SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
5
1
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 Tháng Sáu 2019 1:50:00 CH

Đánh giá về thực tiễn thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM

Từ những năm 2002 của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII, Thành phố đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị năng suất cao, phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ lãi vay cho người dân, Hợp tác xã và các doanh nghiệp thành phố phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp là một điển hình. Qua 16 năm triển khai chính sách này, mặc dù đã trải qua nhiều Quyết định thay thế, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiển, chính sách này vẫn giữ nguyên giá trị và tính hiệu quả của nó.

Từ cuối thế kỷ XX, nông nghiệp đô thị đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Trên thế giới, gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị là từ nông nghiệp đô thị, 25 - 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị. Ở Matxcơva (Nga), 65% gia đình có mô hình VAC đô thị, ở Dactxalam là 68%, Maputo 37%,... Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở Niu Oóc (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu..., nông nghiệp đô thị cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt trứng của người dân. Nhìn chung, hiện 50% dân số thế giới là cư dân đô thị và tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng nhanh ở các nước đang phát triển, nhu cầu lương thực - thực phẩm cho cư dân đô thị cũng tăng nhanh, khi đó, nông nghiệp đô thị phải trở thành hướng đi tất yếu.

Do đó, xây dựng nền nông nghiệp đô thị là một định hướng rất quan trọng, cần thiết và cấp bách; đặc biệt trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và có dấu hiệu suy thoái môi trường như hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề quy hoạch về tài nguyên-môi trường còn chắp vá, bị động, thiếu kiểm soát, tự phát, dẫn đến nhiều hệ quả nặng nề: môi trường đất, nước, không khí ô nhiễm trầm trọng, nguy cơ dịch bệnh thường xuyên đe dọa con người và cả động vật, thực vật chung quanh. Phong trào sử dụng các loại thức ăn hữu cơ vì lý do sức khỏe, là yếu tố chính thức đẩy mô hình nông nghiệp đô thị phát triển, ngoài ra còn có yếu tố giải stress hiệu quả.     

Việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị phải nhằm 4 mục tiêu: Đó là nâng giá trị sản xuất trên 1 ha diện tích nuôi trồng; tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao sức cạnh tranh cho các loại sản phẩm trong điều kiện kinh tế hội nhập; ngoài ra nông nghiệp đô thị còn nhắm đến mục tiêu tạo ra môi trường sản xuất-kinh doanh thân thiện với con người. Bên cạnh đó, Đại hội VIII Đảng bộ thành phố còn khẳng định: Nông nghiệp đô thị là nền nông nghiệp bao gồm các chức năng chủ yếu: (1) Là trung tâm của vùng và cả nước về giống, về khoa học công nghệ nông nghiệp hiện đại, về thông tin. (2) Chuyên cung cấp các dịch vụ đầu vào, giải quyết đầu ra, mở rộng và nâng cấp việc chế biến, bảo quản vận chuyển sản phẩm. (3) Sản xuất hàng hoá phù hợp có giá trị cao, như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh; nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản. (4) Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị phải bảo đảm cảnh quan, góp phần cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh - sạch - đẹp, hài hoà giữa thiên nhiên với con người. (5) Ngoài ra, thành phố còn góp phần cùng các viện, trường trong việc đào tạo, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ các kết quả nghiên cứu, ứng dụng của các Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông dân…

Từ những cơ sở lý luận đó, thực tiễn thành phố đã ban hành nhiều chính sách có liên quan đến hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp đô thị. Trong đó, đến thời điểm hiện nay, đã trải qua 16 năm với 07 quyết định thay thế, điều chỉnh chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố vẫn giữ nguyên giá trị và tính hiệu quả của nó đến việc phát triển nông nghiệp đô thị thành phố nói chung và đời sống người nông dân thành phố nói riêng. Phân tích đánh giá nội dung và tính hiệu quả của chính sách này của thành phố như sau:

Kết quả đạt được trong việc kích thích đầu tư của người dân

Thành phố hiện có 05 huyện (Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn), 03 quận (Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân) còn quỹ đất sản xuất nông nghiệp lớn và có phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, năm 2018, các quận - huyện đã phê duyệt 464 quyết định, cho 1.124 lượt vay, tổng vốn đầu tư 1.311.979 triệu đồng, tổng vốn vay 818.580 triệu đồng. Trong đó, có  96 hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo vay vốn, 03 doanh nghiệp và 456 hộ gia đình. Căn cứ số lượng Quyết định được phê duyệt phương án vay, vốn đầu tư và vốn vay thì huyện Củ Chi có số Quyết định cao nhất: 371 quyết định (chiếm gần 80%), tổng vốn đầu tư 556.488 tỉ đồng (chiếm hơn 42%). Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 24/05/2019, các quận - huyện đã phê duyệt 118 quyết định, với 314 lượt vay, tổng vốn đầu tư 353.173 triệu đồng, tổng vốn vay 189.685 triệu đồng.

Lũy tiến thực hiện chính sách từ năm 2011 – đến nay (gồm Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 655/QĐ-UBND) các quận - huyện đã phê duyệt 8.183 quyết định với tổng số lượt vay là 24.145 lượt vay, tổng vốn đầu tư là 12.886.005 triệu đồng, tổng vốn vay 7.864.97 triệu đồng. Trong đó, có  3.141 hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo vay vốn, 22 doanh nghiệp và 20.628 hộ gia đình. Bình quân vốn đầu tư 534 triệu đồng/hộ/phương án và vốn vay có hỗ trợ lãi vay 326 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn. Mỗi năm có 3.018 hộ dân, doanh nghiệp có phương án được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, với tổng vốn đầu tư bình quân/năm: 1.610 tỷ đồng; tổng vốn vay có hỗ trợ lãi vay: 983 tỷ đồng/năm. Quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ, doanh nghiệp qua các năm tăng dần. Đặc biệt năm 2018, bình quân vốn đầu tư 1.115 triệu đồng/hộ/phương án, cao hơn 2,35 lần bình quân giai đoạn 2011- 2017 (493 triệu đồng/hộ/phương án) và vốn vay có hỗ trợ lãi vay 689 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn, cao hơn 2,3 lần bình quân giai đoạn 2011 – 2017 (300 triệu đồng/hộ/phương án). Qua quá trình thực hiện các phương án, tổng số lao động việc làm, tạo ra thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay khoảng hỗ trợ lãi vay khoảng 60.058 lao động, trong đó có 6.299 lao động là đối tượng hộ nghèo.

Về đối tượng cây trồng, vật nuôi thực hiện phương án cũng khá đa dạng, trong đó lớn nhất là các phương án vay nuôi tôm với 11.678 lượt vay, tổng vốn đầu tư 5.506.448 triệu đồng, tổng vốn vay 3.624.535 triệu đồng, tiếp theo là các hộ chăn nuôi bò sữa, bò thịt với 5.670 lượt vay, tổng vốn vay là 993.863  triệu đồng, quy mô vay đầu tư hộ trồng lan là 1.772 lượt vay với tổng vốn vay là 1.229.120 triệu đồng. Ngoài ra còn có các đối tượng khác như nuôi heo, nghêu, hàu, cá, muối, nấm, cá sấu, nhím, sò, rau an toàn, dê, ếch…

Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 655/QĐ-UBND, tổng hợp từ năm 2011 - đến cuối năm 2018, Ngân sách Thành phố đã cấp bù kinh phí hỗ trợ cho các Chủ đầu tư là: 503.005 triệu đồng; cho thấy chỉ với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (563.605 triệu đồng), sẽ huy động được 23 đồng vốn xã hội (12.886.005 triệu đồng), trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 14 đồng (7.864.973 triệu đồng), huy động trong dân là 9 đồng 5.021.032 triệu đồng

Qua quá trình tổng kết đánh giá chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trong thời gian qua, cho thấy thành phố đã đạt được nhiều kết quả khả quan như sau:

- Người dân, doanh nghiệp khi tham gia Chính sách này, đã xác định có sự  hỗ trợ một phần lãi vay từ Ngân sách thành phố, từ đó chủ động sử dụng nguồn vốn tự có của mình để mạnh dạn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Qua đánh giá và kiểm tra tình hình thực hiện cho vay tại các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu cho vay thực hiện chính sách thấp hơn so với cho vay các hộ sản xuất không tham gia chính sách và các ngành khác (một số quận, huyện không phát sinh nợ xấu). Qua đó cho thấy chính sách, đã góp phần tăng trưởng tín dụng tại các quận, huyện ngoại thành, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội.

- Từ tác động của chính sách với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hộ nông dân đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi quận huyện.

- Chính sách hỗ trợ lãi vay đã khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tìm tòi, nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà mục đích cuối cùng là tạo thu nhập ổn định cho nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần tạo nguồn nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng phục vụ đời sống dân sinh hằng ngày của thành phố.

- Việc xây dựng và triển khai chính sách vay vốn có hỗ trợ vay theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016 đã góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ dân, cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị thành phố; góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, cụ thể:

+ Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp thành phố hàng năm có giảm nhưng do phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được chú trọng, gắn với đổi mới phương thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học theo hướng liên kết sản xuất nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ nên ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã đạt được kết quả khá cao, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Giá trị sản xuất bình quân/ha năm 2018 đạt 502 triệu đồng/ha, tăng 2,48 lần so với năm 2011(202 triệu đồng/ha, năm bắt đầu thực hiện chính sách). Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2018 trên địa bàn thành phố, năng suất lao động năm 2018136,5 triệu đồng/người/năm cao gấp 2,16 lần so với năm 2011 (63,1 triệu đồng/người/năm).

Diện tích rau, quả được chứng nhận VietGAP tăng, đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. Với giá bán rau VietGAP cao hơn so với giá bán rau bình thường khoảng 13% (từ 1.000đ – 2.000đ/kg) thì giá trị tăng thêm của sản lượng (129.110 tấn) là khoảng 194 tỷ đồng.

Một số mô hình chuyển đổi từ trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang trồng rau, hoa cho giá trị tăng cao, như chuyển đổi từ trồng mía sang trồng mai (321ha) tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh giá trị thu được tăng lên 7-8 lần; nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ cao đạt 135 tấn/ha/năm. Góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp thành phố.

Một số dự án chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá và ăn quả ứng dụng công nghệ cao đã đi vào sản xuất; trong đó, nhiều cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: rau (nhóm rau ăn lá bình quân khoảng 1tỷ – 1,4 tỷ đồng/ha/năm, nhóm rau ăn qủa bình quân khoảng 0,6 tỷ - 0,7 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan (bình quân khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con: bình quân khoảng 800 triệu đồng/năm), nuôi tôm siêu thâm canh (bình quân khoảng 2,7 tỷ - 3 tỷ đồng/ha/năm), cá cảnh (bình quân khoảng 10 - 12 tỷ đồng/ha/năm). Mang lại lợi nhuận kinh tế cao (từ 30% - 40%).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách thành phố phải đối mặt với một số khó khăn, hạn chế nhất định:

- Về quy định không được phép xây dựng trên đất nông nghiệp, chỉ phê duyệt đối với các phương án đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất,…

- Đã có xuất hiện trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích.

- Một số người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã có nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi vay theo chính sách nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không đảm bảo các điều kiện vay vốn của tổ chức cho vay như không có tài sản thế chấp, định giá tài sản rất thấp so với giá trị thực tế nên chủ đầu tư không thể vay vốn để thực hiện phương án đầu tư. Ngoài ra, các chủ đầu tư có lịch sử nợ xấu với tổ chức tín dụng đã hoàn trả lãi và gốc đầy đủ, khi có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất thì gặp khó khăn, thường bị từ chối cho vay.

- Một số huyện (Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) và các quận (8, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân) có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích sản xuất nông nghiệp thu hẹp dần; lao động nông nghiệp dần chuyển dịch sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Vì vậy, nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp không cao.

- Giá cả đầu ra sản phẩm nông nghiệp (thịt heo, tôm thẻ chân trắng,…) sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua, dẫn đến tâm lý một số hộ nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vay vốn mở rộng sản xuất.

- Việc cấp phép xây dựng chuồng trại, nhà lưới, nhà sơ chế,… trên đất nông nghiệp còn gặp khó khăn, hạn chế. Vì vậy, một số tổ chức, hộ nông dân, cá nhân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp nhưng lại không thể thực hiện.

Qua đó cho thấy trong thời gian tới, thành phố ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách hỗ trợ cho giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố) theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực theo nông nghiệp đô thị cần thực hiện thêm các giải pháp sau nhằm chủ động phát triển nền nông nghiệp thành phố:

-       Rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch, nhân rộng các sản phẩm có giá trị hiệu quả cao, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

-       Nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới: Tập trung hỗ trợ các tiêu chí còn đạt thấp; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện; huy động phong trao “Chung sức xây dựng nông thôn mới” theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường và các tiêu chí đạt thấp; tổ chức học tập kinh nghiệm cách làm hay giữa các xã, huyện; định kỳ kiểm tra, sơ kết đánh giá, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

-       Phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp cùng góp phần xây dựng đô thị thông minh của thành phố, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

-       Duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống của thành phố.

-       Công tác tập huấn tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

-       Phát huy vai trò trung tâm của Hợp tác xã, phát triển hệ thống vệ tinh cung cấp cho doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thuỷ sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng: Hợp tác xã, nông dân làm vệ tinh, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm.

-       Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng hội nhập CPTPP.

Nhìn chung, từ lý luận trong việc thực hiện Nghị quyết các kỳ đại hội trước đây, hiện nay và trong tương lai, trong thực tiễn xây dựng nền nông nghiệp thành phố theo con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thành phố vẫn kiên trì xây dựng một vành đai xanh, một vành đai nông nghiệp đô thị phát triển bền vững, vừa đáp ứng những nhu cầu vật chất, vừa giải quyết những đòi hỏi về văn minh tinh thần cho người dân thành phố. Ngoài ra, đế tiếp cận cao hơn trong xây dựng nền nông nghiệp đô thị, vấn đề kích thích các thành phần kinh tế tham gia ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, hình thành các cơ sở giết mổ chuyên nghiệp hiện đại, bảo vệ môi trường cũng cần được khuyến khích và quan tâm hơn nữa từ các cấp chính quyền thành phố./.

Bùi Duy Ninh


Số lượt người xem: 2520    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm