SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
6
7
8
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 Tháng Mười 2011 5:00:00 SA

Kết quả thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành tháng 10 năm 2011, tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 10 và 10 tháng năm 2011

Trong tháng 10 năm 2011, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015; triển khai chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Một số nhiệm vụ cụ thể đã triển khai thực hiện trong tháng 10 năm 2011 như sau:


I.- Công tác chỉ đạo điều hành tập trung:


- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung xây dựng các mô hình nông thôn mới đúng tiến độ theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố (đặc biệt là xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21/01/2011) thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011.

- Tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND ngày 02/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách thành phố năm 2011.

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 10/2011/CT-UBND ngày 17/3/2011 về tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa năm 2011. Tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-BNN-TCLN ngày 06/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND ngày 10/02/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán năm 2011. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản và động vật hoang dã.

- Tiếp tục tổ chức, thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình mục tiêu: chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015; chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản; các chương trình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến nông 3 giảm, chương trình khuyến nông xóa đói giảm nghèo.

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, xây dựng và phát triển làng nghề ở nông thôn theo hướng mỗi làng một sản phẩm.

- Chỉ đạo sản xuất Vụ Mùa năm 2011 theo tiến độ, đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản chuyên ngành.

- Đoàn Thanh niên Sở phối hợp với Đoàn Chi cục Thú y, Đoàn Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và các đơn vị thuộc Sở tiếp tục triển khai kế hoạch hưởng ứng “Năm Thanh niên”, tập trung vào các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới: trồng cây xanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn xử lý nước đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.

II.- Tình hình sản xuất nông nghiệp:

1.- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp 10 tháng năm 2011:

Tốc độ tăng trưởng: Tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 10 tháng năm 2011 ước đạt 7.100 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 6,4% so với cùng kỳ 2010; trong đó: trồng trọt tăng 4,5%, chăn nuôi tăng 5,8%, thủy sản tăng 7,8%, lâm nghiệp tăng 4,2%, dịch vụ nông – lâm – ngư nghiệp tăng 11,2% so cùng kỳ.

2.- Trồng trọt:

2.1.- Hoa, cây kiểng: Tổng diện tích hoa, cây kiểng đến nay là 1.830 ha, tăng 7,1% so cùng kỳ (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức); trong đó mai: 530 ha, tăng 1% so cùng kỳ; lan: 210 ha, tăng 11,7% so cùng kỳ; kiểng, bonsai: 440 ha, tăng 11,4% so cùng kỳ; hoa nền: 650 ha, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

2.2.- Rau: Diện tích gieo trồng đến nay ước đạt 12.737 ha, tăng 3,7% so cùng kỳ (trong đó rau an toàn là 12.482 ha, tăng 3,7% so cùng kỳ). Sản lượng ước đạt 259.411 tấn, tăng 5% so cùng kỳ.

          2.3.- Cỏ thức ăn gia súc: Tổng diện tích hiện có là 3.200 ha, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 570.000 tấn, tăng 14% so cùng kỳ.

2.4.- Lúa: Diện tích gieo trồng lúa từ đầu năm đến nay là 17.926 ha, bằng 98,7% so cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 54.121 tấn, bằng 92,6% so cùng kỳ.

2.5.- Cây cao su: Tổng diện tích cao su hiện có là 3.500 ha, xấp xỉ cùng kỳ.

2.6.- Cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến nay ước 11.000 ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

3. Chăn nuôi:

3.1. Gia súc:

- Bò sữa: Tổng đàn bò sữa là 81.698 con, tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó, cái vắt sữa 42.300 con, tăng 3,2% so cùng kỳ.

- Trâu: Tổng đàn 6.032 con, tăng 26,9% so cùng kỳ.

- Heo: Tổng đàn 329.285 con, tăng 2,6% so cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản là 45.722 con, giảm 5,4% so với cùng kỳ.

3.2. Chăn nuôi khác:

- Chim Yến: Sản lượng Yến trong tháng 10 năm 2011 đạt 50 kg, lũy kế 10 tháng năm 2011 đạt 700 kg, tăng 30,3% so cùng kỳ.

- Cá sấu: Tổng đàn cá sấu trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 166.278 con, tăng 5,1% so cùng kỳ.

4. Về thủy sản:

4.1.- Cá cảnh: 57 triệu con, tăng 9,6% so cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong tháng 10/2011 là 753.934 con, lũy kế trong 10 tháng năm 2011 đạt 7,132 triệu con, tăng 15,7% so cùng kỳ.

4.2.- Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 10 năm 2011 ước đạt 4.239 tấn, lũy kế 10 tháng năm 2011 ước đạt 40.257 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ, trong đó:

+ Sản lượng nuôi trồng: 21.107 tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ.

+ Sản lượng đánh bắt: 19.150 tấn, xấp xỉ cùng kỳ.

5.- Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản chuyên ngành:

- Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2011 (đợt 1) được Ủy ban nhân dân thành phố giao theo Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 25/01/2010 cho các chủ đầu tư trực thuộc Sở, gồm 08 dự án chuyển tiếp, 03 dự án vốn ODA, 02 dự án Quy hoạch, với kinh phí là 343.026 triệu đồng; riêng Công ty TNHH một thành viên QLKT-DVTL được ghi vốn 06 dự án chuyển tiếp với kinh phí 51.037 triệu đồng.

- Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2011 (đợt 2) được Ủy ban nhân dân thành phố giao theo Quyết định số 3982/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 cho các chủ đầu tư trực thuộc Sở, gồm 02 dự án chuyển tiếp, 03 dự án chuẩn bị thực hiện dự án, 08 dự án chuẩn bị đầu tư, với kinh phí 135.870 triệu đồng; riêng Công ty TNHH một thành viên QLKT-DVTL được ghi vốn 02 dự án, gồm 01 dự án chuẩn bị thực hiện dự án và 01 dự án chuẩn bị đầu tư, với kinh phí 30.500 triệu đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2011 (đợt 1 và đợt 2) của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT là 476.796 triệu đồng. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, tính đến ngày 10/10/2011, kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2011 như sau:

- Giá trị khối lượng giải ngân: 197.268/ 476.796 triệu đồng, đạt 41,37% KH. Trong đó:

+ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở: 164.205/ 308.300 triệu đồng, đạt 53,26% KH.

+ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn: 22.355/ 30.000 triệu đồng, đạt 74,51% KH.

+ Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi: 8.917/ 20.000 triệu đồng, đạt 44,59% KH.

+ Trung tâm Công nghệ Sinh học: 1.467/ 12.790 triệu đồng, đạt 11,47% KH.

+ Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi: 33.041/ 79.537 triệu đồng, đạt 41,54% KH.

III.- Kết quả công tác một số lĩnh vực chuyên ngành:

          1.- Về lĩnh vực chăn nuôi, thú y:

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 365/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Chỉ thị 07/2011/CT-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 2783/CT-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm. Chi cục Thú y đã tăng cường rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình nhập xuất đàn gia súc; thực hiện tốt công tác tiêm phòng và công tác chống giết mổ trái phép; tăng cường công tác kiểm tra tình hình dịch tễ tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, khu vực tập trung các hộ chăn nuôi nhập cư, khu vực giáp ranh các tỉnh, ổ dịch cũ...; tăng cường hoạt động hệ thống giám sát dịch bệnh đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, đảm bảo các trường hợp dịch bệnh được phát hiện nhanh và xử lý kịp thời.

- Về công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, trong tháng 10/2011, Chi cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch 622 con trâu, bò hơi, 20.065 con trâu, bò tuột, 192.225 con heo hơi, 54.700 con heo bên, 1.406.726 con gia cầm sống, 103,82 triệu quả trứng gia cầm; lũy kế từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch 8.749 con trâu, bò hơi (giảm 30,71% so cùng kỳ), 219.719 con trâu, bò tuột (giảm 16,88% so cùng kỳ), 2.022.572 con heo hơi (giảm 12,82% so cùng kỳ), 592.321 con heo bên (giảm 8,34% so cùng kỳ), 15.018.883 con gia cầm sống (tăng 10,03% so cùng kỳ), 1.044,45 triệu quả trứng gia cầm (tăng 0,84% so cùng kỳ). Trong tháng 10/2011, Chi cục đã kiểm tra phát hiện và xử phạt 584 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt là 456,4 triệu đồng; lũy kế từ đầu năm đến nay đã phát hiện và xử phạt 3.635 trường hợp vi phạm (tăng 8,28% so cùng kỳ), với tổng số tiền phạt là 3.136,35 triệu đồng (tăng 21,28% so cùng kỳ).

- Tiếp tục rà soát tăng cường công tác kiểm dịch nguồn tôm giống từ các tỉnh nhập về các trại thuần dưỡng; tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm giám sát bệnh trên tôm và nghêu nuôi tại huyện Cần Giờ. Tiến hành khảo sát và xử lý triệt để các hộ nuôi tôm, nghêu nhiễm bệnh.

- Duy trì và nhân rộng các cơ sở chăn nuôi đã được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng và Dịch tả heo; triển khai đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2011 với 08 cơ sở chăn nuôi đăng ký mới và tái công nhận 19 cơ sở chăn nuôi đăng ký gia hạn. Lũy kế từ đầu chương trình (năm 2003) đến nay), có 76 cơ sở chăn nuôi được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; trong đó có 09 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 38 cơ sở chăn nuôi heo, 03 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 22 cơ sở phường an toàn bệnh Dại và 04 cơ sở nuôi cá Chép.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã Tân Thông Hội được Cục Thú y công nhận cơ sở an toàn bệnh Dại trong năm 2011. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình điểm chăn nuôi bò sữa có hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường; dự kiến năm 2011 xây dựng mới 04 mô hình điểm chăn nuôi bò sữa. Thực hiện lấy mẫu kiểm tra việc sử dụng các chất kích thích tố tăng trọng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi; kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm đánh giá điều kiện vệ sinh tại các chợ, cơ sở chế biến trên địa bàn các xã điểm để làm cơ sở chấn chỉnh, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tập huấn và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh áp dụng mô hình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

2.- Về lĩnh vực bảo vệ thực vật:

- Tập trung thực hiện tốt công tác kiểm tra theo dõi tiến độ sản xuất, sinh trưởng cây lúa và rau; điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình sinh vật hại trên cây trồng; triển khai công tác chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá năm 2011; theo dõi bẫy đèn và khảo sát quần thể rầy vào đèn hàng ngày để xác định thời điểm xuống giống vụ Mùa và dự báo khả năng phát triển của rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy zigzag,... Hàng tuần, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thông tin và hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp phòng trị sinh vật hại cây trồng kịp thời, hiệu quả.

- Trong tháng 10/2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức tái kiểm tra kho nông sản gồm 31 kho với khối lượng 6.744,3 tấn nông sản, theo dõi phát sinh phát dục của sâu mọt trên các mẫu lưu (66 mẫu): phát hiện mọt thông thường như: Tribolium castaneum, Sitophylus oryzae, Alphitobius sp. trên nông sản thức ăn gia súc. về công tác báo cáo tự kiểm tra: có 38 doanh nghiệp báo cáo với tổng số 47.048 tấn nông sản các loại.

- Về công tác thanh tra chuyên ngành: Trong tháng 10 đã tiến hành thanh, kiểm tra 01 đợt với 26 cơ sở mua bán thuốc, phát hiện và xử phạt 01 cơ sở vi phạm giấy chứng chỉ hành nghề đã hết hạn. Thanh, kiểm tra 01 đợt với 100 hộ nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; kết quả chưa phát hiện có hộ nào vi phạm.

- Về công tác giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Tổng số mẫu rau quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong tháng 10/2011 bằng phương pháp phân tích nhanh: 455 mẫu (trong đó, vùng sản xuất 66 mẫu, 03 chợ Đầu mối kinh doanh nông sản 383 mẫu, các doanh nghiệp và nhà sơ chế 06 mẫu); kết quả có 453 mẫu âm tính và 02 mẫu dương tính (tại chợ đầu mối). Thực hiện phân tích định lượng dư lượng thuốc BVTV với 34 mẫu (21 mẫu tại vùng sản xuất, 04 mẫu tại 03 chợ đầu mối, 09 mẫu tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rau, quả), kết quả cả 34 mẫu đều an toàn về dư lượng thuốc BVTV.

- Theo dõi, cập nhật tình hình ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật do ăn rau trên địa bàn thành phố để có giải pháp khắc phục ngay tại nơi sản xuất. Tính đến ngày 06/10/2011, có tổng số 3.365 hộ nông dân trồng rau đã ký Bản cam kết thực hiện đúng các quy định về sử dụng thuốc BVTV.

- Tiếp tục vận hành, bảo trì hệ thống thu gom và xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng tại 6 xã nông thôn mới; trong tháng 10 đã thu gom 84 điểm với  982,5 kg rác thải bao bì thuốc BVTV.

  - Tiếp tục tổ chức phát thanh lưu động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa bàn các huyện; phổ biến thông điệp về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cho các Đài phát thanh quận - huyện.

3.- Về lĩnh vực lâm nghiệp - kiểm lâm:

- Tiếp tục công tác quản lý xây dựng, phục hồi, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất với tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố hiện nay là 42.523,27 ha, trong đó có 37.485,50 ha đất quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của UBND thành phố. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến rừng.

- Chi cục Lâm nghiệp đã triển khai thực hiện:

+ Về kế hoạch sản xuất 250.000 cây giống các loại phục vụ nhu cầu trồng cây phân tán của các đơn vị trên địa bàn thành phố năm 2011: đến nay đã nghiệm thu đầy đủ và đã xuất 250.000 cây giống gồm 33 loài cho 55 đơn vị nhận cây về trồng.

- Thực hiện trồng cây sưu tập tại Vườn thực vật Củ Chi với diện tích 40 ha: trong năm 2010 đã trồng 5.484 cây; từ đầu năm 2011 đến nay đã trồng tiếp 3.287 cây các loại.

- Tại rừng phòng hộ, đặc dụng Bình Chánh: tiếp tục quản lý bảo vệ rừng với diện tích 292,60 ha; đã trồng dặm 1.108 cây trên diện tích 91 ha tại ấp 6 và 7, xã Tân Tạo; trồng dặm 1.600 cây trên diện tích 171 ha tại ấp 3.

+ Tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc: Đến nay đã trồng và đang thi công chăm sóc 6.037 cây cảnh quan trên diện tích 12,9 ha tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (kế hoạch trồng 6.313 cây).

- Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ: đang triển khai lập dự án, thiết kế cơ sở nhằm xây dựng dự án với mục đích nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trên diện tích 165,78 ha.

- Về dự án trồng 500.000 cây ven rạch, sông, hiện đang tiếp tục triển khai sản xuất cây giống phục vụ trồng cây giai đoạn năm 2011. Đến nay, Chi cục Lâm nghiệp đã tạm ứng 45.992 cây giống cho các đơn vị, địa phương nhận trồng; đồng thời đã tiến hành giám sát trồng cây tại các quận Thủ Đức, 12, Bình Thạnh và các huyện Hóc Môn, Củ Chi.

- Trong tháng 10/2011, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã cho 772 lượt người (lũy kế từ đầu năm đến nay là 13.333 lượt người); tổ chức 89 lượt tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã (lũy kế từ đầu năm đến nay là 842 lượt); phối hợp với chủ rừng thực hiện 26 lượt tuần tra bảo vệ rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 242 lượt) và 49 lượt kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 593 lượt); phối hợp với các xã và lực lượng giáp ranh tổ chức 02 lượt tuần tra truy quét bảo vệ rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 66 lượt); kiểm tra 127 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản (lũy kế từ đầu năm đến nay là 1.278 lượt cơ sở). Trong tháng đã tiến hành xử phạt 15 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước 61,1 triệu đồng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 1.498,047 triệu đồng).

- Tiếp tục phối hợp với Tổ chức Wildlife At Risk để xây dựng và nghiên cứu phát triển hệ thống chuồng trại cứu hộ động vật hoang dã phù hợp với yêu cầu cứu hộ, đáp ứng việc tiếp nhận, nuôi dưỡng động vật hoang dã thông qua công tác xử lý vi phạm hành chính và các tổ chức, cá nhân khác chuyển giao. Đồng thời, tổ chức chuyển giao, thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau khi cứu hộ thành công. Tính đến ngày 10/10/2011, tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, có 160 cá thể thuộc 29 loài đang được chăm sóc cứu hộ.

4.- Lĩnh vực Thủy sản – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Tiếp tục phối hợp các sở - ngành, quận - huyện triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, gồm các nội dung: Quy hoạch vùng và công nhận cho các hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy định; triển khai Chương trình hỗ trợ khai thác xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và DK1.

- Triển khai thực hiện Thông tư số 28/2011/TT-BNNPTNT về quy định việc chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu; Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT về Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển; Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS về quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP); Quyết định số 1617/ QĐ-BNN-TCTS về hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

- Triển khai thực hiện Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011 – 2015 theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hoạt động nghề cá trên vùng biển thành phố Hồ Chí Minh. Trong tháng, Chi cục tiến hành kiểm tra 60 phương tiện đánh bắt thủy sản, đã phát hiện và xử lý 18 trường hợp vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tổng số tàu thuyền trên địa bàn thành phố là 1.932 chiếc, với tổng số thuyền viên là 7.513 người; trong đó, tổng số tàu thuyền có công suất lớn hơn 90 CV là 129 chiếc, với tổng số thuyền viên là 1.296 người; tổng số tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90 CV là 1.803 chiếc, với tổng số thuyền viên là 6.217 người.

5.- Về lĩnh vực thủy lợi và phòng chống lụt bão:

- Trên cơ sở đề xuất của 08 quận, huyện (2, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ) với khoảng 250 tuyến sông, kênh, rạch, tổng chiều dài 194.941 mét; Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện kiểm tra thực địa và thống nhất đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xin chủ trương chấp thuận xử lý lục bình dày đặc, gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước và có nguy cơ phát sinh dịch bệnh tại 07 quận, huyện (2, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ) với khoảng 29 tuyến sông, kênh, rạch, có tổng chiều dài 25.653 mét.

- Về tình hình thời tiết nguy hiểm: Trên biển Đông đã xuất hiện 03 cơn bão (số 4, 5 và 6) và 01 vùng áp thấp gây biển động mạnh. Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành các văn bản cảnh báo và Công điện để triển khai công tác phòng, chống, ứng phó với bão. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, nắm toàn bộ tàu thuyền, thường xuyên thông tin, liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Thường xuyên thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh và thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm và báo cáo nhanh cho Ủy ban nhân dân thành phố về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.

- Về tiến độ thực hiện các công trình:

+ Đối với 135 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lỡ bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 (theo Công văn số 4358/UBND-CNN ngày 10/7/2008 của UBND thành phố), đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 131/135 công trình (đạt 97,04%), đang thi công 03 công trình và đang chuẩn bị thi công 01 công trình.

+ Đối với 125 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009 (theo Công văn số 3777/UBND-CNN ngày 29/7/2009 của UBND thành phố), đến nay các địa phương đã phê duyệt 124/125 hồ sơ (đạt 99,2%); trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 116/125 công trình (đạt 92,8%), đang thi công 07 công trình, chuẩn bị thi công 01 công trình và đang thẩm định hồ sơ 01 công trình.

+ Đối với 59 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2011 (Công văn số 1082/ UBND-CNN ngày 14/3/2011 của UBND thành phố): Đến nay đã phê duyệt 13/59 hồ sơ, đạt 22,03%, trong đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng 07/59 công trình (đạt 11,86%), đang thi công 04/59 công trình, đang chuẩn bị thi công 02/59 công trình, còn lại 46 công trình đang tiến hành lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật.

- Điều chỉnh Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp nông thôn thành phố, theo nội dung Thông báo số 550/TB-VP ngày 22/8/2011 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 2015. Tiếp tục tham gia phục vụ chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng về biển Đông thích ứng với biến đổi khí hậu”.

- Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi: Tiến hành kiểm tra đợt 2 việc thực hiện các quy định trong giấy phép xả nước thải của các đơn vị sản xuất đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh.

6.- Lĩnh vực phát triển nông thôn:

          - Về kinh tế hợp tác: Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tại 6 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009 – 2012; theo dõi, hỗ trợ tư vấn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tại 22 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trong năm 2011. Hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh về hoàn chỉnh các thủ tục đăng ký kinh doanh; tổ chức Hội nghị tư vấn và vận động thành lập Hợp tác xã Hoa lan tại huyện Củ Chi; tư vấn và hỗ trợ các sáng lập viên Hợp tác xã mây tre lá tại xã Trung Lập Hạ; triển khai các nội dung về kinh tế hợp tác trong xây dựng nông thôn mới tại các xã Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng; tổ chức lớp tập huấn về kinh tế tập thể tại xã Tân Thạnh Đông và Phước Thạnh, huyện Củ Chi.

- Về xây dựng, thực hiện chính sách: Tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của UBND thành phố về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 cho đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và tập huấn thêm 03 lớp cho khoảng 400 lượt cán bộ và nhân dân tham dự (lũy kế từ khi có Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND đến nay đã tập huấn 60 lớp với 4.200 lượt cán bộ và nhân dân tham dự). Chi cục Phát triển nông thôn cũng đã phát hành 40.000 tờ rơi tuyên truyền về Quyết định 36 và 20.000 tờ rơi tuyên truyền về Quyết định 13; đồng thời phát hành 5.000 cuốn “Cẩm nang về Chính sách xây dựng nông thôn mới” và 5.000 cuốn “Cẩm nang về Chính sách nông nghiệp đô thị”.

Về tình hình triển khai nhận hồ sơ vay vốn theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND tại các quận, huyện: đến nay đã có 50 quyết định đã được phê duyệt với 65 phương án, 83 hộ, vốn vay khoảng 67,930 tỷ đồng (tập trung ở các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và các quận 9, Thủ Đức).

- Về kết quả thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới:

          + Đối với xã Tân Thông Hội (xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới do Trung ương chọn): Tổng hợp tiến độ thực hiện 4 tiêu chí còn lại của xã Tân Thông Hội (TC 5: Trường học; TC 6: Cơ sở vật chất văn hóa; TC 7: Chợ; TC 10: Thu nhập), hoàn thành Báo cáo về khảo sát mức sống dân cư tại xã điểm Tân Thông Hội; trình Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố về kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết đề án thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội (dự kiến tổ chức trong tháng 11/2011); đồng thời, phối hợp với Đài truyền hình thành phố và Ủy ban nhân dân xã Tân Thông Hội xây dựng phóng sự tổng kết triển khai xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại xã.

+ Đối với 05 xã điểm xây dựng nông thôn mới còn lại (do Thành phố chọn): Tiếp tục theo dõi và tiến hành triển khai thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại 5 xã trong năm 2011. Xây dựng kế hoạch triển khai về phát triển kinh tế tập thể, ngành nghề nông thôn, phát triển cộng đồng, tuyên truyền chính sách. Tổng hợp số liệu, báo cáo về nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn 6 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong năm 2011 và nhu cầu năm 2012.

+ Đối với 22 xã nhân rộng trong năm 2011 (gồm 09 xã tại huyện Củ Chi, 05 xã tại huyện Hóc Môn, 04 xã tại huyện Bình Chánh, 02 xã tại huyện Nhà Bè và 02 xã tại huyện Cần Giờ): Tiếp tục hỗ trợ các xã hoàn thành việc xây dựng đề án phát triển nông thôn mới. Tiến hành điều tra, tổng hợp và phân tích số liệu về mức thu nhập của các hộ dân, làm cơ sở để xác định mức thu nhập của hộ trong quá trình xây dựng đề án; điều tra nhu cầu đào tạo nghề của từng xã. Hoàn thành công tác rà soát, khảo sát các công trình thủy lợi để tổng hợp danh sách đầu tư xây dựng công trình tại 22 xã.

+ Đối với 30 xã còn lại: Tiến hành điều tra và lập báo cáo về thu nhập hộ và nhu cầu đào tạo nghề tại 30 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Phấn đấu sẽ hoàn thành đề án nông thôn mới của các xã trong quý VI/2011; bước đầu đã hoàn thiện đề án tại 05 xã thuộc huyện Hóc Môn.

- Về diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn:

+ Tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn 06 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Tổ chức Hội nghị phát triển ngành nghề nông thôn tại thành phố giai đoạn 2011 2015 trong ngày 09/9/2011 vừa qua.

          + Tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã muối Tiến Thành trong việc thực hiện phương án thu mua muối trên địa bàn huyện Cần Giờ, đồng thời hỗ trợ HTX xây dựng dự án nâng cao năng lực phát triển HTX.

7.- Về hoạt động khuyến nông:

- Trong tháng 10/2011, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai 24 lớp tập huấn theo quy trình (lũy kế từ đầu năm đến nay là 147 lớp tập huấn, trong đó có 24 lớp về rau an toàn, 07 lớp về bò sữa, 33 lớp về hoa kiểng, 23 lớp về thủy sản, 08 lớp về cá cảnh, 27 lớp về đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, 04 lớp về lúa, 07 lớp về cơ giới hóa, 01 lớp cà phê khuyến nông và 13 lớp vệ sinh an toàn thực phẩm); 05 lớp huấn luyện nghiệp vụ và chương trình khuyến nông 3 giảm (lũy kế từ đầu năm đến nay là 25 lớp huấn luyện cho nông dân các quận huyện); 09 cuộc hội thảo chuyên đề (lũy kế từ đầu năm đến nay đã tổ chức 24 cuộc hội thảo chuyên đề phù hợp với nhu cầu của địa phương); tổ chức 06 chuyến tham quan cho nông dân các quận huyện thăm các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả (lũy kế từ đầu năm đến nay đã tổ chức 51 chuyến tham quan); xây dựng 08 mô hình trình diễn (lũy kế trong 10 tháng năm 2011, Trung tâm đã xây dựng đề cương và triển khai tổng số 120 mô hình các loại, trong đó có 15 mô hình rau an toàn, 09 mô hình bò sữa, 25 mô hình hoa kiểng, 14 mô hình thủy sản, 06 mô hình cá cảnh, 26 mô hình đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, 04 mô hình lúa và 09 mô hình cơ giới hóa).

- Tiếp tục duy trì chương trình phát thanh khuyến nông (02 chuyên đề/tuần), bản tin thị trường, tập san, trang web, mô hình cà phê khuyến nông và hoàn thành việc xây dựng chương trình phát triển hoa cây kiểng, đề án phát triển cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 2015,…

- Tổ chức Hội nghị tổng kết Hội thi “Môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” thành phố năm 2010, giai đoạn 2006 – 2010 và 15 năm, từ 1996 đến 2010.

8.- Về hoạt động cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn:

- Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn hiện đang quản lý khai thác 121 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho 294.611 nhân khẩu của 52.186 hộ dân ngoại thành. Trong 10 tháng đầu năm 2011 đã lắp đặt thêm 2.975 đồng hồ nước cho các hộ sử dụng.

- Hoàn thành xây dựng Trạm cấp nước Cụm giếng 18 xã Phong Phú; đang thi công xây dựng các công trình: nâng cấp mở rộng Trạm cấp nước Tân Nhựt 1, Cải tạo hệ thống ống cấp nước thuộc Trạm cấp nước Hóc Môn. Đang lập báo cáo nâng cấp mở rộng các Trạm cấp nước Tân Nhựt 3, Bình Hưng Hòa B1; đã được phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật nâng cấp mở rộng Trạm cấp nước Bình Chánh 1.

- Tiếp tục thực hiện Dự án Bạn hữu trẻ em thành phố do UBND thành phố ký kết với tổ chức UNICEF và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện.

- Triển khai thực hiện 10 điểm trình diễn mô hình sử dụng bã thải khí sinh học làm phân bón lót trong sản xuất nông nghiệp.

- Cấp phát 200 thùng phân loại rác cho 10 cụm dân cư thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn và ủ phân composting (Củ Chi: 05 cụm, Hóc Môn: 03 cụm, Bình Chánh: 02 cụm).

- Tiến hành nghiệm thu số liệu về Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 63 xã, thị trấn đã hoàn tất thu thập thông tin cấp xã. Hiện nay đã có 46 xã, thị trấn nộp tổng hợp về huyện.

9.- Hoạt động Công nghệ Sinh học:

- Tiếp tục thực hiện các công tác trọng tâm: tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học của thành phố giai đoạn 2008 - 2012 (theo Văn bản số 797/UBND-CNN ngày 04/02/2008 của UBND thành phố); công tác đầu tư và thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố; triển khai Chương trình ứng dụng và phát triển Công nghệ Sinh học phục vụ Nông nghiệp - Nông thôn tại TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và những đề tài nghiên cứu khác có tính chất ứng dụng trước mắt và lâu dài, định hướng theo 5 lĩnh vực gồm: CNSH Thực vật, CNSH Thủy sản, CNSH Y dược, CNSH Động vật, Công nghệ Vi sinh - Thực phẩm. Cụ thể:

- Lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật: Tập trung triển khai 05 nghiệp vụ, 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về hoa lan, cây dược liệu và cây rau có tính ứng dụng cao.

- Lĩnh vực công nghệ sinh học thủy sản: Triển khai 06 nghiệp vụ và 01 đề tài cấp bộ về vaccine cho cá tra, các bộ kit phát hiện nhanh các bệnh virus trên tôm nuôi và thức ăn bổ sung cho tôm, cá.

- Lĩnh vực công nghệ vi sinh: Triển khai 04 nghiệp vụ chuyên môn tập trung vào 3 hướng chính là tạo cồn sinh học, vi sinh nông nghiệp.

- Và các lĩnh vực khác như CNSH Y dược, công nghệ tế bào động vật, công nghệ thực phẩm, ...

Các nghiên cứu bước đầu đã có kết quả khả quan, như:

+ Công tác sưu tập, lai tạo và nhân giống hoa lan: Trung tâm Công nghệ Sinh học đã tiến hành nhân giống các loại hoa lan, cây kiểng quý bằng phương pháp nuôi cấy mô ngập chìm, invitro,…; đến cuối năm 2010, đã cung cấp trên 400.000 cây hoa lan các loại, nhập nội 39 giống lan và sưu tập được 338 giống lan các loại. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã nhân giống được 40.000 cây lan cấy mô; vô mẫu thành công 17 giống lan rừng; lai tạo và đưa ra vườn ươm 04 cặp lai.

+ Bộ kit LAMP chẩn đoán bệnh Đốm trắng trên tôm sú và bộ kit RT-PCR chẩn đoán virus trên cây Lan do Trung tâm nghiên cứu đã đạt được giải ba của Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP. HCM năm 2010.

- Tiếp tục theo dõi các mô hình đã triển khai và chuẩn bị xây dựng một số mô hình mới tại 06 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng được 03 mô hình hoa lan, 10 mô hình canh tác rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học, nhận xét nghiệm bệnh virus (đốm trắng, còi, đầu vàng, hoại tử) cho 60 mẫu tôm.

10.- Khu nông nghiệp công nghệ cao: Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị hiện đại, sinh thái, hiệu quả, bền vững. Trong 9 tháng đầu năm 2011, đã có 03 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 01 nhà đầu tư được được ký kết hợp đồng thuê và cấp giấy quyền sử dụng đất. Tính đến nay, có 12 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 49,16 ha, chiếm 86,8% diện tích kêu gọi đầu tư và 02 dự án đang được thẩm định với tổng diện tích là 6,27 ha, chiếm 13,2% diện tích kêu gọi đầu tư. Đã có 07 nhà đầu tư vừa hoạt động, vừa triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư 452 tỷ đồng, thực hiện các chương trình cung cấp cây giống, con giống như giống lan, giống chuối, giống cá,...; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại giống cây con có năng suất và chất lượng cao.

11.- Về hoạt động tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp:

          - Tiếp tục thực hiện chương trình “Mỗi nhà nông một website”, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã bàn giao website cho 02 đơn vị, nâng tổng số website đã thiết kế và bàn giao cho các đơn vị từ khi bắt đầu thực hiện chương trình đến nay là 40 website. Hiện nay Trung tâm đang tiếp tục kiểm tra, cập nhật cơ sở dữ liệu của các website đã hoàn thiện.

- Từ đầu năm đến nay đã hoàn tất thiết kế logo, nhãn hiệu cho 10 đơn vị; lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 30 đơn vị.

          - Về hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đang chuẩn bị tổ chức Hội thi - Triển lãm Bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III – năm 2011; đang hoàn chỉnh nội dung để in ấn Cẩm nang địa chỉ đỏ các điểm sản xuất – kinh doanh rau, nấm trên địa bàn thành phố.

- Về Chương trình Nông dân hội nhập, trong tháng, Trung tâm đã phối hợp thực hiện phát sóng với 02 chủ đề “Chương trình phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015”, “Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015”, đồng thời đang phối hợp để thực hiện chủ đề “Chương trình phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015”.

Về kết quả chứng nhận VietGAP: Trong tháng, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tổ chức chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho 06 hộ sản xuất rau với tổng diện tích là 1,75 ha, sản lượng dự kiến 137 tấn/năm và tái chứng nhận cho Công ty rau mầm Hoa Hồng với diện tích 1.000 m2, sản lượng dự kiến 2,7 tấn/tháng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho 31 hộ sản xuất rau với tổng diện tích là 20,6 ha; sản lượng dự kiến 2.814 tấn/năm. Lũy kế từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đã tổ chức chứng nhận cho 87 tổ chức, cá nhân (là xã viên của 3 Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 04 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích là 59,6803 ha (ước tính tương đương 298,35 ha diện tích gieo trồng); tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 7.827 tấn/năm.

12.- Công tác quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi:

- Trong tháng 10/2011, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi tiến hành bình tuyển, lập lý lịch cho 430 con bò sữa; tính lũy kế từ đầu năm thực hiện 5.255 con (trong đó có 765 con bò sữa ở các xã nông thôn mới), đạt 87,58% kế hoạch năm và tăng 23,47% so với cùng kỳ năm 2010; lũy kế từ đầu chương trình đến nay, Trung tâm đã bình tuyển, lập lý lịch cho 67.225 con bò sữa. Nhìn chung, đàn bò sữa được bình tuyển có phẩm giống từ ≥ F3, với hơn 85% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn 10 TCN 533-2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Về kết quả đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP, đến nay Trung tâm đã tổ chức thu thập 04 đợt (gồm trên 5.400 con) số liệu đàn heo tại các xí nghiệp chăn nuôi heo quốc doanh; đã xử lý đánh giá di truyền các tính trạng của đàn heo giống 03 đợt và chuyển giao kết quả cho các trại, trên cơ sở đó các trại chăn nuôi heo sẽ ghép đôi giao phối những con có tính trạng tốt nhất nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đàn heo của trại mình.

- Về Dự án xây dựng trại trình diễn và thực nghiệm bò sữa Israel: Đã tổ chức đấu thầu các gói thầu san lấp, xây lắp và Khu chuồng trại. Đến nay, đơn vị thi công san lấp đã thực hiện xong phần diện tích xây dựng 3,8 ha, đang tiến hành san lấp khu trồng cỏ. Các nhà thầu khác cũng đang tiến hành thi công các gói thầu. Dự kiến đến cuối tháng 11/2011 sẽ tổ chức nghiệm thu gói thầu xây dựng chuồng trại.

12.- Công tác đào tạo:

- Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp tập trung công tác tuyển sinh, ổn định tình hình học tập các lớp học sinh cũ năm thứ 2 (khóa 2010 – 2012) và tập trung học sinh mới (khóa 2011 – 2013) làm thủ tục nhập học.

- Thực hiện Chương trình đào tạo lao động nông thôn phục vụ xây dựng thí điểm xã nông thôn mới, Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp đã hoàn tất Lớp Chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi (sơ cấp nghề). Kết quả có 50 học viên tốt nghiệp trên tổng số 52 học viên dự thi.

IV.- Một số nhận xét, đánh giá chung:

Nhìn chung trong 10 tháng năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác của Sở. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tiếp tục phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 10 tháng năm 2011 duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tăng 6,4% so cùng kỳ 2010, trong đó trồng trọt tăng 4,5%, chăn nuôi tăng 5,8%, lâm nghiệp tăng 4,2%, thủy sản tăng 7,8%, dịch vụ nông nghiệp tăng 11,1%, dịch vụ thủy sản tăng 11,7%. Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá như diện tích trồng rau an toàn tăng 3,7%, diện tích trồng Lan tăng 11,7%, diện tích kiểng – bonsai tăng 11,4%, diện tích hoa nền tăng 8,3%, diện tích trồng cỏ thức ăn gia súc tăng 10,3%, diện tích trồng cây ăn trái tăng 4,8%, đàn bò sữa tăng 4,7%, nuôi chim Yến lấy tổ tăng 30,3%, cá cảnh tăng 9,6%, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng 10,8%, đàn cá sấu tăng 5,1%, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,5% so cùng kỳ.

Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tiếp tục được tăng cường kiểm tra và thực hiện tốt, đặc biệt là công tác công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất tiếp tục được tăng cường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng; tuyên truyền phổ biến cho các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh công tác tiêm phòng; đồng thời duy trì việc lập chốt kiểm tra tại các điểm nóng, tăng cường hiệu quả hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành. Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm các loại nông sản nhập vào thành phố. Tuy nhiên hiện nay, tình hình vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ các tỉnh về thành phố trên các phương tiện xe khách, không qua kiểm dịch có chiều hướng gia tăng; một số đối tượng tái phạm nhiều lần. Qua các vụ việc phát hiện thời gian vừa qua, tang vật vi phạm đã biến chất, điều kiện bảo quản không đảm bảo, do đó nếu không tập trung kiểm tra xử lý triệt để thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ rất cao. Vì vậy, các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các quận, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở chế biến hoạt động mang tính chất mùa vụ, không có thương hiệu; các cơ sở chế biến mỡ nước; các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp nhằm cắt nguồn tiêu thụ các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tập trung thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống lụt, bão, triều cường; tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, diễn biến triều cường được theo dõi và dự báo thường xuyên chặt chẽ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng và ứng phó; tổ chức trực ban 24/24 giờ để cảnh báo, ứng phó, phòng tránh tại các điểm xung yếu khi xảy ra áp thấp nhiệt đới, bão, triều cường,...

Trong 10 tháng năm 2011, tình hình rừng trên địa bàn thành phố ổn định, hoạt động bảo vệ rừng được duy trì thường xuyên; có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng trên toàn địa bàn nên đạt hiệu quả cao trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của các chủ đầu tư và chính quyền các địa phương, tình hình triển khai thực hiện các dự án tương đối tốt; tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án chưa được giải quyết triệt để làm kéo dài thời gian thi công và làm chậm tiến độ hoàn thành dự án. Dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam, Bắc rạch Tra) và Dự án Nạo vét, cải tạo rạch Cầu Sa đã thi công cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ hoàn chỉnh dự án trong năm 2011 sau khi các địa phương (quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi) bàn giao đầy đủ mặt bằng thi công. Đối với Dự án Công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn – Quận 12, tiến độ giải ngân chậm mặc dù UNBD thành phố đã nhiều lần chỉ đạo; Chủ đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thành phố điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên theo tiến độ giải phóng mặt bằng đã được Thành phố chỉ đạo cho các quận, huyện.

V.- Chương trình công tác tháng 11 năm 2011:

Trong tháng 11 năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tập trung chỉ đạo điều hành một số mặt công tác chính sau đây:

1.- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất nhằm thực hiện tốt Đề án xây dựng nông thôn mới tại 06 xã thí điểm và hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới tại 22 xã mới.

2.- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21/01/2011) thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011.

3.- Tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015.

4.- Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 29/2011/ CT-UBND ngày 29/8/2011 về tăng cường các biện pháp để quản lý, bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản, động vật hoang dã và phòng cháy, chữa cháy rừng.

5.- Tiếp tục tổ chức, thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình mục tiêu; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị nhằm thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố; phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015; chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản ...

6.- Tiếp tục triển khai các chương trình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến nông 3 giảm, chương trình khuyến nông xóa đói giảm nghèo.

7.- Chỉ đạo sản xuất Vụ Mùa năm 2011 theo tiến độ, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố; nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

8.- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; đặc biệt tiến độ xây dựng dự án Trung tâm Công nghệ Sinh học.

9.- Đoàn Thanh niên Sở phối hợp với Đoàn Chi cục Thú y, Đoàn Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và các đơn vị thuộc Sở tiếp tục triển khai kế hoạch hưởng ứng “Năm Thanh niên”, tập trung vào các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới: trồng cây xanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn xử lý nước đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.

Số lượt người xem: 8124    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm