SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
3
0
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 Tháng Chín 2011 4:20:00 CH

Thành phố Hồ Chí Minh – Hội nghị phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố tại Hội nghị phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, diễn ra vào ngày 09/9/2011, tại Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố; hiện toàn thành phố có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 70.000 lao động, trong đó khu vực nội thành có 24 ngành nghề, vùng đô thị có 10 ngành nghề và vùng nội thành có 31 ngành nghề.

 


 Các ngành nghề rất đa dạng về quy mô và lĩnh vực, như chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh… Trong 5 năm (2006 – 2010), giá trị sản xuất các ngành nghề tăng bình quân 37,45%/năm, cụ thể: chế biến nông sản thực phẩm tăng 10,83%/năm, may mặc tăng 20,74%/năm, thuộc da và sản phẩm từ da tăng 25,56%/năm, sản phẩm tre nứa tăng 17%/năm, đồ gỗ tăng 14,47%/năm; giá trị sản xuất và thu nhập lao động ngành nghề nông thôn tăng bình quân 10%/năm.

Ngoài ra, trên cơ sở đề án Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 – 2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thành phố đã triển khai hỗ trợ một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phong trào “mỗi làng một nghề” và “mỗi làng một sản phẩm” trên địa bàn ngoại thành, đem lại kết quả khả quan. Cụ thể: Làng nghề đan đát xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, hiện có 500 hộ nghề và 5 cơ sở đầu mối giải quyết cho hơn 1.000 lao động tại chỗ, sản lượng hàng hóa hàng năm xuất khẩu trên 600.000 sản phẩm các loại, trong đó năm 2010 có hơn 100.000 sản phẩm, đạt giá trị xuất khẩu 1,2 tỷ đồng. Làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, hiện có 527 hộ, với 1.054 hộ lao động tham gia sản xuất, có 716 lò tráng thủ công và 60 lò tráng máy, sản lượng bình quân 30 tấn bánh/ngày, trong đó 2/3 sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Làng nghề nuôi và chế biến da cá sấu xuất khẩu phường Thạnh Xuân, quận 12, tổng đàn cá sấu là 187.041 con của 59 tổ chức và cá nhân gây nuôi, trong đó có 112.757 con được cấp mã số thẻ Cites, năm 2010 xuất khẩu 887 sản phẩm da cá sấu sang Nga, Canada và xuất tiểu ngạch cá sấu sống sang Trung Quốc đạt 34,907 tỷ đồng…

(Ảnh Cơ sở sản xuất bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi)

Tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề gắn với chương trình “mỗi làng một nghề” và “mỗi làng một sản phẩm” trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển làng nghề tại thành phố. Trình độ quản lý sản xuất kinh doanh của các chủ hộ, cơ sở sản xuất và trình độ kiến thức, tay nghề của người lao động trong các làng nghề còn hạn chế. Theo thống kê, có đến 39,7% chủ hộ sản xuất có trình độ học vấn cấp I, 69,4% chủ hộ sản xuất tại làng nghề chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý (trong đó trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm tỷ lệ 2,6%). Bên cạnh đó, việc phát triển ngành nghề và làng nghề còn hạn chế một số mặt, như hệ thống quản lý nhà nước còn chưa thống nhất; hệ thống mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm và bao bì chưa đổi mới; hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ và dịch vụ chưa phát triển; sự phát triển tự phát và công nghệ sản xuất lạc hậu dẫn đến ô nhiễm môi trường… Vì thế, việc xây dựng và phát triển ngành nghề nông thôn trong giai đoạn hiện nay là phải phù hợp với chủ trương của Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Do đó, trong 5 năm tới (2011 – 2015), để xây dựng và phát triển ngành nghề nông thôn thành công, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố sẽ tập trung vào các mục tiêu: ưu tiên tập trung phát triển một số ngành nghề, trên cơ sở lợi thế về vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, lao động, công nghệ sản xuất; quy hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, trong đó chú trọng các làng nghề đan đát, bánh tráng, sản xuất và chế biến da cá sấu, sản xuất và chế biến muối, đan giỏ trạc, hoa kiểng; tiếp tục xây dựng và thực hiện chương trình “mỗi làng một sản phẩm”; tập trung xây dựng và phát triển ngành nghề nông thôn theo các nhóm ngành nghề chế biến bảo quản nông lâm thủy sản, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; nâng giá trị sản xuất và thu nhập lao động ngành nghề nông thôn tăng trưởng bình quân 15%/năm; giải quyết việc làm cho 40.000 – 45.000 lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Song song với các mục tiêu trên, Ngành cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm: xây dựng chương trình, dự án, đề án đầu tư; xây dựng quy hoạch bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh công tác về đầu tư, tín dụng; phát triển kinh tế hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã; tổ chức, hỗ trợ về xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên đào tạo nghề nông nghiệp và ngành nghề nông thôn cho 40% lao động là nữ.     

 

Đặng Kiệt        


Số lượt người xem: 7214    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm