SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
4
7
9
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 Tháng Tư 2012 3:45:00 CH

Kết quả tình hình cung cấp nước sinh hoạt Nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

 

I.        KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN THÀNH PHỐ

1.       Về mục tiêu:

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 293/-UBND ngày 22/01/2007 phê duyệt Dự án đầu tư cấp nước sinh hoạt nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 – 2010 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010:

+ Nâng tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%.

+ Hầu hết các hộ dân cư ngoại thành được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn với mức sử dụng bình quân trên 60 lít/người/ngày.

+ Xóa bỏ thói quen sử dụng nước sinh hoạt không hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe, giảm các loại bệnh tật do nguồn nước.

2.       Tình hình triển khai và kết quả thực hiện:

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trạm cấp nước; kết quả cụ thể như sau:

- Từ năm 2008 đến 2011, Trung tâm đã phối hợp với các quận huyện và xã phường tổ chức 756 lớp tập huấn, tuyên truyền, trong đó có 303 lớp về sức khỏe và vệ sinh môi trường nông thôn, 75 lớp kỹ năng phát triển cộng đồng, 17 lớp về điều tra bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, định kỳ hàng năm đều tổ chức Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Từ năm 2008 đến 2011, Trung tâm đã thực hiện được 27 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng vốn đầu tư 119,8 tỉ đồng, trong đó đã nâng cấp, mở rộng 16 trạm cấp nước tập trung, xây mới 11 trạm cấp nước. Việc nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trạm cấp nước tập trung chủ yếu ưu tiên cho những khu vực mà hệ thống cấp nước của thành phố chưa phát triển đến hoặc chất lượng nước giếng do hộ dân tự khoan chưa đảm bảo hợp vệ sinh. Cụ thể: tại huyện Bình Chánh, Trung tâm đã xây mới 6 trạm, mở rộng 8 trạm; tại quận Bình Tân: xây mới 3 trạm, mở rộng 3 trạm; tại huyện Hóc Môn: xây mới 1 trạm, mở rộng 1 trạm; tại Nhà Bè: mở rộng 3 trạm; tại quận Thủ Đức: mở rộng 2 trạm.

- Đến nay, Trung tâm đã quản lý 123 trạm cấp nước tập trung, phục vụ cho 53.207 hộ với 301.265 nhân khẩu, lượng nước cung cấp bình quân đạt trên 40.000 m3/ngày đêm.

3.       Nhận xét, đánh giá:

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, hỗ trợ của các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận huyện, xã phường, Dự án đã đạt một số kết quả rất đáng khích lệ.

Thứ nhất, trong bối cảnh ngân sách luôn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhưng thành phố đã quan tâm và bố trí vốn, giúp Trung tâm nâng cấp, mở rộng được 16 trạm cấp nước và xây mới được 11 trạm cấp nước, nâng tổng số trạm cấp nước tập trung do Trung tâm quản lý, khai thác lên 123 trạm, cung cấp cho trên 300.000 nhân khẩu, góp phần nâng tổng số nhân khẩu ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 1,26 triệu người, chiếm tỉ lệ 98,8% tổng số nhân khẩu nông thôn.

Thứ hai, tuy chưa có số liệu đánh giá cụ thể, nhưng việc mở rộng mạng lưới cấp nước đã góp phần đáng kể trong việc giảm bớt tình trạng người dân nông thôn phải đi đổi nước, tiết kiệm thời gian và chi phí sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Thứ ba, việc tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh dễ dàng đã giúp cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, việc sử dụng nước ao hồ, sông rạch không hợp vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày đã giảm đáng kể, hạn chế các bệnh liên quan đến nguồn nước không hợp vệ sinh, tiết kiệm được ngân sách cho y tế, nâng cao sức khỏe và những tác động tích cực khác, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Dự án trong thời gian qua cũng có một số tồn tại, khó khăn:

-  Việc bố trí, bàn giao mặt bằng để xây dựng các trạm cấp nước thường gặp khó khăn, chậm so tiến độ. Một số địa phương không có đất công, do đó phải giải tỏa, đền bù,  ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

-  Giá vật liệu xây dựng, trang thiết bị thường xuyên biến động, nhất là từ năm 2008 đến nay, dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần dự toán kinh phí, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn.

II.     KẾ HOẠCH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

Thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần IX, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn bộ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể như sau:

1.       Mục tiêu:

- Cung cấp nước sạch cho các hộ dân vùng nông thôn ngoại thành để sinh hoạt và phát triển tiểu thủ công nghiệp, xóa bỏ tình trạng sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe, phát sinh bệnh tật do sử dụng nước, góp phần thực hiện nếp sống văn hóa mới, tập trung 58 xã xây dựng mô hình nông thôn, các vùng có yêu cầu bức xúc về nước sạch.

- Phấn đấu đến cuối năm 2015: 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX.

2.       Nhiệm vụ:

- Nâng cấp, mở rộng 12 trạm cấp nước tập trung đã được xây dựng trước đây do Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch.

- Xây dựng mới 16 trạm cấp nước tập trung ở các vùng, khu vực nông thôn chưa có hệ thống cấp nước của thành phố (các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và quận Bình Tân).

- Quản lý, khai thác hệ thống cấp nước để cung cấp đủ và kịp thời cho nhu cầu sử dụng nước dân cư vùng nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt.

- Định kỳ hàng năm tổ chức Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổ chức vận động, tuyên truyền người dân khu vực ngoại thành tăng cường sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

3.       Kế hoạch đầu tư năm 2012:

- Đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp 12 trạm cấp nước tập trung.

Trong đó, huyện Bình Chánh: 8 trạm, huyện Hóc Môn: 2 trạm, quận Bình Tân: 1 trạm, huyện Củ Chi: 1 trạm.

- Ước kinh phí đầu tư : 136 tỉ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Ủy ban nhân dân thành phố sớm xem xét và phê duyệt Chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015 theo Tờ trình số 1901/TTr-SNN-QLĐT ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Trung tâm có cơ sở triển khai đầu tư xây dựng công trình cấp nước từ năm 2012.

2. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn vốn ngân sách để đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

3. Ủy ban nhân dân các quận 2, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân; Ủy ban nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và Sở ngành thành phố, các Đoàn thể và phương tiện truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí...) tiếp tục phối hợp, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, hưởng ứng Chương trình nước sinh hoạt nông thôn, đăng ký, sử dụng nguồn nước sạch.

4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có đầu tư xây dựng trạm cấp nước (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và quận Bình Tân):

- Chỉ đạo các xã, phường và đơn vị liên quan ưu tiên, bố trí mặt bằng xây dựng các trạm cấp nước phù hợp qui hoạch, sớm bàn giao để Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn chủ động thực hiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo tiến độ thi công xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

- Khẩn trương thực hiện lập và phê duyệt phương án đền bù, giá đền bù. Sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố bố trí vốn và mặt bằng xây dựng trạm cấp nước đầy đủ thủ tục qui định, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ chuyển kinh phí đền bù giải tỏa về Ủy ban nhân dân các quận huyện.


Số lượt người xem: 19474    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm