SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
4
4
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 03 Tháng Hai 2007 8:30:00 CH

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 02 năm 2007, Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 thành phố có công văn số 136/SNN-NN gửi Ủy Ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị liên quan. Nội dung công văn:

            Dịch lở mồm long móng tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp có xu hướng lây lan ra diện rộng. Tính đến ngày 31/01/2007, cả nước có 26 xã của 06 huyện thuộc 09 tỉnh/thành phố gồm Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Đồng Nai, Kom Tum, Cần Thơ và Sóc Trăng có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. 

Vừa qua Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện xử lý kịp thời một số heo có bệnh LMLM được nhập vào thành phố không qua kiểm dịch và không tiêm phòng được nuôi tại các hộ nhập cư trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B - huyện Bình Chánh. Do đó, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh LMLM trên diện rộng tại thành phố là rất lớn nếu không tập trung chỉ đạo quyết liệt và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch LMLM sẽ đe dọa tình hình an toàn dịch bệnh cho gia súc, gây bất lợi cho tốc độ phát triển kinh tế xã hội thành phố.   

          Nhằm thực hiện khẩn trương Chỉ thị số 321/CT-BNN-TY ngày 31/01/2007 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng gia súc; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19/2006/CT-UBND ngày 30/05/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch LMLM ở gia súc trên địa bàn thành phố;  

          Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 thành phố đề nghị các quận-huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo sau đây: 

1. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

       1.1. Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Lở mồm long móng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra trường hợp dịch bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn. Trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, khi được cơ quan chuyên môn phát hiện, báo cáo, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải thực hiện theo đúng các quy định của Pháp lệnh thú y và Quyết định 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/05/2006 về việc Ban hành quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc. 

1.2. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng lở mồm long móng trên gia súc, chú ý nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, đạt tỷ lệ 80% của tổng đàn thực tế tại các vùng có nguy cơ cao như ven quốc lộ, vùng giáp ranh các tỉnh, vùng chăn nuôi tập trung, khu vực quanh lò mổ, vựa kinh doanh gia súc và 100% của tổng đàn thực tế tại vùng ổ dịch cũ trong thời gian sớm nhất. 

1.3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường xã kiểm tra, quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia súc tại địa phương; tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp hộ chăn nuôi không chấp hành tiêm phòng gia súc đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi tự phát, không đảm bảo tình trạng vệ sinh, không chấp hành tiêm phòng; kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn. 

2. Giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện: 

2.1. Chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp giết mổ gia súc trái phép. Kiên quyết xử lý triệt để các cơ sở giết mổ, các hộ kinh doanh trái phép hoặc không thực hiện nghiêm túc các qui định, cho ngưng hoạt động các cơ sở giết mổ, các hộ kinh doanh cố tình vi phạm qui định về phòng chống dịch bệnh Lở mồm long móng.  

       2.2. Chỉ đạo các ban ngành phối hợp với các Trạm Thú y quận, huyện:

- Tăng cường công tác giám sát, thông tin dịch bệnh đến từng cơ sở chăn nuôi, hộ dân từ ấp đến xã, phường, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gia súc nhiễm dịch bệnh nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa dịch bệnh lay lan trên diện rộng.

- Rà soát và buộc các cơ sở chăn nuôi thực hiện tiêm phòng bắt buộc cho các đối tượng heo, trâu, bò, đặc biệt là các vùng chăn nuôi trọng điểm, gần các trục lộ liên tỉnh, các cơ sở giết mổ, cơ sở nhập gia súc từ các tỉnh thành đã có dịch bệnh lở mồm long móng trong thời gian qua.

- Nhanh chóng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh Lở mồm long móng cho người chăn nuôi, thương nhân, doanh nghiệp giết mổ, kinh doanh gia súc; phổ biến và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch sau đây: 

          a. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi:

- Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các trại chăn nuôi tập trung.

- Phải khẩn trương tiêm phòng định kỳ vắc xin Lở mồm long móng và tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc.

- Kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn cung cấp cho gia súc nuôi.

- Tiêu độc sát trùng các phương tiện vận chuyển ra vào trại nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia súc. Thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải. Duy trì và thường xuyên thay thuốc sát trùng ở cổng ra vào trại, cổng ra vào chuồng.

- Tạm ngưng hoạt động tham quan, ngưng nhập gia súc có nguồn gốc từ các tỉnh vào các cơ sở chăn nuôi.

- Khai báo kịp thời với cơ quan thú y khi phát sinh dịch bệnh, hoặc khi  phát hiện các hộ, cơ sở chăn nuôi khác có dịch và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan  thú y.

- Không tổ chức bếp ăn tập thể bên trong trại; các hộ chăn nuôi khi sử dụng thực phẩm động vật phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch.

- Trường hợp cơ sở chăn nuôi có dịch phải chấp hành nghiêm túc việc xử lý dịch bệnh của cơ quan thú y, không được tự ý bán chạy làm lây lan phát tán dịch bệnh. 

b. Đối với cơ sở và thương nhân kinh doanh giết mổ gia súc:

Phổ biến các quy định và hướng dẫn cụ thể công tác phòng chống dịch Lở mồm long móng theo đúng quy định của pháp luật thú y hiện hành và các biện pháp chế tài khi vi phạm.

- Gia súc nhập về phải từ vùng an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng, phải có đầy đủ giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy kiểm dịch xuất tỉnh ...

- Tăng cường công tác kiểm tra lâm sàng, đảm bảo động vật trước khi giết mổ không mắc bệnh truyền nhiễm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ.

- Người trực tiếp tham gia giết mổ phải đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định, không mắc bệnh truyền nhiễm, da liễu, có giấy khám sức khoẻ định kỳ.

- Thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc sát trùng hàng ngày tại các cơ sở giết mổ  đúng quy định cùng các phương tiện vận chuyển ra vào cơ sở giết mổ.

- Trường hợp tại cơ sở giết mổ có heo nghi mắc bệnh truyền nhiễm lở mồm long móng phải báo ngay cho lực lượng thú y trực để kịp thời có biện pháp chẩn đoán, xử lý theo đúng quy định của luật thú y và hướng dẫn của cơ quan thú y quản lý địa bàn.

- Các cơ sở giết mổ gia súc: không nhập gia súc vượt quá công suất chứa theo quy định giết mổ hàng đêmhạn chế tối đa việc tồn trử thú sống tại lò trong tình hình dịch LMLM đang có nguy cơ bùng phát

c. Đối với các tổ chức, cá nhân mua bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật:

- Không thu mua, vận chuyển, kinh doanh và giết mổ các đối tượng heo, trâu bò, dê  từ vùng có dịch lở mồm long móng.

- Chấp hành những quy định về kiểm soát nguồn gốc, thủ tục vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kinh doanh theo quy định của luật thú y và hướng dẫn của tổ chức thú y trên địa bàn.

- Trường hợp các tổ chức, cá nhân có nguồn heo nhập về giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố có phát bệnh lở mồm long móng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và tuân thủ hướng dẫn xử lý dịch bệnh của cơ quan thú y.

3. Giao Chi cục Thú y:

Thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố, triển khai khẩn cấp các biện pháp nghiệp vụ:

          - Giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý theo quy định khi phát hiện ổ dịch mới.

- Đẩy mạnh công tác tiêm phòng gia súc bắt buộc nhất là trên đàn trâu bò và đàn heo tại các quận huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp và vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố, các trại giống. Từ đây đến trước Tết nguyên đán phải quyết liệt tổ chức tiêm phòng tại các vùng bị dịch LMLM đe dọa có nguy cơ xảy ra dịch lớn đạt tỷ lệ tiêm trên 80%.

          - Tăng cường công tác kiểm tra tại chỗ các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, trên các tuyến Quốc lộ, Liên tỉnh lộ, các cửa ngõ đi vào thành phố, ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc bệnh vào thành phố và các trường hợp vận chuyển bằng các phương tiện không chuyên dùng vi phạm Quyết định số 31/2005/QĐ-UB ngày 17/02/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố.

          - Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra tại các cửa ngõ vào thành phố, kiểm tra lâm sàng chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ, vựa kinh doanh gia súc, trong đó tập trung chú ý nguồn gia súc nhập từ các các tỉnh. Kiểm tra sản phẩm động vật tại các chợ, các cơ sở chế biến thực phẩm có nguồn gốc động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

4. Giao Trung tâm Khuyến nông:

 - Phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan tập huấn, tuyên truyền về phòng chống dịch cho các cơ sở chăn nuôi bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức cảnh giác đối với dịch bệnh.

- Tăng cường giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, khi phát hiện gia súc có triệu chứng Lở mồm long móng, cần báo cáo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để kịp thời xử lý.

- Chuẩn bị lực lượng sẳn sàng chi viện, ứng phó tham gia chống dịch khi có sự điều động của Giám đốc Sở. 

         Nhằm bảo đảm an toàn sức khoẻ của người dân, an toàn dịch tễ đàn gia súc, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 đề nghị Ủy ban nhân dân các Quận huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Lở mồm long móng  trên địa bàn thành phố.       

Số lượt người xem: 3598    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm