SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
4
9
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Tám 2006 8:30:00 CH

Thông tin tuần từ 31/072006 đến 07/08/2006

-

   

1/ Công tác chỉ đạo điều hành tập trung:

Trong tuần qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tập trung chỉ đạo điều hành các mặt công tác sau đây:

- Chỉ đạo tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 97/2006/QĐ-UBND ngày 10/7/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17/7/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010.

- Chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2006.

- Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi.

- Chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố.

2/ Tình hình sản xuất nông nghiệp:

2.1/ Trồng trọt:

      2.1.1/ Tiến độ sản xuất vụ Hè Thu 2006:

- Lúa: Tổng diện tích lúa đã sạ, cấy là 7.171 ha, đạt 93,61% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích lúa đang trỗ là 4.910 ha, chiếm 68,46% tổng diện tích; diện tích lúa đang làm đòng là 58 ha, chiếm 0,81% tổng diện tích; đến nay đã thu hoạch 2.049 ha, chiếm 28,57% tổng diện tích.

Cơ cấu giống lúa: Ước có trên 30 giống lúa đã được nông dân gieo trồng trong vụ Hè Thu, trong đó chỉ có 04 giống lúa có diện tích gieo trồng trên 10% (giống Trâu nằm chiếm 24,4%; OM 1490 chiếm 14,41%; OM 35-36 chiếm 12,22%; IR56279 chiếm 10,4%).

- Rau: Diện tích đã gieo trồng là 3.296 ha, đạt 111% so cùng kỳ năm trước; trong đó, rau an toàn đạt 1.799 ha.

- Bắp 16 ha, đậu phộng 40 ha, đến nay đã thu hoạch xong.

      2.1.2/ Tiến độ sản xuất vụ Mùa 2006:

- Mạ Mùa: Diện tích mạ Mùa thực hiện từ đầu vụ đến nay đạt 648 ha.

- Lúa Mùa đã cấy: Trong tuần thực hiện 557,2 ha, cộng dồn từ đầu vụ 969,2 ha, đạt 91,60% so với cùng kỳ năm trước.

- Rau vụ Mùa: Tính đến nay, diện tích đã thực hiện là 882 ha.

      2.1.2/ Tình hình sinh vật hại cây trồng:

   Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diễn biến tình hình sinh vật hại cây trồng trên địa bàn thành phố trong tuần qua như sau:   

a/ Trên lúa:

- So với tuần trước, diện tích lúa Hè Thu nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít hôi tăng cao hơn; ngoài ra, các sinh vật gây hại khác đều nhiễm thấp hơn so với tuần trước.

- So với cùng kỳ năm trước, tổng diện tích lúa nhiễm sinh vật gây hại tăng cao hơn; riêng diện tích lúa nhiễm rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đốm vằn và ốc bươu vàng tăng cao hơn khá nhiều.

Diện tích lúa nhiễm rầy nâu là 1.284,7 ha, trong đó, lúa Hè Thu 1.124 ha, mạ Mùa 157,2 ha và lúa Mùa 3,5 ha. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã xuất hiện rải rác trên lúa Hè Thu giai đoạn trỗ đòng, tuy nhiên mức độ gây hại không đáng kể.

Ngày 04/08/2006, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã có công văn số 1025/SNN-NN gởi Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất lúa về việc phòng trừ rầy nâu và bệnh gây hại lúa Hè Thu và lúa vụ Mùa năm 2006, trong đó nhấn mạnh:

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất lúa chỉ đạo tổ chức triển khai đợt phòng trừ rầy nâu hại lúa tháng 8, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin địa phương về tình hình rầy nâu, các bệnh do rầy nâu làm môi giới, các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật, vận động nông dân kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ rầy nâu khi có mật số cao, nhổ và tiêu hủy khi phát hiện có triệu chứng nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa.

 - Đề nghị Hội Nông dân thành phố, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ thành phố triển khai thông tin tình hình rầy nâu và nguy cơ bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa trên lúa Mùa và lúa Đông Xuân, vận động nông dân tích cực phòng trị theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

- Giao Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức theo dõi kiểm tra, hướng dẫn nông dân địa phương phòng trừ rầy nâu, các bệnh do rầy nâu làm môi giới.

- Chi cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng giống, phòng trừ sâu bệnh, tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin (Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Báo Nông nghiệp, Đài Truyền thanh quận, huyện,…).

b/ Trên rau:

So với tuần trước, diện tích rau nhiễm các sinh vật gây hại thấp hơn, riêng bệnh rỉ trắng trên rau muống và bệnh thán thư trên cây ớt tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, do có biện pháp phòng trị kịp thời nên không có diện tích nhiễm trung bình và nhiễm nặng.

Trong tháng 7/2006, các sinh vật gây hại như sâu xanh, sâu ăn tạp, bọ nhảy, dòi đục lá, sâu tơ, bệnh phấn vàng, bệnh vàng lá, đốm lá,… chỉ gây hại ở mức độ nhẹ. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng các biện pháp phòng trị kịp thời nên không có diện tích bị nhiễm nặng; riêng bệnh rỉ trắng và chết dây tăng cao hơn do trong thời gian qua lượng mưa ít, thời tiết nắng nóng.

      2.1.3/ Tình hình sản xuất rau muống nước:

     Theo kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện trạng diện tích sản xuất rau muống nước tính đến ngày 31/7/2006 là 490,42 ha, giảm 19,61 ha so với năm 2002. Hiện trạng diện tích sản xuất rau muống nước năm 2006 so với năm 2002 của phần lớn các quận, huyện đều giảm: giảm mạnh nhất là quận Thủ Đức (113,83 ha), kế đến là quận 12 (30,85 ha), huyện Bình Chánh (21,20 ha), Nhà Bè (12,40 ha), Bình Tân (8,18 ha). Tuy nhiên, diện tích sản xuất rau muống nước tại huyện Củ Chi và Hóc Môn lại tăng; đặc biệt huyện Củ Chi tăng rất nhanh, năm 2002 chỉ có 2,50 ha thì đến tháng 6 năm 2006 lên đến 142,17 ha, tập trung chủ yếu tại xã Bình Mỹ (138,17 ha). Sở dĩ diện tích rau muống nước tại Củ Chi tăng đột biến là do có chủ trương của Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố và UBND huyện Củ Chi trong việc mở rộng và đẩy mạnh phát triển rau muống nước an toàn tại xã Bình Mỹ. Riêng huyện Hóc Môn tăng 43,36 ha, trong đó xã Nhị Bình trồng mới 40 ha (chuyển từ lúa nước sang) và phường Thạnh Xuân - quận 12 tăng 19,90 ha do dân trồng tự phát.

2.2/ Tình hình chăn nuôi:

2.2.1/ Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm:

Trong nửa tháng qua, tình hình dịch cúm gia cầm đã tái phát tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Lào. Ở tỉnh Tây Ninh, Trung tâm Thú y Vùng thành phố Hồ Chí Minh đã có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính virus cúm gia cầm đối với các mẫu xét nghiệm 02 đàn vịt tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng. Trước tình hình trên, Chi cục Thú y đã đưa ra nhiều biện pháp thực hiện, cụ thể như sau:

- Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; tăng cường lấy mẫu giám sát đàn gia cầm, đặc biệt lưu ý đàn thủy cầm nhập từ các tỉnh.

- Thanh tra Thú y phối hợp với các Trạm Thú y quận, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ gia cầm; giải quyết triệt để các điểm kinh doanh gia cầm sống, xử lý kiên quyết các cơ sở không đảm bảo thực hiện quy trình, kinh doanh trứng không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch,….

2.2.2/ Công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng trên gia súc:

Trong tuần đã ghi nhận 02 trường hợp gia súc có triệu chứng nhiễm bệnh lở mồm long móng (03 con heo tại cơ sở giết mổ Sơn Vàng, Thị trấn Nhà Bè, thuộc lô hàng có giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cấp).

2.2.3/ Tình hình chăn nuôi gia súc:

          Theo báo cáo của Chi cục Thú y, tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố tính đến ngày 02/8/2006 như sau:

a/ Heo: Tổng đàn kiểm tra đạt 364.077 con, trong đó có 226.560 con heo thịt, cụ thể như sau:

- Quốc doanh: 32.096 con (gồm: Xí nghiệp Gò Sao 9.055 con, Xí nghiệp Đồng Hiệp 11.773 con, Trại Tân Trung 3.920 con, Xí nghiệp Giống cấp I 3.507 con, Xí nghiệp Phước Long 3.841 con); trong đó, số lượng heo thịt là 7.422 con.

- Nuôi tại hộ dân: 331.981 con, trong đó, số lượng heo thịt là 219.138 con; số hộ chăn nuôi là 15.499 hộ.

b/ Trâu bò: Tổng đàn kiểm tra đạt 103.602 con, gồm 4.598 con trâu, 99.005 con bò (trong đó có 56.745 con bò sữa, 40.696 con bò lai Sind và bò ta, 1.564 con bò thịt), cụ thể như sau:

- Quốc doanh: 3.442 con bò (gồm: Trại Tân Thắng 120 con bò, Trại An Phú 3.239 con bò, Trại Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi 83 con bò); trong đó, số lượng bò sữa là 945 con, bò lai Sind và bò ta 933 con, bò thịt 1.564 con.

- Nuôi tại hộ dân: 99.706 con, trong đó có 4.597 con trâu, 95.109 con bò (gồm: bò sữa 55.346 con, bò lai Sind và bò ta 39.763 con); số hộ chăn nuôi là 20.238 hộ.

- Xí nghiệp Delta: 454 con bò sữa và 01 con trâu.

c/ Dê: Tổng đàn 6.478 con, trong đó:

- Quốc doanh: 2.166 con (Trại An Phú).

- Nuôi tại hộ dân: 4.312 con (phân bố tại các quận 2, 8, 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè).

d/ Cừu: Tổng đàn 202 con, được nuôi tại các hộ dân (quận Thủ Đức, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè).

e/ Thỏ: Tổng đàn 22.897 con, được nuôi tại các hộ dân (thuộc địa bàn các quận 2, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh).

3/ Các hoạt động chuyên ngành:

3.1/ Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y:

-   Hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trong tuần qua như sau:

+ Số lượng kiểm soát giết mổ heo trong tuần :56.859 con.

+ Số lượng kiểm soát giết mổ trâu bò trong tuần:307 con.

+ Số lượng kiểm soát giết mổ dê trong tuần :180 con.

+ Số lượng kiểm soát giết mổ gia cầm trong tuần:320.403 con.

+ Tiêu độc sát trùng : 50.837 m2

-  Trong tuần, Chi cục Thú y đã xử phạt vi phạm hành chính 215 trường hợp với tổng số tiền phạt là 39.140.000 đồng.

3.2/ Hoạt động kiểm lâm:

- Tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 139 lượt người; cung cấp 12 văn bản quy phạm pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh lâm sản.

- Tổ chức 20 lượt tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện và lập biên bản 01 trường hợp cây rừng bị sâu bệnh tại tiểu khu 5a, thiệt hại 39 cây đước.

- Kiểm tra 32 cơ sở sản xuất chế biến lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã; kiểm tra nhập khẩu 7.857,477 m3 gỗ, gồm 4.373,383 m3 gỗ tròn, 3.313,791 m3 gỗ xẻ; đóng búa kiểm lâm 4.373,383 m3.

- Lập 02 biên bản vi phạm hành chính về vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép; tạm giữ 2,17 m3 gỗ xẻ quý hiếm, 430 cây chà là, 01 ghe máy, 01 búa. Xử phạt 03 trường hợp vi phạm về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; thu nộp ngân sách 11.864.000 đồng.

3.3/ Công tác phát triển lâm nghiệp:

     - Công tác gieo ươm giống cây trồng phân tán: Đến nay đã nghiệm thu đủ tiêu chuẩn xuất vườn số lượng 320.000 cây, đạt 100% kế hoạch năm 2006. Số lượng đã xuất cho các cơ quan, đơn vị trồng cây phân tán là 168.685 cây.

- Chuẩn bị kế hoạch sản xuất để cung cấp cây trồng phân tán, tạo bóng mát cho các Trung tâm bảo trợ thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 3632/VP-CNN ngày 14/7/2006.

3.4/ Hoạt động quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi:

- Bình tuyển giống bò sữa: 447 con (lũy kế từ đầu năm 4.476 con, đạt 74,6% kế hoạch năm 2006).

- Theo dõi năng suất bò sữa cao sản: 10 con (lũy kế từ đầu năm 397 con, đạt 99,25% kế hoạch năm 2006).

- Đánh giá đời sau bê con: 05 con (lũy kế từ đầu năm 574 con, đạt 57,4% kế hoạch năm 2006).

- Báo cáo kết quả điều tra dự án bò sữa Tân Thạnh Đông kế hoạch triển khai thực hiện của dự án.

3.5/ Hoạt động tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp:

- Phối hợp với Trường Trung học kỹ thuật nông nghiệp và Tập đoàn Yoon Joong - Hàn Quốc tổ chức hội thảo “ Selenium và nấm Linh chi”.

- Khảo sát các hợp tác xã sản xuất rau an toàn về nhu cầu đầu tư nhà mát, kho sơ chế, bảo quản.

Theo báo cáo của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lượng nông sản được đưa vào hệ thống Siêu thị Metro trong tuần qua trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và Metro Cash & Carry Việt Nam nhằm hỗ trợ chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 – 2010 như sau:

- Các mặt hàng rau cải: Nguồn cung cấp chủ yếu của Hợp tác xã nông nghiệp Ngã Ba Giòng, gồm dưa leo 50 kg/ngày (giá 5.500 đ/kg), bầu 30 kg/ngày (giá 5.500 đ/kg, bí xanh 30 kg/ngày (giá 6.500 đ/kg), cải 30 kg/ngày (giá 4.000 đ/kg), khổ qua 30 kg/ngày (giá 7.000 đ/kg), cà tím 20 kg/ngày (giá 6.000 đ/kg), mướp khía 10 kg/ngày (giá 4.500 đ/kg), bông thiên lý 10 kg/ngày (giá 30.000 đ/kg), dền 20 kg/ngày (giá 5.000 đ/kg).

- Rau mầm: Nguồn cung cấp chủ yếu của hộ sản xuất Quách Vĩnh Tấn trung bình 15 kg/ngày, giá 20.000 đ/kg.

3.6/ Hoạt động quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Kiểm dịch xuất khẩu: Động vật thủy sản 21.178 kg, sản phẩm động vật thủy sản 3.389 kg, cá cảnh 6.850 con.

- Kiểm dịch nhập khẩu: Tôm hùm giống 402 con, tôm càng xanh giống 280.000 con, cá mú giống 4.010 con, cá còm giống 800.000 con.

- Kiểm tra chất lượng hàng hóa chuyên ngành thủy sản: Thức ăn viên 991.500 kg, thức ăn bổ sung cho tôm 4.165 kg, thức ăn khác 160.920 kg, bột gan mực 144.860 kg, dầu gan mực và dầu cá 218.317 kg, bột cá 568.916 kg, nguyên liệu khác 278.400 kg, thuốc thú y thủy sản 17.670 kg, chế phẩm sinh học 600 kg, hóa chất 378.532 kg.

- Kiểm tra định kỳ 12 tàu.

3.7/ Công tác phát triển nông thôn:

          - Làm việc với Hội nông dân phường An Phú Đông về việc thành lập hợp tác xã chăn nuôi thỏ.

- Xây dựng kế hoạch triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại thành phố giai đoạn 2006-2010.

- Phối hợp với Hội Nông dân thành phố hoàn chỉnh kế hoạch Hội thi “Nhà nông đua tài” năm 2006.

3.8/ Hoạt động khuyến nông:

-     Tổ chức 05 lớp tập huấn theo quy trình về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho nông dân huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn; kỹ thuật trồng rau muống nước cho nông dân quận 12, quận Gò Vấp; kỹ thuật trồng Bonsai tiểu cảnh cho nông dân quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Bình Tân; biện pháp xử lý ô nhiễm chất thải trong chăn nuôi tại phường Thới An, quận 12.

-   Tổ chức 03 cuộc tham quan mô hình Tổ hợp tác nuôi tôm sú ở xã Tam Thôn Hiệp, mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã Bình Khánh cho nông dân huyện Cần Giờ; mô hình nuôi cá thát lác ở Cần Thơ cho nông dân quận 8, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

-  Kiểm tra mô hình trồng rau gia vị, ớt, rau muống nước ở huyện Củ Chi.

4/ Tình hình giá cả thị trường nông sản:

4.1/ Ngành trồng trọt:

          4.1.1/ Rau: Giá cả một số mặt hàng rau quả tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân, huyện Hóc Môn so với tuần trước như sau:

- Rau ăn lá: Xà lách son 2.000 đ/kg (giảm 500 đ/kg), bông cải trắng 7.500 đ/kg (giảm 300 đ/kg), bắp cải 3.200 đ/kg (tăng 600 đ/kg); xà lách búp, cải thảo giá không đổi so với tuần trước.

- Rau củ quả: Khoai lang 2.500 đ/kg (tăng 500 đ/kg), khoai mỡ 5.600 đ/kg (tăng 400 đ/kg), su hào 2.000 đ/kg (tăng 300 đ/kg), đậu côve 4.800 đ/kg (tăng 800 đ/kg), cà rốt 5.000 đ/kg (giảm 500 đ/kg), củ cải trắng 1.000 đ/kg (giảm 200 đ/kg), su hào 1.500 đ/kg (giảm 300 đ/kg), bí đao 2.200 đ/kg (giảm 800 đ/kg), cà chua 3.800 đ/kg (giảm 400đ/kg), đậu Hà Lan 16.000 đ/kg (giảm 2.000 đ/kg), cà tím 2.500 đ/kg (giảm 500 đ/kg), dưa leo 2.200 đ/kg (giảm 800 đ/kg), khổ qua 2.800 đ/kg (giảm 1.200 đ/kg); khoai tây, đậu đũa giá không đổi so với tuần trước.

          4.1.2. Trái cây:

Giá nhiều loại trái cây trong tuần nhìn chung giảm giá so với tuần trước, cụ thể như bưởi 5 roi 4.500 đ/kg (giảm 3.500 đ/kg), bưởi long 3.800 đ/kg (giảm 2.200 đ/kg), nhãn 4.000 đ/kg (giảm 200 đ/kg), xoài 7.300 đ/kg (giảm 1.700 đ/kg). Ngược lại, có một số mặt hàng tăng giá như cam sành 16.000 đ/kg (tăng 1.000 đ/kg), chôm chôm 2.000 đ/kg (tăng 200 đ/kg), đu đủ 3.000 đ/kg (tăng 1.000 đ/kg), mãng cầu 12.000 đ/kg (tăng 2.000 đ/kg), sầu riêng 18.000 đ/kg (tăng 4.000 đ/kg), thanh long 2.800 đ/kg (tăng 1.000 đ/kg), thơm 2.000 đ/kg (tăng 200 đ/kg); riêng dưa hấu, quýt đường có giá không đổi so với tuần trước.

4.2/ Ngành chăn nuôi:

Giá cả một số mặt hàng tại chợ An Lạc, huyện Bình Chánh như sau:

- Lượng thịt heo về chợ bình quân 111 tấn/ngày, giảm 12 tấn/ngày so với tuần trước. Giá thịt heo, thịt bò không thay đổi so với tuần trước: Thịt heo hơi 17.000 đ/kg, thịt heo đùi 33.000 đ/kg, thịt bò thăn 85.000 đ/kg, thịt bò bắp 58.000 đ/kg. Cá lóc giá 28.000 đ/kg (giá không đổi so với tuần trước).

- Trứng vịt 1.400 đ/trứng , trứng gà công nghiệp 1.400 đ/trứng (giá không đổi so với tuần trước).


Số lượt người xem: 3634    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm