SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
0
3
5
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Mười Hai 2004 9:00:00 CH

Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức họp góp ý phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2010

Ngày 01/12/2004, tại Văn Phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP HCM đã diễn ra cuộc họp góp ý về phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP đến năm 2010. Cuộc họp do Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân chủ trì với sự tham dự của đại diện các Sở, Ngành, quận huyện có liên quan đến công tác quy hoạch cơ sở giết mổ. Đây là vấn đề khá nhạy cảm, có liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của cộng đồng người dân TP, nên đã được sự quan tâm và dự họp rất đông của các đại biểu. Phương án do Sở Thương mại dự thảo, kế thừa từ kết quả nghiên cứu của Chi cục thú y TP, đã được góp ý nhiều lần và đến nay là lần góp ý chỉnh sửa cuối cùng trước khi trình UBND TP xem xét và phê chuẩn.


Như đã biết, việc bố trí các cơ sở giết mổ gia cầm, gia súc hiện nay không còn phù hợp, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái và đời sống dân cư đô thị, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguy cơ về lây truyền dịch tễ cho đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn TP. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm vừa qua đã làm nổi rõ những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng của các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và yêu cầu di dời hoạt động giết mổ ra khỏi khu dân cư ngày trở nên cấp bách hơn. Trước tình hình đó, việc quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giết mổ ở TP với định hướng lâu dài là một nhu cầu đòi hỏi hết sức cấp bách.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 41 cơ sở giết mổ (có 2 cơ sở được phép giết mổ trâu bò và 01 cơ sở giết mổ dê) với số lượng gia súc giết mổ hàng đêm bình quân từ 6500 – 7000 con heo (tương đương 325 – 350 tấn), 100 – 150 con trâu bò (tương đương 10 – 15 tấn), 15 – 20 con dê (khoảng 450 – 600 Kg). Trong đó, chủ yếu tập trung ở 6 cơ sở có công suất lớn gồm: Vissan, Nam Phong, Tabico, Trung tâm Bình Chánh, Trung tâm quân 12, Thị trấn Hóc Môn. Các cơ sở giết mổ này cung cấp khoảng 80% lượng thịt và sản phẩm động vật cho nhu cầu tiêu thụ của TP. Các cơ sở còn lại có công suất giết mổ 20 – 100 con heo/ đêm (tương đương với 1 – 5 tấn) chủ yếu phục vụ cho nhu cầu từng địa phương. Riêng 1 số xã vùng xa ở Cần Giờ, Củ Chi có những điểm giết mổ bình quân chỉ có 2 – 5 con heo/ đêm (tương đương 100 – 250 Kg).

Tổng công suất giết mổ toàn bộ hệ thống giết mổ gia súc TP đạt 330 – 370 tấn/ ngày (tương đương khoảng 6600 – 7400 con gia súc). Trong đó, hệ thống giết mổ quốc doanh chiếm khoảng 50% tổng công suất của TP, hệ thống giết mổ của hợp tác xã chiếm khoảng 10% tổng công suất, hệ thống giết mổ của tư nhân chiếm 30%  và hệ thống các cơ sở giết mổ lậu chiếm khoảng 10% tổng công suất giết mổ trên địa bàn TP. Đa số các điểm giết mổ gia súc trên địa bàn TP sử dụng phương pháp thủ công, lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nguồn nước cung cấp không tốt, không qua kiểm định, không có hệ thống xử lý nước thải . Chỉ có hệ thống giết mổ của các đơn vị quốc doanh như: Công ty Vissan, xí nghiệp Nam Phong là tương đối đảm bảo được vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Còn về hệ thống giết mổ gia cầm, trên địa TP mỗi ngày có khoảng 100.000 con gia cầm được giết mổ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của người dân TP. Các cơ sở giết mổ nằm rải rác khắp các quận huyện, nhưng đặc biệt có sự hình thành một số khu vực tập trung  nhiều hộ dân hành nghề tự phát trong khu dân cư như: địa bàn phương 5,6,13 thuộc quận 8 hoặc có xu hướng thành lập điểm giết mổ gia cầm tại một số vựa kinh doanh gia cầm sống như xã Bình Hưng thuộc  Huyện Bình Chánh. Thực tế từ trước đến nay, hoạt động giết mổ gia cầm hoàn toàn không có sự quản lý của cơ quan chức năng, không có quy định trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định số 78/2002/QĐ-UB ngày 08/07/2002 của UBND TP. Nhìn chung, hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm không đáp ứng được yêu cầu của TP, không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh dịch tễ. Trong hệ thống giết mổ hiện nay, còn tồn tại một hệ thống giết mổ lậu khá lớn, rất nguy hiểm mà nhà nước không quản lý được.

Hệ thống kinh doanh thịt gia súc, gia cầm của TP gồm 3 hệ thống chủ yếu: hệ thống chợ đầu mối như: chợ Phạm Văn hai, chợ Bàu nai, chợ An Lạc, chợ Trần Chánh Chiếu, chợ Bình Đăng, Chợ Bình Hưng…với cơ sở vật chất còn yếu kém, các điểm bán buôn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mặc dù Chi cục Thú y đã có sự kiểm soát. Hệ thống thứ hai là các chợ bán lẻ với khoảng hơn 200 chợ chính thức và hơn 100 chợ tự phát, buôn bán thịt lẻ, cũng không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống thứ 3 là các siêu thị và cửa hàng đảm bảo các điều kiện về bảo quản, lưu trữ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phương án đã đề xuất các yêu cầu đồng bộ từ giết mổ, vận chuyển, lưu thông và kinh doanh. Trong đó, việc quy hoạch phải đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu đề ra như về địa điểm xây dựng, phải quy hoạch ở khu biệt lập, có vành đai bảo vệ môi trường và đủ diện tích tối thiểu để bố trí các khu vực phù hợp với công suất giết mổ; quy trình giết mổ phải ngày càng hoàn thiện, giảm thiểu tình trạng vấy nhiễm trên sản phẩm động vật. Theo phương án đến năm 2010, toàn TP còn 14 cơ sở giết mổ (trong đó, có 2 nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại và 12 cơ sở giết mổ bán công nghiệp tại các huyện xa TP). Phương án cũng đề xuất một số biện pháp và chính sách hỗ trợ di dời cũng như xây dựng mới một sồ cơ sở giết mổ theo quy hoạch.

Phương án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ đạo Sở Thương mại bổ sung và hoàn chỉnh bản quy hoạch để trình Thường trực UBND TP vào ngày 20/12/2004.

 

TMT


Số lượt người xem: 4648    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm