SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
1
1
6
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17 Tháng Bảy 2013 8:50:00 SA

Công tác thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 50 xã trên địa bàn thành phố

Thực hiện văn bản số 2925/UBND-CNN ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tạm ứng kinh phí cho công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn 05 huyện;

Ngày 23 tháng 4 năm 2013, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 2033/QĐ-UBND về giao kế hoạch vốn kinh phí sự nghiệp năm 2013 (đợt 1) thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy hoạch của các Sở, ngành, Quận – huyện, trong đó có giao kế hoạch vốn quy hoạch xây dựng 18 xã nông thôn mới, huyện Củ Chi;

Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tiến độ thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản số 1459/CQTT-SNN ngày 31 tháng 8 năm 2012 và văn bản số 804/CQTT-SNN ngày 10 tháng 5 năm 2013 về báo cáo tiến độ và kinh phí thực hiện công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được báo cáo của 05 huyện (văn bản số 134/BC-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, văn bản số 134/BC-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, văn bản số 1006/UBND ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, văn bản số 3392/UBND-QLĐT ngày 23 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Báo cáo số 930/BC-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh); sau khi tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tiến độ thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 50 xã nhân rộng trên địa bàn thành phố. Cụ thể như sau:

I. Tình hình triển khai, thực hiện công tác quy hoạch:

 

1. Tình hình phê duyệt quy hoạch nông thôn mới:

Ngoài 06 xã điểm đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Thành phố Hồ Chí Minh có 50 xã nhân rộng thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 39 xã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới (trong đó có 02 xã đã phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới); còn lại 11 xã đang lấy ý kiến của người dân và các cơ quan về nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới (đính kèm Phụ lục Bảng tổng hợp). Cụ thể:

 

1.1. Về tiến độ quy hoạch:

1.1.1. Huyện Nhà Bè: có 05 xã. Tiến độ như sau:

- Xã Phước Lộc: đã có Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 06/5/2013 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà bè về phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tỷ lệ 1/5000 xã Phước Lộc.

- Xã Long Thới: Đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tỷ lệ 1/5000 xã Long Thới đang được hoàn chỉnh, dự kiến trình thẩm định phê duyệt trong năm 2013.

- Xã Phước Kiển, Phú Xuân và Hiệp Phước: Hiện tại Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của 03 xã đang làm việc với đơn vị tư vấn để lập dự toán. Dự kiến trong năm 2013 sẽ hoàn tất lập đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tỷ lệ 1/5000 tại 03 xã.

1.1.2. Huyện Cần Giờ: có 05 xã. Tiến độ như sau:

Hiện nay 05 xã (Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Long Hòa, Thạnh An) đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn và đơn vị tư vấn đang tiến hành thu thập số liệu trên địa bàn các xã để lập nhiệm vụ quy hoạch, trong đó Ủy ban nhân dân xã Bình Khánh đã lập xong nhiệm vụ quy hoạch, dự kiến trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt trong tháng 7 năm 2013.

1.1.3. Huyện Hóc Môn: có 9 xã. Tiến độ như sau:

- Đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 05 xã (Xuân Thới Sơn, Tân Hiệp, Nhị Bình, Đông Thạnh, Thới Tam Thôn)

- Đang trình hồ sơ thẩm định và lấy ý kiến các Sở ngành liên quan: 04 xã (Xã Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì, Tân Xuân, Bà Điểm). Dự kiến hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong Quý III/2013.

1.1.4. Huyện Củ Chi: có 18 xã. Tiến độ như sau:

Ủy ban nhân dân huyện đã hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng kết hợp quy hoạch sản xuất công nghiệp -  thương mại dịch vụ của toàn bộ 18 xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, đã phê duyệt xong nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của 72 điểm dân cư nông thôn với diện tích đất lập quy hoạch chi tiết là 7.270,09 ha, hiện đang trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi chính thức ban hành quyết định phê duyệt. Dự kiến hoàn thành phê duyệt 18 đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới trong Quý III/2013.

1.1.5. Huyện Bình Chánh: có 13 xã. Tiến độ như sau:

- Đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 5 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh)

- Đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nông thôn mới tại 13 xã (Tân Kiên, Phong Phú, Qui Đức, Đa Phước, Tân Quý Tây, An Phú Tây, Bình Chánh, Hưng Long, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Lợi).

Hiện nay, các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ trình thẩm định, phê duyệt vào cuối quý III/2013.

 

1.2. Tình hình giải ngân kinh phí lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới:

Nhìn chung, tiến độ giải ngân kinh phí tạm ứng trên địa bàn 03 huyện (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) còn chậm để triển khai thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới giữa Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới các xã với đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo văn bản số 2925/UBND-CNN ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tạm ứng kinh phí cho công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn 03 huyện. Huyện Hóc Môn đã chuyển cho đơn vị tư vấn 150 triệu/ xã. Riêng đối với huyện Củ Chi đã tạm ứng cho đơn vị tư vấn từ 10% đến 30% theo giá trị hợp đồng các xã đã ký với đơn vị tư vấn. Cụ thể như sau:

 

1.2.1. Huyện Nhà Bè

Đã tạm ứng kinh phí thực hiện cho 02 xã (Phước Lộc, Long Thới) với số tiền 150.000.000 đồng/xã. Tổng nhu cầu vốn tăng thêm năm 2013 cho việc thanh toán, tạm ứng, quyết toán trong công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 05 xã trên địa bàn huyện Nhà Bè là 4.830.389.789 đồng

1.2.2. Huyện Cần Giờ:

Đến thời điểm hiện nay các xã chưa thực hiện việc giải ngân cho đơn vị tư vấn với số tiền 150 triệu đồng/xã do phía đơn vị tư vấn chưa có nhu cầu thanh toán.

1.2.3. Huyện Hóc Môn:

Hiện nay chưa có tính toán chi phí lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện nông thôn mới tạm ứng kinh phí thực hiện trước cho đơn vị tư vấn đợt 1 là 150.000.000 đồng/xã và đang làm thủ tục để tạm ứng tiếp đợt 2 là 150.000.000 đồng/xã theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố. Sở Tài chính yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện cần khái toán kinh phí quy hoạch xây dựng nông thôn mới được duyệt và tiến độ thực hiện Hợp đồng với bên tư vấn, gửi Sở Tài chính để tiến hành các thủ tục tạm ứng kinh phí quy hoạch tiếp cho huyện trong đợt 2.

 

1.2.4. Huyện Củ Chi:

Ủy ban nhân dân huyện đã có các văn bản số 8605/UBND-TCKH ngày 11/12/2012, 956/UBND-VP ngày 5/2/2013 về việc tạm ứng kinh phí đối với công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Ngày 23 tháng 4 năm 2013, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 2033/QĐ-UBND về giao kế hoạch vốn kinh phí sự nghiệp năm 2013 (đợt 1) thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy hoạch của các Sở, ngành, Quận – huyện, trong đó đã ghi vốn cho huyện Củ Chi thực hiện công tác quy hoạch tại 18 xã là 9 tỷ đồng.

Tính đến nay, huyện đã chuyển tạm ứng cho 18 xã để thanh toán cho đơn vị tư vấn là 4.900.000 đồng/9.000.000 đồng (nguồn vốn do Sở Tài chính cấp tạm ứng cho huyện), cụ thể:

+ Đối với 09 xã (Tân Thạnh Đông, Trung An, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung, Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Phước Thạnh, Tân Thạnh Đông) là 30% trên giá trị hợp đồng các xã đã ký với đơn vị tư vấn tương ứng với số tiền 3.759.077.559 đồng

+ Đối với 09 xã (Phước Hiệp, Bình Mỹ, An Phú, Phú Hòa Đông, Phước Vĩnh An, Phạm Văn Cội, Phú Mỹ Hưng, Hòa Phú, Tân An Hội) là 10% trên giá trị hợp đồng các xã đã ký với đơn vị tư vấn tương ứng với số tiền 1.140.922.441 đồng.

 

1.2.5. Huyện Bình Chánh:

Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đã giải ngân tạm ứng cho công tác quy hoạch với tổng số tiền là 4.600.000.000 đồng, trong đó đợt 1 là 2.100.000.000 đồng và đợt 2 là 2.500.000.000 đồng

Nhu cầu bổ sung vốn kinh phí cho công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2013 là 8.556.696.000 đồng.

 

II. Những vướng mắc, khó khăn:

 

Công tác lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNN&PTNT-BTN&MT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Quy định lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới (gọi tắt là Thông tư 13).

 

Trong quá trình thực hiện quy hoạch vừa qua xuất hiện một số vấn đề vướng mắc cần giải quyết như sau:

 

(1)- Cách xác định kinh phí lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới theo Thông tư liên tịch 13:

 

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BXD ngày 08 tháng 02 năm 2013 về hướng dẫn xác định, quản lý chi phí lập, thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Trước đó, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 140/BXD-KTXD ngày 24 tháng 01 năm 2013 về việc Hướng dẫn kinh phí lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, đặc thù nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh là nông thôn vùng ven đô thị, do quá trình phát triển đô thị, công nghiệp; vì vậy việc xây dựng các đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới theo Thông tư 13 có nhiều phức tạp, bất cập. Hiện nay, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã có Tờ trình số 1948/TTr-SQHKT ngày 19 tháng 6 năm 2013 gửi Ủy ban nhân dân thành phố về đề nghị phê duyệt về ban hành định mức kinh phí lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

 

 (2)- Chuyển tiếp lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới từ các pháp lý trước đây sang Thông tư liên tịch 13:

 

Hiện nay, theo quy định của Thông tư 13 thì “công tác lập quy hoạch nông thôn mới thống nhất thực hiện theo Thông tư này”; trong đó đáng chú ý là nội dung quy hoạch bao gồm 3 nội dung: quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất.

 

Tuy nhiên, thực tế tình hình lập quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn thành phố hiện nay, các huyện đã triển khai công tác lập quy hoạch xã nông thôn mới theo các pháp lý trước khi Thông tư 13 ban hành; cụ thể là phần lớn các xã nhân rộng (triển khai năm 2011) đang tiến hành lập quy hoạch theo 2 loại: quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, chưa lập quy hoạch sản xuất.

 

Do đó, đối với yêu cầu của Thông tư 13 là lập quy hoạch bao gồm cả 3 nội dung vừa nêu, vừa qua các huyện có gặp vướng mắc về hướng xử lý đối với các xã đã triển khai lập quy hoạch nông thôn mới theo pháp lý trước đây; như các trường hợp đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch theo từng loại riêng biệt nêu trên và đang triển khai lập đồ án (một số xã đã thực hiện hoàn tất đồ án, đang trình thẩm định, phê duyệt).

 

Về hướng giải quyết cơ bản, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất đối với tình trạng các xã đã tiến hành lập quy hoạch từ trước Thông tư 13 nhưng chưa hoàn thành (gồm nhiều trường hợp khác nhau ở các xã huyện), mỗi huyện cần chủ động xác định mức độ yêu cầu của địa phương đối với các nội dung cần bổ sung (như quy hoạch sản xuất), nhằm phục vụ việc lập đề án xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp điều kiện đặc thù của từng địa phương.

 

Trên cơ sở đó, các huyện có thể tiếp tục thực hiện các nội dung riêng lẻ của quy hoạch nông thôn mới, đồng thời bổ sung nội dung còn thiếu, đảm bảo yêu cầu phê duyệt đầy đủ 3 nội dung (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất) trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới theo Thông tư 13.

 

(3)- Trùng lắp ranh và nội dung giữa quy hoạch xã nông thôn mới với quy hoạch xây dựng đô thị hoặc chủ trương phát triển đô thị:

 

Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 thì trong 58 xã của thành phố sẽ chỉ còn 37 xã nông nghiệp, và 21 xã được định hướng đô thị hóa. Trong khi đó, chương trình xây dựng Nông thôn mới của thành phố đề ra là hoàn thành xây dựng Nông thôn mới cho toàn bộ 56 xã. Vì vậy việc lập quy hoạch nông thôn mới theo Thông tư 13 sẽ gặp nhiều khó khăn đối với các xã đô thị hóa.

 

Thực tế là, đối với các xã đô thị hóa, theo quy hoạch chung huyện và một số quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (nếu có), thì định hướng quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã về lâu dài sẽ không còn đất sản xuất nông nghiệp, điểm dân cư nông thôn.

 

Về nội dung quy hoạch xây dựng trong các quy hoạch chung các huyện và các quy hoạch chi tiết (phân khu) đã có đề cập đến việc sử dụng đất và tổ chức không gian đô thị phần lớn đều tuân thủ Quy hoạch chung Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010; nên khi lập quy hoạch nông thôn mới sẽ nảy sinh mâu thuẫn nhất là quy hoạch theo các nhóm tiêu chí II, III, IV, V của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới được ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, và được thực hiện trong điều kiện chưa có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và chủ động hướng dẫn các huyện về hướng thực hiện: trong nội dung đồ án quy hoạch, cần xác định rõ đích đến của quy hoạch là phát triển đô thị theo quy hoạch chung xây dựng huyện hoặc đô thị mới được phê duyệt, trong đó quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới là giai đoạn đầu; nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, ổn định xã hội, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

 

(4) Việc thực hiện đồ án 3 trong 1 chưa có cách làm cụ thể nên dẫn đến còn nhiều điểm bất cập do Quy hoạch sử dụng đất đòi hỏi phải có chỉ tiêu phân khai từ quy hoạch sử dụng đất thành phố và Quy hoạch đồ án vào thực tiễn

 

 

III. Đề xuất, kiến nghị:

 

1. Về kinh phí:

Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã có Tờ trình số 1948/TTr-SQHKT ngày 19 tháng 6 năm 2013 gửi Ủy ban nhân dân thành phố về đề nghị phê duyệt về ban hành định mức kinh phí lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, kính đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố sớm xem xét, phê duyệt về ban hành định mức kinh phí lập quy hoạch để các huyện tiến hành triển khai theo quy định.

 

2. Về chuyển tiếp lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới:

 

Về hướng giải quyết cơ bản, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất đối với tình trạng các xã đã tiến hành lập quy hoạch từ trước Thông tư 13 nhưng chưa hoàn thành (gồm nhiều trường hợp khác nhau ở các xã huyện), mỗi huyện cần chủ động xác định mức độ yêu cầu của địa phương đối với các nội dung cần bổ sung (như quy hoạch sản xuất), nhằm phục vụ việc lập đề án xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp điều kiện đặc thù của từng địa phương.

 

Trên cơ sở đó, các huyện có thể tiếp tục thực hiện các nội dung riêng lẻ của quy hoạch nông thôn mới, đồng thời bổ sung nội dung còn thiếu, đảm bảo yêu cầu phê duyệt đầy đủ 3 nội dung (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất) trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới theo Thông tư 13.

 

3. Đối với đặc thù các xã đô thị trên địa bàn thành phố:

Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ động hướng dẫn các huyện về hướng thực hiện đối với các xã đã đô thị hóa cao, đặc biệt các xã không xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn và Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

 

4. Về tiến độ thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới:

 

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ, cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, tiến độ thực hiện và phê duyệt đồ án quy hoạch theo đúng tiến độ.

Trên đây là báo cáo về tiến độ thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 50 xã nhân rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo./.


Số lượt người xem: 13836    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm