia cầm, nhằm cung cấp sản phẩm thịt, trứng an toàn, giá thành phù hợp, góp phần bình ổn thị trường thành phố, cụ thể:

         - Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố đã và đang triển khai đầu tư các dự án như sau:

         + Hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 90.000 tấn/năm tại huyện Hóc Môn.

         + Triển khai xây dựng Trại heo giống ông bà cố GGP tại tỉnh Bình Dương, cung cấp heo giống các loại 16.000 con/năm, xây dựng hệ thống giống heo theo mô hình tháp 4 cấp, hình thành các trại chăn nuôi vệ tinh tại các trường, trung tâm cai nghiện ma tuy thuộc Lực lượng TNXP, cũng như các trại vệ tinh tại tỉnh Đăk Nông và khu vực thông qua hình thức liên kết sản xuất.

         + Tập trung mở rộng và tăng quy mô chăn nuôi đàn heo tại Trường 1 (tỉnh Đăk Nông) và trường 4 (tỉnh Bình Dương) với tổng đàn 10.000 con, trong đó có 1.000 heo nái sinh sản, ước sản lượng thịt hơi đạt 2.000 tấn/năm.

         + Đầu tư tăng quy mô trại chăn nuôi gà đẻ tại tỉnh Bình Dương, gồm 16 trại nuôi gà đẻ và 04 trại nuôi gà hậu bị với quy mô 250.000 con, sản lượng 480 triệu trứng/năm và 200 tấn gà thịt/năm; Đầu tư dây chuyền tuyển chọn, làm sạch trứng, đóng gói bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với thương hiệu Thanh niên xung phong để cung ứng cho thị trường Thành phố.

         - Công ty TNHH Ba Huân đã và đang triển khai các dự án sau:

         + Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 4 trại chăn nuôi gà tại Phú Văn, tỉnh Bình Phước với quy mô trên 44.000 con gà.

         + Hợp tác với Lực lượng Thanh Niên Xung Phong đầu tư chăn nuôi gia cầm lấy trứng tại trường 4 với quy mô 76.000 con gà đẻ.

         + Đã xây dựng thành công mô hình liên kết chăn nuôi vịt đẻ tại Long An, với hình thức Công ty cung ứng con giống, ứng một phần thức ăn và thu mua lại sản phẩm trứng của bà con nông dân.

         + Tại Tỉnh Kiên Giang, Công ty đã hoàn thành đầu tư trang trại chăn nuôi gà đẻ với quy mô 80.000 con.

         Ngoài ra, để chuẩn bị đủ nguồn hàng đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm 2012, hiện Công ty Ba Huân Công ty còn đầu tư xây dựng mới 10 dãy trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng tại Bình Dương với quy mô 120.000 con, đang hợp tác đầu tư với 50 trang trại chăn nuôi gà đẻ và vịt đẻ với 150 hộ trại chăn nuôi tại các tỉnh Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ, với 800.000 gà đẻ, hậu bị và 500.000 vịt đẻ.

         - Công ty TNHH Phạm Tôn: có 22 trang trại chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng đàn 350.000 con/lứa, cung cấp khoảng 30% nhu cầu giết mổ của Công ty. Hiện nay, Công ty có 2 nhà máy giết mổ tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương.

         - Công ty TNHH San Hà có hệ thống cung ứng nguồn gia cầm nuôi thịt từ 11 Cơ sở chăn nuôi gia cầm tại Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Hậu giang. Hiện nay, Công ty có 3 nhà máy giết mổ tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Đồng Nai.

- Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn đã liên kết, đầu tư tại Trường giáo dục số 1 thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố xây dựng 2 trại với quy mô mỗi trại có tổng đàn 5.000 con, trong đó có 500 heo nái sinh sản; đưa vào hoạt động chăn nuôi heo thịt tại trường 1 Đắc Nông với quy mô 2.500 heo thịt, đã hoàn thành dự án khôi phục chăn nuôi gà thịt tại trại Củ Chi 1.

          2. Kết quả thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn:

 

          Ngày 21/10/2011, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản tỉnh Lâm Đồng và Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ký kết thỏa thuận về sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn với các nội dung: Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở thực hiện các tiêu chí tham gia Đề án “Chuỗi rau, quả an toàn”; thực hiện giám sát, kiểm tra, chứng nhận điều kiện sản xuất rau, quả an toàn; tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm rau, quả an toàn được tiêu thụ trên địa bàn thành phố; trao đổi thông tin về kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm. Lượng rau, quả từ tỉnh Lâm Đồng nhập về thành phố khoảng 50.000 - 52.000 tấn/tháng (chiếm 45% sản lượng rau nhập về tiêu thụ tại thành phố).

          Ngày 8/6/2012, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản tỉnh Lâm Đồng và Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn. Sản lượng rau, quả từ các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang cung ứng về thành phố khoảng 320.000 tấn/năm (chiếm khoảng 24,2% sản lượng rau tiêu thụ tại thành phố: Long An chiếm 5,9%; Tây Ninh chiếm 5,8%; Tiền Giang chiếm 12,3%). Trong đó, các tỉnh miền Đông Nam bộ chiếm 27,2% (miền Tây Nam bộ chiếm 15,7%) tổng sản lượng rau cung ứng từ các tỉnh về thành phố.

          Sau khi triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ rau, quả đảm bảo an toàn thực phẩm, thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát được  khoảng 71.500 tấn rau, quả/tháng tương đương 69% tổng sản lượng cung ứng từ các tỉnh nhập về thành phố.

          3. Kết quả thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản:

 

Ngày 13/03/2012, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố Hồ Chí Minh và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản, thủy sản các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Bình Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản với các nội dung: Phối hợp tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm thủy sản; phối hợp xử lý vi phạm các cơ sở nuôi trồng có mẫu phát hiện dư lượng chất cấm trong quá trình lưu thông; trao đổi thông tin, công tác liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản; khảo sát chọn, kiểm tra, giám sát các cơ sở có sản phẩm tham gia chuỗi “thực phẩm an toàn”; giám sát các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, thành phố sẽ kiểm soát được khoảng 16.721 tấn/tháng, (chiếm khoảng 91,6%) so với tổng lượng cung ứng từ các tỉnh về thành phố tiêu thụ. Trong đó, các tỉnh miền Tây Nam bộ chiếm 75,6% (miền Trung chiếm 8,1%) tổng lượng cung ứng từ các tỉnh về thành phố.

4. Về công tác giống:

 

          - Giống vật nuôi: Trong 6 tháng đầu năm 2012, thành phố cung cấp cho các tỉnh lân cận khoảng 15.000 con heo giống nuôi thịt và 1.275 con heo giống hậu bị nuôi nái.

          - Giống cây trồng: Trong 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp đã sản xuất được 9.221,3 tấn hạt giống (bắp chiếm 30,9%, lúa chiếm 60,8%) tăng 14,8% so với cùng kỳ. Ước tính lượng giống do các công ty giống trên địa bàn thành phố trong 6 tháng năm 2012 cung cấp cho thành phố và các tỉnh trong cả nước đáp ứng trên 280.000 ha gieo trồng.

          - Giống thủy sản:Trong 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp đã sản xuất được 775 triệu con giống, trong đó cá giống 750 triệu con, tôm giống 25 triệu con; thuần dưỡng tôm giống 465 triệu con. Sản lượng cá giống chủ yếu tiêu thụ tại thành phối, cung cấp các tỉnh khoảng 10%.

II. Nhận xét:

Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, Thành phố cùng các tỉnh đã quyết liệt thực hiện các nội dung hợp tác bước đầu đạt được kết quả, đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm nông sản. Tuy nhiên, các tỉnh đôi lúc việc kiểm tra chưa chặt chẽ để xảy ra trường hợp lô hàng sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ được chuyển về thành phố tiêu thụ.

III. Kế hoạch thực hiện trong thời gian tới:

- Triển khai thực hiện các nội dung của bản thỏa thuận hợp tác với các tỉnh đã ký kết.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, vận chuyển, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông sản từ các tỉnh về thành phố tiêu thụ. Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh, cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Phối hợp với các tỉnh trong công tác lấy mẫu giám sát tình hình dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm trên các sản phẩm nông sản, thủy sản.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành phố giao lưu với nông dân để đặt hàng về nhu cầu, tiêu chuẩn nông sản thu mua.

Trên đây là kết quả thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

 



Số lượt người xem: 6094    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm