SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
0
1
4
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 27 Tháng Giêng 2010 10:05:00 SA

Kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của thành phố Hồ Chí Minh năm 2010

-
 
  -

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Tập trung thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra trên địa bàn.

2. Tổ chức thí điểm tại các khu vực thường xuyên và có nguy cơ cao xảy ra thiên tai để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả.

3. Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp, tập trung cho cấp cơ sở trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai.

II. Nội dung Kế hoạch:

1. Chương trình 1: Nâng cao năng lực về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho cán bộ chính quyền các sở - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

a) Hướng dẫn triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các sở - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã - thị trấn và tại cộng đồng dân cư.

b) Thành lập bộ máy trực tiếp triển khai nhiệm vụ phòng, chống và quản lý, giảm nhẹ thiên tai cấp thành phố, quận - huyện và phường - xã - thị trấn, trước mắt tại các đơn vị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên …

c) Tổ chức lực lượng xung kích, ứng cứu các tình huống thiên tai tại cơ sở.

d) Biên soạn bộ tài liệu tập huấn về chính sách, cơ chế và các biện pháp phòng, chống, quản lý và giảm nhẹ thiên tai tương thích với đặc thù của thành phố. Các bước triển khai hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các cấp và cộng đồng dân cư, thực hiện quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng cho đội ngũ giảng viên, các cơ quan, cán bộ địa phương và cán bộ trực tiếp cấp cơ sở.

đ) Trang bị một số công cụ, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho phường - xã - thị trấn và bộ dụng cụ giảng dạy, tập huấn, huấn luyện về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp.

2. Chương trình 2: Tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao năng lực cho cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai:

a) Thành lập các tổ, nhóm triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

b) Xây dựng, cập nhật thông tin bản đồ cảnh báo thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương đối với cộng đồng dân cư khi thiên tai xảy ra, đánh giá và xác định những vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.

c) Biên soạn tờ bướm, tài liệu đào tạo, sổ tay hướng dẫn các hoạt động khẩn cấp và quy trình ứng phó cụ thể cho cộng đồng để chủ động phòng, tránh và khắc phục hậu quả ứng với từng giai đoạn: trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra phù hợp với đặc điểm của từng nhóm cộng đồng dân cư.

d) Tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn cho cộng đồng dân cư làm điểm xây dựng kế hoạch phòng chống, ứng phó tại chỗ trên các địa bàn xung yếu tại một số quận, huyện có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, mật độ dân số đông, như mưa bão, động đất, sập đổ, sóng thần, sạt lở, ngập úng … như huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận Thủ Đức, quận 12 và quận 4…

đ) Rà soát, xây dựng kế hoạch quản lý và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo sớm, kịp thời về thiên tai trong cộng đồng dân cư, nhất là hệ thống thông tin ở các địa bàn ven biển, ven sông, vùng xung yếu, trũng thấp.

e) Tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, internet đồng thời nâng cao vai trò của trang thông tin điện tử http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn/ trong hoạt động tuyên truyền, cập nhật thông tin và thu thập ý kiến phản hồi từ cộng đồng.

g) Tổ chức hệ thống đánh giá và giám sát các hoạt động về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng tại một số xã, phường, thị trấn thuộc các quận - huyện điểm.

h) Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các hoạt động, các cuộc thi tìm hiểu và hiến kế các giải pháp thiết thực, hiệu quả về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng.

III. Kinh phí:

1. Tổng kinh phí thực hiện các nội dung thuộc 2 chương trình khoảng 1.280.000.000 đồng (một tỷ, hai trăm tám mươi triệu đồng chẵn).

2. Nguồn kinh phí thực hiện: từ Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở Tài chính thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí thực hiện; đồng thời hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các sở - ngành, quận - huyện việc thực hiện Kế hoạch. Cuối năm tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, tổng hợp báo cáo kết quả, tiến độ cho Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố triển khai nội dung Kế hoạch liên quan đến lĩnh vực phòng, chống và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố biên soạn tài liệu và đưa nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai lồng ghép để giảng dạy ở một số trường tiểu học và trung học cơ sở tại các quận - huyện điểm.

4. Các sở - ngành thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, các quận -huyện để tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

5. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

- Xây dựng Kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2010 tại địa phương mình.

- Chủ động huy động các nguồn lực bổ sung, lồng ghép với các hoạt động có liên quan đến cộng đồng dân cư, quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của quận - huyện.

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, trước hết người dân ở các khu vực thường xuyên bị thiên tai, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai ý thức chủ động phòng, chống và tích cực tham gia các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng nhằm góp phần giảm nhẹ thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các đoàn thể thành phố và các cơ quan báo, đài thành phố phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, các sở - ngành thành phố, quận - huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền, tham gia phổ biến, hướng dẫn các hoạt động liên quan đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.

7. Để triển khai có trọng tâm, trọng điểm nhằm rút kinh nghiệm phổ biến nhân rộng mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố tập trung tổ chức thực hiện thí điểm nội dung yêu cầu Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại một số xã, phường ven biển, ven sông, có mật độ dân cư đông đúc, có nguy cơ cao xảy ra một số loại thiên tai ảnh hưởng trực tiếp như: lụt, bão, mưa lớn – ngập úng, sạt lở đất ven sông, sóng thần – nước biển dâng, dư chấn động đất gây sập đổ nhà ở, công trình cao tầng. Đề nghị các quận, huyện xác định địa bàn để triển khai thực hiện kế hoạch:

- Huyện Cần Giờ: chọn 01 xã ứng phó với bão đổ bộ và 01 xã ứng phó với sự cố sóng thần, nước biển dâng.

- Huyện Nhà Bè: chọn 01 xã ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông.

- Quận 12, quận Thủ Đức: mỗi quận chọn 01 phường ứng phó với tình trạng triều cường, xả lũ, ngập úng.

- Quận 4: chọn 01 phường ứng phó với dư chấn động đất có thể xảy ra sập đổ nhà cao tầng.

Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB.


Số lượt người xem: 6347    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm