SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
0
8
5
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 Tháng Bảy 2006 3:25:00 CH

Tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp thành phố 6 tháng đầu năm 2006

I. TÌNH HÌNH CHUNG:

Sự phát triển nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2006 gắn chặt với tiến trình chuẩn bị nội dung, giải pháp tạo động lực mới cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vào tầm phát triển mới trong kế hoạch 5 năm 2006 – 2010.

Nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế của 5 năm sắp tới, không chỉ với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và dịch vụ mà phải hướng tới một nền nông nghiệp đô thị bền vững.

Đòi hỏi tất yếu của thị trường với sản phẩm nông nghiệp thành phố là: Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, với thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ đã được kiểm tra, giám sát về chất lượng. Mặt khác, phải tạo ra các điều kiện hình thành “chuỗi sản xuất – kinh doanh – tiêu thụ”, gắn kết chặt giữa nhà sản xuất – người nông dân sản xuất với các tổ chức kinh tế trong lưu thông – tiêu thụ, từng bước từ thấp đến cao, quy mô nhỏ, vừa để vươn lên đáp ứng các đợt đặt hàng với số lượng lớn.

Trước các yêu cầu vừa nêu, việc tổ chức thực hiện không phải là điều đơn giản. Hơn nữa, trong 6 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp thành phố lại đương đầu và phải giải quyết có hiệu quả các yếu tố gây cản ngại chính như sau:

1. Về khách quan:

- Phải phòng chống dịch rầu nâu đang lây lan diện rộng ở khu vực miền Tây Nam bộ.

- Khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng lây lan diện rộng trên phạm vi cả nước mà ngay tháng 12/2005 đã gây thiệt hại nặng cho 02 tỉnh Long An và Tiền Giang. Nếu không phòng chống dịch có hiệu quả, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn, đe dọa đàn bò sữa trên 60.000 con và đàn heo giống, thương phẩm chất lượng cao so với khu vực.

- Các diễn biến bất lợi về dịch bệnh kéo theo sự biến động bất lợi về giá cả đầu vào, nguyên – nhiên vật liệu và hạn chế sức “mua” trên thị trường các loại nông súc sản và con giống.

2. Về chủ quan:

- Sự chuyển động, quan tâm, theo dõi, cập nhật sản phẩm nông nghiệp chuyển đổi phù hợp nền nông nghiệp đô thị chưa kịp thời và thành hệ thống: tiến độ; kết quả sản xuất: hoa, rau, thủy sản nước ngọt, cá kiểng,… của các cấp từ Sở, quận, huyện và một số đơn vị chuyên ngành.

3. Các biện pháp chỉ đạo tập trung và kết quả:

3.1. Dồn sức phòng chống dịch có hiệu quả:

Với tư tưởng chủ động phòng: Ngay từ tháng 01 năm 2006, Sở đã chỉ đạo đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như: xiết chặt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; đình chỉ hoạt động các vựa, lán heo thu mua gia súc “trôi nổi” trốn tránh kiểm dịch.

Tiến hành nhanh đợt tiêm phòng FMD ngay từ tháng 01 năm 2006, đến tháng 05 đã hoàn thành với kết quả trên 300.000 con heo và trên 68% tổng đàn trâu bò. Kết quả:

+ Thành phố đã không xảy ra dịch bệnh, lây lan diện rộng.

+ Kiểm soát gần 5,2 triệu gia súc, gia cầm các loại an toàn, không gây “ách tắc” thị trường.

3.2. Đột phá mới trong “Gắn kết sản xuất với tiêu thụ”:

- Trước tình hình sản phẩm chuyển đổi đang “dồi dào” về số lượng và chất lượng nhưng khó khăn đầu ra trong tiêu thụ luôn bất lợi với các sản phẩm: rau, hoa, cá sấu, nấm, rau mầm, thỏ (sản phẩm thay thế gia cầm), Sở đã chủ động hợp tác với các ngành, các địa phương, trực tiếp đứng ra tìm, mời gọi các tổ chức kinh tế trong, ngoài nước đến tận thương nhân bán sỉ tại các chợ đầu mối cùng ký 27 hợp đồng sản xuất và tiêu thụ.

- Trong tháng 6/2006, hợp tác với Metro Cash and Cary đưa 12 sản phẩm nông nghiệp của huyện Củ Chi, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hốc Môn chào bán trực tiếp trong hệ thống Metro. Bước đầu thành công, mở ra triển vọng mới: Đơn hàng lớn và hệ thống Metro trên thế giới. Bước đầu tạo niềm tin cho nông dân gắn với các tổ chức kinh tế, mạnh dạn chuyển trên 30 ha sang cây trồng khác hiệu quả hơn mà không chờ đợi quyết định chính thức về chương trình chuyển dịch và chính sách khuyến khích.

3.3. Hoàn thành và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt:

- Chương trình và Chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

- Chương trình phát triển bò sữa giai đoạn 2006 – 2010.

- Chương trình Rau an toàn giai đoạn 2006 – 2010, GAP tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

3.4. Đang hoàn chỉnh và chuẩn bị trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt:

- Đề án 12 xã điểm tiến hành chuyển đổi.

- Chương trình giống cây, giống con chất lượng cao.

II. KẾT QUẢ SẢN XUẤT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2006:

1. Về giá trị sản xuất:

- Giá trị sản xuất (giá cố định 94): tăng 3,13% so cùng kỳ.

- Giá trị sản xuất (giá thực tế): tăng 15% so cùng kỳ. Đặc biệt chấm dứt khả năng suy giảm của trồng trọt trong nhiều năm, tăng 10,3% so cùng kỳ; trong đó: Rau an toàn: tăng 13,4%, Hoa kiểng: tăng 48%.

- Chăn nuôi: Tăng 25,6% so cùng kỳ; trong đó: đàn heo tăng 45,9% so cùng kỳ; đàn bò sữa 60.783 con, tăng 12% so cùng kỳ.

- Thủy sản: Giảm 16%, lý do: Kiên quyết không cho nuôi trái vụ nhằm hạn chế dịch bệnh đang lây lan mạnh tại các tỉnh miền Tây.

- Lâm nghiệp: Giảm 15,4%.

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm dở dang chưa có sản phẩm, một số sản phẩm mới chưa được tính đầy đủ trong giá trị sản xuất như hoa, cá sấu, cá kiểng, cá đồng, nhất là sự biến động tăng tổng đàn heo trên địa bàn, cụ thể đàn heo ở huyện Củ Chi đến cuối tháng 6/2006 là 200.800 con, tăng 87% so cùng kỳ năm 2005.

2. Kết quả thực hiện các chương trình trọng điểm:

2.1. Chương trình phát triển rau – hoa:

2.1.1. Kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2005 – 2006:

Vụ Đông Xuân 2005 – 2006 đã kết thúc với diện tích gieo trồng cây hàng năm trên toàn thành phố đạt 15.167 ha, giảm 137 ha so với vụ Đông Xuân 2004 – 2005, trong đó:

- Lúa: Diện tích gieo trồng đạt 9.401 ha/ 9.000 ha kế hoạch, xấp xỉ so cùng kỳ; năng suất bình quân 4,4 tấn/ha; sản lượng đạt 41.400 tấn.

- Rau: Diện tích gieo trồng là 3.300 ha, tăng 91 ha so cùng kỳ (trong đó diện tích rau an toàn đạt 3.150 ha); năng suất bình quân 20,5 tấn/ha; sản lượng ước 67.650 tấn.

- Cây trồng khác: Diện tích gieo trồng bắp là 1.067 ha, đạt 124,6% so cùng kỳ, năng suất bình quân 4 tấn/ha, riêng tại Củ Chi là 5 tấn/ha; đậu phộng 520 ha, đạt 43,3% so cùng kỳ; diện tích trồng mới cỏ chăn nuôi trong vụ Đông Xuân là 18 ha, nâng tổng diện tích trồng cỏ trên toàn thành phố khoảng 1.900 ha.

2.1.2/ Tình hình sản xuất vụ Hè Thu 2006: (tính đến ngày 30/6/2006).

- Lúa: Diện tích gieo sạ khoảng 7.170 ha, đạt kế hoạch nhưng giảm gần 400 ha so cùng kỳ, hiện đang sinh trưởng và phát triển bình thường.

- Rau: Diện tích gieo trồng là 2.579 ha, tăng 257 ha so cùng kỳ năm 2005.

- Đậu phộng: 40 ha, bắp: 16 ha.

- Diện tích các loại cây trồng khác hiện có: Mía 2.600 ha, cây cao su 2.900 ha, cây ăn trái 9.506 ha, hoa – cây kiểng 965 ha.

2.1.3. Chương trình phát triển rau an toàn:

- Tổ chức sản xuất: Đến nay đã có 03 hợp tác xã và 67 tổ sản xuất  rau an toàn (huyện Bình Chánh: 02; huyện Củ Chi: 62; huyện Hóc Môn: 03). Trong đó có 3 tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau vừa được thành lập vào tháng 04/2006 tại xã Nhuận Đức, Củ Chi.

- Tiêu thụ rau an toàn:  Đến nay có 35 đơn vị thu mua rau an toàn, tập trung ở xã Tân Phú Trung, xã Tân Quý Tây và xã Nhuận Đức. Trong 6 tháng đầu năm 2006 đã có 14 hợp đồng tiêu thụ rau an toàn đã được ký kết.

Bảng 1: Diện tích, năng suất và sản lượng rau 6 tháng đầu năm 2006:

STT

Chỉ tiêu

Rau

Rau an toàn

1

Diện tích gieo trồng (ha)

5.517,9

3.244,3

2

Năng suất (tấn/ha)

20,5

21,7

3

Sản lượng (tấn)

113.117

70.401,3

 

% so với diện tích rau

 

58,79

- Diện tích nhà lưới trồng rau là 23,4 ha (160 hộ).

Qua kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, hầu hết mẫu rau đều đạt tiêu chuẩn an toàn về dư lượng thuốc trừ sâu. Do vậy, có thể xem như toàn bộ sản lượng rau trên diện tích gieo trồng rau an toàn 5.517,9 ha trong 6 tháng đầu năm 2006 của thành phố đạt tiêu chuẩn rau an toàn.

Bảng 2: Kết quả thực hiện công tác kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu 6 tháng đầu năm 2006:

 

Khu vực lấy mẫu

Tổng số mẫu kiểm tra

(mẫu)

Số mẫu có  dư lượng vượt mức cho phép

(mẫu)

Tỉ lệ  mẫu có dư lượng vượt mức cho phép

 (%)

- Khu vực sản xuất, chia ra:

+ Khu vực đã công nhận vùng sản xuất rau an toàn

+ Các vùng sản xuất còn lại

- Khu vực lưu thông

1358

1.113

 

245

1.009

04

04

 

0

03

0,29

0,35

 

0

0,29

Cộng

2.367

07

0,29

Phương pháp phân tích: ức chế men AchE Thái Lan.

- So với cùng kỳ năm 2005, số lượng mẫu kiểm tra nhiều hơn nhưng tỉ lệ mẫu rau có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép thấp hơn, từ 2,22 % (2005) còn 0,29% (2006); đặc biệt là khu vực sản xuất, tỉ lệ mẫu rau có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép từ 2,26% (2005) còn 0,35% (2006).

- Rau có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép  là các loại rau cải ngọt, xà lách, rau dền, đậu cove, củ cải trắng và kết quả này cũng cho thấy nhóm rau ăn lá vẫn là nhóm có nguy cơ cao hơn các nhóm rau khác.

2.1.4. Chương trình phát triển hoa – cây cảnh:

Diện tích gieo trồng hoa kiểng trên địa bàn thành phố đến nay đạt 965 ha, riêng trong dịp Tết Bính Tuất vừa qua, thành phố có 472 ha hoa kiểng phục vụ Tết, tập trung tại các quận Thủ Đức (125 ha), quận 12 (120 ha), huyện Bình Chánh (64 ha) và một số quận huyện khác; giá trị sản xuất ước đạt 141 tỉ đồng. Hoa kiểng phục vụ Tết chủ yếu là mai vàng (223 ha), lan (64 ha) và một số loại hoa nền khác như vạn thọ, cúc, huệ, mào gà, …

Đã ký hợp đồng xây dựng thương hiệu cho Vườn lan Gia Huy; triển khai mới 03 mô hình và tiếp tục theo dõi 19 mô hình hoa kiểng; thực hiện 07 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng và ghép mai, trồng và chăm sóc hoa lan; tổ chức 04 cuộc hội thảo về định hướng phát triển hoa kiểng trên địa bàn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và quận 9; tham gia triển khai kế hoạch thực hiện đề án Làng hoa kiểng Thủ Đức.

2.2. Chương trình phát triển chăn nuôi:

2.2.1. Chương trình phát triển bò sữa:

             - Bò sữa phát triển tương đối ổn định, đến 12/06/2006 đàn bò sữa thành phố đạt 60.783 con, trong đó có trên 30.250 cái vắt sữa. Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn nông dân chăn nuôi bò sữa áp dụng các biện pháp như: chủ động nguồn thức ăn thô xanh, tận dụng phụ phế phẩm, tích cực loại thải những cá thể có năng suất thấp, loại trừ những chi phí bất hợp lý và khai thác tốt các nguồn thu đã góp phần giúp các hộ chăn nuôi bò sữa tiếp tục duy trì sản xuất và phát triển ổn định.

            Chương trình bình tuyển, gieo tinh giống bò sữa tiếp tục triển khai, tính đến 16/06/2006, bình tuyển đạt 36.692 con (lũy kế thực hiện quý II/2006 đạt 2.671 con), gieo tinh bò sữa cao sản đến cuối năm 2005 đạt 27.950 liều (đến quý II/2006 chưa triển khai thực hiện thử nghiệm tinh bò sữa cao sản Israel do chờ thẩm định giá tinh cao sản), quản lý giống bò sữa tại nông hộ đạt 1.605 con (10 hộ trại, 40 hộ dân); đánh giá kiểm tra chất lượng đời sau các dòng tinh bò sữa: khảo sát năng suất sữa 331 con và kiểm tra đời sau 509 con.

2.2.2. Phát triển đàn heo:

         Đàn heo phát triển và tăng khá nhanh, tính đến cuối tháng 06/2006, tổng đàn heo thành phố đạt 324.948 con, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2005. Tình hình giá heo hơi tại thành phố đứng ở mức cao trong quý I và có xu hướng giảm trong quý II (đặc biệt trong các tháng 5 và 6): giá giảm từ 2.000 – 2.500 đ/kg so với quý I/2006, với mức giá dao động trong khoảng 17.000 – 18.000 đ/kg, giá heo giống giảm từ 3.000 – 4.000 đ/kg, hiện đứng ở mức 30.000 – 34.000 đ/kg.

Nguyên nhân của tình hình đàn heo tăng đột biến trong thời gian qua và giá giảm trong thời gian gần đây là do:

+ Từ sau dịch cúm, sản phẩm thịt gia cầm có mức giá cao nên người tiêu dùng có xu hướng tăng tiêu thụ thịt heo với giá cả thấp hơn để thay thế thịt gia cầm; các hộ chăn nuôi gia cầm trước đây cũng như những hộ chăn nuôi heo đang có xu hướng phát triển chăn nuôi heo cả về quy mô và số lượng đầu con.

+ Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh lở mồm long móng gia súc tại nhiều tỉnh thành trong cả nước nên nguồn heo giống tại thành phố tiêu thụ chậm, các tỉnh có dịch không nhập đàn giống mới và có chiều hướng giảm đàn, kéo theo các trại chăn nuôi heo tại thành phố bị ứ đọng nguồn heo giống, nguồn heo thịt tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ có giới hạn và do tình hình bán chạy đàn heo thịt ở các tỉnh có dịch cũng là yếu tố dẫn đến tổng đàn heo của thành phố tăng cao trong thời gian gần đây.

+ Giá heo hơi có xu hướng giảm do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước khiến người chăn nuôi lo ngại và bán chạy heo với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các thông tin về việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng đã tác động nhất định đến giá heo giảm trong thời gian gần đây.

2.2.3. Vật nuôi thay thế gia cầm:

         Một số loài vật nuôi mới phát triển mạnh sau dịch cúm gia cầm H5N1 như dê, thỏ, ếch …

+ Thỏ: Đến nay, đàn thỏ thành phố có 22.630 con với 327 hộ nuôi, trong đó đàn sinh sản là 4.852 con (thỏ đực: 1.192 con, cái hậu bị: 3.656 con), còn lại là thỏ thịt và con theo mẹ. Nghề nuôi thỏ phát triển mạnh ở Củ Chi (36,2% tổng đàn), Bình Chánh (15,4%), quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, quận 2, 9, Hóc Môn, Nhà Bè,… Giá thịt thỏ hơi 25.000 – 33.000 đ/kg, thịt thành phẩm 50.000 – 60.000 đ/kg. Việc chăn nuôi thỏ tuy có thuận lợi nhưng hiện nay thỏ chưa được người tiêu dùng ưa chuộng như loại nhu yếu phẩm thông thường, nên với giá thành phẩm như hiện nay còn gặp khó khăn trong việc khuyến khích tiêu thụ và mở rộng chăn nuôi. 

+ Dê: Tổng đàn dê là 3.918 con, phát triển mạnh tại huyện Củ Chi.

2.3. Chương trình thủy sản:

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2006 là 22.418 tấn, đạt 86,5% so cùng kỳ năm 2005.

2.3.1. Về nuôi trồng: Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2006 là 11.927 tấn, đạt 85,2% so cùng kỳ 2005, trong đó:

- Nuôi nước ngọt: sản lượng đạt 2.323 tấn, tăng 78,7% so cùng kỳ 2005.

- Nuôi nước lợ, mặn: sản lượng 9.604 tấn, đạt 75,6% so cùng kỳ.

- Sản lượng nghêu, sò: 5.930 tấn, đạt 68,2% so cùng kỳ 2005.

- Sản lượng thu hoạch tôm sú: đạt 3.120 tấn (giảm 22% so cùng kỳ), trong đó Nhà Bè: 700 tấn, Cần Giờ: 2.420 tấn. 

- Ba ba: tổng đàn ba ba thương phẩm là 350.000 con.

- Cá cảnh: Số lượng cá cảnh 6 tháng đầu năm 2006 khoảng 20 triệu con, trong đó xuất khẩu 1,5 triệu con.

- Về sản xuất và thuần dưỡng giống:

+ Giống cá các loại: 300 triệu con, tăng 76,5% so cùng kỳ.

+ Giống tôm sú: sản xuất 15 triệu con, thuần dưỡng giống từ các tỉnh 300 triệu con.

2.3.1. Về khai thác, đánh bắt: Sản lượng khai thác thủy sản của toàn thành phố đến nay đạt 10.491 tấn, đạt 88% so cùng kỳ 2005; trong đó, sản lượng cá trên 9.100 tấn, còn lại là tôm, cua, mực và các loại thủy sản khác.

2.4/ Chương trình mục tiêu phát triển cá sấu:

        Tổng đàn cá sấu của thành phố tính đến ngày 29/6/2006 là 76.523 con. Dự án phát triển nghề may xuất khẩu sản phẩm da cá sấu từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hungary tài trợ cho Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Lộc đã được Chính phủ Việt Nam và Hungary thống nhất đưa vào triển khai trong tài khóa 2006. Trong quý II/2006, Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra xác nhận làm thủ tục xuất khẩu cho các doanh nghiệp với 550 con cá sấu và 1.270 tấm da cá sấu; đồng thời đã lập thủ tục, cấp mã số thẻ Cites 2006 cho 03 doanh nghiệp để đề nghị Văn phòng Cites Việt Nam cấp giấy phép xuất khẩu gồm 6.200 con cá sấu và 1.970 tấm sa cá sấu.

2.5/ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:

Tổ chức “Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”; tổ chức ra quân tổng vệ sinh đường phố, thu gom bao bì vỏ chai, dán áp phích, phát tờ bướm tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh; khảo sát lập dự án cấp nước sạch nông thôn và dự án vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 – 2010; đang thi công công trình Trạm cấp nước tập trung Hưng Long 2, khảo sát thiết kế lập dự toán đối với 02 công trình xây dựng Trạm cấp nước tập trung An Phú Tây 4 và Bình Lợi 4; tiếp tục triển khai dự án vệ sinh môi trường nông thôn 12 phường, xã: xây dựng 92 hầm biogaz; lắp đặt đồng hồ nước cho 665 hộ (3.100 người sử dụng nước).

2.6. Tình hình lâm nghiệp:

Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2006 được tăng cường, nhất là tập huấn, tuyên truyền việc thực hiện qui định pháp luật, tổ chức trực phòng chống cháy rừng; kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, gây nuôi, kinh doanh động vật hoang dã,… Các vụ việc vi phạm về phá rừng, gây thiệt hại rừng và đất rừng vẫn xảy ra nhưng qui mô nhỏ, tính chất không nghiêm trọng.

Chi cục Phát triển lâm nghiệp đã sản xuất được gần 197.600 cây giống (kế hoạch cả năm là 320.000 cây) phục vụ trồng cây phân tán, tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ 2005, đã cung cấp 182.600 cây giống cho các đơn vị.

Đang triển khai công tác chuyển hóa rừng giống (5 tiểu khu rừng phòng hộ Cần Giờ), tiếp tục thi công xây dựng dự án phát triển rừng phòng hộ Bình Chánh, Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Tân Tạo, Trại cứu hộ động vật ở Củ Chi; hoàn thành thủ tục triển khai đầu tư xây dựng Vườn thực vật Củ Chi, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

2.7. Tình hình diêm nghiệp:

Đến nay, huyện Cần Giờ đã kết thúc vụ muối năm 2006. Diện tích sản xuất là 1.359 ha, tăng 42 ha so năm 2005; sản lượng muối thu hoạch đạt 65.103 tấn, đạt 75% so cùng kỳ; năng suất bình quân 47,9 tấn/ha.

Từ đầu vụ đến nay, diêm dân đã tiêu thụ được khoảng 27.400 tấn với giá bán bình quân 350 - 400 đồng/kg, cao hơn gấp 2 lần so năm 2005.

3. Công tác quản lý điều hành:

3.1. Công tác chỉ đạo điều hành chung của Sở:

- Xây dựng và báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 – 2005 và phương hướng kế hoạch 5 năm 2006 – 2010.

- Đã xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Qui định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Chương trình mục tiêu phát triển bò sữa giai đoạn 2006 – 2010 và Dự án thí điểm ứng dụng quy trình sản xuất tốt một số cây rau ăn quả tại xã Nhuận Đứcchương trình rau an toàn giai đoạn 2006 – 2010

- Đang hoàn chỉnh để trình Thành phố phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010, Quy hoạch thủy sản thành phố, Chương trình rau an toàn và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2006 – 2010, các đề án xây dựng 12 xã điểm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

- Đang tổ chức triển khai Chương trình phát triển hoa kiểng (Làng hoa Thủ Đức, Trung tâm hoa kiểng 500 ha tại Bình Chánh, Làng nghề sinh vật cảnh ở Củ Chi), chương trình phát triển cá sấu, thí điểm sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, nuôi tôm ở xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), một số cây ngắn ngày tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi); triển khai đề án quản lý dư lượng độc chất trong sản phẩm trồng trọt là thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm, thủy sản tại các chợ đầu mối của thành phố.

- Về xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản phẩm: Đã tổ chức sơ kết việc thực hiện 22 hợp đồng tư vấn và tiêu thụ nông sản ký kết trong năm 2005, ký thêm 5 hợp đồng mới, đồng thời phối hợp với tổ chức Business Edge, MPDF liên kết triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với tập đoàn Metro Cash & Carry tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và chính thức đưa 12 loại nông sản vào tiêu thụ trong hệ thống bán sỉ của Metro.

- Chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu năm 2006 và công tác phòng chống hạn, phòng chống cháy rừng.

- Tổ chức Lễ “Tết trồng cây 19/5 - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 10/3/2006 của UBND thành phố về tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản năm 2006 thành phố Hồ Chí Minh.

- Triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện “Năm 2006 – Năm cải cách hành chính”; hoàn thành việc công khai các thủ tục hành chính của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố trên website của Sở.

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào một số công tác quản lý nhà nước và công tác phục vụ hành chính công tại một số đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Sở.

3.2.  Công tác quản lý Nhà nước:

3. 2.1. Hoạt động bảo vệ thực vật:

- Các hoạt động điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sinh vật hại trên cây trồng tiến hành thường xuyên nhờ đó đã kịp thời phát hiện và phổ biến cho bà con nông dân về tình hình sinh vật hại cũng như hướng dẫn các biện pháp phòng trừ nên mặc dù diện tích bị nhiễm sinh vật hại nhiều hơn so cùng kỳ nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể.

- Về công tác kiểm dịch thực vật, đã tiến hành kiểm tra tại 92 kho chứa nông sản và 09 cơ sở kinh doanh giống cây trồng nhập khẩu, tổng khối lượng kiểm tra gần 83.700 tấn nông sản và 111.000 cây hoa lan các loại, các cơ sở đều chấp hành tốt các qui định về kiểm dịch thực vật.

- Về công tác quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau: đã tiến hành lấy mẫu và phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên 2.487 mẫu rau quả tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ …, đã phát hiện 7 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, đạt tỉ lệ 0,28%, đồng thời ra thông báo nhắc nhở đối với các cơ sở vi phạm; đang triển khai công tác kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau tại chợ Bình Điền.

3.2.2. Hoạt động thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật:

Trong 6 tháng đầu năm 2006, tiếp tục tập trung các công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng đối với đàn gia súc trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; kiểm tra vệ sinh thú y động vật … Cụ thể:

- Đã tiến hành tiêm phòng trên 1,05 triệu liều vaccin các loại (52,1% kế hoạch), trong đó tiêm vaccin lở mồm long móng trên 62.432 con trâu, bò (68,4% tổng đàn), 303.222 con heo; phát hiện và xử lý 1.092 con heo bị bệnh lở mồm long móng, trong đó có 638 con được nuôi tại thành phố và 454 con được nhập vào từ các tỉnh; khám và điều trị bệnh cho 29.036 lượt gia súc và 114.503 lượt chó, mèo.

- Phối hợp với các ngành công an, quản lý thị trường … kiểm dịch vận chuyển gần 5,7 triệu gia súc, gia cầm vận chuyển về thành phố, trong đó vận chuyển trâu, bò: trên 98.300 con (tăng 17,4% so cùng kỳ); heo: gần 1,6 triệu con (tăng 23,1%); gia cầm: 4,1 triệu con (giảm 5,4%) và gia súc khác (dê, ngựa). Kiểm soát giết mổ 1,3 triệu con heo, 11.600 con trâu, bò, 3.772 con dê và 5,4 triệu gia cầm.

- Công tác kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Đã phối hợp với tổ liên ngành tổ chức hơn 4.200 lượt kiểm tra các cơ sở giết mổ, vựa tồn trữ gia súc, các chợ, cơ sở chế biến, nhà hàng, bếp ăn tập thể …; đã phát hiện và xử lý 747 trường hợp vi phạm hành chính, tiêu hủy 2.100 con gia súc, gia cầm, 14.300 kg thịt các loại, 60.300 quả trứng,…

3.2.3. Hoạt động quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Về công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản:

Trong 6 tháng đầu năm, đã tiến hành phúc kiểm và kiểm dịch thủy sản nội địa 185 triệu con giống, chủ yếu là tôm sú, đạt 78% so cùng kỳ 2005; kiểm tra 20.178 tấn thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, đạt 40,5% so cùng kỳ; kiểm tra 9.366 tấn thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học

Đã kiểm dịch 2.868 tấn động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu (63% so cùng kỳ); 1,7 triệu con cá cảnh xuất khẩu (tăng 18% so cùng kỳ); 9,4 triệu con giống thủy sản và cá cảnh nhập khẩu (tăng 44% so cùng kỳ).

Tổ chức thanh tra, kiểm tra 52 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản và con giống thủy sản; phối hợp với địa phương lấy mẫu nước tại các điểm đầu nguồn vùng nuôi tôm nhằm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh trên tôm; đang phối hợp với các doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện Chiến dịch kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu trên địa bàn thành phố (theo chỉ đạo của Bộ Thủy sản).

- Về công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

Đã quản lý đăng kiểm 365 tàu và 29 bè cá; mở lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho 176 lượt người.

Phối hợp với địa phương và các ngành tổ chức 05 đợt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát hiện và xử lý 62 vụ việc vi phạm.

3.2.4. Phát triển lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng:

Phối hợp với địa phương và các chủ rừng tổ chức thực hiện công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, nhất là ở các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở Củ Chi, Bình Chánh, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; đã xây dựng và triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, phương án bảo vệ rừng năm 2006. Tổ chức sản xuất và cung cấp trên 182.600 cây giống phục vụ chương trình trồng cây phân tán cho các đơn vị, địa phương; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản, chặt phá rừng trái pháp luật. Tổ chức điều tra, rà soát và quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất) theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đã tổ chức kiểm tra, phát hiện 134 vụ việc vi phạm hành chính, tăng 34 vụ so cùng kỳ năm 2005, chủ yếu là vi phạm về vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép (91 vụ, tăng 20 vụ so cùng kỳ), khai thác lâm sản trái phép (14 vụ), gây thiệt hại đất rừng (18 vụ),…; đã xử lý 103 vụ với các hình thức cụ thể là phạt tiền 288,4 triệu đồng và tịch thu tang vật, trị giá 352,4 triệu đồng. Nhìn chung, các vụ vi phạm về phá rừng, gây thiệt hại rừng và đất rừng xảy ra ở qui mô nhỏ (0,18 ha), tính chất chưa nghiêm trọng.

Đã lập thủ tục, cấp mã số thẻ CITES năm 2006 cho 03 doanh nghiệp xuất khẩu cá sấu và sản phẩm từ cá sấu; từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu được 950 con cá sấu và 1.700 tấm da cá sấu.

3.2.5. Công tác phòng chống lụt bão, quản lý:

Tham mưu, giúp Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 2005, sơ kết 6 tháng và triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2006; phối hợp với các đơn vị và địa phương hoàn thành công tác kiểm tra hiện trạng công trình trước mùa mưa bão, xây dựng các phương án phòng ngừa, tổ chức lực lượng ứng cứu công trình, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố và đang triển khai xây dựng trang web.

3.2.6. Hoạt động khuyến nông:

- Trong 6 tháng đầu năm 2006, hoạt động khuyến nông tiếp tục được chuyển đổi theo hướng nâng cao hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực, chương trình trọng điểm của ngành như chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các xã điểm đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ; khuyến nông phục vụ chuyển đổi sau dịch cúm

- Đến nay, đang triển khai 57 mô hình với 169 điểm trình diễn, trong đó có 26 mô hình (107 điểm trình diễn) được triển khai mới. Việc triển khai các mô hình trình diễn được gắn kết với các chương trình trọng điểm của ngành như chuyển đổi sau dịch cúm có 15 mô hình (80 điểm trình diễn), phát triển hoa kiểng, cá cảnh 24 mô hình (29 điểm trình diễn), phát triển thủy sản: 8 mô hình (40 điểm trình diễn) … Từ đầu năm đến nay đã lượng giá và đánh giá kết quả sản xuất của 12 mô hình.

- Đã tổ chức 53 lớp tập huấn kỹ thuật (đạt 62% kế hoạch) cho bà con nông dân, 5 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến nông; tổ chức 49 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất (đạt 79% kế hoạch); 36 cuộc hội thảo về chuyển đổi đất trồng lúa, định hướng phát triển các cây trồng, vật nuôi mới, tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh lở mồm long móng.

- Đã phát động, triển khai phong trào thi đua, tổ chức các hội thi “Cán bộ khuyến nông giỏi”, “Nhân viên khuyến nông giỏi”; đánh giá kết quả hoạt động của các câu lạc bộ khuyến nông và xây dựng các biện pháp cải tiến phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ; xây dựng, hoàn chỉnh đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các xã Trung Lập Hạ (Củ Chi), Nhị Bình (Hóc Môn), Long Phước (Quận 9).

4. Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản:

4.1. Về kế hoạch vốn đầu tư:

Đến 31/5/2006, tổng vốn kế hoạch năm 2006 đã được Thành phố giao là 197.664 triệu đồng (theo Quyết định số 45/2006/QĐ-UBND ngày 28/3/2006), trong đó:

- Công trình chuyển tiếp (14 công trình)                : 112.464 triệu đồng.

- Công trình khởi công mới (2 công trình)                :     5.200 triệu đồng.

- Công trình chuẩn bị thực hiện dự án (3 công trình):  80.000 triệu đồng.

4.2. Kết quả thực hiện công tác quản lý đầu tư: (Trong 5 tháng đầu năm 2006).

- Đã thẩm định, phê duyệt 5 dự án nhóm C: công trình nạo vét thông thoáng dòng chảy kênh Tham Lương (Đoạn Cầu Bưng - Chợ Cầu), Trạm kiểm lâm Tam Thôn Hiệp - Cần Giờ, Trạm kiểm lâm An Thới Đông - Cần Giờ, Trạm cứu hộ động vật hoang dã - Củ Chi, công trình phòng chống lụt bão năm 2006.

- Thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán 16 hồ sơ hạng mục công trình chuyên ngành.

- Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu: 08 gói thầu.

- Phê duyệt kết quả đấu thầu 05 gói thầu. Trong đó, giá trị được duyệt là 35.993 triệu đồng, giá trị trúng thầu là 35.103 triệu đồng, tiết kiệm 890 triệu đồng (2,5% giá trị được duyệt).

III. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2006:

Công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2006 gồm các nội dung sau đây:

- Tiếp tục phòng chống dịch có hiệu quả.

- Triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kết hợp chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Trình và triển khai đề án 12 xã điểm.

- Hoàn thành chương trình Giống.

- Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát các dự án xây dựng cơ bản.

 

     Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh

Số lượt người xem: 5226    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm