SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
2
1
5
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17 Tháng Giêng 2005 1:30:00 CH

Hội nghị bàn biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 14/01/2005, Tại TP.HCM , Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (Ban CĐQGPCDCGC) đã tổ chức cuộc Họp bàn biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm do Ông Cao Đức Phát -Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT-Trưởng ban chỉ đạo QGPCDCGC chủ trì với sự tham dự của : Các thành viên Ban CĐQGPCDCGC, Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố : Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Lâm Đồng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Thú Y các tỉnh, thành phố: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Lâm Đồng

   Hội nghị được nghe Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú Y báo cáo diễn tiến tình hình dịch cúm gia cầm từ tháng 12/2004 đến ngày 10/01/2005; Báo cáo của Chi cục thú y Thành phố về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố và các ý kiến đóng góp về tình hình dịch bệnh, các biện pháp xử lý trong thời gian qua của các Bộ ngành và UBND các tỉnh cùng sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực thú y và dịch tễ học.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã có ý kiến và một số kết luận sau:

1. Nhấn mạnh việc cấp thiết cần phải thực hiện theo Công điện số 01/BNN/CĐ ngày 11/01/2005 về việc triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm khẩn cấp. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác tuyên truyền các thông tin về tình hình cúm gia cầm, thủy cầm đến mọi người dân kịp thời, đầy đủ và chính xác, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những người dân nghèo và đặc biệt là đồng bào dân tộc .

2. Huy động tối đa các phương tiện và lực lượng để tổ chức chiến dịch tiêu độc khử trùng 3 lần mỗi tuần đối với tất cả các cơ sở chăn nuôi, đầu mối lưu thông, buôn bán gia cầm ở những vùng có ổ dịch đã phát ra trong tháng 12/2004 và tháng 01/2005. Đặc biệt là đàn vịt thả đồng, cần phải có những biện pháp hạn chế sự di chuyển và tăng cường công tác tiêu độc sát trùng, tránh lây lan mầm bệnh nếu có dịch xảy ra.

3. Về việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm, cần tăng cường kiểm soát, chống nhập lậu gia cầm qua biên giới. Tăng cường kiểm soát giết mổ gia cầm, hạn chế tối thiểu việc giết mổ gia cầm nhỏ lẻ. Việc vận chuyển gia cầm phải thực hiện bằng phương tiện đảm bảo không rơi vãi phân và các chất thải khác trên đường đi. Đồng thời, Bộ trưởng cũng hoan nghênh TP. HCM về việc sử dụng xe chuyên dùng trong việc chuyên chở gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Việc này cần được nhân rộng ra các tỉnh thành, nhưng cũng tùy vào tình hình của địa phương mà đưa ra các quy định về các loại xe chuyên dùng.

4. Bộ trưởng hoan nghênh TPHCM và 2 tỉnh Long An và Tiền Giang đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch cúm gia cầm  trong thời gian qua, tăng cường biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt cho phép lực lượng Công an được phép dừng khám xe khách khi có dấu hiệu nghi ngờ. Vấn đề này đã được Bộ Công An trình với Thủ thướng Chính phủ ra quyết định để thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

5. Về công tác hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân có đàn gia cầm bị tiêu hủy, Bộ trưởng cũng đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương có thể hoàn toàn chủ động trong việc hỗ trợ. Nên có các hình thức khen thưởng kịp thời các cá nhân, cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Cúm gia cầm.

6. Khuyến khích việc giết mổ tập trung và cần nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác trong cả nước.

7. Bộ trưởng cũng nhắc nhở việc thực hiện nghiêm túc chế độ  báo cáo: đúng, kịp thời và không nói quá sự thật. Đồng thời, cũng nhắc nhở các báo đài, các cơ quan thông tin đại chúng nên cân nhắc trước khi đưa tin, tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân hoặc ảnh hưởng xấu đến các vấn đề khác nhất là du lịch.

8. Cuối cùng, việc sử dụng vaccine trên đàn gia cầm, Bộ đã thành lập Hội đồng khoa học về việc nghiên cứu sử dụng vaccine. Nên sử dụng vaccine chết  trong việc ngừa cúm gia cầm. Không cho sử dụng vaccine sống và phải có sự kiểm soát nghiêm ngặt, tránh những nguy cơ xấu có thể xảy ra trong vấn đề bài thải virus ra bên ngoài.

Các địa phương trước khi triển khai dùng vaccine phòng bệnh cúm gia cầm phải liên hệ trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và việc này phải được quản lý thật chặt chẽ.

                                           

    Phòng Nông Nghiệp - Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM


Số lượt người xem: 4297    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm