SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
8
9
3
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 29 Tháng Chín 2006 9:45:00 SA

Công điện khẩn của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh

Công điện khẩn Số: 01 CĐ/PCLB, hồi 09h30, ngày 29-9-2006 của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh điện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các sở, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
 
 

 

Theo thông tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hồi 04 giờ sáng nay (ngày 29-9-2006), vị trí tâm bão số 6 (Xangsane) ở trong khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 117,6 độ kinh đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh trên cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh trên cấp 12. Biển động dữ dội. Ngoài ra, do tác động của hoàn lưu bão, khu vực phía Nam biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió Tây Nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh, trong cơn giông cần đề phòng tố lốc.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ Thủy sản, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đề nghị:

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ triển khai các biện pháp bảo vệ tàu thuyền, ngư dân; thông báo cho ngư dân, tàu thuyền ở ngoài khơi tìm nơi trú ẩn và neo đậu an toàn. Quản lý chặt chẽ các khu vực cửa sông, cửa biển, không cho các tàu thuyền khác ra khơi, bố trí các điểm neo đậu an toàn cho các tàu thuyền; không để dân ngủ lại trong các chòi canh thủy sản và trong các tàu thuyền sau khi đã neo đậu. Phối hợp kiểm tra và báo cáo số lượng tàu thuyền, ngư dân ra khơi, về bờ và trú bão về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố triển khai các phương án, kế hoạch cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị lực lượng xung kích, phương tiện sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

3. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải bảo đảm hệ thống thông tin hoạt động tốt, liên tục, tiếp nhận và thông báo kịp thời thông tin về bão và các chỉ  đạo của  Trung ương và Thành phố. Thông báo các tần số liên lạc cho các tàu thuyền, đảm bảo thông tin và hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, kể cả các tàu thuyền của tỉnh bạn. Thường xuyên thông tin cho ngư dân, kể cả cho thân nhân của ngư dân để biết tin tức về sự an toàn của thân nhân trên các tàu thuyền.

4. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, xã Thạnh An và các xã ven biển chủ động vận dụng phối hợp các lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương án diễn tập ngày 15-9-2006.

5. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè lưu ý kiểm tra, gia cố bờ bao, bờ kè để đảm bảo an toàn cho công trình và nuôi trồng thủy sản; đồng thời có kế hoạch di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Các quận, huyện ven sông lớn đề phòng các tình huống bất lợi do sóng to, gió lớn, nước dâng.

6. Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Hóc Môn trong trường hợp có ảnh hưởng của bão, mưa to kết hợp xả lũ hồ Dầu Tiếng phải kiểm tra các bờ bao kênh Thầy Cai, An Hạ, Rạch Tra; đặc biệt là khu xử lý rác Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi để có biện pháp ứng phó kịp thời.

7. Thực hiện Chỉ thị số 18/2006/CT-UBND ngày 18-5-2006, Văn bản số 6927/UBND-CNN ngày 21-9-2006 của Ủy ban nhân dân thành phố, đề nghị:

-   Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống bờ bao và các công trình thủy lợi thuộc địa bàn quản lý của địa phương; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành gia cố, nâng cấp các đoạn bờ bao và các công trình thủy lợi xung yếu không đảm bảo đối phó trong các đợt mưa lũ và triều cường sắp tới.

-   Công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Công chính thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chỉ giới đường sông, lấn chiếm, khai thác cát và neo đậu các phương tiện giao thông thủy trái phép làm hư hỏng bờ bao, sạt lở bờ sông, bồi lắng dòng chảy, cản trở đường tiêu thoát; đặc biệt trên tuyến kênh Thầy Cai thuộc địa bàn huyện Củ Chi, là trục tiêu thoát lũ chính từ phía thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông.

        8. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức trực ban liên tục 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do ảnh hưởng của bão, mưa to, triều cao và ứng cứu kịp thời khi cần thiết. Báo cáo kịp thời mọi tình huống về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.

                                                         KT. TRƯỞNG BAN

                                                 PHÓ BAN THƯỜNG TRỰC

 

                                                              (đã ký)

 

                                                      Nguyễn Phước Thảo


Số lượt người xem: 5682    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm