SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
5
2
4
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23 Tháng Bảy 2013 3:50:00 CH

Thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân giai đoạn 2010-2012

Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng- vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về đào tạo nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ ..., kết quả đạt được như sau:

 

I.       Số lượng mô hình:

         Trong giai đoạn 2010 – 2012, các đơn vị trực thuộc Sở triển khai 299 mô hình sản xuất nông nghiệp với tổng số 2.815 hộ nông dân tham gia, gồm:

         - 55 mô hình chăn nuôi (800 hộ chăn nuôi với 200.000 con gà, 1.000 con bò sữa, 45.000 con heo);

         - 204 mô hình trồng trọt (1.890 hộ với diện tích 14,3 ha hoa lan, 461,8 ha rau, 88 ha lúa);

         - 40 mô hình thủy sản (125 hộ với diện tích 41,5 ha nuôi tôm GAP, cá dứa, ốc hương, cua giống nhân tạo),

Trong đó:

         - Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện 149 mô hình;

         - Chi cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện 80 mô hình;

         - Trung tâm Công nghệ sinh học thực hiện 53 mô hình;

         - Chi cục Thú y thực hiện 17 mô hình;

         - Trung tâm Quản lý và kiểm định giống vật nuôi cây trồng đã chuyển giao và khuyến cáo sử dụng 44 giống rau và 4 giống hoa, cây kiểng đưa vào sản xuất;

         - Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng 1.314 hầm biogas;

         Dự án “ Cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (Lifsap) xây dựng 212 hầm biogas bằng composite.

         Qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật (giống mới, quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa,…) và các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp thành phố. Cụ thể:

         Từ năm 2010 đến năm 2012 đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 154,1% (doanh thu bình quân 1ha đất sản xuất năm 2010 là 155 triệu đồng/ha, năm 2011 là 202 triệu đồng/ha, năm 2012 là 239 triệu đồng/ha).

         Thống kê đến nay, đã đưa vào sản xuất kinh doanh 44 giông mới theo nhu cầu của thị trường, cải thiện năng suất, kháng sâu bệnh… đặc biệt, đã nhân một số giống có giá trị kinh tế cung cấp cho thành phố và các tỉnh hang năm như: Hoa lan khoảng 500.000 cây giống cấy mô và 500.000 cây nhân giống vô tính; 920.000 con heo giống; 25 triệu giống tôm sú; hơn 75 triệu con giống cá nước ngọt; xuất khẩu 65 triệu cá cảnh, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp liên tục tăng (GDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5%/ năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 5,3%).

         Kết quả các hoạt động đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân cụ thể như sau:

II. Kết quả chuyển giao khoa học kỹ thuật:

 

1. Kết quả chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2010-2012:

 

1.1 Chương trình rau an toàn:

 

a) Ứng dụng sinh học trong canh tác rau an toàn:

     Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai 23 mô hình trồng rau sử dụng bẫy côn trùng trong dự báo và phòng trừ sinh vật hại trên rau (bẫy dính, bẫy sâu khoang, sâu tơ, ruồi đục trái, bẫy đèn), với diện tích 69 ha. Đến nay, các hộ nông dân trồng rau đã sử dụng bẫy côn trùng trong phòng trừ sinh vật hại rất có hiệu quả (giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật/vụ).

         Ngoài ra, năm 2011, Chi cục đã thực hiện 7 mô hình thử nghiệm phóng thích bọ xít hoa gai vai nhọn (Eocanthecona furcellata) để khống chế sâu khoang hại cà tím và một số sâu hại khác trên họ bầu bí, với diện tích 8.000 m2. Tính đến nay, Chi cục đã phóng thích 6 đợt với tổng số 3.600 bọ xít hoa gai vai nhọn trên diện tích 3 ha, kết quả đã có hiệu quả trong khống chế sâu khoang và sâu xanh 2 sọc trắng trên ruộng ở giai đoạn 7 ngày sau phóng thích mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

 

b) Chuyển giao giống mới trong sản xuất rau:

         Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi đang tiếp tục theo dõi thử nghiệm tính thích nghi các giống rau, quả (khổ qua, bí ăn bông, bông cải, cà chua, ớt,…) tại các xã nông thôn mới: Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Tân Nhựt và Xuân Thới Thượng. Đã tổ chức thử nghiệm tính thích nghi 105 giống rau tại cơ sở Nhị Xuân và các xã nông thôn mới, kết quả đã chuyển giao và khuyến cáo sử dụng 44 giống rau mới vào sản xuất, như: giống cải bông G45, cải bó xôi, Dưa leo VL 640, Dưa leo VL 636, Dưa leo TN 123, Khổ qua NT 3006, Khổ qua 668, khổ qua Pioneer, bắp rau SG22,… có năng suất cao hơn 8-10% so với các giống nông dân sử dụng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thành phố.

 

c) Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau theo quy trình VietGAP:

         Trong thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Sở đã tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận tham dự lớp tập huấn về quy trình sản xuất, sơ chế rau an toàn theo VietGAP. Đến nay, Sở đã tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho 6.084 người.

         Trong giai đoạn 2010-2012, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, đã xây dựng 84 mô hình về sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 350 ha và 1.037 hộ tham gia. Kết quả, đến nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tổng diện tích canh tác đã được chứng nhận VietGAP là 145,7 ha, (tương đương với 650 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 15.637 tấn/năm, với tổng số 329 tổ chức, cá nhân (bao gồm xã viên 3 HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ).

         - Trung tâm Công nghệ sinh học đã xây dựng 42 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học với tổng diện tích 6,3 ha và 42 hộ tham gia tại xã Tân Thông Hội, xã Thái Mỹ, xã Tân Thạnh Đông, xã Xuân Thới Thượng, xã Tân Nhựt. Kết quả năng suất từ mô hình thu hoạch đạt từ 16,6  - 32,4 tấn/ha cao hơn so với đối chứng từ 11,5 – 29,6%. Thu nhập từ các mô hình cao hơn đối chứng là 5- 7 triệu đồng.

 

d) Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau:

         Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ 173 máy móc và thiết bị các loại cho nông dân gồm 49 máy xới đất, 121 máy phun thuốc BVTV, 3 hệ thống tưới phun nhằm giảm giá thành sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất rau. Hiệu quả, cơ giới hóa khâu làm đất giảm 40-50 công lao động/ha/vụ (120-150 công lao động/ha/năm) tương đương giảm chi phí khoảng 20 triệu đồng/ha/năm, cơ giới hóa khâu phun thuốc giảm được 20 triệu/đồng/ha, sử dụng hệ thống tưới phun sương giảm chi phí khoảng 60 triệu đồng/ha/năm.

         Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 555 máy xới mini đã được nhân rộng 4,6 lần mô hình khuyến nông), 411 hộ ứng dụng cơ giới hóa trong phun thuốc bảo vệ thực vật, được nhân rộng 2 lần mô hình khuyến nông), 581 hộ canh tác rau trong nhà lưới. Riêng trên địa bàn huyện Củ Chi đã có khoảng 90% hộ thực hiện cơ giới hoá khâu làm đất, số lượng hộ sử dụng máy phun thuốc BVTV đã được nhân rộng gấp 4 lần từ mô hình khuyến nông.

 

e) Một số mô hình sản xuất rau điển hình:

- Mô hình sản xuất khổ qua sử dụng chế phẩm sinh học BIMA và phân bón lá Bio - Trùn Quế của hộ Võ Văn Suộng, ấp Bình Hạ Đông, Thái Mỹ, Củ Chi với diện tích 1.500 m2, doanh thu đạt 33.300.000 đồng, lợi nhuận là 25.523.000 đồng tương đương 170 triệu đồng/ha/vụ.

- Mô hình sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã Thỏ Việt với diện tích 5,2 ha, năng suất trung bình 25 tấn/ha, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/vụ.

- Mô hình sản xuất bí xanh theo quy trình VietGAP tại hộ Nguyễn Văn Ngọc tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi với diện tích 3.000 m2, doanh thu đạt 170 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha/vụ.

- Mô hình thử nghiệm giống khổ qua tại hộ Trần Thị Trang địa chỉ ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi với diện tích 1.000 m2, kết quả đã chọn được giống Anova 27 và giống GN435 có năng suất 25-30 tấn/ha, doanh thu đạt 140 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 50 triệu đồng/ha/vụ, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thành phố.

 

- Mô hình thử nghiệm giống mướp hương tại hộ Huỳnh Thị Hoàng, địa chỉ ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh với diện tích 1.000 m2, kết quả đã chọn được giống  TN 259 và giống Thanh Dịu có năng suất 25-33 tấn/ha, doanh thu đạt 180 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/ha, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thành phố.

- Mô hình cơ giới hóa sản xuất rau (máy xới) tại hộ Vũ Văn Hưng, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với diện tích 3.000 m2, giảm chi phí 20 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/ha/năm (tăng khoảng 20% so với mô hình không ứng dụng cơ giới hóa).

- Mô hình cơ giới hóa sản xuất rau (hệ thống tưới phun) tại hộ Trần Ngọc Yêm, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với diện tích 2.000 m2, tiết kiệm được 60 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 108 triệu đồng/ tháng (tăng khoảng 50% so với mô hình không ứng dụng cơ giới hóa).

 

1.2. Chương trình hoa, cây kiểng:

 

a) Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất hoa, cây kiểng:

         Trung tâm Công nghệ sinh học đã triển khai 11 mô hình hoa lan Mokara ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô và phân sinh học, với tổng diện tích hỗ trợ 3.000 m2, tại các xã Tân Thông Hội, xã Thái Mỹ, xã Xuân Thới Thượng, xã Tân Nhựt. Trung tâm đã hỗ trợ đầu tư mỗi mô hình trung bình 700 cây lan Mokara (cây cao 30 - 40cm), 1.000 cây lan cấy mô, phân bón Bio trùn quế và thuốc bảo vệ thực vật tương ứng với diện tích trồng 250 - 300 m2 và cử cán bộ kỹ thuật tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng lan trong thời gian 2 năm thực hiện mô hình. Từ diện tích được hỗ trợ ban đầu, nông dân đã đầu tư thêm cây giống để mở rộng diện tích và đầu tư xây dựng nhà lưới. Đến nay, một số mô hình được mở rộng thêm diện tích với quy mô tổng thể là 1.000 – 2.500m2. Theo thống kê sơ bộ, mỗi tuần doanh thu từ hoa lan cắt cành của các mô hình có thể đạt 36 triệu đồng/ha, khoảng 1.800 triệu đồng/ha/năm.

 

b) Chuyển giao giống mới trong sản xuất hoa, cây kiểng:

         Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi theo dõi thử nghiệm tính thích nghi các giống hoa kiểng (lan Denbrobium, Mokara, hoa cát tường, dạ yên thảo, đồng tiền,…) tại cơ sở Nhị Xuân và các xã nông thôn mới: Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Tân Nhựt và Xuân Thới Thượng. Kết quả từ năm 2010-2012, Trung tâm đã tổ chức thử nghiệm tính thích nghi 59 giống hoa, cây kiểng, kết quả đã chuyển giao và khuyến cáo sử dụng 4 giống hoa lily: Bernini; Gold City; Yelloween; Concad’Or. Đây là những giống hoa đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, có giá trị kinh tế cao (15.000 – 20.000 đồng/cây), doanh thu trung bình một năm khoảng 1,5 tỷ đồng/ha.

 

c) Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất hoa, cây kiểng:

         Từ năm 2010-2012, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ đầu tư 11 hệ thống tưới phun sương bán tự động cho các hộ trồng lan cắt cành với tổng diện tích 11.000m2. Kết quả trình diễn tại các mô hình ghi nhận được: hệ thống tưới phun sương bán tự động tiết kiệm được 60% lượng nước tưới, 70% lượng điện tiêu thụ và 70% công lao động, giảm chi phí 200 triệu đồng/năm/ha. Từ hiệu quả của các mô hình Khuyến nông, nhiều hộ nông dân đã chủ động nhân rộng sản xuất đến nay tổng số lượng vườn áp dụng hệ thống tưới phun là 242 vườn.

 

d) Một số mô hình sản xuất hoa, cây kiểng điển hình:

- Mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ sinh học của hộ Nguyễn Văn Được, tại ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi với diện tích 1.500 m2, doanh thu đạt 1,04 tỷ đồng/ha/năm.

- Mô hình thử nghiệm hoa lily tại hộ Trại thực nghiệm Nhị Xuân, huyện Bình Chánh với diện tích 1.000 m2, kết quả đã chọn được giống  hoa lily Yelloween có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, doanh thu đạt 1,65 tỷ đồng/ha/năm.

- Mô hình cơ giới hóa sản xuất hoa lan (hệ thống tưới phun) tại hộ Nguyễn Văn Lữ, ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi với diện tích 1.200 m2, kết quả giảm chi chí được 208 triệu đồng/ha/năm.

- Mô hình cơ giới hóa sản xuất hoa lan (hệ thống tưới phun) tại hộ Trần Văn Đức, ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi với diện tích 1.000 m2, kết quả giảm chi chí được 200 triệu đồng/ha/năm.

 

1.3 Hoạt động khác:

 

a)  Mô hình  sử dụng chế phẩm nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa.

         Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức tập huấn sản xuất chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae phòng trừ rầy nâu hại lúa cho 5 xã gồm xã Thái Mỹ huyện Củ Chi; xã Tân Nhựt và Quy Đức huyện Bình Chánh; xã Lý Nhơn và xã Bình Khánh huyện Cần Giờ; xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn. Từ năm 2010-2012, Chi cục đã triển khai thực hiện 26 mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm nấm xanh với tổng diện tích 88 ha. Kết quả ứng dụng chế phẩm nấm trừ rầy nâu trên lúa cho thấy hiệu quả diệt trừ rầy nâu trên trên 70% ở giai đoạn 14 ngày sau phun, giảm chi phí từ 400-500 ngàn đồng/ha/vụ. Ngoài ra, chế phẩm nấm xanh còn có khả năng phòng trừ một số loại sâu non khác thuộc bộ cánh vảy, rầy xám trên rau muống, rầy xanh trên các cây thuộc họ bầu bí.

 

b) Sử dụng bẫy côn trùng phục vụ công tác dự báo và phòng trừ sinh vật hại trên lúa và cây lâm nghiệp:

         Tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng có 16 hệ thống bẫy đèn dự báo rầy nâu trên lúa. Ứng dụng bẫy đèn rầy nâu trên lúa giúp cho cán bộ kỹ thuật có thể dự báo chính xác tình hình rầy nâu di trú từ đó có khuyến cáo cụ thể giúp cho người nông dân tại địa phương có lịch gieo sạ xuống giống “né rầy”.

          Ngoài ra, Chi cục còn lắp đặt 02 bẫy đèn dự báo sinh vật hại cây lâm nghiệp và 01 hệ thống bẫy đèn quạt hút tại rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, giúp các cơ quan chức năng có phương án kịp thời phòng trừ sinh vật hại, đảm bảo diện tích rừng phòng hộ.

 

c) Chuyển giao giống mới trong sản xuất lúa:

         Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi theo dõi thử nghiệm tính thích nghi các giống lúa tại cơ sở Nhị Xuân và các xã nông thôn mới: Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Tân Nhựt và Xuân Thới Thượng. Kết quả từ năm 2010-2012, Trung tâm đã tổ chức thử nghiệm tính thích nghi và khuyến cáo sử dụng 5 giống lúa chất lượng cao: Cần Thơ 1 (năng suất 4,5-4,9 tấn/ha); Cần thơ 2 (năng suất 4,3-4,9 tấn/ha); OM 4900 (năng suất 4,9 tấn/ha); OM 6162 (năng suất 5 tấn/ha); Nàng hoa 9 (năng suất 4,4-4,9 tấn/ha).

 

d) Một số mô hình điển hình:

         - Mô hình ứng dụng nấm Metarhizium anisopliae phòng trừ rầy nâu hại lúa của hộ Lê Văn Phới, tại ấp Bình Thượng 2, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi với diện tích 4.500 m2, kết quả cho thấy hiệu quả diệt trừ rầy nâu trên 70% ở giai đoạn 14 ngày sau phun.

- Mô hình thử nghiệm giống lúa tại hộ Nguyễn Văn Khiết, địa chỉ ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh với diện tích 1.000 m2, kết quả đã chọn được giống  Nàng Hoa 9 cho năng suất trung bình trong vụ hè thu đạt 4,5 tấn/ha, giá bán 6.200 đồng/kg cao hơn so với giống lúa OM 4218 năng suất trung bình là 3,7 tấn/ha, giá bán 5.200 đồng/kg.

 

2. Kết quả chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2010-2012:

 

2.1 Ứng dụng mô hình chuồng kín, có hệ thống làm mát trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học:

         Hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn Thành phố triển khai thành công mô hình chuồng kín, có hệ thống làm mát (ổn định 240C - 250C ), theo hướng an toàn sinh học hiện có 10 trại nuôi heo và 04 trại chăn nuôi gà áp dụng. Kết quả đã giúp nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi

         - Rút ngắn thời gian xuất chuồng khoảng 05 ngày, tăng tỷ lệ nuôi sống heo con cai sữa 2 con/nái/năm; giảm khoảng 10% chi phí thức ăn trong chăn nuôi (tương đương 1.420.000đ/con/năm).

         - Giảm tỷ lệ chết còn 3%; tốc độ tăng trọng bình quân hàng ngày cao hơn 8%; tăng hiệu quả sử dụng diện tích chăn nuôi gấp 5 lần và giảm 50% chi phí nhân công lao động tương đương giảm chi phí khoảng 45- 50 triệu đồng/năm.

 

2.2 Xử lý chất thải bằng hệ thống hầm Biogas trong chăn nuôi:

         Đến nay đã xây dựng được 3.455 hầm Biogas, đáp ứng 27,9% /tổng hộ chăn nuôi toàn thành phố. Kết quả: Hỗ trợ các hộ chăn nuôi đã góp phần làm giảm khí thải nhà kính, tận dụng khí biogas để thay chất đốt giúp giảm phát thải bình quân từ 5- 10,3 tấn CO2/năm/hầm biogas và giúp nông dân giảm chi phí (khoảng từ 5 - 30 triệu đồng/năm tùy theo thể tích của hầm Biogas).

 

2.3 Đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP:

         Áp dụng BLUP trong chọn lọc giống heo và ghép đôi giao phối cải thiện chất lượng con giống. Đến nay, đang áp dụng cho tất cả đàn heo giống của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Hàng năm cung cấp khoảng 6.000 heo hậu bị giống ông bà, 10.000 heo giống bố mẹ, 60.000 heo giống nuôi thịt và 18.500 liều tinh chất lượng cao ra thị trường.

 

2.4 Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật:

 

         - Xây dựng mô hình 04 ha trồng cỏ giống mới năng suất chất lượng cao (Mulato II), năng suất chất xanh đạt 250 - 300 tấn/ha/năm (tương đương 175 – 210 triệu đồng) khả năng sử dụng cỏ lên 90% (đối với cỏ voi tỷ lệ sử dụng là 65%), đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bò sữa, thay thế cỏ tạp trong tập quán chăn nuôi của nông hộ.

         - Xây dựng mô hình thử nghiệm “Khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh- TMR” (Total Mix Raison) giúp cho bò sữa ăn theo khẩu phần phù hợp theo từng giai đoạn cho sữa”, giúp người chăn nuôi chủ động phối trộn, tính toán đầy đủ và chính xác nhu cầu dinh dưỡng của đàn bò để duy trì thể trạng và kéo dài khả năng cho sữa.

 

         Kết quả giảm chi phí thức ăn 16.000 đồng/con/ngày, tăng năng suất chất lượng sữa từ 3 – 5 kg/con/ngày. Hiện nay, đang triển khai áp dụng cho 1.000 con bò sữa tại 87 hộ chăn nuôi của Huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12, doanh thu tăng thêm 21,7 triệu đồng/con/năm.

         - Xây dựng 55 mô hình chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh (nâng cấp chuồng trại, làm mát, phối trộn thức ăn, vệ sinh sữa, thú y…), đã hỗ trợ 261 máy vắt sữa, 16 máy băm thái cỏ, 18 hệ thống làm mát, 26 thiết bị rửa thiêt bị vắt sữa, 1.500 khay thử CMT (viêm vú tiềm ẩn), 3.000 bình nhúng vú bò nhằm phát hiện sớm viêm vú, giúp làm giảm tỷ lệ viêm vú bò sữa, tăng hiệu quả và thu nhập cho người chăn nuôi.

         Kết quả rút ngắn 50% thời gian vắt sữa và tăng 0,2 – 0,4 kg sữa/con/lần vắt, giảm chi phí vắt sữa từ 500-700 đồng/kg sữa (doanh thu tăng 5,2 triệu đồng/con/năm), tăng chất lượng sữa (tỷ lệ nhiễm Leptospira giảm 11,7%, ký sinh trùng đường máu là 27,4% và viêm vú tiềm ẩn 29,5% so với tỷ lệ chung của thành phố).

 

2.5 Một số hộ/cơ sở chăn nuôi điển hình:

 

a) Bò sữa:

         - Xây dựng mô hình thử nghiệm “Khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh- TMR” (Total Mix Raison): Hộ Lê Văn Phi, ấp Lô 6, xã An Nhơn tây, Huyện Củ Chi hiện nay tổng đàn 85 con, năng suất sữa đạt 16-18 kg/con/ngày. Sau khi áp dụng mô hình, tổng đàn tăng 14 con và 2kg sữa/con/ngày và chất lượng sữa luôn vượt chuẩn so với yêu cầu nhà thu mua (cao hơn 1.000 đồng/kg sữa). Tổng lợi nhuận 500 triệu đồng/năm.

         - Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cỏ Mulato, tại hộ Phạm Văn Vũ, ấp Xóm mới, xã An Nhơn tây, Huyện Củ Chi, quy mô 32 con, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.

 

b) Ứng dụng mô hình chuồng kín, có hệ thống làm mát trong chăn nuôi

         + Nuôi Heo: Mô hình đạt chứng nhận VietGAHP, Cơ sở an toàn dịch bệnh:

         - Mô hình chăn nuôi heo an toàn tại hộ Trầm Quốc Thắng, ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, quy mô 4.500 con (heo nái 600 con; heo thịt 1.130 con), xuất bán 800 con heo thịt/tháng, 200 con heo giống/tháng, giá trị tương đương 3,4 tỷ đồng.

         - Mô hình chăn nuôi heo an toàn tại hộ Nguyễn Tấn Luận, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, quy mô 6.000 con (heo nái 600 con; heo thịt 2.000 con), xuất bán 1.000 con heo thịt/tháng, giá trị tương đương 3,6 tỷ đồng.

c) Nuôi gà: Mô hình đạt chứng nhận Cơ sở an toàn dịch bệnh:

         - Mô hình chăn nuôi gà: hộ Nguyễn Thị Lạc, Xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.

         - Mô hình chăn nuôi gà: hộ Trần Thị Quang, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

 

         - Mô hình chăn nuôi gà: Trại gà Củ Chi 1, xã An Phú, huyện Củ Chi.   

 

3. Kết quả chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2010-2012:

 

3.1 Mô hình Nuôi tôm chân trắng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường bằng phương pháp tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học

    Tổng số 24 mô hình với diện tích 25 ha, sản lượng đạt 7,1 tấn/ha/vụ (tăng 11 % so với phương thức nuôi bình thường), lợi nhuận tăng 16 %.

 

3.2 Mô hình Nuôi tôm xen cua

   Tổng số 06 mô hình với diện tích 6,5 ha, doanh thu 350 – 400 triệu đ/ha/năm (tăng 12 %), lợi nhuận 120 – 130 triệu đồng/ha/năm (tăng 22%). Ngoài ra, giảm áp lực nuôi tôm mật độ cao và tập trung, giảm tác hại môi trường, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 

3.3 Mô hình Nuôi cua thương phẩm từ con giống sinh sản nhân tạo:

06 mô hình, diện tích 06 ha, lãi hàng năm: 70 – 80 triệu đ/ha (2 vụ); Đưa Diện tích nuôi cua tăng gấp 7 lần so với 2010, (từ khoảng 3 ha năm 2010 tăng hơn 20 ha năm 2013). Là mô hình có thể áp dụng cho nhiều đối tượng nông dân, đặc biệt là đối tượng nghèo, góp phần thực hiện chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.

 

3.4 Mô hình Nuôi cá dứa:

04 mô hình, diện tích 04 ha, lãi 280 triệu đ/ha/năm. Mỗi ha nuôi cá dứa giải quyết 1 công lao động thường xuyên và cung cấp cho thị trường khoảng 10 – 20 tấn cá nguyên liệu; Tận dụng tiềm năng mặt nước mặn lợ vùng Cần Giờ, Nhà Bè; Cá Dứa có tiềm năng trở thành đối tượng thủy đặc sản cho Cần Giờ.

 

3.5 Các mô hình thủy sản tiêu biểu:

- Mô hình nuôi tôm Nuôi tôm chân trắng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường bằng phương pháp tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học tại hộ Võ Văn Cư, ấp Lý Hiệp Hòa, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, diện tích 3.000 m2, sản lượng 5 tấn/vụ, thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ năm.

- Mô hình nuôi cua thương phẩm từ con giống sinh sản nhân tạo tại hộ Nguyễn Văn Đời, ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, diện tích 5.000 m2, thu nhập 60 triệu đồng/ ha/năm.

 

4. Kết quả chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn giai đoạn 2010-2012:

         Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ máy móc, trang thiết bị kỹ thuật cho nông dân phát triển 24 mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó:

         - Hợp tác xã muối Tiến Thành tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ có 15 mô hình được hỗ trợ máy quạt nước phục vụ cho sản xuất muối, không làm dậy bùn khi đưa nước biển vào ô kết tinh, giúp muối ít bị lẫn tạp chất, đồng thời giúp diêm dân giảm bớt sức lao động (giảm 80% sức lao động); 01 mô hình được nâng cấp máy xay, máy sấy, máy quay li tâm, máy rửa muối, công suất máy sau khi được nâng cấp tăng 5-8%, thu nhập bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 13,3%).

         - 05 mô hình được hỗ trợ mua máy chẻ nan phục vụ nghề đan đát cho Tổ ngành nghề đan đát tại xã Thái Mỹ, Trung Lập Hạ, An Nhơn Tây, Phước Thạnh huyện Củ Chi và xã Xuân Thới Sơn huyện Hóc Môn, nâng cao năng suất, giảm công lao động (công suất của 01 máy chẻ nan = 50 công lao động/ngày), thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 20%).

         - 01 mô hình được hỗ trợ máy trộn bột se nhang phục vụ se nhang cho Tổ ngành nghề se nhang tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, giúp đánh bột nhanh, nhuyễn, đều, giúp năng suất tăng gấp 2-3 lần so với làm thủ công và giảm được 1-2 lao động/ngày, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 100%).

         - 02 mô hình được hỗ trợ máy phóng nhang tự động phục vụ se nhang Tổ ngành nghề se nhang tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, giúp năng suất tăng gấp 2-3 lần so với làm thủ công, thu nhập bình quân 2,25 triệu đồng/người/tháng (tăng 200%).

 

III. Đánh giá chung:

Qua thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp bước đầu đã đúc kết những nhân tố về các giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng nông nghiệp đô thị như: Bò Sữa, Rau an toàn, Hoa lan- cây kiểng, Cá kiểng...

            Qua các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật (giống mới, quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa…) góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống nông dân, nông thôn, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 154,1% (doanh thu bình quân 1ha đất sản xuất năm 2010 là 155 triệu đồng/ha, năm 2011 là 202 triệu đồng/ha, năm 2012 là 239 triệu đồng/ha).

       Tuy nhiên trong quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp gặp những thuận lợi, khó khăn sau:

 

1.   Thuận lợi:

- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Viện, trường, các cơ quan nghiên cứu với ngành nông nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng các khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. 

- Thị trường khoa học công nghệ đã được hình thành, tạo điều kiện cho việc lựa chọn ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ phù hợp với đối tượng sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng của mỗi địa phương.

- Có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật về nông nghiệp được triển khai, phù hợp với định hướng phát triển của ngành.

 

2. Khó khăn:

         - Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng sản xuất tập trung, cở sở hạ tầng tại các vùng sản xuất chưa phát triển nên việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả và khả năng nhân rộng thấp.

         - Các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật chủ yếu mới được áp dụng ở việc xây dựng mô hình chưa triển khai nhân rộng để sản xuất theo hướng hàng hoá.

- Các đề tài nghiên cứu về nông nghiệp và nông thôn tuy nhiều, nhưng việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn thực hiện còn chậm.

 

IV. Định hướng chuyển giao khoa học kỹ thuật:        

 

         Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai các giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung chính như sau:

 

1.   Trung tâm Khuyến nông:

-   Thường xuyên đào tạo cán bộ kỹ thuật và tập huấn nông dân, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cho nông dân về khoa học kỹ thuật.

-   Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất hoa cây kiểng, rau an toàn, chăn nuôi và thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

-   Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đầu tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

2.   Chi cục Bảo vệ thực vật:

         - Tập huấn, hướng dẫn nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm.

         - Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế rau, quả, hoa cây kiểng, phòng trừ sinh vật hại cây trồng.

 

         - Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm nông sản.        

 

 

3. Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

         - Tiếp tục tổ chức khảo nghiệm, thử nghiệm đánh giá khả năng thích nghi của các giống cây trồng mới; khuyến cáo, hướng dẫn người nông dân các kỹ thuật canh tác giống cây trồng mới hiệu quả.

         - Tiếp tục ứng dụng các khoa học kỹ thuật trong chọn lọc giống cây, con chất lượng cao.

 

4. Trung tâm Công nghệ sinh học:

         - Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới trong việc sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ sinh vật hại cây trồng, thủy sản.

         - Tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất rau, quả, phòng trừ dịch bệnh trong lĩnh vực thủy sản.

 

5. Chi cục Thú y:

         Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng trừ dịch bênh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; ứng dụng các tiến bộ khoa học phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm.

 

6. Chi cục Phát triển nông thôn:

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, kỹ thuật mới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

7. Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp:

         Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã , doanh nghiệp trong chứng nhận VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng thành phố.

 

8. Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

            Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP và đảm bảo an toàn dịch bệnh./.


Số lượt người xem: 4333    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm