SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
3
7
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 Tháng Mười Một 2011 4:25:00 SA

Kết quả thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành tháng 11 năm 2011, tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 11 và 11 tháng năm 2011

-


.- Công tác chỉ đạo điều hành tập trung:

Trong tháng 11 năm 2011, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015; triển khai chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Một số nhiệm vụ cụ thể đã triển khai thực hiện trong tháng 11 năm 2011 như sau:

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung xây dựng các mô hình nông thôn mới đúng tiến độ theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố (đặc biệt là xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21/01/2011) thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011.

- Tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND ngày 02/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách thành phố năm 2011.

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 10/2011/CT-UBND ngày 17/3/2011 về tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa năm 2011. Tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-BNN-TCLN ngày 06/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND ngày 10/02/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán năm 2011. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản và động vật hoang dã.

- Tiếp tục tổ chức, thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình mục tiêu: chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015; chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản; các chương trình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến nông 3 giảm, chương trình khuyến nông xóa đói giảm nghèo.

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, xây dựng và phát triển làng nghề ở nông thôn theo hướng mỗi làng một sản phẩm.

- Chỉ đạo sản xuất Vụ Mùa năm 2011 theo tiến độ, đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản chuyên ngành.

- Đoàn Thanh niên Sở phối hợp với Đoàn Chi cục Thú y, Đoàn Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và các đơn vị thuộc Sở tiếp tục triển khai kế hoạch hưởng ứng “Năm Thanh niên”, tập trung vào các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới: trồng cây xanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn xử lý nước đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.

II.- Tình hình sản xuất nông nghiệp:

1.- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp 11 tháng năm 2011:

Tốc độ tăng trưởng: Tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 11 tháng năm 2011 ước đạt 9.310 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 6,4% so với cùng kỳ 2010; trong đó: trồng trọt tăng 5,1%, chăn nuôi tăng 7,2%, thủy sản tăng 6,1%, lâm nghiệp tăng 3,6%, dịch vụ nông nghiệp tăng 9,5%, dịch vụ thủy sản tăng 6,5% so cùng kỳ.

          Về cơ cấu giá trị sản xuất: Trồng trọt chiếm 25,8%, chăn nuôi 45,1%, thủy sản 21,5%, lâm nghiệp 0,8%, dịch vụ nông nghiệp 6,9%.

2.- Trồng trọt:

2.1.- Hoa, cây kiểng: Tổng diện tích hoa, cây kiểng hiện có là 1.940 ha, ng 4,9% so cùng kỳ (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức); trong đó mai: 530 ha, tăng 1% so cùng kỳ; lan: 210 ha, tăng 10,5% so cùng kỳ; kiểng, bonsai: 450 ha, tăng 12,5% so cùng kỳ; hoa nền: 750 ha, tăng 2% so với cùng kỳ.

2.2.- Rau: Diện tích gieo trồng đến nay ước đạt 13.215 ha, tăng 5% so cùng kỳ (trong đó rau an toàn là 12.951 ha, tăng 5% so cùng kỳ). Sản lượng ước đạt 281.411 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ.

          2.3.- Cỏ thức ăn gia súc: Tổng diện tích hiện có là 3.300 ha, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 700.000 tấn, tăng 16,7% so cùng kỳ.

2.4.- Lúa: Diện tích gieo trồng lúa từ đầu năm đến nay là 21.601 ha, bằng 89,7% so cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 54.121 tấn, bằng 89% so cùng kỳ.

2.5.- Cây cao su: Tổng diện tích cao su hiện có là 3.500 ha, xấp xỉ cùng kỳ.

2.6.- Cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến nay ước 11.000 ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

3. Chăn nuôi:

3.1. Gia súc:

- Bò sữa: Tổng đàn bò sữa là 81.531 con, tăng 3,2% so cùng kỳ; trong đó, cái vắt sữa 41.000 con, xấp xỉ cùng kỳ.

- Trâu: Tổng đàn 5.447 con, tăng 8,9% so cùng kỳ.

- Heo: Tổng đàn 327.950 con, xấp xỉ cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản là 45.560 con, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

3.2. Chăn nuôi khác:

- Chim Yến: Sản lượng Yến trong 11 tháng năm 2011 đạt 800 kg, tăng gấp 2,42 lần so cùng kỳ.

- Cá sấu: Tổng đàn cá sấu trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 166.500 con, xấp xỉ cùng kỳ.

4. Về thủy sản:

4.1.- Cá cảnh: 61 triệu con, tăng 8,9% so cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong tháng 11/2011 là 900.581 con, lũy kế trong 11 tháng năm 2011 đạt 8,032 triệu con, tăng 17,9% so cùng kỳ.

4.2.- Tổng sản lượng thủy sản trong 11 tháng năm 2011 ước đạt 44.822 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ, trong đó:

+ Sản lượng nuôi trồng: 23.872 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ.

+ Sản lượng đánh bắt: 20.950 tấn, xấp xỉ cùng kỳ.

5.- Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản chuyên ngành:

- Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2011 (đợt 1) được Ủy ban nhân dân thành phố giao theo Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 25/01/2010 cho các chủ đầu tư trực thuộc Sở, gồm 08 dự án chuyển tiếp, 03 dự án vốn ODA, 02 dự án Quy hoạch, với kinh phí là 343.026 triệu đồng; riêng Công ty TNHH một thành viên QLKT-DVTL được ghi vốn 06 dự án chuyển tiếp với kinh phí 51.037 triệu đồng.

- Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2011 (đợt 2) được Ủy ban nhân dân thành phố giao theo Quyết định số 3982/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 cho các chủ đầu tư trực thuộc Sở, gồm 02 dự án chuyển tiếp, 03 dự án chuẩn bị thực hiện dự án, 08 dự án chuẩn bị đầu tư, với kinh phí 135.870 triệu đồng; riêng Công ty TNHH một thành viên QLKT-DVTL được ghi vốn 02 dự án, gồm 01 dự án chuẩn bị thực hiện dự án và 01 dự án chuẩn bị đầu tư, với kinh phí 30.500 triệu đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2011 (đợt 1 và đợt 2) của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT là 476.796 triệu đồng. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư trong 11 tháng năm 2011 như sau:

- Giá trị khối lượng thực hiện là 230.000 triệu đồng, giá trị khối lượng giải ngân là 231.695/ 476.796 triệu đồng, đạt 49% kế hoạch. Trong đó:

+ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở: 197.816/ 308.300 triệu đồng, đạt 64% KH.

+ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn: 22.355/ 30.000 triệu đồng, đạt 74% KH.

+ Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi: 9.478/ 20.000 triệu đồng, đạt 47% KH.

+ Trung tâm Công nghệ Sinh học: 1.824/ 12.790 triệu đồng, đạt 14% KH.

+ Ban Quản lý dự án QSEAP: 484/ 900 triệu đồng, đạt 54% KH.

+ Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi: 33.370/ 79.537 triệu đồng, đạt 42% KH.

III.- Kết quả công tác một số lĩnh vực chuyên ngành:

          1.- Về lĩnh vực chăn nuôi, thú y:

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 365/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Chỉ thị 07/2011/CT-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 2783/CT-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm; công văn số 3136/BNN-TY ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng với thời gian thực hiện từ ngày 01/11/2011 đến 30/11/2011. Chi cục Thú y đã tăng cường rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình nhập xuất đàn gia súc; thực hiện tốt công tác tiêm phòng công tác chống giết mổ trái phép; tăng cường công tác kiểm tra tình hình dịch tễ tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, khu vực tập trung các hộ chăn nuôi nhập cư, khu vực giáp ranh các tỉnh, ổ dịch cũ...; tăng cường hoạt động hệ thống giám sát dịch bệnh đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, đảm bảo các trường hợp dịch bệnh được phát hiện nhanh và xử lý kịp thời.

- Về công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, trong tháng 11/2011, Chi cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch 496 con trâu, bò hơi, 23.757 con trâu, bò tuột, 213.387 con heo hơi, 67.108 con heo bên, 1.399.326 con gia cầm sống, 1607.674 con gia cầm tươi, 116,5 triệu quả trứng gia cầm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch 9.165 con trâu, bò hơi (giảm 35,13% so cùng kỳ), 242.877 con trâu, bò tuột (giảm 17,30% so cùng kỳ), 2.233.059 con heo hơi (giảm 12,53% so cùng kỳ), 665.772 con heo bên (giảm 7,98% so cùng kỳ), 16.363.036 con gia cầm sống (tăng 6,56% so cùng kỳ), 1.159,93 triệu quả trứng gia cầm (tăng 2,29% so cùng kỳ). Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã kiểm tra phát hiện và xử phạt 4.332 trường hợp vi phạm (tăng 8,98% so cùng kỳ), với tổng số tiền phạt là 3.771,45 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ, không chấp hành tiêm phòng bắt buộc theo quy định,…

- Tiếp tục rà soát tăng cường công tác kiểm dịch nguồn tôm giống từ các tỉnh nhập về các trại thuần dưỡng; tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm giám sát bệnh trên tôm và nghêu nuôi tại huyện Cần Giờ. Tiến hành khảo sát và xử lý triệt để các hộ nuôi tôm, nghêu nhiễm bệnh.

- Duy trì và nhân rộng các cơ sở chăn nuôi đã được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng và Dịch tả heo; triển khai đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2011 với 11 cơ sở chăn nuôi đăng ký mới, tái công nhận 26 cơ sở chăn nuôi đăng ký gia hạn, 18 phường xã đăng ký mới xây dựng an toàn bệnh Dại  (trong đó tại 28 xã xây dựng nông thôn mới có 07 cơ sở chăn nuôi đăng ký mới và gia hạn 13 cơ sở chăn nuôi đăng ký gia hạn). Lũy kế từ đầu chương trình (năm 2003) đến nay, có 76 cơ sở chăn nuôi được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; trong đó có 09 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 38 cơ sở chăn nuôi heo, 03 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 22 cơ sở phường an toàn bệnh Dại và 04 cơ sở nuôi cá Chép.

- Tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chuyên môn tại 28 xã xây dựng nông thôn mới với những nội dung cụ thể như sau: Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã Tân Thông Hội được Cục Thú y công nhận cơ sở an toàn bệnh Dại trong năm 2011; bên cạnh đó, có thêm 03 xã đã có hồ sơ đăng ký xây dựng xã an toàn bệnh Dại (Nhơn Đức, Xuân Thới Thượng, Thái Mỹ). Duy trì các cơ sở chăn nuôi đã được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng và Dịch tả heo; triển khai đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2011. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình điểm chăn nuôi bò sữa có hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện lấy mẫu kiểm tra việc sử dụng các chất kích thích tố tăng trọng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi; kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm đánh giá điều kiện vệ sinh tại các chợ, cơ sở chế biến trên địa bàn các xã điểm để làm cơ sở chấn chỉnh, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tập huấn và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh áp dụng mô hình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

2.- Về lĩnh vực bảo vệ thực vật:

- Tập trung thực hiện tốt công tác kiểm tra theo dõi tiến độ sản xuất, sinh trưởng cây lúa và rau; điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình sinh vật hại trên cây trồng; triển khai công tác chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá năm 2011; theo dõi bẫy đèn và khảo sát quần thể rầy vào đèn hàng ngày để xác định thời điểm xuống giống vụ Mùa và dự báo khả năng phát triển của rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy zigzag,... Hàng tuần, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thông tin và hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp phòng trị sinh vật hại cây trồng kịp thời, hiệu quả.

- Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, trong tháng 11/2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành thanh, kiểm tra 01 đợt với 07 cơ sở mua bán thuốc, kết quả không có cơ sở vi phạm. Thanh, kiểm tra 01 đợt với 16 hộ nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; kết quả chưa phát hiện có hộ nào vi phạm.

- Về công tác giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Tổng số mẫu rau quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong tháng 11/2011 bằng phương pháp phân tích nhanh: 548 mẫu (trong đó, vùng sản xuất 83 mẫu, 03 chợ Đầu mối kinh doanh nông sản 465 mẫu); kết quả tất cả các mẫu đều âm tính. Thực hiện phân tích định lượng dư lượng thuốc BVTV với 13 mẫu (09 mẫu tại vùng sản xuất, 04 mẫu tại 03 chợ đầu mối), kết quả cả 34 mẫu đều an toàn về dư lượng thuốc BVTV.

- Theo dõi, cập nhật tình hình ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật do ăn rau trên địa bàn thành phố để có giải pháp khắc phục ngay tại nơi sản xuất. Tính đến ngày 07/11/2011, có tổng số 3.484 hộ nông dân trồng rau đã ký Bản cam kết thực hiện đúng các quy định về sử dụng thuốc BVTV.

- Tiếp tục vận hành, bảo trì hệ thống thu gom và xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng tại 6 xã nông thôn mới.

  - Tiếp tục tổ chức phát thanh lưu động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa bàn các huyện; phổ biến thông điệp về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cho các Đài phát thanh quận - huyện.

3.- Về lĩnh vực lâm nghiệp - kiểm lâm:

- Tiếp tục công tác quản lý xây dựng, phục hồi, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất với tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố hiện nay là 42.523,27 ha, trong đó có 37.485,50 ha đất quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của UBND thành phố. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến rừng.

- Chi cục Lâm nghiệp đã triển khai thực hiện:

+ Về kế hoạch sản xuất 250.000 cây giống các loại phục vụ nhu cầu trồng cây phân tán của các đơn vị trên địa bàn thành phố năm 2011: đến nay đã nghiệm thu đầy đủ và đã xuất 250.000 cây giống gồm 33 loài cho 55 đơn vị nhận cây về trồng.

- Triển khai kế hoạch trồng cây sưu tập thân gỗ và sinh cảnh tại Vườn thực vật Củ Chi với diện tích 40 ha: từ đầu năm 2011 đến nay đã trồng mới 3.088 cây các loại, đồng thời tiếp tục chăm sóc 5.484 cây đã trồng trong năm 2010.

- Tại rừng phòng hộ, đặc dụng Bình Chánh: tiếp tục quản lý bảo vệ rừng với diện tích 292,60 ha; đã trồng dặm 1.108 cây trên diện tích 91 ha tại ấp 6 và 7, xã Tân Tạo; trồng dặm 1.600 cây trên diện tích 171 ha tại ấp 3.

+ Tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc: Đến nay đã trồng và đang thi công chăm sóc 6.037 cây cảnh quan trên diện tích 12,9 ha tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (kế hoạch trồng 6.313 cây). Chi cục Lâm nghiệp đã làm việc với Ban quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc về Công trình “Trồng mới và chuyển hóa rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc” thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 22 ha tại Đền tưởng niệm các vua Hùng, thông qua loài cây trồng và quy hoạch trồng cây; hoàn chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật và trình phê duyệt theo kế hoạch liên tịch và thông báo số 198/TB-VP ngày 01 tháng 4 năm 2011 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về nội dung ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hứa Ngọc Thuận về tiến độ thực hiện Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc và giai đoạn 2 Khu Tưởng niệm các Vua Hùng.

- Về dự án trồng 500.000 cây ven rạch, sông, hiện đang tiếp tục triển khai sản xuất cây giống phục vụ trồng cây giai đoạn năm 2011. Đến nay, đã thực hiện trồng 45.992 cây giống tại các địa phương: huyện Củ Chi 8.248 cây, huyện Hóc Môn 8.320 cây, quận Thủ Đức 11.069 cây, quận Bình Thạnh 4.750 cây, quận 12 13.605 cây.

- Trong tháng 11/2011, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã cho 701 lượt người (lũy kế từ đầu năm đến nay là 14.034 lượt người); tổ chức 107 lượt tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã (lũy kế từ đầu năm đến nay là 949 lượt); phối hợp với chủ rừng thực hiện 37 lượt tuần tra bảo vệ rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 279 lượt) và 38 lượt kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 631 lượt); phối hợp với các xã và lực lượng giáp ranh tổ chức 18 lượt tuần tra truy quét bảo vệ rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 84 lượt); kiểm tra 98 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản (lũy kế từ đầu năm đến nay là 1.376 lượt cơ sở). Trong tháng đã tiến hành xử phạt 06 vụ vi phạm hành chính (trong đó Ủy ban nhân dân thành phố xử lý 01 vụ), thu nộp ngân sách nhà nước 31 triệu đồng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 1.529,047 triệu đồng).

- Tiếp tục phối hợp với Tổ chức Wildlife At Risk để xây dựng và nghiên cứu phát triển hệ thống chuồng trại cứu hộ động vật hoang dã phù hợp với yêu cầu cứu hộ, đáp ứng việc tiếp nhận, nuôi dưỡng động vật hoang dã thông qua công tác xử lý vi phạm hành chính và các tổ chức, cá nhân khác chuyển giao. Đồng thời, tổ chức chuyển giao, thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau khi cứu hộ thành công. Tính đến ngày 10/11/2011, tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, có 158 cá thể thuộc 27 loài đang được chăm sóc cứu hộ.

4.- Lĩnh vực Thủy sản – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Tiếp tục phối hợp các sở - ngành, quận - huyện triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, gồm các nội dung: Quy hoạch vùng và công nhận cho các hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy định; triển khai Chương trình hỗ trợ khai thác xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và DK1.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 28/2011/TT-BNNPTNT về quy định việc chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu; Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT về Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển; Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS về quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP); Quyết định số 1617/ QĐ-BNN-TCTS về hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

- Triển khai thực hiện Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011 – 2015 theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hoạt động nghề cá trên vùng biển thành phố Hồ Chí Minh. Trong tháng, Chi cục tiến hành kiểm tra 73 phương tiện đánh bắt thủy sản, đã phát hiện và xử lý 12 trường hợp vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tổng số tàu thuyền trên địa bàn thành phố là 1.932 chiếc, với tổng số thuyền viên là 7.513 người; trong đó, tổng số tàu thuyền có công suất lớn hơn 90 CV là 129 chiếc, với tổng số thuyền viên là 1.296 người; tổng số tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90 CV là 1.803 chiếc, với tổng số thuyền viên là 6.217 người.

5.- Về lĩnh vực thủy lợi và phòng chống lụt bão:

- Hoàn chỉnh dự thảo Quyết định phân cấp quản lý công trình thủy lợi, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành. Hoàn thành, nghiệm thu đề cương xây dựng mốc chỉ giới công trình thủy lợi năm 2011, tổng số là 540 mốc.

- Về tình hình thời tiết nguy hiểm: Từ ngày 10/10 đến ngày 09/11/2011, đã xuất hiện 3 cơn áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, gây biển động mạnh nhưng không có khả năng ảnh hưởng đến thành phố. Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành các văn bản cảnh báo; đồng thời, phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, nắm toàn bộ tàu thuyền, thường xuyên thông tin, liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Thường xuyên thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh và thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm và báo cáo nhanh cho Ủy ban nhân dân thành phố về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.

- Về tiến độ thực hiện các công trình:

+ Đối với 135 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 (theo Công văn số 4358/UBND-CNN ngày 10/7/2008 của UBND thành phố), đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 131/135 công trình (đạt 97,04%), đang thi công 03 công trình (02 công trình của huyện Củ Chi và 01 công trình của huyện Hóc Môn) và đang chuẩn bị thi công 01 công trình (ở quận 2). Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 5.380 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng, bảo vệ khu dân cư cho khoảng 9.640 hộ dân.

  + Đối với 125 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009 (theo Công văn số 3777/UBND-CNN ngày 29/7/2009 của UBND thành phố), đến nay các địa phương đã phê duyệt 124/125 hồ sơ (đạt 99,2%); trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 116/125 công trình (đạt 92,8%), đang thi công 07 công trình (01 công trình của quận Bình Thạnh, 05 công trình của huyện Hóc Môn và 01 công trình của huyện Nhà Bè), chuẩn bị thi công 02 công trình (01 công trình của huyện Bình Chánh, 01 công trình của huyện Nhà Bè). Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 3.990 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng, bảo vệ khu dân cư cho khoảng 5.860 hộ dân.

+ Đối với 59 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2011 (Công văn số 1082/ UBND-CNN ngày 14/3/2011 của UBND thành phố): Đến nay đã phê duyệt 26/59 hồ sơ, đạt 44,07%, trong đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng 10/59 công trình (đạt 16,94%), đang thi công 08/59 công trình (05 công trình của huyện Củ Chi, 01 công trình huyện Bình Chánh và 02 công trình của quận Bình Thạnh), đang chuẩn bị thi công 08/59 công trình (01 công trình của huyện Cần Giờ, 01 công trình của huyện Nhà Bè, 05 công trình của huyện Hóc Môn, 01 công trình của huyện Bình Chánh); còn lại 33 công trình đang tiến hành lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật. Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 200 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng, bảo vệ khu dân cư cho khoảng 750 hộ dân.

- Điều chỉnh Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp, nông thôn thành phố, theo nội dung Thông báo số 550/TB-VP ngày 22/8/2011 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 2015. Ban hành Chương trình giảm ô nhiễm môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 2015.

6.- Lĩnh vực phát triển nông thôn:

          - Về kinh tế hợp tác: Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tại 6 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009 – 2012; tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể tại 22 xã triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Phối hợp với UBND xã Tân Thông Hội tổ chức Hội nghị thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Sinh, nâng tổng số Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ trên địa bàn thành phố đến nay là 53 HTX. Phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khảo sát tình hình hoạt động tại Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội và Hợp tác xã Nông nghiệp Thỏ Việt; phối hợp với Tổ chức CIDA hỗ trợ cho HTX Phước An nhà xưởng mới, cơ sở vật chất ban đầu.

- Về xây dựng, thực hiện chính sách: Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các quận huyện triển khai thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015; tiếp tục tổ chức tập huấn về Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của UBND thành phố.

Về tình hình vay vốn theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND: Tính đến đầu tháng 11/2011, các quận, huyện đã phê duyệt 91 phương án với 519 hộ (trong đó có 117 hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo); tổng vốn đầu tư là 244 tỷ đồng và tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 151 tỷ đồng (tập trung ở các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và quận 9).

- Về kết quả thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới:

          + Đối với xã Tân Thông Hội (xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới do Trung ương chọn): Phối hợp với Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã xây dựng nội dung làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố về chất lượng, tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và chuẩn bị kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện mô hình thí điểm nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp nâng cao thu nhập hộ bền vững trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi”.

+ Đối với 05 xã điểm xây dựng nông thôn mới còn lại (do Thành phố chọn): Tiếp tục theo dõi và tiến hành triển khai thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại 5 xã trong năm 2011. Phối hợp với các đơn vị tiến hành đánh giá độc lập tại 6 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới sau 2 năm thực hiện và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

+ Đối với 22 xã nhân rộng trong năm 2011 (gồm 09 xã tại huyện Củ Chi, 05 xã tại huyện Hóc Môn, 04 xã tại huyện Bình Chánh, 02 xã tại huyện Nhà Bè và 02 xã tại huyện Cần Giờ): Đã thông qua báo cáo tình hình xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới tại 22 xã.

+ Đối với 30 xã còn lại: Tiếp tục xây dựng đề án nông thôn mới tại 30 xã còn lại. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố tiến hành khảo sát các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ xây dựng đề án nông thôn mới tại 9 xã thuộc huyện Củ Chi.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của chương trình liên tịch giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành Đoàn thành phố, giai đoạn 2011 2015.

7.- Về hoạt động cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn:

- Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn hiện đang quản lý khai thác 122 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho 295.923 nhân khẩu của 52.414 hộ dân ngoại thành. Trong 11 tháng đầu năm 2011 đã lắp đặt thêm 3.180 đồng hồ nước cho các hộ sử dụng.

- Đang thi công xây dựng các công trình: nâng cấp mở rộng Trạm cấp nước Tân Nhựt 1, Cải tạo hệ thống ống cấp nước thuộc Trạm cấp nước Hóc Môn. Đang lập báo cáo nâng cấp mở rộng các Trạm cấp nước Tân Nhựt 3, Bình Hưng Hòa B1.

- Tiếp tục thực hiện Dự án Bạn hữu trẻ em thành phố do UBND thành phố ký kết với tổ chức UNICEF và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện.

- Triển khai xây dựng 03 điểm trình diễn mô hình sử dụng khí sinh học trong sản xuất nông nghiệp và đời sống. Tổ chức tập huấn về vệ sinh môi trường cho Hội Nông dân và Thành Đoàn thành phố (theo Nghị quyết liên tịch giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với 3 đoàn thể của thành phố).

8.- Về hoạt động tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp:

- Thực hiện công tác hỗ trợ thiết kế logo, bao bì nhãn hiệu, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã hoàn tất thiết kế logo, nhãn hiệu cho 10 đơn vị; lũy kế từ đầu chương trình (năm 2009) đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ thiết kế logo, bao bì nhãn hiệu cho 35 đơn vị, gồm 10 hợp tác xã, 04 tổ hợp tác, 21 doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất.

          - Tiếp tục thực hiện chương trình “Mỗi nhà nông một website”, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã bàn giao website cho 04 đơn vị, nâng tổng số website đã thiết kế và bàn giao cho các đơn vị từ khi bắt đầu thực hiện chương trình đến nay là 43 website, gồm 13 hợp tác xã, 09 doanh nghiệp, 14 cơ sở sản xuất, 01 đoàn thể và 06 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Hiện nay Trung tâm đang tiếp tục kiểm tra, cập nhật cơ sở dữ liệu và hỗ trợ nâng cấp cho website của các đơn vị đã hoàn thiện.

          - Về hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tổ chức Hội thi - Triển lãm Bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III – năm 2011; hiện nay đã chấm xong phần sơ tuyển tại các quận, huyện gồm “Mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững” và “Bò sữa tốt” tại các nông hộ...; hiện đang in ấn Cẩm nang địa chỉ đỏ các điểm sản xuất - kinh doanh rau, nấm trên địa bàn thành phố để giúp nông dân, nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

- Về Chương trình Nông dân hội nhập, trong tháng, Trung tâm đã phối hợp thực hiện phát sóng chủ đề Chương trình phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015. Hiện nay đang thực hiện chủ đề “Hội thi – Triển lãm Bò sữa thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III, năm 2011”.

Về kết quả chứng nhận VietGAP: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho 39 hộ sản xuất rau với tổng diện tích là 22,4 ha; sản lượng dự kiến 2.960 tấn/năm. Lũy kế từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đã tổ chức chứng nhận cho 95 tổ chức, cá nhân (là xã viên của 3 Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 04 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích là 61,4803 ha (ước tính tương đương 301,65 ha diện tích gieo trồng); tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 7.973 tấn/năm.

IV.- Một số nhận xét, đánh giá chung:

Nhìn chung trong 11 tháng năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác của Sở. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tiếp tục phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 11 tháng năm 2011 duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tăng 6,4% so cùng kỳ 2010, trong đó trồng trọt tăng 5,1%, chăn nuôi tăng 7,2%, lâm nghiệp tăng 3,6%, thủy sản tăng 6,1%, dịch vụ nông nghiệp tăng 9,5%, dịch vụ thủy sản tăng 6,5%. Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá như diện tích trồng rau an toàn tăng 5%, diện tích trồng Lan tăng 10,5%, diện tích kiểng – bonsai tăng 12,5%, diện tích trồng cỏ thức ăn gia súc tăng 10%, đàn bò sữa tăng 3,2%, nuôi chim Yến lấy tổ tăng gấp 2,42 lần, cá cảnh tăng 8,9%, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng 17,9%, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 5,6% so cùng kỳ.

Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tiếp tục được tăng cường kiểm tra và thực hiện tốt, đặc biệt là công tác công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất tiếp tục được tăng cường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng; tuyên truyền phổ biến cho các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh công tác tiêm phòng; đồng thời duy trì việc lập chốt kiểm tra tại các điểm nóng, tăng cường hiệu quả hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành. Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm các loại nông sản nhập vào thành phố. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các quận, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở chế biến hoạt động mang tính chất mùa vụ, không có thương hiệu; các cơ sở chế biến mỡ nước; các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp nhằm cắt nguồn tiêu thụ các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tập trung thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống lụt, bão, triều cường; tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, diễn biến triều cường được theo dõi và dự báo thường xuyên chặt chẽ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng và ứng phó; tổ chức trực ban 24/24 giờ để cảnh báo, ứng phó, phòng tránh tại các điểm xung yếu khi xảy ra áp thấp nhiệt đới, bão, triều cường,...

Trong 11 tháng năm 2011, hoạt động bảo vệ rừng được duy trì thường xuyên; có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng trên toàn địa bàn nên đạt hiệu quả cao trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của các chủ đầu tư và chính quyền các địa phương, tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư tương đối tốt; tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án chưa được giải quyết triệt để làm kéo dài thời gian thi công và làm chậm tiến độ hoàn thành dự án. Dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam, Bắc rạch Tra) và Dự án Nạo vét, cải tạo rạch Cầu Sa đã thi công cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ hoàn chỉnh dự án trong năm 2011 sau khi các địa phương (quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi) bàn giao đầy đủ mặt bằng thi công theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại văn bản số 1003/UBND-ĐTMT ngày 11/3/2011 và văn bản số 6500/VP-ĐN ngày 16/9/2011. Các địa phương (quận 12, Bình Tân, Gò Vấp) còn lúng túng trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1), trong khi Thành phố đã chấp thuận các giải pháp tái định cư và đã ghi kế hoạch vốn năm 2011, làm chậm tiến độ giải ngân, chưa thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tại văn bản số 1003/UBND-ĐTMT ngày 11/3/2011 và văn bản số 6500/VP-ĐN ngày 16/9/2011.


V.- Chương trình công tác tháng 12 năm 2011:

Trong tháng 12 năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tập trung chỉ đạo điều hành một số mặt công tác chính sau đây:

1.- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất nhằm thực hiện tốt Đề án xây dựng nông thôn mới tại 06 xã thí điểm và hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới tại 22 xã mới.

2.- Hoàn thành việc thực hiện Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21/01/2011) thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011.

3.- Tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015.

4.- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 29/2011/CT-UBND ngày 29/8/2011 về tăng cường các biện pháp để quản lý, bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản, động vật hoang dã và phòng cháy, chữa cháy rừng.

5.- Tiếp tục tổ chức, thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình mục tiêu; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị nhằm thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố; phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015; chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản ...

6.- Tiếp tục triển khai các chương trình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến nông 3 giảm, chương trình khuyến nông xóa đói giảm nghèo.

7.- Chỉ đạo sản xuất Vụ Mùa năm 2011 theo tiến độ, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố; nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

8.- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; đặc biệt tiến độ xây dựng dự án Trung tâm Công nghệ Sinh học.

9.- Đoàn Thanh niên Sở phối hợp với Đoàn Chi cục Thú y, Đoàn Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và các đơn vị thuộc Sở tiếp tục triển khai kế hoạch hưởng ứng “Năm Thanh niên”, tập trung vào các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới: trồng cây xanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn xử lý nước đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.


Số lượt người xem: 5870    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm